song
Yên Bái hạnh phúc - Bài cuối: Nâng cao Chỉ số hạnh phúc cho người dân
Ngày xuất bản: 04/06/2021 12:00:00 SA
Lượt đọc: 10204

 Yên Bái đặt mục tiêu Chỉ số hạnh phúc (CSHP) tăng khoảng 15% trong 5 năm. Hàng năm, tỉnh sẽ có đo lường, có khảo sát, đánh giá. Trên cơ sở đó, sẽ điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và cả nhiệm kỳ để thiết thực nâng cao CSHP cho người dân.

Mô hình đường hoa của Hội Phụ nữ xã Đại Minh, huyện Yên Bình

>> Bài 1: Chỉ số hạnh phúc- đặc sắc của Yên Bái 

>> Bài 2: Vì hạnh phúc của nhân dân 

 

Nâng cao chỉ số hạnh phúc

Ngay sau khi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ được ban hành, ngày 30/10/2020, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Chương trình hành động (CTHĐ) số 10 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và ban hành CTHĐ số 18, ngày 18/12/2020 để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021.

Trước một khối lượng công việc rất lớn, với nhiều việc mới, việc khó, cùng với bộ máy lãnh đạo chủ chốt được kiện toàn sau đại hội Đảng các cấp có nhiều đồng chí được giao đảm nhận nhiệm vụ công tác mới. 

Cùng với đó, dịch bệnh Covid - 19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Song, với tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm cao, sự vào cuộc, bắt nhịp nhanh chóng và vai trò trách nhiệm tiên phong, gương mẫu, đổi mới, sáng tạo của người đứng đầu các cấp, Yên Bái đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ quý I/2021 với nhiều chỉ tiêu, kết quả đạt khá so với kế hoạch và so với cùng kỳ. 

Tiêu biểu như: giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10,4%, kim ngạch xuất khẩu tăng 30,9%, thu ngân sách tăng 18%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 6,6%, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 41,2% kế hoạch. 

Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chăm lo; đặc biệt, lần đầu tiên, tỉnh thực hiện tặng quà cho 100% hộ nghèo trên địa bàn từ nguồn ngân sách Nhà nước và huy động xã hội hóa đã khơi dậy được tinh thần đoàn kết, nhân ái, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân. 

Song hành với những kết quả đạt được thì một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Yên Bái đang tập trung triển khai là Kế hoạch nâng cao CSHP cho người dân năm 2021; xây dựng và nhân rộng các mô hình "Gia đình hạnh phúc”, "Khu dân cư hạnh phúc”, "Cơ quan, đơn vị hạnh phúc”, "Trường học hạnh phúc”. 

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: "Đây là một nhiệm vụ mới, chưa có tiền lệ, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia hưởng ứng tích cực của mỗi người dân. Là địa phương đi tiên phong trong cả nước, chúng ta xác định vừa làm vừa rút kinh nghiệm để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện theo từng năm, với mục tiêu nhất quán là nâng cao CSHP cho người dân. 

Các sở, ngành, địa phương, trên cơ sở kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần khẩn trương xây dựng kế hoạch, đăng ký chỉ tiêu và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp gắn với các phong trào thi đua yêu nước để thiết thực nâng cao CSHP cho người dân”. 

Theo đó, năm 2021 CSHP của người dân Yên Bái đạt 57,3% (tăng 4% so với năm 2020); trong đó, tỷ lệ hài lòng về cuộc sống đạt 42,87%,  tỷ lệ hài lòng về môi trường sống đạt 34,03%, tỷ lệ đánh giá về tuổi thọ trung bình đạt 45,5%.

Giải pháp

 

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19

tại Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên

Để  thực hiện được các mục tiêu trên, Tỉnh ủy đã Ban hành Kế hoạch số 30 về nâng cao CSHP cho người dân Yên Bái năm 2021 với mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm tập trung nâng cao sự hài lòng của người dân về cuộc sống. 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Cường - Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh trước hết, Yên Bái cần phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Có cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân”. 

Hơn nữa, cùng với sự quan tâm của Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở cần thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, nhất là các chính sách, dự án liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ có hiệu quả đối với các đối tượng yếu thế nhằm nâng cao đời sống kinh tế vật chất, giảm thiểu bất bình đẳng về thu nhập của nhân dân giữa các khu vực, vùng miền; đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh. 

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy khẳng định: "Một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng CSHP là gắn tăng trưởng kinh tế với xây dựng và phát triển văn hóa, con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; triển khai Cuộc vận động "xây dựng gia đình hạnh phúc" là hạt nhân nuôi dưỡng cuộc sống hạnh phúc cho mỗi người”. 

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về "Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”. 

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cấp trang thiết bị cho các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện; quan tâm đầu tư đồng bộ và phát huy hoạt động của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ đảm bảo mọi người dân đều được bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế. 

Đồng thời, tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận phục vụ hành chính công các cấp theo hướng công khai, minh bạch. Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn và tiêu cực xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. 

Cuối cùng là, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Khuyến khích đầu tư công nghệ hiện đại để thu gom, xử lý chất thải, tái sử dụng, tái chế và sản xuất thu hồi năng lượng từ chất thải; giảm dần, tiến tới phấn đấu trong tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường.  

Dẫu biết, sự hài lòng của người dân về cuộc sống khác hẳn với chuyện người dân có thu nhập trung bình bao nhiêu. Có khi thu nhập của quốc gia cao nhưng chưa hẳn người dân cảm thấy hạnh phúc. Có những quốc gia đánh đổi môi trường để có tăng trưởng. Đối với Yên Bái thì không đặt tăng trưởng quá cao mà xác định phát triển hài hòa về kinh tế - xã hội, môi trường. 

Đồng thời, xác định triết lý phát triển "xanh” để giữ "lá phổi" -  oxy cho Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ luôn được trong lành. Tin rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của mỗi người dân cùng với các giải pháp đồng bộ trong thực hiện nâng cao CSHP cho người dân sẽ là động lực quan trọng đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, phấn đấu trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.

                                                                                                                                                               Theo Báo Yên Bái

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải