song
Nhà báo Hữu Tê với những bức ảnh làm đẹp cho đời
Ngày xuất bản: 26/12/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 43157

 Người đàn ông ấy có một thời uống bia rượu không biết say và sống rộng rãi, vô tư, phóng khoáng, được nhiều người quý mến. Ông là một phóng viên nhiếp ảnh có tài, năng nổ, xông xáo, luôn có mặt ở khắp nơi trong tỉnh, kịp thời chụp được các ảnh thời sự, tư liệu quý giá cho báo chí, ngoài ra còn chụp nhiều ảnh nghệ thuật được trưng bày ở các triển lãm địa phương và khu vực, toàn quốc, đăng trên báo Hoàng Liên Sơn, báo Yên Bái, Tạp chí “Văn nghệ Hoàng Liên Sơn”,“Văn nghệ Yên Bái”. Đó là nhà báo, nhà nhiếp ảnh Hoàng Hữu Tê, thường dùng bút danh Hữu Tê. Ông sinh năm 1948, quê ở Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ông vốn là người lính trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, năm 1973, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, ký hiệp đinh Pa Ri, ngày đó Hoàng Hữu Tê, Lê Trọng Bài đang làm công tác tuyên truyền ở các đơn vị quân đội được giải ngũ chuyển về Báo Nghĩa Lộ. Hữu Tê là phóng viên ảnh Báo Nghĩa Lộ (1973 - 1975), Báo Hoàng Liên Sơn (1976 - 1991), Báo Yên Bái từ năm 1991 cho đến khi nghỉ hưu, sống ở phường Minh Tân, thành phố Yên Bái.

Sự nghiệp ảnh của Hữu Tê trước hết phải kể đến những mảng ảnh thời sự, tư liệu. Rất nhiều ảnh của ông được in trên báo Đảng trong suốt hơn 40 năm công tác từ khi còn tỉnh Nghĩa Lộ, tỉnh Hoàng Liên Sơn đến tỉnh Yên Bái, để lại những bộ ảnh gây dấu ấn một chặng đường lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thật đáng trân trọng. Ông có những bức ảnh nóng bỏng tính thời sự đăng trong sách ảnh về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, ảnh về các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước lên thăm Yên Bái, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết, chính sách, kế hoạch của trung ương, ảnh về các hoạt động kinh tế - văn hóa, xã hội - quốc phòng qua các giai đoạn lịch sử của địa phương v.v…Ảnh của ông thường sáng, đẹp, rõ nét, đặc tả được chủ đề chính mang tính thời sự, dường như ông không chỉ giỏi kỹ thuật chụp ảnh mà còn có bí quyết riêng trong sử dụng máy, góc nhìn, rửa ảnh theo quy trình làm ảnh thủ công trước đây.

Ông có rất nhiều ảnh nghệ thuật và ảnh thời sự tư liệu đẹp được trưng bày và in trong Tạp chí “Văn nghệ Hoàng Liên Sơn”,“Văn nghệ Yên Bái” và các ấn phẩm văn nghệ ở huyện thị đặc biệt có nhiều ảnh đạt Giải trong các cuộc thi như:

- 1 giải Nhất, 1 giải C tại triển lãm ảnh nghệ thuật Yên Bái lần thứ Nhất 1992. Được cấp 3 Giấy chứng nhận ảnh nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam..

- Ảnh “Chắt lọc” giải Nhất cuộc thi ảnh nghệ thuật Yên Bái lần thứ hai năm 1995, được cấp Giấy chứng nhận ảnh nghệ thuật của Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

- Ảnh “Cầu Tô Mậu” (1994) được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cấp Giấy chứng nhận ảnh nghệ thuật năm 1994.

- Ảnh “Bè về xuôi” giải Khuyến khích cuộc thi ảnh Nghệ thuật “Đất nước con người Yên Bái” năm 1996.

- Ảnh “Đi tìm rừng ” giải Nhì cuộc thi ảnh báo chí và nghệ thuật “Vì màu xanh quê hương Yên Bái”do Sở Khoa học công nghệ - môi trường phối  hợp với Hội Nhà báoYên Bái tổ chức năm 1997.

- Ảnh “Trồng thêm nhiều rừng”, giải Nhì trong cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật tỉnh Yên Bái năm 1997.

- Ảnh “Dáng núi” được Huy chương Bạc, ảnh “Hiến dâng của núi” được  giải Khuyến khích tại Liên hoan ảnh nghệ thuật Khu vực Tây Bắc ở Điện Biên (tỉnh Lai Châu) năm 1998.

Hữu Tê có 3 ảnh được chọn là “Dáng núi”, “Hương đầu mùa”, “Búp chè cổ thụ” in trong sách “Văn học nghệ thuật Yên Bái tác giả và tác phẩm – Kỷ yếu nhiệm kỳ III (2000 - 2005)”do  Hội văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái xuất bản năm 2005…

Từ những bức ảnh đẹp tiến tới chụp được những bức ảnh nghệ thuật là cả một quá trình lao động nghiêm túc, say mê, luôn học hỏi, tìm tòi, phát triển mang tính sáng tạo, quả không dễ. Từ một nhà báo quen chụp ảnh thời sự, chính trị - xã hội ông đã có nhiều cố gắng vượt mình để có những bức ảnh nghệ thuật vừa đẹp vừa có ý tưởng đoạt được giải thưởng trong các cuộc triển lãm, liên hoan ảnh nghệ thuật ở địa phương và khu vực thật đáng trân trọng. Xem những bức ảnh của ông qua năm tháng, chúng ta thấy khá rõ bước chuyển mình nâng cấp ảnh đẹp lên ảnh nghệ thuật ngày càng tăng tiến. Năm 1992, nhà thơ Lâm Quý mới chuyền về Yên Bái công tác đến xem ảnh nghệ thuật Yên Bái, trước một bức ảnh chụp dòng Nậm Thia khá đẹp của Hữu Tê, ông cảm hứng sáng tác được bài thơ “Nậm Thia dòng bạc trắng” có ghi lời đề tựa “Tặng Hữu Tê” đăng trên Tạp chí “Văn nghệ Yên Bái” năm 1992.

Bài thơ của nhà thơ Lâm Quý trước hết là lời ngợi khen tràn đầy cảm xúc đối với bức ảnh chụp về “Nậm Thia dòng bạc trắng” của Hữu Tê, ngợi ca một tác giả đang độ sung sức, hứa hẹn, sau nữa là lời bộc lộ tình yêu với dòng Nậm Thia giàu bản sắc văn hóa Thái.

Từ ngày ông về nghỉ hưu đến nay ông vẫn sống bình lặng trong gia đình, lo toan việc nhà và chăm nom các cháu. Nhưng mọi người vẫn nhớ ông, một nhà báo - nhà nhiếp ảnh một thời năng động, tốt bụng, sống phóng khoáng, cởi mở, vô tư, cống hiến nhiều bức ảnh đẹp, có ý nghĩa cho đời, góp phần quảng bá cho hình ảnh quê hương và con người Yên Bái.

Hoàng Việt Quân

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải