song
Nick Út và câu chuyện hiện vật của phóng viên chiến trường
Ngày xuất bản: 14/10/2022 12:00:00 SA
Lượt đọc: 6188

 Ngày 22/9 vừa qua, nhiếp ảnh gia Nick Út lần thứ 2 về thăm và trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Dịp này, ông đã trải lòng về nghề, tác phẩm để đời, chiến tranh, cũng như những năm tháng tác nghiệp giữa sự sống và cái chết cận kề đầy xúc động...

Không bỏ rơi nhân vật

Các hiện vật ông trao tặng bảo tàng bao gồm bình bi đông đựng nước, chiếc túi máy ảnh, đèn pin.., một số hiện vật nhà báo nhiếp ảnh gia Nick Út sử dụng trong suốt quá trình tác nghiệp tại chiến trường Việt Nam. Những hiện vật này gắn với khoảnh khắc 50 năm - khi ông chụp bức ảnh "Em bé Napalm” làm lay động cả thế giới.

 

Nhiếp ảnh gia Nick Út trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Ông kể, đó là một ngày tháng 6/1972, Nick Út theo chân một sư đoàn của quân đội miền Nam về Trảng Bàng (Tây Ninh). Đoàn báo chí đi rất đông và trong ngày ông đã chụp rất nhiều ảnh. Khi định quay lại thì ông bất ngờ phát hiện một em bé trần truồng vừa chạy trên đường từ đám khói sau trận trút bom trong làng vừa la thất thanh, đó là Phan Thị Kim Phúc. Sau một thoáng kinh hãi, Nick Út vội giơ máy ảnh, chụp liên tục. Rồi ông đã không bỏ rơi “nhân vật” của mình mà ngay tức thì dội nước từ chiếc bi đông đựng nước uống của mình lên người cô bé, tiếng nổ lốp bốp phát ra từ bọng nước phồng trên da cô bé, ông lấy tấm áo khoác lên người cô bé rồi vội chở thẳng đến bệnh viện tại Củ Chi. Ban đầu người ta từ chối tiếp nhận vì bệnh viện này đã quá tải, ông đã phải dùng đến thẻ phóng viên để gây áp lực với họ để cô bé được cấp cứu kịp thời.

 

Nhiếp ảnh gia Nick Út. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về nghề, nhiếp ảnh gia Nick Út cho rằng, chụp được ảnh là một chuyện, còn chuyển ảnh đi lại là chuyện khác. Bởi sau khi rửa ảnh, ông mang đến cho một biên tập viên của văn phòng AP tại Sài Gòn và người này đã định từ chối. Tuy vậy, vị lãnh đạo của văn phòng đã nghĩ ngược lại, ông ta yêu cầu gửi gấp về trung tâm. Sáng hôm sau, tấm ảnh “Em bé Napalm” lên trang bìa tờ New York Times, nhiều tờ báo khác trên thế giới dẫn lại cũng đăng trang bìa.

Nick Út kể: “Tấm ảnh đó đã gây xúc động cho nhiều người và dấy lên một làn sóng phản chiến mạnh mẽ trong nước Mỹ và trên toàn thế giới. Đến nay nhiều người vẫn cho rằng đó là một trong những tấm ảnh có tính ám ảnh về chiến tranh Việt Nam. Cũng nhờ tấm ảnh này, Kim Phúc đã được rất nhiều bác sĩ giỏi quan tâm, cô thoát chết và về sau làm được rất nhiều điều lớn lao”. Nhiếp ảnh gia Nick Út (khi đó ở tuổi ngoài 20, là phóng viên chiến trường của hãng AP, trong muôn vàn câu chuyện cũ, điểm nhấn vẫn là câu chuyện về bức ảnh “Em bé Napalm” Phan Thị Kim Phúc). Bức ảnh “Em bé Napalm” được coi là một tác phẩm ảnh báo chí xuất sắc về đề tài chiến tranh. Năm 1973, bức ảnh này đã đạt giải Pulitzer - giải thưởng danh giá của Mỹ, được xếp thứ 41 trong số 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn.

Khấp khởi một cuộc hội ngộ 50 năm... 

Vẫn trong mạch cảm xúc ấy, nhiếp ảnh gia Nick Út kể và tâm sự nhiều về nỗi niềm với quê hương Việt Nam. Ông bảo: “Hơn nửa phần đời tôi sinh sống ở nước ngoài, khoảnh khắc tuyệt vời nhất đời tôi có lẽ là lên máy bay trở về quê hương... Chiến sự vẫn không ngừng diễn ra trên thế giới, dù nhân loại nhìn rõ sự khốc liệt. Hiện nay, một số nước trên thế giới vẫn còn chiến tranh. Khi đọc những dòng tin ấy tôi thấy rất đau lòng. Là người trải qua thời chiến, tôi hiểu những hậu quả mà chiến tranh mang lại. Chính vì thế, tôi luôn nguyện cầu rằng chiến tranh ở các nước kết thúc, để người dân được bình an, được sống trọn vẹn một kiếp người". 

Theo ông, mỗi khi có cơ hội giới thiệu về đất nước, về cuộc chiến tranh mà ông từng đi qua, những vết thương chiến tranh còn làm đau đồng bào cho đến bây giờ, ngay cả khi ở Mỹ, ông cũng chưa bao giờ từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào về Việt Nam. Những gì ông đã chứng kiến, đã cảm nhận được thì ông luôn sẵn sàng chia sẻ đến bạn bè quốc tế.

 

Đây là lần thứ 2 Nick Út tới thăm và trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Lần đầu tiên ông về thăm lại chiến trường Quảng Trị là năm 1989 trong chuyến đi tìm thân nhân người Mỹ mất tích. Lần thứ 2 ông về lại chiến trường Quảng Trị cùng với Nhà báo Đoàn Công Tính cựu phóng viên chiến trường - tác giả bức ảnh "Nụ cười chiến thắng" cùng hàng trăm tác phẩm ảnh chiến trường đặc sắc. 

Từng cùng có mặt trong trận chiến 81 ngày đêm tại Thành Cổ Quảng Trị, hai người đều cho rằng: “Không có chiến trường nào để lại nỗi ám ảnh sâu sắc như Quảng Trị”. Nick Út đã có chuyến “trở về” xúc động ở Thành Cổ Quảng Trị. Vẫn với chiếc máy ảnh kè bên người không còn phải  xông xáo giữa làn đạn bom mà đi trên những con đường rợp bóng cây của Thành phố Quảng Trị. Những nơi ghi dấu chiến tranh đến tận bây giờ: Thành Cổ, trường Bồ Đề, nhà thờ Trí Bưu... kí ức tháng năm cũ như đang ùa về theo từng bước đi của ông.

Tại Thành Cổ ông cảm nhận được sự đổi thay của mảnh đất này sau chiến tranh, Nick Út đã không khỏi xúc động. Ông kể cách đây 50 năm, ông đến Quảng Trị trên một chiếc xe tăng của quân đội miền Nam. Ngày đó, ông chỉ thấy mùi thuốc súng, khói đạn bom, người chết, người chạy loạn, những ngôi nhà loang lổ, những mảnh đất bị xới tung hiển hiện trong những tấm ảnh của ông. Nhưng nay, ngoài di tích trường Bồ Đề vẫn còn để nguyên trạng trong đổ nát, thành phố Quảng Trị đã thay đổi đến bất ngờ.

 

Tác giả và nhiếp ảnh gia Nick Út. Ảnh: LT

Nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính khẳng định: “Tôi và Nick Út không hề xa lạ, từng lăn lộn trong chiến tranh, cùng là phóng viên, chúng tôi như đã đồng cảm và khâm phục nhau dù gặp gỡ không nhiều. Nick Út đã để lại nhiều ấn tượng trong tôi, anh ấy có những tác phẩm lớn và có đóng góp cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. Ai đó từng nói, trong chiến tranh, một tác phẩm báo chí tốt có sức mạnh bằng cả một sư đoàn, Nick Út đã làm được điều đó”.

Ngoài ra, nhiều năm qua, Nick Út đã dẫn đoàn học sinh Mỹ tới thăm lại các chiến trường ông đã từng tham gia cùng một số địa danh lịch sử quan trọng của Việt Nam. Một số nơi ông đã dẫn đoàn tới như: Bảo tàng chứng tích chiến tranh (TP HCM), Tây Ninh, Vĩnh Long, Quảng Trị, Hà Nội... Với Nick Út, những câu chuyện về cái thời phải làm việc giữa ranh giới sự sống và cái chết cận kề luôn ám ảnh ông. Nhiều năm xa Việt Nam, ông vẫn giữ được giọng miền Nam gần gũi, cách diễn đạt hết sức súc tích và hấp dẫn. Lần này, ông ngỏ ý muốn cùng Kim Phúc (nhân vật em bé Napalm) về Hà Nội nhân dịp sự kiện bức ảnh em bé Napalm tròn 50 năm, và nếu như thế thì cũng đúng 50 năm Nick Út và Kim phúc mới gặp nhau tại Hà Nội, một sự kiện được giới báo chí trong và ngoài nước cùng những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới chờ mong. 

Theo Báo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải