song
Bài 4: Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM: “Cần tránh tình trạng nơi xử lý nghiêm, nơi buông lỏng quản lý”
Ngày xuất bản: 07/10/2022 12:00:00 SA
Lượt đọc: 5906

 Bài 4: Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM:

“Cần tránh tình trạng nơi xử lý nghiêm, nơi buông lỏng quản lý”

Đó là nhấn mạnh của ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM trong cuộc trò chuyện với Báo Nhà báo & Công luận xung quanh việc chấn chỉnh, xử lý vấn đề “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, báo hóa mạng xã hội thời gian qua.

Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong rà soát, kiểm tra, phát hiện

 

Sở Thông tin & Truyền thông TP. Hồ Chí Minh đã chấn chỉnh và xử lý nghiêm tình trạng cơ quan báo chí “bắt tay” với trang thông tin điện tử “rửa nguồn”, hoạt động không phù hợp tôn chỉ mục đích. Ảnh minh họa.

+ Vừa qua, Bộ Thông tin & Truyền thông đã đưa ra những tiêu chí nhận diện “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, báo hóa mạng xã hội rất cụ thể, rõ ràng. Thưa ông, việc đưa ra tiêu chí nhận diện đã góp phần tạo thuận lợi như thế nào cho Sở Thông tin & Truyền thông thực thi triển khai hiệu quả hơn thời gian qua?

- Bộ Thông tin & Truyền thông ban hành quyết định số 1418/QĐ-BTTTT ngày 22/7/2022 về những tiêu chí nhận diện “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, báo hóa mạng xã hội rất cụ thể, rõ ràng đã góp phần tạo thuận lợi cho trong công tác quản lý nhà nước thời gian qua. Những tiêu chí cụ thể trong quyết định số 1418/QĐ-BTTTT như tạo nên một “bộ khung” về hình thức, về nội dung, về kỹ thuật, về hoạt động, về nhân sự để dễ dàng nhận ra hiện tượng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, báo hóa mạng xã hội. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh, xử lý đối với các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có những dấu hiệu chệch hướng, “báo hóa”.

Cụ thể, trong quý 3/2022, Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chi Minh đã xử phạt vi phạm hành chính 05 trường hợp có dấu hiệu vi phạm về hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, trích dẫn nhưng không ghi rõ nguồn tin trích dẫn, tự sản xuất tin bài rồi chuyển cho cơ quan báo chí phát hành sau đó trích dẫn lại hay còn gọi là “rửa nguồn”, hợp thức hoá nguồn tin… Chúng tôi cũng đã chuyển cho Cục Báo chí xem xét, xử lý 1 trường hợp cơ quan báo chí có dấu hiệu “rửa nguồn” cho trang thông tin điện tử tổng hợp.

+ Thưa ông, để việc xử phạt vi phạm vừa kịp thời, vừa chính xác, Sở Thông tin & Truyền thông TP. Hồ Chí Minh đã và đang có những biện pháp như thế nào? Và kết quả thời gian qua như thế nào, ông có thể chia sẻ một vài ví dụ điển hình trong xử lý không, thưa Giám đốc?

- Cũng giống như nhiều đơn vị, chúng tôi đã bám sát những chủ trương, định hướng từ Bộ Thông tin & Truyền thông cùng với việc nghiên cứu đặc điểm tình hình hoạt động tại địa phương để áp dụng những biện pháp chấn chỉnh, xử lý phù hợp. TP. Hồ Chí Minh hiện là thành phố đứng đầu cả nước về tỷ lệ người dân sử dụng internet và là một trong 10 thành phố có tốc độ phát triển người dùng Facebook và Youtube cao nhất thế giới. Điều đó cho thấy sự cởi mở, năng động của người dân thành phố trong hội nhập cùng thế giới số.

Tuy nhiên, khi số lượng người dùng mạng xã hội tăng cao, đồng nghĩa nguy cơ xuất hiện hành vi ứng xử không phù hợp, vi phạm pháp luật càng nhiều, đặc biệt là nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn môi trường mạng và thông tin xấu độc, chống phá chính quyền. Đây là những vấn đề, thách thức lớn với các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố trong việc tìm giải pháp ngăn chặn tin xấu, độc, xây dựng một không gian mạng an toàn, lành mạnh.

Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh thời gian qua đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác rà soát, kiểm tra, phát hiện, xử lý tình trạng “báo hóa” của trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội. Đây là bước triển khai ban đầu để nhận biết và “nắm bắt” sơ bộ vi phạm, để có những bước xử lý tiếp theo “đúng, trúng” hơn.

Đồng thời, chúng tôi tăng cường hoạt động kiểm tra và xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các Văn phòng đại diện, trang thông tin điện tử, mạng xã hội có phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị liên quan đến quá trình hoạt động, cung cấp thông tin. Song song với đó là chấn chỉnh và xử lý nghiêm tình trạng cơ quan báo chí “bắt tay” với trang thông tin điện tử “rửa nguồn”, hoạt động không phù hợp tôn chỉ mục đích.

Những vi phạm thời gian qua không nhiều nhưng Sở đã có xử phạt rất thích đáng, ví dụ điển hình đó là chúng tôi đã kiểm tra và xử phạt một doanh nghiệp về hoạt động báo chí không có giấy phép, với mức phạt là 350 triệu đồng. Đây là trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đầu tiên trong hoạt động báo chí kể từ khi Nghị định xử phạt về hoạt động báo chí được ban hành.

Theo đó, tháng 1/2022, doanh nghiệp này đã thực hiện việc cung cấp thông tin theo loại hình báo chí, như sử dụng biểu tượng (logo) là tên kênh truyền hình của cơ quan báo chí, danh xưng Ban Biên tập, phóng viên, xuất bản định kỳ các chuyên mục theo chủ đề, sản xuất tin bài có tính chất báo chí để đăng tải trên các trang mạng xã hội Youtube, Facebook...

Đây cũng được coi là một ví dụ cụ thể của việc Sở đã và đang tích cực, chủ động trong công tác quản lý thông tin trên mạng Internet nhằm ngăn chặn việc khai thác, truyền bá thông tin xấu, độc hại trên mạng, đảm bảo hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên Internet tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật và chủ động thực hiện công tác lan tỏa thông tin tích cực của Internet đối với đời sống xã hội.

Thực hiện đồng bộ, thường xuyên từ Trung ương đến địa phương

+ Vậy để tăng cường công tác quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin - Truyền thông TP. Hồ Chí Minh đã có sự phối hợp với Hội Nhà báo và các cơ quan đơn vị trên địa bàn thời gian qua như thế nào để công tác này đạt hiệu quả, thưa ông?

- Để tăng cường công tác quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin & Truyền thông TP. Hồ Chí Minh đã có sự phối hợp với Hội Nhà báo và các cơ quan đơn vị trên địa bàn thời gian qua. Phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội Nhà báo Thành phố tổ chức giao ban báo chí hằng tuần; Tham mưu UBND Thành phố tổ chức cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí định kỳ hàng tuần về thông tin mà dư luận quan tâm một cách nhanh chóng, đầy đủ và chính xác. Trung tâm Báo chí thuộc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh là đơn vị hỗ trợ các phóng viên trong hoạt động tác nghiệp tại một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khi cần thiết nhằm đảm bảo thông tin được đến bạn đọc sớm nhất và đầy đủ nhất.

 

Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Huyền Mai.

+ Thưa ông, hướng đến một môi trường thông tin lành mạnh luôn là mong muốn, kỳ vọng nhưng để đạt được mục tiêu này, theo ông, những gì chúng ta đã và đang triển khai thực hiện đã thực sự đủ quyết liệt, đủ sức răn đe? Từ phía đơn vị thực thi như Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM có kiến nghị gì thêm, thưa ông?

- Có thể thấy rằng, bên cạnh những mặt đạt được thì nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp và trang mạng xã hội cũng đang lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để tự sản xuất tin bài như báo chí, đăng tải các nội dung có xu hướng tiêu cực, giật gân câu like, câu view... gây bức xúc cho dư luận xã hội và người dân.

Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, việc thực hiện công tác kiểm tra, rà soát thường xuyên và kiên quyết xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm là rất quan trọng, đặc biệt những vi phạm về “báo hoá” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, tạp chí, cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích phải được thực hiện đồng bộ, thường xuyên từ Trung ương đến địa phương, cần tránh tình trạng nơi xử lý nghiêm, nơi buông lỏng quản lý.

Không chỉ vậy, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh đã sử dụng các phần mềm CNTT để giám sát, tổng hợp, phân tích, nắm bắt để đưa ra các kết luận sơ bộ từ thông tin được lan truyền, phát tán trên mạng xã hội, trang Thông tin điện tử tổng hợp… và thấy rằng, ứng dụng công nghệ thông tin là rất hữu ích, đã giúp cho công tác kiểm tra, rà soát đạt hiệu quả cao.

Chính vì vậy, tôi nghĩ là chúng ta cần tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác rà soát, đo kiểm, phát hiện sai phạm về tình trạng “báo hoá” các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh.

+ Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải