song
Nhà báo Hương Giang: “Nếu chọn lại tôi vẫn chọn nghề báo”
Ngày xuất bản: 03/02/2022 12:00:00 SA
Lượt đọc: 8670

 Một trưa cuối mùa đông, tranh thủ thời gian nghỉ ngơi tôi được dành một chút thời gian để trò chuyện với chị - nhà báo Hương Giang, Trưởng phòng Biên tập, Đài Phát thanh – Truyền hình Yên Bái về nghề báo – nghề mà chị đã gắn bó 20 năm qua, để thấy những vất vả, áp lực rất riêng của những người làm báo phát thanh, truyền hình.

Nhà báo Hương Giang

Nghề báo không phải là lựa chọn từ đầu, bởi từ nhỏ chị ước mơ được làm cô giáo, thế rồi cái duyên đưa đẩy thế nào mà giờ nghề báo lại trở thành niềm đam mê ngày càng lớn trong chị. Nhớ lại ngày còn nhỏ không biết bao lần chị theo bố vào Đài Phát thanh – Truyền hình Yên Bái chơi, lúc đó bố chị phụ trách kĩ thuật, được gặp gỡ rất nhiều cô chú nhà Đài nhưng chị chưa từng nghĩ mình sẽ làm nghề báo. Rồi chị thi đỗ vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chuyên ngành Xã hội học, nhưng trong quá trình học, chị thấy Xã hội học có rất nhiều đề tài hay trong đời sống xã hội, gần gũi với báo chí và đã có những bài báo khoa học có giá trị rất lớn khi đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề trong thực tiễn. Từ năm thứ 3, trên cơ sở những đề tài xã hội của mình chị đã có những bài viết được đăng trên các báo Tuổi trẻ, Sinh viên và Hoa học trò, từ đó chị bắt đầu quan tâm và nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà báo.

Ra trường chị được đầu quân về Đài Phát thanh – Truyền hình Yên Bái, khó khăn bắt đầu từ những chuyến đi cơ sở, chưa từng nghĩ đi tác nghiệp ở vùng cao lại nhiều khó khăn như thế, làm thế nào để lấy được thông tin, tư liệu? làm thế nào để viết bài ngắn gọn nhưng lại đầy đủ và đạt được hiệu quả… là những câu hỏi luôn đặt ra với chị, ngẫm lại câu nói “Nghề báo chỉ cần đam mê thôi chưa đủ” chị thấy thật đúng, có lúc chị đã nản, được bố động viên “Không phải ai sinh ra đã giỏi, nếu thực sự nỗ lực, cố gắng và đam mê thì mọi việc sẽ thành công”, cùng với đó là rất nhiều sự giúp đỡ, chia sẻ của các cô chú, anh chị trong phòng, nhất là chị Thanh Thủy, giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Yên Bái lúc đó là Trưởng phòng Phát thanh, đó chính là động lực để chị không bỏ cuộc và tiếp tục nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê với nghề báo.

Nhà báo Hương Giang nhận Giải C Giải Báo chí Quốc gia năm 2017

Chị bắt đầu hứng thú với các chuyến đến bản làng vùng cao ở Trạm Tấu và Mù Cang Chải đề tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống của người dân, với chị đó là khoảng thời gian quý giá để tích lũy kinh nghiệm của nghề. Sau 7 năm làm phóng viên, chị chuyển về phòng Biên tập, để có cơ hội được học đúng chuyên ngành từ đó tích lũy thêm nhiều kiến thức đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công việc, khi vừa sinh em bé thứ 2 được hai tuổi, chị quyết tâm gửi con về cho ông bà ngoại rồi hàng tuần về Hà Nội học Cao học chuyên ngành báo chí.

Không còn được lăn lộn với các chuyến đi thực tế, nhưng làm biên tập lại có cơ hội tiếp cận với nhiều cách viết khác nhau của các đồng nghiệp, điều đó cũng giúp chị học hỏi được nhiều điều. Không ít lần chị đã rơi nước mắt khi xem những phóng sự của đồng nghiệp kể về những mảnh đời bất hạnh khi bị bán sang Trung Quốc làm thuê rồi bị đánh đập dã man, hay phóng sự về những đứa trẻ vùng cao mới 5 – 7 tuổi đã phải sống cảnh mồ côi, một mình bươn chải cuộc sống do bố mẹ buôn bán ma túy phải vào tù. Qua những tác phẩm đó đã gợi cho chị rất nhiều suy nghĩ từ đó phát hiện rất nhiều đề tài hay rồi chị cùng với đồng nghiệp trong phòng thực hiện nhiều tác phẩm đạt giải thưởng cao như “Bản vắng mẹ” đạt Giải C giải Báo chí quốc gia năm 2017 và Giải Vàng Liên hoan phát thanh toàn quốc năm 2018; Tác phẩm “Khi tình yêu biến thành thù hận” đạt giải khuyến khích, Giải báo chí quốc gia năm 2019 và đạt Giải Bạc Liên Hoan phát thanh toàn quốc năm 2020.

Nhà báo Hương Giang chia sẻ: “Ai cũng nói nghề báo nhọc nhằn song cũng đầy vinh quang. Điều đó là đúng nhưng mình nghĩ vinh quang chỉ đến với những người thực sự đam mê và dấn thân với nghề. Bởi không có con đường nào bằng phẳng và dễ dàng, chỉ khi chúng ta thực sự nỗ lực, cố gắng và luôn mang trong mình ngọn lửa đam mê thì mới thành công”.

Bà Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh chúc mừng nhóm tác giải đạt Giải C Giải Báo chí Quốc gia năm 2017

Biên tập viên gần như là khâu cuối cùng của sản phẩm báo chí nên giờ giấc gò bó và chịu rất nhiều áp lực, không những vậy còn đòi hỏi trình độ chuyên môn chắc, đức tính cẩn thận, kiên trì và kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh để không sai sót về chinh trị, đảm bảo nội dung, đặc biệt vào những ngày có nhiều sự kiện quan trọng, lại diễn ra muộn như sự kiện Đại hội Đảng, Bầu cử hoặc đột xuất như lũ quét thì lúc nào cũng “căng như dây đàn”, khi nào chương trình lên sóng đúng giờ, không có sai sót thì chị mới “thở phào” nhẹ nhõm.

Không chỉ đảm nhận công việc biên tập truyền hình, duyệt tất cả các chương trình phòng Biên tập thực hiện và làm công tác quản lý, nhà báo Hương Giang còn được giao phụ trách nội dung Trang Web của Đài để góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Đặc biệt từ khi dịch bệnh COVID – 19 bùng phát đến nay thì áp lực công việc ngày càng tăng, mọi tin tức phản ảnh về tình hình dịch bệnh COVID – 19 phải được cập nhật, phát sóng kịp thời, nhanh nhất trên các hạ tầng truyền dẫn phát sóng nên chị hầu như không có thời gian nghỉ, làm việc đến 11 – 12 giờ đêm là chuyện bình thường.

Chọn nghề báo là đã gánh lên vai gánh nặng gấp đôi: ở một đầu là áp lực công việc, là trách nhiệm đói với khán thính giả, với xã hội, còn đầu kia là gia đình riêng, trách nhiệm nuôi dạy con cái… Với nhà báo Hương Giang, khi đã yêu nghề thì khó khăn mấy cũng cố gắng sống với nghề. Tròn 20 năm gắn bó với nghề, chị càng hiểu rằng, chính sự vất vả, áp lực của nghề lại đem đến cho chị những trải nghiệm luôn mới mà không phải nghề nào cũng có. 

Thùy Linh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải