song
Nhà văn Nông Quang Khiêm với hành trình tìm về cội nguồn văn hóa dân gian
Ngày xuất bản: 09/08/2021 12:00:00 SA
Lượt đọc: 9520

 - Làm phóng viên ở cơ quan báo, tôi biết đến cái tên Nông Quang Khiêm, qua những trang thơ, truyện ngắn và những tản văn nhỏ như những hoài niệm về quê hương, về người thân.

Nhà văn Nông Quang Khiêm (thứ hai từ phải sang) tham gia sáng tác âm nhạc tại huyện Mù Cang Chải

 

Cứ nghĩ hẳn cây viết ấy là người từng trải đời, không thì cũng là "dân văn chương”, nhưng không ngờ, "tác giả” của những tác phẩm nặng trĩu hoài niệm ấy là chàng thanh niên người dân tộc Tày sinh năm 1984, công tác tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái. 

Chính những ký ức tuổi thơ ở vùng Đông hồ Thác Bà, huyện Yên Bình thẫm đẫm văn hóa dân tộc Tày của Nông Quang Khiêm đã khiến tôi bị cuốn theo. Và, cũng chính mối liên hệ văn chương đã giục tôi phải đi gặp chàng trai trẻ mê viết ấy. Tôi hỏi Khiêm rằng, điều gì đã đưa Khiêm đến với văn chương. Khiêm nói, em may mắn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu văn hóa dân gian, yêu văn học nghệ thuật. 

Ông nội của Khiêm là Nông Văn Tư - một người hiểu biết sâu sắc về nguồn cội văn hóa dân gian dân tộc Tày. Ông ngoại của Khiêm là nhà văn Hoàng Hạc - người có nhiều tác phẩm nổi tiếng viết về vùng đất, con người các dân tộc miền Tây Bắc, đặc biệt là viết về người dân vùng Đông hồ đã hy sinh cả mảnh đất máu thịt để nhường chỗ xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà - Nhà máy đầu tiên của ngành Thủy điện miền Bắc Việt Nam… 

Đặc biệt, lớn lên trong chiếc nôi văn hóa Xuân Lai, từ thuở ấu thơ, tâm hồn Nông Quang Khiêm đã thấm đẫm những lời hát ru "noọng ứ… noọng nòn” ngọt ngào, đượm tình, đượm nghĩa của bà, của mẹ. Những lời ru đi suốt thời thơ ấu ấy như mạch nguồn trong vắt, mát lành, chắt chiu, ấp ủ tình đất, tình người đã nuôi dưỡng Nông Quang Khiêm trở thành một chàng trai hiền lành, nhân hậu, yêu văn chương… 

Mong muốn được chia sẻ và lưu giữ tuổi thơ đẹp đẽ của mình, Nông Quang Khiêm đã gửi gắm tâm hồn tuổi thơ, gửi gắm tình yêu thương con người, yêu quê hương bản làng, khát vọng của mình - cũng chính là của trẻ em miền núi qua những trang viết. "Anh có tin được không, năm học lớp 6 em đã viết ra giấy mà không gửi đi. Em đã tưởng tượng ra một thế giới riêng có của mình, nhất là khi được học văn, được đọc những tác phẩm của các nhà văn trong chương trình học. Em thích nhất là Thạch Lam. Có điều gì trong những "Gió lạnh đầu mùa”, "Hai đứa trẻ”… ấy gần với em lắm. Và em đã tập tành viết lách với giấc mơ được trở thành nhà văn. Anh đừng cười nhé, trong khi các bạn bè em đa số đều mong muốn tương lai sẽ là giáo viên, bác sĩ, kỹ sư hay bất cứ ngành nghề nào khác có thể kiếm được thật nhiều tiền thì em lại muốn… viết. Chính giấc mơ có vẻ khác người ấy mà em giấu nhẹm nó vào một ngăn kín đáo nhất của trái tim mình” - Nông Quang Khiêm bộc bạch.

Rồi cứ thế, hằng đêm, khi làm xong bài tập về nhà, Khiêm lại mang cuốn vở nháp ra để tập tành sáng tác. Đầu tiên là những bài thơ ngộ nghĩnh có vần. Rồi tiếp đến em "lấn sân” sang tản văn, truyện ngắn. Viết rồi xóa, xóa rồi viết. Khiêm loay hoay trong mớ ngôn từ còn nghèo nàn của bản thân rồi có lúc hoang mang đặt ra câu hỏi: "Viết để làm gì? "Và hễ có tiếng bước chân vào căn buồng nơi em đang miệt mài viết, em lại luống cuống lấy sách ra che lại như đang phạm tội sợ bị bắt quả tang. Số bản thảo nguệch ngoạc trong ngăn cứ đầy dần lên cho đến một hôm bố mẹ quét dọn nhà cửa, tưởng đấy là rác và định mang đi vứt thì mọi bí mật của một cậu nhóc mới bị phanh phui. Vốn là người thuộc nhiều ca dao, tục ngữ, mẹ đọc qua rồi khen: "Con viết hay lắm, sao không gửi đến các tòa soạn báo”. 

Gợi ý của mẹ quanh quẩn trong đầu Khiêm suốt nhiều ngày liền. Nhà gần sát bưu điện, nên với những đồng tiền lẻ mẹ cho, thay vì việc mua quà vặt như mọi lần, Khiêm dành dụm mua tem và phong bì để chuẩn bị cho "âm mưu” viết bài gửi báo. Khiêm đã gửi đi hàng chục bài báo cho các tòa soạn và hồi hộp chờ hồi âm, nhưng bặt vô âm tín. Phải gần nửa năm sau, khi ấy Khiêm đã học lớp 9, một lần đi học về thì nhận được một tin đầy bất ngờ từ cô nhân viên bưu điện: "Khiêm ơi, cháu có bài đăng ở Báo Yên Bái. Lên ký tên và nhận nhuận bút nhé”. 50 nghìn đồng là món tiền lớn đầu tiên mà một học sinh lúc nào cũng bị chê là mọt sách làm được. Khiêm đem số tiền ấy đặt vào lòng bàn tay của mẹ nhìn thấy đôi mắt mẹ ánh lên hạnh phúc… 

Nói về "đứa con” tinh thần đầu tiên của mình. Khiêm cho hay: "Rừng Pha Mơ yêu dấu” là tập truyện đầu tay được xuất bản, gồm 11 câu chuyện nhỏ về chuỗi những kỷ niệm, bạn bè thời thơ ấu, về cuộc sống luôn tươi đẹp và cả những ước mơ của tuổi thơ anh. Giọng văn mượt mà trong tập truyện sẽ đưa người đọc tới với những câu chuyện mà như không phải chuyện. Đó chỉ là lời thủ thỉ, tâm tình tự nhiên nhưng có một sức lôi cuốn mạnh mẽ. Nhân vật trong các câu chuyện ấy là những cô bé, cậu bé tuổi hoa với nhiều tên gọi rất đáng yêu như Nhúc, Đoóng, Khủ, Éng Chẹo, Nhình… Có khi lại là những con vật đáng yêu và gần gũi trong sinh hoạt đời thường như chó Vích trong truyện "Vích”; Cá chép trong truyện "Giấc mơ hoá Rồng”. 

Quan sát khá tinh tế thế giới động vật, những con vật gần gũi với núi rừng như: con vích, con căng, con khỉ… đều trở thành những câu chuyện vừa thực vừa pha chút dân gian, lắng đọng nhân tình thế thái. Còn lũ trẻ trong truyện của Nông Quang Khiêm vừa buồn đấy nhưng lại vui ngay được khi chúng tìm ra sự lý giải hết sức hồn nhiên bằng con mắt trẻ thơ. Là Nhúc buồn khi thấy rừng đã bị chặt phá, không còn giống như những gì bố đã kể cho Nhúc nghe; là Nhình buồn khi nghĩ rằng ma cà Rồng sẽ thành mẹ kế của mình; là Éng Chẹo buồn khi biết mình không còn mẹ… Nhưng rồi chúng đều tìm thấy niềm vui khi mở lòng ra với mọi người và hướng tới ước mơ được đi học. 

Đặt trẻ em trong mối quan hệ với người lớn, Nông Quang Khiêm rất chú ý những ảnh hưởng sâu sắc của người lớn tới sự phát triển, trưởng thành của trẻ em. 11 câu chuyện nhỏ nhưng chứa đựng rất nhiều bài học sâu sắc thông qua lời dạy của cha với con. Đó là khi cha Đoóng nói với con: "Chín bậc cầu thang là chín con vía… khi lên cầu thang phải bỏ giày, bỏ dép, bước lên từng bậc nhẹ nhàng, không nên hấp tấp bước hai bậc, không biết lượng sức mình là vấp ngã đấy con ạ!”. 

Là khi cha Nhúc giải thích cho con một cách rất đơn giản bằng cách hiểu của người Tày về độ cao đi đến cánh rừng già: "Phải qua hai con dốc, đầu gối đi chạm tai mới đến”. Là khi anh em Chài được cha dạy về lòng dũng cảm bằng "Bảo bối hạt ngọc nhãn” trong truyện "Kỷ niệm mùa ổi chín”… Có lúc tác giả kể chuyện về cỏ cây muông thú mà như kể chuyện người bởi chúng gần gũi, thân thương và nồng ấm tình người quá. 

Gắn bó với quê hương, Nông Quang Khiêm có lợi thế sử dụng những kiến thức về phong tục tập quán của người Tày, từ cách nghĩ, cách nói đến những phong tục nhưng anh không lạm dụng. Hơn thế, những điều đó lại trở thành đắc dụng, khiến thơ, truyện của anh mang màu sắc miền núi tinh tế hơn. Bởi vậy, mỗi truyện của Nông Quang Khiêm đều tự nhiên như suối nguồn tuôn chảy và tạo nên những giá trị thẩm mỹ, nhân văn cho tuổi thơ và cả những bậc làm cha mẹ. 

Quang Thiều (Báo Yên Bái)

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải