song
Ấn tượng Festival thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Thượng Ngàn tại đền Đông Cuông
Ngày xuất bản: 24/05/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 46099

 Nằm trong chương trình hành động quảng bá hình ảnh năm du lịch Yên Bái 2017, hưởng ứng năm du lịch Quốc gia 2017 - Lào Cai - Tây Bắc. Trung tuần tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức thành công Festival thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Thượng Ngàn và giới thiệu sản phẩm Quế Văn Yên đến đông đảo người dân và du khách thập phương tại đền Đông Cuông, huyện Văn Yên.

Tục thờ mẫu Thượng Ngàn tại đền Đông Cuông

Đền Đông Cuông (ở thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) là ngôi đền lớn, cổ kính mang nhiều dấu vết, huyền tích linh thiêng về Mẫu Đệ nhị Thượng ngàn. Tương truyền Đền Đông Cuông là nơi Mẫu Thượng ngàn giáng sinh và trú ngự. Đây được coi là nơi phát tích tục thờ Mẫu Thượng ngàn, tôn thờ người mẹ vũ trụ của núi rừng; phù hộ thương nghiệp, bảo vệ cương thổ, bảo vệ môi trường tự nhiên; gắn liền với ước vọng, với niềm tin tâm linh được che chở của đồng bào các dân tộc địa phương nơi đây. Điểm độc đáo của tục thờ Mẫu ở Đông Cuông là sự dung hòa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt cùng với những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc bản địa tạo nên bức tranh tôn giáo đặc sắc, hấp dẫn.

Ngoài thờ Mẫu Đệ nhị Thượng ngàn, đền Đông Cuông còn thờ thần Vệ quốc - các vị thần người bản địa có công trong kháng chiến chống giặc Mông - Nguyên: Hà Đặc, Hà Chương, Hà Bổng…Theo thần tích của dòng họ Hà, tổ phụ của dòng họ từng lãnh đạo nhân dân chống giặc Mông - Nguyên, bị tử trận. Để ghi nhớ công trạng của ông, nhân dân xã Đông Cuông đã lập miếu thờ để tưởng nhớ và ghi danh những công lao đóng góp của ông của ông cho vùng đất này.

Trong tâm thức của người dân nơi đây, Mẫu Thượng ngàn đã trở thành con người thực, gắn liền với sông núi. Điều đặc biệt ở đây, Mẫu Thượng ngàn đã được nhân dân các dân tộc bản địa khắc họa với những quan niệm, triết lý riêng, rất gần gũi với cuộc sống, mang màu sắc địa phương, hóa thân thành thần bản địa để nâng đỡ, che chở cho người dân nơi đây.

Hàng năm, tại đền Đông Cuông đều tổ chức hội đền vào ngày Mão đầu tiên của tháng Giêng và tháng Chín (âm lịch) để nhân dân trong vùng cũng như du khách thập phương về đây dâng hương tưởng nhớ đến công lao của những anh hùng dân tộc, để được xá tội, được bình an, được che chở, bảo vệ. Vật tế của những lễ hội này thường là trâu trắng (tháng Giêng) và trâu đen (tháng Chín), theo như cách hiểu đơn giản của đồng báo người Tày Khao ở đây thì Lễ hội đền Đông Cuông được tổ chức chính là “lễ cưới lại” của Mẫu và Đức ông. Do đó, ngoài phần lễ người dân ở đây đều tổ chức phần hội với những trò chơi dân gian truyền thống như hát chèo, ném còn, đánh đu, kéo co… với ước mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và cuộc sống bình an, hạnh phúc.

Theo như nghệ nhân dân gian Dương Thị Phương Đông, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa Đạo Mẫu tỉnh Hưng Yên cho biết, trong niềm tin của các đệ tử Đạo Mẫu, mảnh đất của núi rừng Đông Cuông, Yên Bái chính là cội nguồn của Mẫu Đệ nhị Thượng ngàn. Hàng năm, các bản hội bốn phương đều về đây để thực hành tín ngưỡng, lễ Mẫu Thượng ngàn, cầu mong Mẫu phù hộ cho quốc thái dân an, cuộc sống thịnh vượng. Sau khi tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO vinh danh, được thế giới công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhiệm vụ của các thanh đồng, các bản hội thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu chính là phải biết gìn giữ và bảo tồn bản sắc của dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa đã được cha ông trao truyền.

Festival và dấu ấn để lại

Mới đây, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức thành công Festival Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn tại Đền Đông Cuông. Đây là lần đầu tiên Yên Bái tổ chức hầu đồng nhưng cũng đã thu hút sự tham gia của 54 bản hội đến từ 19 tỉnh, thành phố. Trong đó những nghệ nhân dân gian nổi tiếng có từ 25- 50 năm hầu đồng, như: Nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Thanh có 51 năm đồng; nghệ nhân Nguyễn Thị Miến 84 tuổi thủ nhang đền Chầu Quế (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) có 48 năm đồng; nghệ nhân Nguyễn Thị Huệ thủ nhang Sùng Hưng Điện (phường Hiến Nam, TP. Hưng Yên) có 49 năm đồng;… cũng có những người còn rất trẻ như Nghiêm Anh Tú, sinh năm 1997 (20 tuổi) đã có 14 năm đồng, Phùng Minh Chiến, sinh năm 1993, thủ nhang Điện Linh Sơn có 16 năm hầu đồng.

Tại Festival đã diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện tại đã giúp quảng bá, giới thiệu rộng rãi những nét văn hóa đặc sắc của tục thờ Mẫu Thượng ngàn ở Đông Cuông nói riêng, tín ngưỡng thờ Tam phủ của người Việt - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nói chung, nhằm thu hút khách du lịch đến với tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng. Đền Mẫu Thượng ngàn Đông Cuông nằm trong trục văn hóa tâm linh dọc sông Hồng, gồm đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ), đền Mẫu Đông Cuông (Yên Bái) và đền Bảo Hà (Lào Cai).

Một điểm nhất của Festival năm nay là việc tổ chức thành công Carnaval rước biểu tượng, các đạo cụ, hình tượng trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu; trang phục thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Bên cạnh đó, còn diễn ra nhiều hoạt động nổi bật khác như: Triển lãm ảnh giới thiệu các tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh về chủ đề Mẫu Thượng ngàn Đông Cuông, các lễ hội, các sinh hoạt về tín ngưỡng văn hóa văn nghệ ở Văn Yên; cùng các hình ảnh về đất và người Văn Yên nói riêng, Yên Bái nói chung.

Theo ông Lê Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết đây là hoạt động thiết thực nhất để bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trong đó có thờ Mẫu Đệ nhị Thượng ngàn tại Văn Yên. Việc tổ chức Festival nhằm tôn vinh và khẳng định những giá trị trong tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn, nhất là khi được UNESCO công nhận, vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Mặt khác, là dịp để quảng bá, thu hút du khách, phát triển du lịch văn hóa, tâm linh của địa phương.

Festival Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn lần đầu tiên được tổ chức thành công tại đền Đông Cuông đã tạo được ấn tượng tốt đẹp, góp phần quan trọng trong việc tôn vinh, giới thiệu, quảng bá những giá trị của Đạo Mẫu Việt Nam. Đồng thời cũng trở thành một trong những điểm nhấn văn hóa; một trong những hoạt động quan trọng hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia 2017 - Lào Cai - Tây Bắc với chủ đề “Sắc màu Tây Bắc” trong đó có tỉnh Yên Bái của chúng ta.

Đức Nguyễn

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải