song
Nghề báo cần sự trải nghiệm bền bỉ, dấn thân
Ngày xuất bản: 11/02/2020 12:00:00 SA
Lượt đọc: 37932

Hình ảnh Tuấn Anh, phóng viên Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Yên Bái trong những lần tác nghiệp vượt dốc với hàng chục kg máy ảnh, máy quay phim đã trở lên quen thuộc với cánh báo chí tỉnh Yên Bái. “Ba trong một”, tác nghiệp bằng đủ loại hình thông tin từ chụp ảnh, quay phim, đến báo in, báo điện tử là những thứ mà một phóng viên thường trú như Tuấn Anh phải thông thạo.

Ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế phổ thông, được ngắm nhìn các cô chú nhà báo đến thăm trường, được nghe những câu chuyện nhờ có nhà báo mà việc này, việc kia được giải quyết, Tuấn Anh thấy nghề báo thật “oai”, nhà báo được mọi người tin tưởng, tôn trọng, có người lại nể sợ, nên cậu mơ ước được làm nghề báo. Bố mẹ không đồng ý cho Tuấn Anh theo nghề báo bởi với bố “nghề báo vất vả, đi lại nhiều, lúc nào cũng lang thang trên đường, chỗ nào khó khăn, vất vả phải có mặt, mưa gió cũng không được ở nhà nên học kỹ thuật hay giáo viên cho cuộc sống an yên”, nhưng đáp lại lời khuyên của bố mẹ, đứa trẻ mới lớn đó chỉ trả lời ngang bướng một câu “Kệ con, thế mới thích chứ ạ”.

Trước khi trở thành phóng viên thường trú của Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam tại Yên Bái, Tuấn Anh là phóng viên của Đài Truyền thanh - Truyền hình thành phố Yên Bái. Trúng tuyển kỳ thi viên chức của Thông tấn xã Việt Nam, tháng 3/2013 Tuấn Anh chính thức được phân công về Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Yên Bái. Bước chân vào một môi trường làm báo chuyên nghiệp, từ đây Tuấn Anh mới được nếm trải những chuyến tác nghiệp xa nhiều ngày, lội suối, băng rừng, trèo đèo, qua những cung đường nguy hiểm, nhưng đó mới hợp với tính cách phóng khoáng, ham đi của cậu. Những ngày đầu hết chạy theo tin tức này, sự kiện kia của tỉnh, rồi lại phải lo làm đề tài ở xã khiến cậu mệt nhoài. Thấy con suốt ngày lọ mọ đi cơ sở viết tin, bài, có lúc về bố mẹ đã ngủ, lúc đó bố lại nhắc “làm nghề này vất vả lắm, không nghe”, Tuấn Anh vẫn hăng hái trả lời “Nhưng con thích là được”.

Phóng viên Tuấn Anh

Thông tấn xã là “ngân hàng tin” nên rất áp lực cho cánh phóng viên thường trú, phải luôn chủ động đi, viết, đưa tin một cách nhanh chóng, chính xác nhất. Hàng ngày báo cáo tiến độ công việc, hàng tuần đăng ký tin, bài và phải hoàn thành. Nghề báo cũng không cho phép tồn tại những khái niệm “hình như” hay “nghe nói” mà mỗi thông tin đưa ra đều phải có cơ sở, căn cứ, xuất phát từ quá trình khảo sát thực tế và trên cơ sở tiếp cận đa chiều. Vậy nên lúc nào Tuấn Anh cũng mê cái cảm giác được: Xách ba lô lên, đi và... cảm nhận! Những chuyến đi cho cậu những trải nghiệm thú vị trong cuộc sống, để “hiểu mình, hiểu đời”, biết cảm thông, sẻ chia và gần gũi hơn với những cảnh đời bất hạnh.

Gắn bó với nghề cũng chưa phải là dài, nhưng những kỷ niệm buồn vui trong nghề báo khó mà kể hết, Tuấn Anh buồn khi gặp những cảnh đời bất hạnh rồi lại vui khi nhìn thấy những nụ cười, những ánh mắt hạnh phúc của những cảnh đời đó đã được giúp đỡ thông qua bài viết của mình, rồi biết thấu hiểu nỗi vất vả của bà con vùng cao nghèo khổ, đau cùng nỗi đau của người dân trong  những trận lũ quét, sạt núi.

Nhắc đến những lần tác nghiệp về mưa lũ, Tuấn Anh lại thấy nhói lòng khi nghĩ về cậu em đồng nghiệp Đinh Hữu Dư, đó có lẽ là kỷ niệm mãi không bao giờ quên trong cuộc đời làm báo của cậu. Ấy là đợt mưa lũ bất ngờ xảy ra tại các huyện phía Tây của tỉnh vào 10/2017. Cũng như Dư, Tuấn Anh tiến vào vùng tâm lũ, mỗi người ở một khu vực, khi nghe tin Dư đang tác nghiệp thì bị lũ cuốn trôi, thương là thế nhưng phải gạt nước mắt tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ. Những lúc ngồi nghỉ hút điếu thuốc mà nước mắt cứ chảy vì thương Dư. “Lúc đó mới thấy thấm những gì bố mẹ nói, nhưng mình cũng luôn tự nhủ, đây là lựa chọn của mình, thấy được những gì tốt đẹp báo chí mang lại cho người dân, cho cộng đồng, được nói lên tiếng nói của người dân, được hòa mình vào cuộc sống khắp mọi nơi đã cho mình niềm tin vào sự lựa chọn đó” - Tuấn Anh chia sẻ.

Phóng viên Tuấn Anh tác nghiệp tại Mù Cang Chải

Những chuyến tác nghiệp thực tế đã giúp cho Tuấn Anh trưởng thành hơn trong công việc, chín chắn hơn trong cuộc sống và ngày thêm say mê với nghề mà cậu đã chọn. Nhớ lần nhận quyết định điều động tăng cường 1 tháng lên Điện Biên để thực hiện tuyến tin, bài trước Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng cái được lớn nhất đó là Tuấn Anh được sống với cảm xúc chân thực của một trận đại thắng và có thêm nhiều kiến thức, tự hào về “cột mốc bằng vàng” của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nghề báo chưa bao giờ là một nghề dễ dàng. Người làm báo ngoài tố chất nhanh, nhạy, biết chắt lọc thông tin, lượm lặt những chi tiết đắt cho một đề tài còn đòi hỏi một chút liều, không ngại khó, không sợ khổ. Đối với phóng viên thường trú phải “cõng” một lúc nhiều mảng, phải đi nhiều hơn nhưng với Tuấn Anh nghề báo cần sự bền bỉ trải nghiệm, dấn thân. Và cậu vẫn tiếp tục miệt mài, học hỏi và sống cùng những vui, buồn nghề báo.

Thùy Linh

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải