song
Hoàng Thế Sinh với "Cánh đồng Chum mùa hoa Ban"
Ngày xuất bản: 13/09/2021 12:00:00 SA
Lượt đọc: 11014

 Cánh đồng Chum mùa hoa Ban"  tập sách thứ 18 và là tiểu thuyết thứ 8 của nhà văn Hoàng Thế Sinh. Tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh cách mạnh, phản ánh cuộc chiến đấu của quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Lào thời chống Mỹ. Các trận đánh được phản ánh trong "Cánh đồng Chum mùa hoa Ban" là một phần trong chiến dịch phòng ngự cánh đồng Chum- Xiêng khoảng năm 1972 của liên quân Việt- Lào. Diễn biến sự kiện, hành động của nhân vật đều được phản ánh qua cái nhìn của nhân vật Hoàng, chiến sĩ điện báo, trực tiếp tham gia chiến dịch, cũng là hiện thân tác giả. Các nhân vật, đều là những người bạn cùng học, cùng quê, hoặc đồng đội thân thiết của Hoàng. Có thể xem "Cánh đồng Chum mùa hoa Ban" là tiểu thuyết có tính tự truyện. Đọc xong tiểu thuyết điều đọng lại nhiều nhất là chân dung người lính trẻ và sự khốc liệt của chiến tranh. Những người lính hồn nhiên, tinh nghịch, tếu táo, đúng với tuổi trẻ và chất lính, song cũng đầy trách nhiệm và sự kiêu hãnh. Đứng trên đỉnh Trường Sơn, Hoàng cảm thấy: "Bây giờ ta đang đứng trên đỉnh Trường Sơn... Ờ, Trường Sơn đang ở dưới bàn chân ta của tuổi trẻ lên đường ra trận".  Xây dựng hình ảnh người lính, nhà văn không chỉ miêu tả hành động chiến đấu quả cảm mà còn phản ánh đời sống tinh thần, tình cảm của những người lính trẻ lần đầu ra trận. Nỗi nhớ quê hương, mái trường, gia đình, bạn bè; tình đồng đội; tình yêu tuổi trẻ, tình cảm với nhân dân Lào. Viết về chiến tranh, nhà văn Hoàng Thế Sinh không né tránh sự khốc liệt, tàn bạo của chiến tranh; không né tránh những hy sinh mất mát. Trên đường hành quân vào mặt trận, nhiều chiến sỹ đã hy sinh vì sốt rét; tiếp cận trận địa, địch bắn pháo chụp như mưa đá, nhiều chiến sỹ bị trúng mảnh pháo vỡ đầu, cụt tay, xẻ vai, nát chân, toạc lưng, vỡ bụng. Thi hài các chiến sỹ đã được chôn cất cũng bị bom địch giết thêm lần nữa. Chiến tranh không chỉ giết chết bao tuổi hai mươi đầy khát vọng, nó còn hủy diệt mọi sự sống. Cả rừng ban đang trổ hoa cũng bị bom đạn làm tan nát... Nhà văn cũng không né tránh nỗi đau xót của người lính khi chứng kiến sự hy sinh của đồng đội: "Hoàng không sao đứng dậy được, cứ bò quanh các gốc thông, hai bàn tay rờ rẫm lên thân thể đồng đội, bàn tay nóng bỏng máu tươi, nước mắt giàn dụa, ngực nghẹn ứ đau đớn, miệng mếu máo". Đối mặt với sự khốc liệt của chiến tranh, đau đớn khi đồng đội ra đi, nhưng người lính không run sợ, hèn nhát, bỏ ngũ. Trận đánh Phu Tâng, nhìn đồng đội hy sinh, lòng căm thù khiến Bình bắn liên tiếp tới 9 quả B41, mặc cho sức ép khiến tai anh rỉ máu. Trong trận đánh Tà Can, một mình Hoàng ôm chiếc máy vô tuyến nóng rẫy trong chiếc hầm nhỏ chật, ngay sát hàng rào dây thép gai. Bom, đạn nổ ngay trên đầu. Ngó ra, thấy từ hầm tới bìa rừng chỉ bò mất chừng một phút. Một phút là thoát chết. Nhưng chợt lóe lên trong đầu Hoàng ý nghĩ: "Nếu trở về thì sao? Có dám nhìn thẳng vào đôi mắt đen thẳm của thủ trưởng Tung không? Có dám nhìn thẳng vào đôi mắt rực lửa của đồng đội không? Có dám nhìn thẳng vào đôi mắt trong sáng của Mây không? Không! Không thể như thế được. Không thể là thằng hèn. Không thể bỏ chạy...". Báo cáo tình hình hỏa lực địch cho chỉ huy, Hoàng ôm chặt chiếc máy vô tuyến, lòng rộn nên niềm vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ. Tay Hoàng bỗng sờ xuống trái lựu đạn, rờ lên khẩu AK, lóe lên trong đầu Hoàng  ý nghĩ: Nếu bọn giặc tới,  Hoàng sẽ đánh chúng bằng cả 2 băng đạn và 1 trái lựu đạn, còn 1 trái Hoàng sẽ dành cho mình".

Viết về cuộc chiến đấu của quân tình nguyện Việt Nam trên đất Lào, không thể không nhắc tới tình cảm Việt - Lào. Nhân dân các bộ tộc Lào thương yêu bộ đội Việt Nam như người ruột thịt. Các mẹ Lào bản Ban, thân hình gầy guộc, tóc bạc, váy áo vá, ôm quả bí ngô to cho bộ đội Việt Nam. Bộ đội thương mẹ cũng nghèo, cũng đói, không nhận, thì mẹ bảo: "Các mẹ Lào thương quí bộ đội Việt Nam lắm. Các mẹ cũng như các mẹ bên Việt Nam thôi. Con cứ cầm quả bí đi, gọi là chút quà của mẹ thôi mà. Không cầm là mẹ tủi lắm". Bộ đội Việt Nam cùng các cô gái Lào nắm tay nhau nối thành vòng tròn vừa múa vừa hát. Bộ đội Tương Lai khắp cọi, cô gái Lào Bua Xa Ly hát dân ca Lào... Những chi tiết này vừa thể hiện sâu sắc tình cảm gắn bó của nhân dân Lào với quân tình nguyện Việt Nam, vừa thể hiện 2 dân tộc Việt- Lào rất gần gũi về đời sống văn hóa. Đó chính là nền tảng của tình hữu nghị Việt- Lào đời đời bền vững, mãi mãi xanh tươi.

Trong "Cánh đồng Chum mùa hoa ban", có nhiều trường đoạn giàu tính trữ tình. Đoạn Hoàng hồi tưởng về đêm mùa xuân ngày học cấp III Phố Ràng: "Đêm mùa Xuân trong sáng, bầu trời cao thăm thẳm, vầng trăng như chiếc đĩa bạc khổng lồ...Mây rủ Hoàng lên đồi ban. Mùa xuân hoa ban nở trắng sườn đồi. Mây bảo ngắm hoa Ban qua ánh trăng mới thấy hoa Ban lung linh chẳng kém gì những vì sao trên trời". Đoạn Hoàng hồi tưởng cảnh làng quê Hưng Yên: "Nhà Hoàng ở ngay bến sông Thi, nơi có ngôi Chùa Cỏ bóng xanh lặng giữa chiều quê,  nơi in dấu vết cái bến đò ngang còn xôn xao mái chèo đôi khua động sóng nước". Đoạn tả đêm trăng rừng Lào: "Bầu trời cao thăm thẳm. Mặt trăng còn hơi khuyết nhưng sáng trong, cứ bay bay giữa muôn vì sao lấp lánh...". Đoạn miêu tả cảm xúc của Hoàng khi nhìn rừng Ban bị tàn phá:  "Ôi! Cánh rừng ban mênh mông trắng ngần! Hoàng ngơ ngẩn nhìn một nửa rừng ban bị pháo bắn tan nát cây cành. Những chiếc lá hình trái tim rách tướp, những chiếc lá hình trái tim cháy quăn đen nhẻm...Những cánh hoa ban màu hồng nhạt bị chém tơi tả khắp mặt đất như máu ứa. Ôm chặt khẩu AK, lặng đi hồi lâu, Hoàng lẩm nhẩm: Ôi chiến tranh, người là con quỷ dữ. Người đã giết chết những người bạn của ta tràn trề nhựa sống đương hai mươi tuổi. Người đã giết chết những ước mơ cao đẹp của bạn ta đương hai mươi tuổi. Người đã giết chết những cây Ban có chiếc lá hình trái tim như trái tim bạn ta đương hai mươi tuổi. Người đã giết chết những bông hoa Ban trắng ngần như tình yêu của bạn ta đương hai mươi tuổi. Nhưng không phải thế đâu, hỡi con quỷ chiến tranh! Hy sinh vì nghĩa lớn bạn ta mãi mãi trẻ trung cùng đất nước. Cây ban lại mọc lên xanh biếc lá hình trái tim. Hoa Ban lại nở trắng ngần giữa mùa xuân bình yên". Suy nghĩ ấy của Hoàng chính là tuyên ngôn của những người lính về chiến tranh và khát vọng hòa bình".

Viết về cánh đồng Chum trong chiến tranh nhưng tác giả lại đặt tên tác phẩm gắn với hoa Ban, loài hoa dân dã nhưng có sức sống mạnh liệt. Điều ấy thể hiện ý tưởng: sự khốc liệt của chiến tranh không thể giết chết cảm xúc, tình  yêu, cái đẹp và sự lãng mạn. Đó cũng là một nguồn sức mạnh của người lính, chiến thắng mọi kẻ thù. Trong truyện ngắn "Mảnh trăng cuối rừng", nhà văn Nguyễn Minh Châu gọi đó là "sợi chỉ xanh óng ánh", bom đạn, thời gian không thể làm đứt nổi. Đó cũng là một điểm nhấn của chủ đề tiểu thuyết:  "Cánh đồng Chum mùa hoa Ban".                                                                                                                             

                                                                                                                                                                                        Nguyễn Hiền Lương

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải