song
Nhà văn, nhà báo Hoàng Việt Quân: Đi và viết là nguồn cảm hứng bất tận
Ngày xuất bản: 25/12/2020 12:00:00 SA
Lượt đọc: 11879

Trò chuyện với nhà báo, nhà văn Hoàng Việt Quân trong một không gian đầy sách, ông giới thiệu và tận tình giải thích với tôi tất cả những cuốn sách mà ông đã xuất bản. Điều hiếm thấy là khi nói về bất cứ nội dung gì ông cũng đều tìm được rất nhanh và chính xác giữa những vô số cuốn sách, tạp chí trên giá sách. Ông cẩn thận ghi chép lại thể loại, nhà xuất bản, kích thước và tổng số trang của từng cuốn, nhất là bản tổng hợp các bài báo, câu chuyện được in trên các số báo, tạp chí từ những năm 1982 đến giờ. Chính từ những ghi chép đó, hình ảnh về một nhà báo, nhà văn Hoàng Việt Quân được hiện lên đầy đủ, sáng rõ.

Nổi tiếng học giỏi và yêu văn chương từ nhỏ, lớn lên Hoàng Việt Quân chọn học Khoa Ngữ văn trường Đại học sư phạm Việt Bắc khóa 3 (1968 – 1972). Tháng 5/1972 đang học năm cuối, Hoàng Việt Quân lên đường nhập ngũ, tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được biên chế vào Tiểu đoàn sinh viên mang phiên hiệu 1040. Vào chiến trường ông được biên chế vào Trung đoàn 230, Cục Hậu cần Quân khu 5, làm chiến sĩ vận tải đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh. Chiến tranh kết thúc, ông về trường Cao đẳng Sư phạm Việt Bắc, rồi chuyển về Trường Sư phạm Lào Cai năm 1976. Năm 1979 ông được điều chuyển về dạy tại Trường Sư phạm I Nghĩa Lộ, rồi trường Bổ túc công nông tỉnh, sau đó là Trường Cấp 3B, nay là Trường THPT Lý Thường Kiệt. Năm 1992, ông chuyển về Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, làm biên tập viên, phóng viên, rồi làm Phó chủ tịch Hội, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Yên Bái. Những ngã rẽ cuộc đời, những vùng đất mà ông từng công tác chính là nguồn tư liệu quý giá cho nghề viết của ông.

Nhà văn, nhà báo Hoàng Việt Quân

Hoàng Việt Quân viết từ khá sớm, từ năm 1970 khi là sinh viên, trong chuyến đi thực tế đầu tiên ở Cao Bằng ông đã bắt đầu sưu tầm những câu chuyện viết về Bác Hồ, ông kỹ càng tìm hiểu, ghi chép cẩn thận và sau này viết thành sách. Những ghi chép này được Nhà xuất bản phụ nữ xuất bản thành tập sách “Người ở nguồn” năm 1995 - đây là cuốn sách đầu tiên viết về Bác Hồ ở Pắc Bó.

Những năm tháng ở chiến trường, ông cũng cần mẫn ghi chép lại những kỷ niệm máu thịt của mình và đồng đội, sau này ông cho ra đời tập kịch ngắn “Bài ca Trường Sơn”, truyện ngắn “Chuyện tình trên đỉnh Lò Xo”...

Từ khi chuyển về công tác tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái, ông chính thức trở thành một người viết chuyên nghiệp, nơi đây chính là mảnh đất để những cảm xúc luôn như ngọn lửa rừng rực cháy, ông đi và viết, cần mẫn tìm hiểu và ghi chép. Trong những chuyến đi, đến bất kỳ nơi nào bên cạnh việc khai thác thông tin về tình hình kinh tế, xã hội hiện tại, ông luôn khai thác kỹ về lịch sử địa danh, văn hóa dân gian, phong tục tập quán, những câu chuyện về ngày hôm qua của vùng đất đó. Trong mỗi bài viết của ông luôn có sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại, vì vậy nhiều tác phẩm của ông trở thành nguồn tư liệu quý cho nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác.

Ông kể câu chuyện khi viết bài kỷ niệm ngày thành lập ngành tài chính năm 1993, ông chọn viết về cây sơn tra và chè Suối Giàng. Khi viết về cây chè, để tìm hiểu về nguyên nhân tại sao ngay từ những năm 1960 nhà nước đã đầu tư xây dựng nhà máy chè ở Nghĩa Lộ, mà đến giờ cây chè lại bị bỏ quên, không được đầu tư phát triển. Ông phải vào Thư viện tỉnh lục tất cả các cuốn sách về lâm nghiệp, may mắn ông tìm được cuốn sách của một nhà nghiên cứu người Liên Xô, đã có 10 năm nghiên cứu về cây chè ở Việt Nam, trong đó có hẳn một chương viết về cây chè ở Suối Giàng, Sùng Đô. Dựa trên những phân tích rất tỉ mỉ về cây chè Suối Giàng, nhà báo Hoàng Việt Quân đã có bài viết rất chi tiết về nguồn gốc, chất lượng, tiềm năng, thế mạnh của cây chè Suối Giàng, bài viết đã phần nào giúp cho cây chè được đầu tư khôi phục và phát triển. Đến giờ những tư liệu mà ông tìm kiếm, viết bài vẫn được giới thiệu trong các hoạt động du lịch, quảng bá sản phẩm chè Suối Giàng.

Các thế hệ làm báo, làm văn, hoạt động văn hóa yêu quý, nể trọng nhà báo Hoàng Việt Quân ở lòng yêu nghề, trách nhiệm với ngòi bút, với xã hội, ông luôn tâm niệm không chỉ làm văn chương suông, có những thứ thuộc về quá khứ nhưng cần cho tư liệu, không được chứng kiến thì càng phải tìm hiểu cẩn thận, phải rõ sự việc, như thế bài viết mới có độ tin cậy cao.

Nhớ lần tham gia viết cuốn Văn nghệ Lục Yên, viết về chân dung bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (Nguyễn Thị Uẩn) - nữ chiến sĩ đầu tiên của tỉnh Yên Bái tham gia Việt Nam giải phóng quân, sau này trở thành Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Yên Bái từ năm 1964 - 1975, Trưởng Ban Thi đua tỉnh Hoàng Liên Sơn từ năm 1976 - 1978. Nhưng tất cả tư liệu về bà đều bị thất lạc, chỉ biết quê bà ở xã Động Quan, huyện Lục Yên, nghe nói ở đó chỉ còn một người cháu họ duy nhất nhưng cũng không biết nhiều về cuộc đời của bà. Dù vậy, ông vẫn quyết định thuê xe ôm về thăm lại ngôi nhà của bà. Sau khi tìm hiểu kỹ, ông thấy có dàn gác treo phía trên bếp củi, dựa vào hiểu biết về phong tục tập quán, lối sinh hoạt của dân tộc vùng cao, ông tìm kiếm kỹ trên đó, bất ngờ tìm được một ống nứa cũ kỹ được nút gỗ rất chặt, mở ra, trong đó là bản lý lịch đầy đủ, chi tiết về cuộc đời, quá trình hoạt động cách mạng của bà.

Bắt đầu viết từ năm 20 tuổi và cho đến giờ, ngòi bút của ông vẫn còn đam mê, sung sức. Dù đã nghỉ chế độ, ông vẫn miệt mài viết, năm nào ông cũng có sách xuất bản, ông vẫn tham gia các trại sáng tác, các chuyến đi thực tế với Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh và tham gia nhiều sự kiện chính trị - văn hóa, báo chí của tỉnh.

Viết với ông là một niềm vui thích đặc biệt, ngày nào ông cũng viết cái gì đó: viết truyện, viết báo, nghiên cứu, sưu tầm... rồi ông lại lọc cọc đạp xe đi gửi bài cho các báo, có tiền nhuận bút ông lại dành tất cả để in sách, nhưng chỉ để tặng, nhà văn Hà Lâm Kỳ nhận xét “Những tập sách độ dày hàng trăm trang, viết giữa thời kinh tế thị trường, mà vẫn nằm trong khuôn khổ của mẩu chữ “tài liệu”, “nhân văn”, chẳng hạn các cuốn sách: Bạn hữu non ngàn, Chút lòng tri ân, Mường Lò mở hội, Vuông trời kỷ niệm, Địa danh Yên Bái sơ khảo, Kỷ yếu Văn học Nghệ thuật Yên Bái... nhiều cuốn có bạn đọc tìm mua, mua thật khó, thì Hoàng Việt Quân biếu tặng, một sự tặng sách – đứa con tinh thần, đồng nghĩa với sự cho không tài liệu, tư liệu, thông tin mà cả đời ông mò mẫm cóp nhặt, gột thành hồ. Vô tư đến thế, chất kẻ sỹ đến thế, ông là Hoàng Việt Quân”.

Nhà văn, nhà báo Hoàng Việt Quân chia sẻ: “Mình đầu tư cho sách không phải vì tiền, chỉ đơn giản vì thích, in sách cũng là một cách để lưu giữ lại những tư liệu quý, rồi sẽ có lúc, có người cần, mà khi có người cần nghĩa là sách có giá trị, có ích, đó là điều mình mong muốn nhất nên mình sẵn sàng tặng”.

Hàng ngày, ông vẫn bên chiếc xe đạp, vai đeo túi vải, mưa cũng như nắng đi khắp các ngả đường trong thành phố để góp nhặt tư liệu viết bài, những nơi xa thì ông đi xe ôm, xe khách, thậm chí cuốc bộ. Để hôm nay ông trở thành tác giả của 42 tập sách gồm truyện, ký, thơ, kịch, lịch sử và kỷ yếu văn học nghệ thuật, nghiên cứu – phê bình, tiểu luận – trao đổi, biên soạn - sưu tầm văn hóa dân gian.

Thành tựu sáng tác của nhà văn, nhà báo Hoàng Việt Quân còn được thể hiện qua các giải thưởng, đến nay ông đã đoạt 27 giải thưởng Trung ương, địa phương về báo chí, văn hóa, văn học. Gần nhất ông đã đoạt Giải B giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 – 2020 do Ban Tuyên giáo Trung ương phát động.

Giờ đây, ở tuổi 72 nhưng nhà văn, nhà báo Hoàng Việt Quân chưa bao giờ ngừng viết, ông vẫn luôn bền bỉ nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo và chắt chiu cho đời từng trang viết.

Thùy Linh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải