song
Hướng dẫn Tuyển chọn tác phẩm báo chí xuất sắc dự Giải báo chí Quốc gia Lần thứ XVI - Năm 2021
Ngày xuất bản: 15/02/2022 2:57:45 SA

 Hội Nhà báo Việt Nam vừa có Hướng dẫn Tuyển chọn tác phẩm báo chí xuất sắc dự Giải báo chí Quốc gia Lần thứ XVI - Năm 2021 gửi Hội Nhà báo các tỉnh, Chủ tịch Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố; các Liên Chi hội và Thư ký các Chi hội nhà báo trực thuộc Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam; các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương. Dưới đây là nội dung Hướng dẫn.

HƯỚNG DẪN
Tuyển chọn tác phẩm báo chí xuất sắc
dự Giải báo chí Quốc gia Lần thứ XVI - Năm 2021

Thực hiện Quyết định số 1694/QĐ-TTg ngày 22/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng Giải báo chí Quốc gia và Quyết định số 118/QĐ-HĐGBCQG ngày 16/01/2019 của Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí Quốc gia về việc ban hành Điều lệ Giải báo chí Quốc gia (sửa đổi), Thường trực Hội đồng Giải báo chí Quốc gia ban hành Hướng dẫn tuyển chọn tác phẩm báo chí xuất sắc dự Giải báo chí Quốc gia Lần thứ XVI – Năm 2021 gửi các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Liên chi hội và Chi hội trực thuộc, các cơ quan báo chí để thực hiện.
Theo Điều lệ Giải báo chí Quốc gia (sửa đổi), cơ cấu Giải báo chí Quốc gia Lần thứ XVI - Năm 2021 gồm 11 nhóm giải và Giải đặc biệt, Giải phụ do Hội đồng Giải xem xét, quyết định, như sau:
1. Báo in, có 3 nhóm giải:
a) Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn
b) Giải Xã luận, bình luận, chuyên luận 
c) Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép
2. Báo nói (Phát thanh), có 2 nhóm giải:
a) Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, chuyên đề, phát thanh tổng hợp
b) Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký
3. Báo hình (Truyền hình), có 3 nhóm giải:
a) Giải Tin, phóng sự, ký sự
b) Giải Bình luận, giao lưu, tọa đàm;
c) Giải Phim tài liệu truyền hình.
4. Giải Báo điện tử, có 2 nhóm giải:
a) Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến;
b) Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép.
5. Ảnh báo chí có 01 nhóm giải:  Giải Ảnh đơn, phóng sự ảnh, nhóm ảnh.
Giải đặc biệt và 
Giải phụ:  Hội đồng Giải xem xét quyết định, tùy tình hình cụ thể.

I - Điều kiện dự Giải

1- Về tác giả: Là công dân Việt Nam, bao gồm các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, có tác phẩm báo chí xuất sắc được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo in, đài phát thanh, đài truyền hình, báo điện tử…) do Bộ Văn hoá - Thông tin (trước đây) và nay là Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép.
- Tác giả dự Giải không vi phạm các Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí và luật pháp khác.
Trường hợp nhiều người cùng thực hiện một tác phẩm thì giải sẽ trao cho nhóm tác giả (Lưu ý: Theo Điều lệ sửa đổi, số tác giả một nhóm tối đa là 05 người).
2- Về tác phẩm: Là tác phẩm đã được sử dụng từ ngày 01/01/2021 đến 31/12/2021trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được nêu ở trên.
Những tác phẩm được sử dụng trong thời gian này đã được trao giải thưởng ở các cuộc thi của địa phương, ngành hoặc liên ngành Trung ương vẫn được quyền dự Giải báo chí Quốc gia, nhưng cần ghi rõ thông tin về cuộc thi, đơn vị tổ chức và mức giải.
Những tác phẩm đăng hoặc phát sóng nhiều kỳ, nếu những kỳ đầu được sử dụng trước ngày 01/01/2021 mà chưa tham dự Giải báo chí Quốc gia Lần thứ XIV - Năm 2020 thì được gộp vào các kỳ sau (đăng từ 01/01/2021) để thành tác phẩm hoàn chỉnh tham dự Giải báo chí Quốc gia Lần thứ XVI - Năm 2021.

II - Tiêu chuẩn xét chọn

1- Về nội dung:
Bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương, phản ánh kịp thời và sâu sắc tình hình thực tế, có tính phát hiện, phục vụ thiết thực sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phản ánh trung thực đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước, việc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước trong năm 2021 – với nhiều sự kiện chính trị lớn của đất nước; khuyến khích các tác phẩm báo chí về các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, phê phán, chống các hành vi tiêu cực, tham nhũng, những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; thông tin chính xác và kịp thời những sự kiện quốc tế quan trọng.
Không xét tác phẩm có tính chất hư cấu (thơ, tranh vẽ, tiểu phẩm, ký văn học, câu chuyện văn nghệ, truyện ngắn, tạp văn…).
2- Yêu cầu về chất lượng và hiệu quả xã hội của tác phẩm:
+ Thông tin chính xác, trung thực, khách quan.
+ Nêu được vấn đề mới, có tính phát hiện.
+ Đề cập những vấn đề Đảng, Nhà nước, nhân dân quan tâm, có tính định hướng dư luận cao, thuyết phục, có tác động tích cực đến đời sống xã hội.
+ Tác phẩm biểu dương điển hình tiên tiến, nhân tố mới, có phát huy hiệu quả trong thực tế.
+ Tác phẩm đề cập những vụ việc tiêu cực phải được các cơ quan có thẩm quyền kết luận là đúng sự thật hoặc đã được các tổ chức, cá nhân sai phạm thừa nhận và khắc phục.
Tác phẩm đề cập đến lĩnh vực chuyên ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, lịch sử, còn có những ý kiến khác nhau thì phải được cơ quan có thẩm quyền chuyên ngành thẩm định.
3- Hình thức thể hiện
 a- Đối với tác phẩm báo in:
Mỗi tác phẩm là một tin hoặc một loạt tin (không quá 05 tin), một bài hoặc một loạt bài (không quá 05 kỳ) của cùng tác giả (hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên), về cùng một đề tài. Không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng báo khác nhau.
b- Đối với tác phẩm phát thanh:
+ Mỗi tác phẩm phải là một tin hoặc một loạt tin (không quá 05 tin), một bài hoặc một loạt bài (không quá 05 kỳ) về cùng một chủ đề, một sự kiện hoặc một đối tượng.
+ Thể hiện được đặc trưng của báo phát thanh là âm thanh rõ ràng, tiếng nói nhân vật, tiếng động, âm nhạc bảo đảm chất lượng, hấp dẫn.
+ Thời lượng tác phẩm dài nhất không quá 60 phút.
c- Đối với tác phẩm truyền hình:
+ Mỗi tác phẩm phải là một tin hoặc một loạt tin (không quá 05 tin), một bài hoặc một loạt bài (không quá 05 kỳ) về cùng một chủ đề, một sự kiện hoặc một đối tượng.
+ Thể hiện được đặc trưng của báo hình là hình ảnh động; hình ảnh phải đạt yêu cầu chất lượng.
Thời lượng tác phẩm dài nhất không quá 60 phút.
d- Đối với tác phẩm ảnh báo chí:
+ Tác phẩm ảnh báo chí được thể hiện bằng ảnh màu hoặc đen trắng.
Đối với nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh, chỉ tuyển chọn mỗi nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh không quá 10 ảnh, đăng trên cùng một số báo hoặc cùng thời điểm xuất bản (đối với báo điện tử).
+ Ảnh đơn hoặc nhóm ảnh phải có chú thích rõ ràng.
+ Không xét ảnh ghép, ảnh xử lý bằng vi tính, ảnh phong cảnh, ảnh nghệ thuật.
e- Đối với tác phẩm báo điện tử:
+ Phải là tác phẩm sáng tạo lần đầu, viết riêng cho báo điện tử; không xét những tác phẩm lấy từ báo in.
+ Thể hiện được đặc trưng của báo điện tử là ngắn, gọn, có tính liên kết, tính đa phương tiện.
+ Mỗi tác phẩm là một tin hoặc một loạt tin (không quá 05 tin), một bài hoặc một loạt bài (không quá 05 kỳ) của cùng tác giả (hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên), về cùng một đề tài. Không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng báo khác nhau.

III - Các bước tiến hành tuyển chọn từ cơ sở

1- Lập Ban tuyển chọn và xét Giải
a - Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố lập Ban tuyển chọn từ 7 - 9 người (riêng các Hội Nhà báo Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có thể nhiều hơn) tiếp nhận tác phẩm dự giải ở các Chi hội. Thành phần Ban tuyển chọngồm lãnh đạo Hội Nhà báo địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ, lãnh đạo các cơ quan báo chí và những nhà báo có chuyên môn cao, có uy tín ở địa phương.
Các thành viên Ban tuyển chọn cần có trình độ nghiệp vụ báo chí đủ để thẩm định tác phẩm báo chí, có kinh nghiệm tuyển chọn và điều kiện làm việc, tránh cơ cấu theo hình thức. Trưởng các Ban tuyển chọn do Thường vụ Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, Liên chi hội và Thư ký Chi hội trực thuộc phối hợp với lãnh đạo các cơ quan báo chí chọn cử.
b - Các Liên chi hội, Chi hội nhà báo trực thuộc Trung ương Hội lập Ban tuyển chọn (từ 3-5 người đối với các Chi hội trực thuộc, từ 5-7 người đối với các Liên chi hội), bao gồm đại diện cấp hội, đại diện lãnh đạo cơ quan báo chí và đại diện phóng viên, biên tập viên, để tuyển chọn tác phẩm gửi dự Giải báo chí Quốc gia. Những nơi chưa có tổ chức Hội thì cơ quan báo chí tiếp nhận và lập Ban tuyển chọn để tuyển chọn tác phẩm gửi dự Giải.
2 - Cách thức tuyển chọn:
Tất cả các tác phẩm dự Giải báo chí Quốc gia của các tác giả (là hội viên hay không phải là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam) đều phải thông qua các cấp Hội cơ sở (nơi không có Hội cơ sở thì thông qua cơ quan báo chí ở đó). Hội đồng Giải không nhận tác phẩm dự giải của cá nhân tự gửi đến. Những tác giả không phải là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam thì tác phẩm đăng, phát sóng ở báo, đài nào, tác giả có quyền gửi tác phẩm dự giải thông qua cấp hội hoặc cơ quan báo chí đó.
Riêng đối với Ảnh báo chí: Hội đồng Giải báo chí Quốc gia chấp thuận các tác giả có thể tự gửi tác phẩm (đủ điều kiện và tiêu chuẩn nêu ở mục I và II) về Ban Thư ký tổng hợp Giải, không qua Ban tuyển chọn ở cơ sở. Số ảnh này không tính vào chỉ tiêu tác phẩm được gửi dự Giải của cơ sở (quy định tại mục IV.1 dưới đây).
3 – Tổ chức thực hiện:
- Chủ tịch Hội, Liên chi hội (hoặc Thư ký các Chi hội trực thuộc) cùng lãnh đạo cơ quan báo chí phối hợp phổ biến văn bản Hướng dẫn này tới toàn thể các nhà báo, các cộng tác viên, thông tin viên và công chúng, đăng tải trên các cơ quan báo chí.
- Cơ quan Trung ương Hội đăng tải Hướng dẫn này trên hệ thống báo chí, cổng thông tin điện tử của Hội.
- Các tác giả tự chọn, gửi tác phẩm đăng ký dự Giải tới Ban tuyển chọn ở cơ sở.
- Để đảm bảo khách quan, công bằng, sau khi xem xét, Ban tuyển chọn tiến hành bỏ phiếu kín. Tác phẩm được chọn phải có ít nhất từ 2/3 số phiếu tán thành trở lên.

IV- Quy định về số lượng tác phẩm, tác giả gửi dự Giải

1- Số lượng tác giả, tác phẩm:
Mỗi Hội Nhà báo tỉnh, thành phố chọn gửi 30 tác phẩm của 30 tác giả hoặc nhóm tác giả (trong đó có ít nhất 3-5 tác phẩm của tác giả không phải là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam). Riêng các Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chọn gửi 60 tác phẩm của 60 tác giả hoặc nhóm tác giả (trong đó có ít nhất 10-15 tác phẩm của tác giả không phải là hội viên). Các Hội Nhà báo TP. Đà Nẵng, TP. Cần Thơ, TP. Hải Phòng chọn gửi 40 tác phẩm của 40 tác giả hoặc nhóm tác giả (trong đó có ít nhất 5-7 tác phẩm của tác giả không phải là hội viên).
Mỗi Liên chi hội trực thuộcTrung ương Hội chọn gửi 30 tác phẩm của 30 tác giả hoặc nhóm tác giả (trong đó ít nhất 3-5 tác phẩm của tác giả không phải hội viên).
Mỗi Chi hội nhà báo trực thuộc Trung ương Hội hoặc cơ quan báo chí (chưa có Chi hội) chọn gửi 10 tác phẩm của 10 tác giả hoặc nhóm tác giả (trong đó có ít nhất 02 tác phẩm của tác giả không phải là hội viên hoặc không phải phóng viên, biên tập viên trong cơ quan báo chí đó).
Ở những nơi không có đủ số tác phẩm của tác giả không phải hội viên Hội Nhà báo Việt Nam theo quy định trên, không được lấy tác phẩm của hội viên để thay thế.
2 - Khi tuyển chọn tác phẩm dự Giải, các Ban tuyển chọn cần lưu ý bảo đảm cân đối số lượng tác phẩm của các loại hình báo chí và các loại giải. Không nên chọn nhiều tác phẩm thuộc một loại hình hoặc thuộc một thể loại.
Đề nghị các cấp Hội, các cơ quan báo chí quan tâm nhiều hơn nữa đến các tác phẩm ảnh báo chí, tác phẩm phát thanh thuộc loại tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, toạ đàm trên sóng phát thanh.
3 - Số lượng tác phẩm dự Giải của mỗi tác giả, nhóm tác giả
Mỗi tác giả hoặc mỗi nhóm tác giả chỉ được chọn gửi 01 tác phẩm dự Giải và mỗi tác giả chỉ được đứng tên ở một tác phẩm hoặc trong một nhóm tác giả (Tác giả là người quay phim, được đứng tên tối đa trong 03 nhóm tác giả).

V- Lập Hồ sơ dự Giải gửi về Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

Theo quy định mới của Điều lệ sửa đổi năm 2019, đề nghị các Ban tuyển chọn ở cơ sở hết sức lưu ý các điểm sau:
1 - Tất cả các tác phẩm dự Giải phải ghi rõ:  Họ và tên tác giả(cả tên khai sinh và bút danh nếu có), tên tác phẩm, thể loại báo chí, đơn vị, địa chỉ, điện thoại của tác giả; ngày, tháng, năm đăng báo, tạp chí hoặc phát sóng của tác phẩm. Nếu là tập thể tác giả, phải ghi tên từng tác giả, nếu sử dụng bút danh phải ghi rõ tên thật (trong hồ sơ). Những hồ sơ không đúng Hướng dẫn sẽ bị loại. Hội đồng Giải sẽ không giải quyết tất cả các khiếu nại, đề nghị về việc thay đổi hoặc bổ sung tên tác giả đối với tác phẩm đoạt Giải, không chấp nhận đổi tên bút danh sang tên thật.
2 - Đối với tác phẩm báo in phải là bản in chính hoặc sao chụp từ báo in, nhưng phải sạch, đẹp, rõ ràng. Nếu tác phẩm có sự tiếp nối nhỏ, lẻ, phải cắt dán phần tiếp nối trên giấy trắng khổ A4 hoặc A3 và đánh số trang rõ ràng phần tiếp nối. Tác phẩm viết bằng tiếng nước ngoài, phải có bản dịch ra tiếng Việt. Tác phẩm thể hiện bằng tiếng dân tộc phải có bản dịch/thuyết minh tiếng phổ thông.
Lưu ý:Đối với báo điện tử phải gửi đường link tác phẩm và bản in chụp từ giao diện điện tử (không nhận tác phẩm đánh máy lại). Hội đồng giám khảo chấm theo đường link tác phẩm.
3 - Đối với tác phẩm phát thanh, phải ghi lên đĩa DVD hoặc USB, trên nhãn đĩa hoặc file trong đĩa/USB cung cấp đầy đủ thông tin tên đơn vị, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, thời lượng và thời gian phát sóng; kèm theo văn bản phần lời của tác phẩm. Nếu là tiếng dân tộc phải có bản dịch ra tiếng phổ thông.
Lưu ý: Các tác phẩm phát thanh phải gửi kèm đường link tác phẩm trên trang điện tử của đài (nếu có).
4 - Đối với tác phẩm báo hình, phải ghi lên đĩa DVD hoặc USB, trên nhãn đĩa hoặc file trong đĩa/USB cung cấp đầy đủ thông tin tên đơn vị, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, thời lượng và thời gian phát sóng; kèm theo bản thuyết minh. Nếu là truyền hình tiếng dân tộc phải dịch ra tiếng phổ thông.
Lưu ý: Các tác phẩm truyền hình phải gửi kèm đường link tác phẩm trên trang điện tử của đài (nếu có).
5 - Đối với tác phẩm ảnh báo chí: Cùng với ảnh đã đăng trên báo, tạp chí… phải kèm theo ảnh phóng trên giấy ảnh cỡ 18cm x 24cm (ảnh đơn) và 12cm x 18cm (đối với ảnh trong nhóm hoặc phóng sự ảnh). Không chấp nhận ảnh chup/photo lại từ ảnh gốc. Các tác giả tự gửi tác phẩm ảnh dự giải về Trung ương Hội cũng phải thực hiện đầy đủ quy định này và quy định tại điểm 1 mục V.
6 -Những tác phẩm bị coi là phạm quy (bị loại) là tác phẩm không đáp ứng các quy định đã nêu trong Hướng dẫn này.
7 -Biên bản tuyển chọn tác phẩm dự Giải: Phải ghi rõ danh sách tác giả, tác phẩm, có chữ ký và đóng dấu của cơ sở (Đề nghị ghi rõcả tên khai sinh từng người và bút danh, trong mẫu thống kê danh sách tác giả gửi kèm theo, không ghi chung là nhóm tác giả để tránh một tác giả đứng tên ở nhiều tác phẩm). Bản mềm của danh sách tác giả, tác phẩm dự Giải gửi về Ban Thư ký Tổng hợp Giải qua email.
8 -Thời hạn gửi tác phẩm dự Giải về Trung ương Hội:
     Hạn cuối cùng là ngày 15/3/2022 (theo dấu Bưu điện).  Theo địa chỉ:
 Ban Thư ký Tổng hợp Giải báo chí Quốc gia - Hội Nhà báo Việt Nam
59 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Ngoài bì ghi rõ: Dự Giải báo chí Quốc gia Lần thứ XVI - Năm 2021
  Hội đồng không hoàn trả các tác phẩm gửi dự Giải.
***
Hội đồng Giải báo chí Quốc gia đề nghị các cấp Hội, các cơ quan báo chí cho đăng trên báo, tạp chí, phát trên đài phát thanh, truyền hình và phổ biến sâu rộng văn bản này tới các nhà báo, các hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, các cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan thông tấn, báo chí và công chúng biết và dự Giải.
Đề nghị các cấp Hội lưu ý những điểm mới trong cơ cấu Giải và những quy định mới trong Hướng dẫn này để tránh sai sót. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì cần trao đổi hoặc giải đáp, đề nghị các cấp Hội liên hệ với:

Ban Thư ký Tổng hợp Giải báo chí Quốc gia
Điện thoại: 024.3935.1071                         Email: bannghiepvu.hnb@gmail.com

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải