song
Chuyện làm báo xưa và nay
Ngày xuất bản: 20/10/2015 12:00:00 SA
Lượt đọc: 81076

 Nói “Xưa” cũng chưa phải là quá xa xưa mà đây là vài câu chuyện về những người làm báo vào nghề cách đây bốn, năm chục năm trước muốn chia sẻ cùng các đồng nghiệp trẻ. Có thể nói những người làm báo của tỉnh lúc đó hầu hết bắt đầu từ sự đam mê rồi tự học hỏi, mạnh dạn ghi chép các câu chuyện, hình ảnh, sự việc mà mình cảm thấy ấn tượng và xúc động rồi viết gửi cộng tác với báo, đài. Được các anh, chị  làm biên tập ở báo, đài chỉ bảo hướng dẫn cho rồi mạnh dạn cộng tác, viết mãi thành quen. Sự thực là chỉ có lao động cộng với năng khiếu có óc quan sát, có ngôn ngữ diễn đạt trôi chảy, mạch lạc những suy nghĩ của mình để viết ra những gì mình thấy, mình nghĩ, thế thôi. Sau được dự mấy lớp bồi dưỡng nghiệp vụ mới võ vẽ định nghĩa về tin tức, câu chuyện “Người tốt việc tốt”, còn lại các loại bài thì cũng có khi ngẫu hứng gọi tên thể loại là phóng sự, bút ký, ghi nhanh…thì cũng na ná nhau, cứ gọi chung là “bài phản ánh” thì chẳng “chết” ai cả ! Ở tỉnh ta nhiều anh chị em làm báo lâu năm, có người thành lãnh đạo cơ quan báo, đài đều từ “tay ngang” sang, có người là giáo viên, phát thanh viên đài truyền thanh, kỹ sư vô tuyến điện, thuyết minh chiếu bóng, cán bộ tuyên truyền của ban tuyên giáo, công nhân địa chất.v.v…Tất cả đều bắt đầu từ sự đam mê, khổ công lao động, học hỏi, kết hợp sự đào tạo với tự đào tạo mà thành. Mãi đến khoảng 1975 mới có những cử nhân báo chí đầu tiên được đào tạo chính quy 4 năm về làm phóng viên, trước đó chỉ có những người được dự các lớp ngắn hạn 9 tháng, 1 năm, nhiều nhất là 2 năm, không có chứng chỉ ghi là  trung cấp hay cao đẳng gì cả, nghĩa là cứ học để làm việc là chính. Như thế để thấy trong nghề báo việc tự học là rất quan trọng. Ngay cả khi chúng tôi đi học lớp đại học báo chí tập trung 54 tháng thì thời gian thực hành cũng không ít. Các nhà báo bậc thầy như Lưu Qúy Kỳ, Hữu Thọ …đến giảng cũng nói: Các đồng chí đừng gọi chúng tôi là thầy, chúng tôi chỉ đến trao đổi kinh nghiệm, cách thức mình học viết báo thế nào để viết thành công, được đăng, thế thôi. Trong nghề này không ai có thể làm thầy cho ai được, nghĩa là phải tự học hỏi, sáng tạo, mỗi người có cách làm riêng để đạt được kết quả có được tác phẩm mình mong muốn.

Chúng tôi hiểu các thầy khiêm tốn,  nhưng cũng thấy quả là nghề báo đòi hỏi mỗi người phải biết tự sáng tạo, có sáng kiến, cách làm riêng để cho mỗi tác phẩm báo chí thành công. Ở đây có yếu tố năng khiếu, nhưng đúng như nhà bác học nguyên tử Mariquyry đã nói “ Năng khiếu 10%, lao động 90%” lao động tận tụy, nghiêm túc quyết định chất lượng sản phẩm chứ không phải cứ năng khiếu là làm được. Trong những năm tháng chiến tranh, dứt tiếng bom là chúng tôi có mặt ở nơi địch vừa đánh phá. Anh Lê Gia Huấn chụp ảnh, tôi ghi âm, phỏng vấn những nhân chứng để ghi lại cuộc chiến đấu hào hùng của quân và dân ta và tội ác của địch đối với nhân dân ta. Rồi chúng tôi có mặt cả trên trận địa dân quân xã Giới Phiên, tự vệ Nhà máy cơ khí Yên Bái, Trung đoàn pháo cao xạ 254, trên những cánh đồng 5 tấn của Văn Yên, Lục Yên…Trong các đợt động viên tuyển quân, tiễn đưa các tiểu đoàn Yên Ninh lên đường, rồi đến các xã vùng hồ Thác Bà ghi lại hình ảnh những người nông dân dời làng quê đã sống bao đời để đi xây quê hương mới, nhường chỗ cho hồ nước xây dựng nhà máy thủy điện Thác Bà. Người ta bịn rịn đến ứa nước mắt khi ngắm nhìn lần cuối làng quê êm đềm đã từng ghi dấu tuổi thơ của bao người trước khi nó chìm dưới đáy nước. Có người ôm mãi cây mít, cây vải trước sân rồi lau nước mắt ra đi…Những hy sinh lớn lao ấy của người dân biết bao xúc động, đáng trân trọng, ghi nhớ. Hầu hết những người chuyển dân hồ Thác Bà là đồng bào công  giáo và dân tộc thiểu số, nhưng họ đã một lòng, một dạ đi theo tiếng gọi của Đảng. Chính nhờ chúng ta có một đảng tiên phong luôn hy sinh vì dân vì nước và có một nhân dân dám hy sinh như thế nên đã chiến thắng và thành công.

Khi xảy ra chiến tranh biên giới chúng tôi lại “khăn gói quả mướp” lên đường. Ở Pha Long, Mường Khương, Sa Pa, Bát Sát, thị xã Lào Cai, Phố Lu…nơi nào có bộ đội,  có dân là có anh chị em phóng viên đến. Tôi và anh Dương Soái đến Phố Lu khi địch vừa mới rút, nhà cháy khói còn nghi ngút, vỏ đạn vứt từng đống vàng chóe ở gốc chuối, ven đường. Những thanh ray bị thuốc nổ ốp vào phá bật từng miếng còn trắng ánh thép. Phố vắng teo, mới chỉ có lác đác vài người về xem lại nhà ….Những chuyến đi như thế đã làm xúc động con tim và buộc khối óc phải suy nghĩ để có những tác phẩm phản ánh kịp thời. Cũng xin nói thêm là phương tiện chủ yếu thời đó là xe đạp, đi tàu, đi bộ, họa hoằn mới đi nhờ được ô tô ngồi trên thùng xe tải xóc long xòng xọc đã là tốt lắm rồi. Ăn thì dân nuôi, bộ đội nuôi. Phương tiện hành nghề ngoài cây bút, quyển sổ, một số phóng viên chuyên ảnh có máy ảnh, còn phóng viên đài thường mang máy ghi âm R6 cộng với 6 quả pin đại là 14 kg; điện thoại không có, khi cần phải vào các cơ quan gọi nhờ. Vì thế phải đi nhanh, về nhanh mới có tin bài xốt dẻo, phản ánh kịp thời.

Đến những năm đổi mới, khi đã là Tổng biên tập, đi cơ sở vẫn là một đam mê với tôi. Mà đi là phải nghỉ lại xã, lắng nghe cái âm thanh êm dịu, sâu lắng và hơi thở của làng quê mới cảm nhận  được hết cái hay, vẻ đẹp, sức sống nơi mình đến, như vậy viết mới sâu. Năm 1998, tôi lên Lục Yên, đề nghị anh Dương Văn Vanh lúc đó là Bí thư huyện ủy cho tôi đi Tân Phượng. Anh Vanh đã cùng đi với tôi. Tân Phượng ngày đó chưa có đường ô tô. Chúng tôi được xe đưa đến bến đò Long Phúc qua sông Chảy sang xã Việt Tiến (Bảo Yên, Lào Cai) rồi leo dốc đường mòn lên Tân Phượng. Anh Đặng Văn Thanh là là Bí thư  đảng ủy xã đón tiếp  rất niềm nở, dẫn chúng tôi đi thăm đồng, thăm bà con rất nhiều nơi. 7 giờ tối về đến nhà, “kiến bò bụng”  mà chưa thấy chủ nhà nói gì đến cơm nước. Anh Vanh xuống bếp hơ tay, nói chuyện với chị chủ nhà một lúc lên bảo: Mở đài nghe đi các anh ạ, bây giờ họ mới đun nước mổ dê. Chúng tôi vừa nghe đài, vừa nói hết chuyện này đến chuyện khác, anh Hữu Tê nghe bụng sôi èo èo, mặt nhăn nhó nhưng vẫn cứ cười. Đến 11 giờ đêm, chủ nhà mới bưng lên mấy mâm thịt dê thịnh soạn mời khách. Dĩ nhiên là bữa cơm “mầm đá” ấy  rất ngon, mà người xưa bảo “miếng ngon nhớ lâu” quả thật không sai ! Sau chuyến đi ấy tôi viết bài phóng sự “Trở lại đất ngọc Lục Yên” đăng trên báo Yên Bái  và báo Nhân dân. Cái tên Lục Yên đất ngọc có lẽ được  nhắc đến nhiều từ đấy.

Năm sau (1999) tôi cũng có một chuyến đi đáng nhớ lên Mù Cang Chải. Tôi đề nghị đến xã Nậm Khắt. Anh Thào A Sàng. Chủ tịch huyện đi cùng chúng tôi. Cùng đi còn có chị Phượng là phó trưởng đài truyền thanh huyện. Thấy chị Phượng mang theo mấy chai nước khoáng, vài  gói mì tôm, tôi cho là chị quá cẩn thận vì đi với chủ tịch huyện lại về đúng quê của chủ tịch thì lo gì mà phải phòng xa thế ! Thế nhưng đi được nửa đường thì phải gửi chiếc xe  u oát lại, cuốc bộ vì cầu hỏng, xe không qua được. Chúng tôi đến xã thì đã quá trưa. Chủ và khách vui vẻ trò chuyện, hỏi thăm nhau chán chê rồi chủ nhà (là đồng chí Bí thư xã) mới cắt cử người đi bắt lợn mổ. Chúng tôi nhờ có mấy gói mì tôm của chị Phượng mà trụ được đến 5 giờ chiều để dự được bữa cơm thân mật với chủ nhà. Chuyến đi ấy với tôi cũng rất nhớ bởi sau đó tôi chuyển sang công tác khác, từ đấy không còn được làm việc ở các cơ quan báo chí nữa.

Ngày nay các bạn trẻ làm báo trong điều kiện tốt hơn chúng tôi nhiều nhiều lắm! điện thoại di động, internet, xe máy, ô tô… đều sẵn cả, đi nhanh, về nhanh, chuyển tài liệu về tòa soạn từ xa trong tích tắc, riêng chiếc điện thoại cũng đủ các tính năng, tác dụng, giúp cho việc làm báo vô cùng thuận tiện. Tiện nghi là như thế nhưng bài báo của những tác giả đến tận người dân, ngủ lại qua đêm với dân làng để cảm nhận hết nỗi niềm, sự trăn trở của một miền quê, phản ánh được hơi thở cuộc sống nơi ấy vẫn có hồn hơn những bài phản ánh thông qua nghe báo cáo của lãnh đạo xã theo kiểu sáng đi xã, trưa về, chiều nộp bài…có phải không các bạn ? Thực ra người viết lao động bao nhiêu ? lao tâm khổ tứ suy tư sâu sắc hay hời hợt thì người đọc đều cảm nhận thấy cả.

Đôi điều tâm sự về nghề, xẻ chia cùng các đồng nghiệp trẻ hy vọng cũng giúp ích phần nào cho các bạn.

                                                     Nguyễn Thanh Vân

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải