song
Sảy một ly suýt đi một dặm
Ngày xuất bản: 31/05/2018 12:00:00 SA
Lượt đọc: 59298

 Sáng hôm ấy tôi đang ngồi viết, giám đốc Đài Lục Bỉnh Ngọc cho gọi lên gặp ngay, có việc cần. Tôi vội xếp tất cả lại, lên gặp giám đốc. Tôi vừa vào đến cửa, đồng chí nói luôn:

- Trên Cổ Phúc đang có người chữa bệnh theo cách lạ, dân kéo về đông, gây mất trật tự, phóng uế bừa bãi, thực phẩm thức ăn khan hiếm, giá lại đắt, gây lộn xộn mọi thứ. Chú lên ngay, làm sao có bài để ổn định tình hình, chiều nay phải có bài phát. Cơ quan có xe đưa đi...

Việc khó khăn, quan trọng, khẩn trương, biết làm cách nào đây? Lẽ nào là phóng viên, lúc cần đến lại từ chối? Nhận việc mà tôi lo lắng, suy nghĩ. Làm thế nào để tìm ra được sự thật? Làm sao để đáp ứng được nhiệm vụ được giao? Thời gian lại quá gấp.

Dọc đường đi tôi càng thấy rõ tình hình, người kéo đến ùn ùn. Đến nơi, theo bài bản, tôi đưa thẻ nhà báo, vào gặp thẳng người chữa bệnh. Người đó có tên gọi là Lư Hương, khoảng ngoài 40 tuổi, dáng nhanh nhẹn tháo vát, miệng liên tục nhai trầu. Chị tỏ ra vui tính, tận tình chữa bệnh cho mọi người, vừa chữa bệnh vừa hát... Chẳng có ống nghe, chẳng có máy đo huyết áp hay dụng cụ tối thiểu nào để khám bệnh. Tôi hỏi, chị nhanh nhẩu trả lời: "Tôi chữa bệnh theo kinh nghiệm được thầy thuốc giỏi truyền dạy. Tôi đã chữa bệnh ở dưới quê, được tín nhiệm trên này mới lên. Tôi chữa bệnh cho ai chỉ chữa giúp, không lấy tiền của ai bao giờ...". Thấy một người bệnh, bị còng lưng, đang nằm cho Thị chữa, tôi hỏi. Anh trả lời: "Chị Lư Hương vừa mới chữa, tôi đã thấy dễ chịu. Mọi khi lưng còng, bây giờ chị kéo được ra, dễ chịu lắm...".

Tôi nghĩ: Nếu như thế này thì chỉ có thể viết bài khen, mà khen, người bệnh khắp nơi càng kéo về... Nhìn Thị Lư Hương, tôi cảm thấy có điều gì đấy thiếu thật thà. Để biết được sự thể, tôi hỏi:

- Khi khám bệnh cho mọi người, chị có ghi tên, địa chỉ lại cả không?

- Có! - Chị trả lời rất nhanh.

Phóng viên tác nghiệp (Ảnh: internet)

Chị đưa quyển sổ ghi tên bệnh nhân cho tôi đọc. Tôi lật ra, đọc lướt, thấy đen đặc tên người. Nhưng thật lạ, toàn người ở xa, không có ai ở Cổ Phúc? Sự thật có thể tìm ra từ đây. Nếu là người chữa bệnh thật sự hiệu quả, những người ở gần phải biết trước, đến chữa trước, sao đây lại không có ai? Muốn biết sự thật, tôi phải tự tìm hiểu, tự đi gặp. Mà những người ở xa thế này phải đi mấy ngày mới tới... Lúc này chỉ có cách gặp những người đến chữa bệnh. Tôi đi ra, quan sát xung quanh, gặp một anh khoèo chân, ngồi bên hè, mặt đỏ, mồ hôi nhễ nhại. Tưởng anh nóng mệt vì đường xa mới đến. Hỏi ra mới biết anh vừa được "chữa bệnh", còn đang ngồi nghỉ, rồi đi mua thuốc... Tôi hỏi chuyện. Anh nói: Chân bị khoèo từ nhỏ, nghe tin có chị Lư Hương chữa khỏi, đã được người nhà đưa đến... Mấy người ngồi cạnh hùa vào trả lời: "Anh ấy bị bệnh ai cũng thương, cũng lo chữa cho anh bao năm không được. Nghe nói chị Lư Hương, có bệnh thì vái tứ phương". Họ còn kể: Nhìn chị ấy chữa thì thương cho anh ấy lắm. Chân bị bệnh như thế, chị ta chỉ nhổ ít nước trầu ra tay, xoa, rồi kéo, chắc đau lắm... Anh bệnh nhân vội cắt lời: "Mình có bệnh, muốn khỏi phải cố mà chịu". Hỏi kỹ thì biết cách chữa này ban đầu không dùng thuốc, chẳng có thủ thuật xoa bấm huyệt mà cứ dùng sức kéo chân bị tật thẳng ra, kéo không được thì dùng cả đến chân giẫm đạp... Gây đau đớn, bệnh nhân túa cả mồ hôi vì nghiến răng chịu đựng. Chỉ chữa như vậy, Lư Hương bảo được rồi, về nhà uống thêm thuốc. Nhưng ngồi ở đây, chân tật của anh như bắt đầu co lại.

Tôi tiếp tục hỏi một số người nữa. Một chị, vẻ kín đáo kéo tay áo tôi, thì thào: "Ai đến chữa cũng phải mua thuốc. Thuốc thì do mấy anh chị em của mụ Lư Hương bán. Thuốc toàn là cỏ, cắt quanh quéo, băm nhốn băm nháo, gói vào bán mà bán đắt". Theo tay chị này chỉ, tôi thấy cả bãi cỏ mới cắt, còn nhôm nhoam. Cắt về, được 5-6 người ngồi vừa băm, vừa gói, chẳng rửa, chẳng phơi... Tôi hiểu ra vấn đề.

Thế là tôi về viết bài. Do nội dung nhiều, lại có tiếng động ghi âm tiếng nói của nhân chứng, dù cố gắng cô đúc cho ngắn gọn nhất bài vẫn thành hai phần. Thế là tôi đã hoàn thành bài viết để kịp làm chương trình phát thanh buổi chiều theo đúng chỉ đạo của đồng chí giám đốc.

Nào ngờ, hôm sau vừa mới đến cơ quan, tôi đã bàng hoàng choáng váng, nghe tin: "Đồng chí Tráng A Pao, Phó Chủ tịch UBDN tỉnh cho gọi đồng chí lãnh đạo Đài lên làm việc về bài viết vụ Lư Hương". Tình hình này chắc chắn là bị khiển trách rồi. Tại sao đã cố hết mức, làm đúng bài bản, bài viết như thế mà vẫn bị? Không khéo chuyến này gặp họa. Thế là tôi xin đi cùng. Anh nhất trí.

Lo, hồi hộp, đến nơi, thấy anh Tráng A Pao đang ngồi chờ. Thấy người của Đài đến, anh Pao hỏi luôn:

- Việc có người chữa bệnh gây rối, tỉnh yêu cầu các anh có bài viết để yên ổn tình hình, lại đi viết bài khen, khác nào hô hào dân đến đông hơn...

Càng nghe, tôi hiểu ra dần. Có chuyện là do người nghe Đài hiểu lầm. Tôi nhìn đồng chí lãnh đạo Đài, chờ anh trả lời. Anh lại nhìn tôi:

- Cụ thể thế nào, ý chú viết bài thế nào báo cáo với anh Tráng A Pao đi.

Thật may, lúc lên đây tôi còn kịp mượn biên tập tất cả bài viết, máy ghi âm và băng. Tôi đưa ra định đọc tất cả từ đầu. Chắc anh Tráng A Pao thấy cả một tập giấy, chữ đánh máy đen đặc, lại nghe băng, rất mất thời gian. Anh bảo, thời gian có hạn, tôi còn có cuộc họp, đồng chí cứ nói tóm tắt, nói đúng, nói rõ cho tôi nghe.

Tôi tóm tắt nội dung bài viết, cả ý những đoạn ghi âm tiếng nói của từng nhân chứng. Nghe xong, anh tươi cười, gật đầu:

- Viết thế thì tốt! Về cho phát tiếp đi.

Suy nghĩ kỹ lại sự việc, tôi nhận ra chỉ là do hiểu nhầm. Để xảy ra hiểu lầm này một phần do cán bộ biên tập chương trình, một phần là do người nghe đài. Khi giới thiệu bài viết, đáng ra cán bộ biên tập phải nói rõ quan điểm, rõ nội dung sự việc để hướng dẫn dư luận cho người nghe ngay từ đầu. Đằng này, lại viết mập mờ, gây sự tò mò cho người nghe. Phần đầu của bài viết này nói nhiều về cách "chữa bệnh" của thị Lư Hương, còn chê thì theo diễn biến. Người nghe đài thì lại nghe loáng thoáng. Vì thế mới có sự hiểu lầm, hiểu sai, bảo Đài Hoàng Liên Sơn "có bài khen Lư Hương, còn thu cả tiếng nói tung lên sóng". Đúng thật là sảy một ly đi một dặm

Trần Cao Đàm

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải