song
Yêu nghề và dám dấn thân
Ngày xuất bản: 28/08/2018 12:00:00 SA
Lượt đọc: 31157

Hẹn gặp Mạnh Cường - phóng viên Phòng Báo Yên Bái điện tử trong những ngày đang chạy tin, bài về đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 tại thành phố Yên Bái. Dù đã có những đêm ít ngủ vì lũ nhưng trong câu chuyện về nghề báo của Cường vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Chẳng lạ gì với cảnh nửa đêm phải bật dậy khi có tin nóng, nên Mạnh Cường cũng quen với tâm thế sẵn sàng “xách balo lên và đi” bất cứ lúc nào.

Phóng viên Mạnh Cường

Mê truyền hình và mơ ước trở thành phóng viên từ khi còn nhỏ, nên những năm học cấp III Cường đã chịu khó viết bài cộng tác với Báo Yên Bái, giờ đây vẫn còn nguyên cảm giác khi lần đầu nhận được tờ báo biếu, Cường hạnh phúc khoe khắp xóm.

Theo học Trung cấp Phát thanh Truyền hình tại Phủ Lý, trước khi về Phòng Báo Yên Bái điện tử, Mạnh Cường đã có quãng thời gian gần 4 năm ở Đài Truyền thanh - Truyền hình Lục Yên, rồi chuyển lên Đài Truyền thanh - Truyền hình Trạm Tấu.

Mặc dù có nhiều năm làm phòng viên đài huyện, làm cộng tác viên của Báo Yên Bái, nhưng khi bước chân về Báo Yên Bái - một môi trường làm báo chuyên nghiệp, năng động Cường đã sợ mình không theo kịp. Lần đầu tiên được tiếp cận với những thuật ngữ mới mẻ của Báo điện tử và trực tiếp dựng tin, phóng sự truyền hình bằng các phần mềm hiện đại trên máy vi tính. Cường vẫn nói có được tự tin như ngày nay Cường luôn biết ơn sự giúp đỡ, động viên của Ban lãnh đạo, các anh chị đồng nghiệp. Cường không bỏ qua một lời góp ý nào, vì thế mà góp ý dù nặng dù nhẹ thì Cường vẫn luôn đón nhận với một tinh thần cầu thị.

Nhà báo Phan Văn Tuấn - Phó trưởng phòng Báo Yên Bái điện tử nhận xét “Mạnh Cường hiền lành, ít nói nhưng rất chịu khó, biết lắng nghe, có tinh thần học hỏi và sáng tạo trong quá trình tác nghiệp”.

Mạnh Cường trên đỉnh Tà Chì Nhù

Làm báo nhiều vất vả nhưng cũng không ít những niềm vui, với Cường niềm vui chính là những chuyến đi, những cuộc hành trình đầy ắp thông tin và những trải nghiệm mới, từ đó thêm những hiểu biết về cuộc sống và kinh nghiệm trong nghề nghiệp càng dày thêm. Tất cả những điều đó trở thành niềm hứng thú và cả sự bền bỉ trong mỗi cuộc hành trình tác nghiệp vùng cao.

Chuyến hành trình lên đỉnh Tà Chì Nhù thuộc xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu có độ cao 2.979 m. Đây là đỉnh núi cao nhất của huyện Trạm Tấu, cao thứ 6 của Việt Nam, nằm trong khối núi Pú Luông, thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Dù biết trước quãng đường đi vô cùng vất vả, nhưng với sự khâm phục nghị lực vượt khó vươn lên giữa đại ngàn của anh Thào A Tủa đã thôi thúc Cường cùng đồng nghiệp lên đường. Hành trình đi bộ ngược rừng 5 tiếng đồng hồ để được đắm mình trong những biển mây trắng bồng bềnh bao quanh các ngọn núi, được ngắm những bông hoa rừng, thả hồn vào thảo nguyên xanh bao la với những chú ngựa nhởn nhơ gặm cỏ, được hét vang và giơ cao lá cờ tổ quốc ở nơi mặt đất và bầu trời gần nhau đến lạ, cảm giác vừa hào hứng run sợ, vừa vỡ òa trong hạnh phúc. Rồi cái bắt tay thật chặt cùng ánh mắt cảm động “cám ơn nhà báo”, Cường thấy ấm lòng dù ngoài trời vẫn đang gió rét.

Những ngày tác nghiệp nơi rốn lũ miền Tây năm 2017 cũng là những ký ức không thể quên trong tâm trí Cường. 10 ngày vật lộn với trận lũ quét kinh hoàng tại Mù Cang Chải, có những ngày chỉ ngặm nhấm chút lương khô, cơm nắm, chia nhau từng ngụm nước. Để tác nghiệp được ở nơi rốn lũ quả thực rất khó khăn, khắp nơi là bùn lầy phủ kín, trong điều kiện bùn ngang đầu gối thì chỉ đi thôi đã khó nói gì đến chuyện vác máy để quay, thậm chí để có góc máy tốt ghi được những hình ảnh cận cảnh, chân thực nhất Cường đã phải lội xuống dòng nước đang chảy xiết. Rồi trận lũ lịch sử càn quét ở huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ, Mạnh Cường đều có mặt, có những thời điểm không sóng điện thoại, không internet, phải đi bộ 4 - 5 km để vào tâm lũ rồi lại phải di chuyển ra ngay để kịp đưa tin về tòa soạn.

Luôn tận tâm với nghề

Phóng viên Mạnh Cường chia sẻ “Tác nghiệp ở những nơi khó khăn, gian khổ là cơ hội để mình thử thách bản lĩnh nghề nghiệp. Hơn 10 năm theo nghề báo đã để lại cho mình nhiều suy nghĩ về nghề, về trách nhiệm của người làm báo đối với đời sống xã hội. Trên hết đó là sự thấu hiểu, sẻ chia giữa con người với con người”.

Tháng nào Cường cũng có những chuyến ngược núi để lên các huyện vùng cao, hai huyện khó khăn nhất là Trạm Tấu và Mù Cang Chải không còn xã nào Cường chưa đặt chân đến bởi vùng cao còn rất nhiều điều để khám phá, để viết. Đó còn là tình cảm của Cường với những con người mộc mạc, là nỗi xót xa trước hình ảnh những em nhỏ vùng cao bụng đói cồn cào với manh áo mỏng không đủ ấm khi trời lạnh và đôi chân trần đến lớp còn dính đầy bùn đất, là những bữa ăn bán trú chỉ có cơm trắng và muối.

Gian nan, khó khăn chính là điều kiện để ra đời những tin tức, bài báo, hình ảnh sống động, mang nhiều hiệu ứng tích cực nhất. Hai giải A Giải báo chí Yên Bái năm 2016 và 2017 với phóng sự ảnh báo chí “Sự học ở nơi xa nhất” và “Mù Cang Chải vượt lên đau thương sau lũ quét” cùng nhiều giải ở các cuộc thi viết khác đã minh chứng cho sự đi và dấn thân của Cường.

Mỗi chuyến đi là một hành trình cóp nhặt, tích lũy tư liệu, vốn sống và càng tích lũy được nhiều thì làm báo càng thuận lợi. Vậy nên trước mỗi chuyến đi  Cường vẫn luôn thấy hào hứng và luôn trong tâm thế sẵn sàng “xách balo lên và đi” bất cứ lúc nào.

Thùy Linh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải