song
Báo chí thế giới đang thiết lập quy tắc buộc Big Tech phải trả tiền cho tin tức
Ngày xuất bản: 28/07/2023 12:00:00 SA
Lượt đọc: 4692

 Bất chấp áp lực từ Google và Meta, ngành báo chí toàn cầu vẫn đang quyết tâm xây dựng một bộ quy tắc chung cho việc đàm phán nhằm buộc những gã khổng lồ công nghệ (Big Tech) phải trả tiền cho tin tức, giống như cách mà Úc và gần đây là Canada đã làm.

Một cuộc họp kéo dài hai ngày ở Johannesburg, Nam Phi gần đây đã quy tụ các nhà báo và học giả từ khắp nơi trên thế giới để thảo luận về cách thực hiện các quy tắc đó và đồng ý về các nguyên tắc có thể giúp soạn thảo luật. Cho đến nay, hơn 50 tổ chức đã ký kết các nguyên tắc này.

 

Thế giới báo chí đang gây sức ép buộc các công ty công nghệ phải trả tiền khi sử dụng tin tức để thu lợi nhuận. Ảnh: Poynter

Cuộc chiến của thế giới báo chí

Vào mùa xuân năm 2021, Úc đã thông qua đạo luật “đầu tiên trên thế giới” nhằm giải quyết mối quan hệ bất công giữa các ông lớn công nghệ lớn và các nhà xuất bản tin tức. Kể từ đó, khoảng 140 triệu USD đã được trả cho các hãng tin Úc. Sau đó, Canada đã thông qua luật C-18 vào tháng 6 và Vương quốc Anh có thể sẽ áp dụng các quy tắc cạnh tranh mới vào cuối năm 2023. Tổng thống Indonesia dự kiến sẽ ban hành nghị định có ý nghĩa buộc các mạng xã hội và các nền tảng công nghệ như Facebook và Google phải trả tiền cho tin tức. 

Mỹ đang cho thấy sự tụt hậu trong cuộc chiến này, vì Đạo luật Bảo tồn và Cạnh tranh Báo chí lưỡng đảng vẫn chưa được thông qua. Cuộc họp, “Công nghệ lớn và Báo chí,” do Michael Markovitz từ GIBS Media Leadership Think Tank tổ chức, là một nỗ lực giúp các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan soạn thảo các thỏa thuận nhằm cải thiện những gì Úc và Canada đã làm. 

Tuyên bố về các nguyên tắc toàn cầu được soạn thảo tại cuộc họp kêu gọi minh bạch hơn về cách tính toán các khoản phí, bao gồm các cơ quan báo chí nhỏ hơn và số tiền nhận được sẽ được chi cho hoạt động báo chí. 

“Cả nền tảng và nhà xuất bản nên áp dụng mức độ minh bạch cao nhất có thể để tất cả các bên có thể đánh giá tính công bằng của bất kỳ thỏa thuận nào và để các bên thứ ba có thể đánh giá toàn bộ tác động của cơ chế. Ví dụ: Các cơ chế có thể yêu cầu các nền tảng và nhà xuất bản chia sẻ dữ liệu về quy mô và hoạt động, cũng như vị trí đặt quảng cáo của họ”, phần 7 của bộ nguyên tắc viết. 

Nhiều nhà báo từ châu Mỹ Latinh và châu Phi tham dự cuộc họp đã bị thu hút bởi các luật mới nhưng vẫn e ngại về việc cuối cùng tổ chức nào sẽ nhận tiền từ Google và Meta. Họ muốn đảm bảo rằng bất kỳ cơ chế đền bù nào cũng phản ánh chính xác giá trị thực của tin tức, phải làm rõ những tin tức thực sự với tin tức được lấy lại và đặc biệt những tin tức do trí tuệ nhân tạo “xào xáo” từ các nguồn tin gốc.

Cần sự đoàn kết của tất cả

Tính minh bạch vốn vẫn là một điểm khó khăn khi mà thực tế bây lâu nay các tổ chức tin tức trên khắp thế giới nhận tiền từ Google và Meta đã ký các thỏa thuận không tiết lộ. Việc giữ bí mật đã gây bất lợi cho các tổ chức báo chí nhỏ vì họ không biết cách định giá và những gì họ có thể yêu cầu. 

Google cũng đang ký kết các thỏa thuận ở các quốc gia không có quy tắc thương lượng. Tại Đài Loan (Trung Quốc), Google đã đàm phán một thỏa thuận ba năm với các hãng tin trị giá chỉ 10 triệu đô la, sau khi phải chịu những sức ép từ một quy định giống như ở Úc. 

Ở Nam Phi, Google chưa cung cấp thông tin chi tiết về các cuộc thảo luận, song một số tổ chức tin tức đã được Google cho biết rằng công ty sẽ làm việc trực tiếp, thông qua dự án Google News Showcase, như đã làm ở Úc, với 10 nhà xuất bản lớn nhất và những tổ chức khác sẽ được đảm bảo bởi một quỹ do Google tạo ra. 

Bởi vì các thỏa thuận giữa Google hoặc Meta và các tổ chức báo chí được giữ bí mật nên không rõ chính xác cách thức hoạt động của chúng. Các nhà xuất bản cho biết họ không nhận được khoản thanh toán trực tiếp, mà được trả bằng các sản phẩm công nghệ và cùng một số loại phí dịch vụ. 

Ở Úc, các nhà xuất bản đã nói rằng đây là "một trò đùa". Còn ở Brazil và Tây Ban Nha, việc trả tiền được thực hiện bằng cách tin tức của họ sẽ được Google ưu tiên phân phối thông qua kênh "Google Khám phá", một nguồn cấp tin tức được cá nhân hóa nhằm vào đối tượng quảng cáo.

Ở Nam Phi, có một số sự chia rẽ giữa các tổ chức tin tức, với việc Diễn đàn biên tập viên quốc gia Nam Phi và những bên khác đang yêu cầu Google chỉ tài trợ cho các tổ chức báo chí là thành viên của Hiệp hội báo chí Nam Phi. Một số nguồn tin cho rằng Google đã đồng ý với điều kiện đó.

Trong bối cảnh đó, việc ngăn sự chia rẽ trong ngành truyền thông đang được thực hiện, nhằm chống lại những nhận thức sai lầm rằng chỉ những phương tiện truyền thông lớn hoặc lâu đời mới được hưởng lợi từ những nỗ lực này.

Helena Rae của BBC Media Action, đang làm việc với Hội đồng báo chí của Indonesia về một dự luật mô phỏng theo dự luật của Úc, cho biết : “Nếu bạn di chuyển cùng nhau, họ không thể chia rẽ bạn”.

Nelson Yap, nhà xuất bản của Tạp chí Bất động sản Úc, một hãng tin chuyên ngành nhỏ ở Úc, đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo truyền thông đồng nghiệp trên khắp thế giới về tầm quan trọng của việc gắn bó với nhau. Yap khuyên: “Các nhà xuất bản thuộc mọi quy mô cần liên kết với nhau".  

Tính tiền bằng cách nào?

Nhưng ngay cả khi các tổ chức báo chí có được quyền thương lượng tập thể, họ cũng khó định giá sản phẩm của mình. Tin tức trên Google hoặc Facebook có giá trị như thế nào? Giá trị đó có nên được xác định bằng lưu lượng truy cập hay không? Và các nhà hoạch định chính sách có dữ liệu gì để đưa ra quyết định?

 

Google và các nền tảng công nghệ khác đang thu được rất nhiều lợi ích từ thông tin báo chí, nhưng luôn né tránh việc chia sẻ lợi nhuận. Ảnh: GI

Là một phần của quy trình định giá, các tổ chức tin tức trên khắp thế giới đang tìm kiếm những cách thức thanh toán. Ở Thụy Sĩ, các hãng tin đã thuê một nhà kinh tế học hành vi hàng đầu để giúp họ xác định giá trị của tin tức trên tìm kiếm của Google. Kết quả đã được trình bày tại hội nghị và nhận được sự hoan nghênh cho những nỗ lực xác định khách quan giá trị của tin tức đối với các nền tảng.

Nghiên cứu của Fehr Consulting đã phát hiện ra rằng khi tìm kiếm của Google không bao gồm tin tức, người dùng đã báo cáo rằng đó là trải nghiệm kém hài lòng hơn và không quay lại trang đó. Sử dụng nghiên cứu về hành vi người dùng này, các nhà kinh tế lập luận rằng sự hiện diện của tin tức tạo ra giá trị cho Google và tính toán rằng các nhà xuất bản Thụy Sĩ sẽ nhận được 40% quảng cáo, tương đương khoảng 166 triệu USD. 

Như vậy, một tiêu chuẩn toàn cầu cho những gì mà các gã khổng lồ công nghệ như Google và Meta “nợ” các tổ chức báo chí đang dần hiện hữu. Các hiệp hội báo chí ở một số quốc gia đã bắt đầu tính toán những gì họ tin rằng các gã khổng lồ công nghệ này đang mắc nợ họ.

Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách ở nhiều quốc gia cũng đang ngày càng quan tâm đến việc khắc phục sự suy yếu của nền báo chí so với các nền tảng truyền thông xã hội và công nghệ vốn đang trôi nổi và rất ít được kiểm soát trên không gian internet. 

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải