song
Sự giao thoa giữa báo chí và văn học
Ngày xuất bản: 06/07/2021 12:00:00 SA
Lượt đọc: 15878

 Nhà báo, nhà văn Nguyễn Uyển, nguyên Uỷ viên BCH, Trưởng Ban Công tác hội Hội Nhà báo Việt Nam có ý tưởng tổ chức một cuộc tọa đàm về đề tài “Sự giao thoa giữa báo chí và văn học” và có ý định mời tôi cùng tham gia. Thấy đề tài này rất thiết thực, hấp dẫn, lập tức tôi ủng hộ và đồng ý ngay.

Trong lịch sử báo chí và văn học thế giới cũng như nước ta thời hiện đại, có rất nhiều nhà báo đồng thời cũng là nhà văn và ngược lại và tất nhiên mọi tác phẩm đều rất chuẩn và rành rọt về yêu cầu của từng thể loại, nói chính xác là báo ra báo, văn ra văn không lẫn lộn. Song cũng có nhiều tác phẩm gọi là báo chí cũng được mà đồng thời gọi là văn cũng chẳng sai. Nguyên nhân của tình trạng trên đó là sự giao thoa giữa báo chí và văn học.

Phóng viên Phòng Tiếng Dân tộc, Đài PT - TH Yên Bái quay chương trình văn nghệ

Trước khi nói rõ về sự giao thoa, xin nói về sự khác biệt giữa báo chí và văn học. Nếu nói tư duy báo chí là tư duy logic, thì tư duy văn học là tư duy hình tượng. Mục đích của báo chí là thông tin thời sự nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thông tin trực tiếp mang tính khách quan, cụ thể của con người trong cuộc sống hằng ngày. Mục đích của văn học nhằm thỏa mãn nhu cầu tiếp thu các giá trị thẩm mỹ và nâng cao nhận thức của con người về các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Nếu nói báo chí là cơm ăn, nước uống hằng ngày thì văn học là chất bổ dưỡng nuôi con tim, bộ não của con người. Về ngôn ngữ, ngôn ngữ báo chí là loại ngôn ngữ được sử dụng đặc thù cho những người làm việc trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, hay truyền hình. Mục đích của ngôn ngữ báo chí là để truyền tải những thông điệp chính trị - khoa học - kinh tế - xã hội đến với công chúng một cách khách quan nhất, qua đó nhấn mạnh vào nội dung cũng như ý nghĩa mà thông điệp đó gửi đến người đọc, người xem, người nghe. Đặc điểm chính của ngôn ngữ báo chí, đó chính là tính ngắn gọn, linh hoạt, không mang sắc thái biểu cảm cao nhưng vẫn có sự súc tích và dễ hiểu, với các đặc điểm là chính xác, cụ thể, đại chúng, ngắn gọn và súc tích, biểu cảm và khuôn mẫu. Trong khi đó, ngôn ngữ văn học là ngôn ngữ mang tính nghệ thuật được dùng trong văn học. Căn cứ chủ yếu để phân biệt ngôn ngữ văn học với các hình thái của hoạt động ngôn ngữ chính là ở chỗ, ngôn ngữ văn học là hình thái hoạt động ngôn ngữ mang ý nghĩa thẩm mỹ. Nó được sử dụng để phục vụ nhiệm vụ trung tâm, là xây dựng hình tượng văn học và giao tiếp nghệ thuật. Vì vậy, tính hình tượng, tính thẩm mỹ là thuộc tính bản chất, xuyên thấm vào mọi thuộc tính khác, quy định những thuộc tính ấy. Ngôn ngữ nhân dân là cội nguồn của ngôn ngữ văn học; được chọn lọc, rèn giũa qua lao động nghệ thuật của nhà văn, đến lượt mình, nó lại góp phần nâng cao, làm phong phú ngôn ngữ nhân dân.Trong tác phẩm, ngôn ngữ văn học là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng của nhà văn. Mỗi nhà văn lớn bao giờ cũng là tấm gương sáng về mặt hiểu biết sâu sắc ngôn ngữ nhân dân, cần cù lao động để trau dồi ngôn ngữ trong quá trình sáng tác. Tính chính xác, tính hàm súc, tính đa nghĩa, tính tạo hình và biểu cảm là những thuộc tính của ngôn ngữ văn học.

Nếu như văn học được thể hiện bằng các thủ pháp nghệ thuật hư cấu, tưởng tượng thì báo chí được thể hiện bằng việc phản ánh các sự vật, hiện tượng, sự kiện nảy sinh một cách khách quan mang tính bản chất trong cuộc sống. Báo chí không chấp nhận sự hư cấu và mọi hư cấu đều là giả dối. Tuy nhiên, bên cạnh cái riêng vẫn có những cái chung giữa báo chí và văn học, đó chính là mục đích phục vụ cuộc sống, phục vụ lợi ích chính đáng của con người, đảm bảo cái mới, cái hay, cái thiện, cái tiên tiến, chống lại và phê phán cái xấu, cái ác, cái lạc hậu trong cuộc sống. Báo chí cũng như văn học, mỗi hình thức đều có nhiều thể loại khác nhau, không trùng khớp, nhưng vẫn có thể loại cả hai đều có đó là thể loại ký ( bút ký, ký sự, phóng sự, tùy bút, ghi chép). Giữa ký báo chí và ký văn học cũng có sự giống nhau, nếu như ký báo chí thiên về con người là chủ thể trong ứng xử với các hiện tượng sự kiện mang tính thời sự, nhưng một khi thiên về phản ánh thân phận, số phận, tính cách con người trong ứng xử với các hiện tượng sự kiện mang tính thời sự thì lại trở thành ký văn học. Đó chính là sự giao thoa của báo chí với văn học.

Tính thẩm mỹ trong báo chí và văn học tựu chung vẫn là thể hiện và tôn vinh cái mới, cái đẹp, cái hay, cái bi và cái hùng nhằm phục vụ cuộc sống, cụ thể là ở nước ta hiện nay là phục vụ lợi ích của đất nước, của dân tộc, của nhân dân, của Đảng, của chế độ tốt đẹp mà Đảng và nhân dân ta đã đổ biết bao máu xương, công sức mới tạo dựng được. Người làm báo không phải là nghệ sĩ nhưng rất cần có phẩm chất nghệ sĩ để khi hành nghề mới tìm tòi, phát hiện ra các giá trị thẩm mỹ trong cuộc sống, có suy nghĩ đúng, để con chữ, dòng tin, thiên ký sự, phóng sự, tùy bút, ghi chép, hình ảnh đẹp hơn, hay hơn vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thông tin và giá trị thẩm mỹ của công chúng. Trong lực lượng hùng hậu người làm báo Việt Nam, có rất nhiều nhà báo  nổi tiếng về sử dụng thể ký có sự giao thoa giữa báo chí và văn học với những tác phẩm hay đến nao lòng không thể kể hết được.

Lê Văn Thiềng

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải