song
Các cơ quan báo chí địa phương với phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hoá
Ngày xuất bản: 26/01/2023 12:00:00 SA
Lượt đọc: 6369

 Năm 2022, phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân dân phát động đã được nhiều cơ quan báo chí, các chi hội, liên chi hội hưởng ứng và triển khai thực hiện.

Gắn với kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện cụ thể

Cùng với sự đổi mới đi lên của đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam luôn xứng đáng là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị, truyền thống văn hóa tốt đẹp, nâng cao nhận thức của nhân dân, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội.

Chính vì thế, kể từ khi phát động, phong trào xây dựng cơ quan báo chí và người làm báo văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả thực chất, đội ngũ những người làm báo cả nước thiết thực hưởng ứng, thực hiện, lan tỏa phong trào ra xã hội. Nhiều đơn vị duy trì thường xuyên, liên tục, tạo thành nền nếp, từ đó tạo nên nhiều những sản phẩm báo chí có chất lượng, giàu giá trị văn hóa tốt đẹp, góp phần khơi dậy, định hướng những dòng chảy văn hóa tích cực trong đời sống xã hội.

Tại chi hội Báo Lạng Sơn, thực hiện phong trào này đơn vị xây dựng Kế hoạch số 38-KH/BLS ngày 6/9/2022, tổ chức triển khai nội dung này tới các phòng ban và đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên trong đơn vị. Ban Biên tập Báo Lạng Sơn đã tổ chức quán triệt thực hiện tại cuộc họp toàn thể cơ quan và ký kết phong trào thi đua giữa lãnh đạo cơ quan với Ban Thư ký Chi hội nhà báo và với các phòng ban trong cơ quan.

 

Cán bộ, phóng viên Báo Lạng Sơn năng động, trách nhiệm trong sáng tạo tác phẩm báo chí. Ảnh: Minh Đức

Ban Thư ký Chi hội nhà báo, lãnh đạo các phòng đã tiếp tục quán triệt tới cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động trong cơ quan hưởng ứng tích cực; cùng với đó xây dựng kế hoạch tuyên truyền về văn hóa nói chung và thực hiện phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam” nói riêng trên hai ấn phẩm báo in và báo điện tử, từ đó góp phần vào việc xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan Báo Lạng Sơn.

Với việc triển khai bài bản, kết hợp với kiểm tra - giám sát thường xuyên, lồng ghép trong công tác bình xét thi đua khen thưởng định kỳ, Báo Lạng Sơn tin tưởng rằng phong trào thi đua sẽ được thực hiện sôi nổi tại đơn vị. Qua đó tạo thêm động lực để các nhà báo xây dựng môi trường tác nghiệp chuyên nghiệp, văn hoá, đóng góp vào phong trào thi đua chung của Hội Nhà báo tỉnh Lạng Sơn.

Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về văn hóa, các giá trị văn hóa trên báo in và Báo Lạng Sơn điện tử, tạo ra các sản phẩm báo chí giàu chất văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, đạo đức và lòng nhân ái, góp phần xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. 

Nhà báo Hoàng Đình Hôm, Tổng Biên tập Báo Lạng Sơn, Chủ tịch HNB tỉnh chia sẻ: "chúng tôi luôn đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn, trong đó phấn đấu hằng năm cơ quan đều đạt cơ quan văn hóa gắn với các tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí. 100% cán bộ, viên chức, người lao động của Báo Lạng Sơn không vi phạm các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị".

Hằng năm, đánh giá, phân loại lao động bình xét thi đua các tập thể, cá nhân của Báo Lạng Sơn gắn với các tiêu chí Cơ quan báo chí văn hóa và các tiêu chí về Văn hóa của người làm báo.

Khẳng định vai trò “đại sứ văn hóa”

Tương tự tại báo Quảng Nam, thực hiện phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, báo xác định xây dựng môi trường văn hóa, ứng xử văn hóa, liên quan mật thiết với việc thực hiện quy định đạo đức cán bộ, đạo đức nghề nghiệp. Báo Quảng Nam đã ban hành Quy định tiêu chuẩn đạo đức cán bộ, đạo đức nghề nghiệp (Quyết định 364-QĐ/BQN, ngày 4/12/2020 của Tổng Biên tập báo Quảng Nam), trong đó bao chứa nhiều nội dung của Luật Báo chí, Luật viên chức, 10 điều Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam, Quy định sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam…

Nhà báo Nguyễn Hữu Đổng, Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam chia sẻ, trong quy định này có nêu các nội dung tiêu chuẩn đạo đức đặc thù trong các mối quan hệ công tác của cán bộ Báo Quảng Nam. Như về quan hệ đối với lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành, địa phương, doanh nghiệp. Tuyệt đối giữ chuẩn mực trong giao tiếp, thể hiện rõ tác phong ngay ngắn, chỉn chu, đạo đức trong sáng của người làm báo, không ba hoa, xu nịnh hoặc nhờ cậy dựa dẫm nhằm thu vén lợi ích riêng, làm ảnh hưởng tiêu cực thương hiệu, uy tín của Báo Quảng Nam. Trong tác nghiệp phỏng vấn, hội thoại với lãnh đạo đảng, chính quyền đảm bảo minh bạch, thẳng thắn nhưng chân tình. Trong sinh hoạt đời thường, có dịp gặp gỡ lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp, cần thể hiện vai trò “đại sứ văn hóa” của Báo Quảng Nam.

Hoạt động báo chí trong môi trường lành mạnh; xây dựng một đội ngũ làm báo trong sạch, tinh thông nghiệp vụ, các nhà báo nhiệt tình, công tâm trong công việc chắc chắn công chúng sẽ ủng hộ và tin cậy. Đây cũng là điều mà các nhà báo chân chính mong muốn và luôn hướng đến.

 

Nhà báo Bùi Tấn Sỹ - Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Nam tích cực bám sát địa bàn, cập nhật thông tin tình hình thiên tai. Ảnh: NVCC

Giống như báo Quảng nam, trong những năm qua, hội viên Chi hội nhà báo Đài PT-TH Quảng Nam luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc. Nhiều nhà báo đã không ngại khó, ngại khổ đi đến các vùng sâu, vùng xa phản ánh chân thực cuộc sống đổi thay ở các miền quê, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hay trong các đợt thiên tai bão lũ các nhà báo Đài PT-TH luôn có mặc kịp thời những nơi hiểm nguy, gian khó nhất để đưa được những hình ảnh chân thực, chính xác nhất. Chính sự tận tụy với nghề, trách nhiệm với công việc, với nghề nghiệp mà không ít nhà báo đã có những tác phẩm báo chí tốt được công chúng đón nhận và nhận các giải cao tại các giải báo chí cấp tỉnh, và toàn quốc.

Nhà báo Nguyễn Hải, Thư ký Chi hội nhà báo Đài PT-TH Quảng Nam cho rằng: "trong thời công nghệ 4.0, có trình độ hiểu biết ở nhiều lĩnh vực, kỹ năng làm báo đa dạng, phương thức tác nghiệp sáng tạo, linh hoạt là yêu cầu tất yếu đối với nhà báo, nhưng điều quan trọng cần có ở nhà báo là tinh thần làm việc chăm chỉ, nhiệt huyết, yêu nghề và dám dấn thân, bám sát cơ sở, lăn lộn với thực tiễn để có những tác phẩm hay, trung thực, mang hơi thở cuộc sống và phải luôn giữ gìn phẩm giá, tư cách trước những cám dỗ… Có như vậy mới có những tác phẩm báo chí tốt, được công chúng đón nhận. Thực tế thời gian qua, các phóng viên, nhà báo của Đài PT-TH Quảng Nam đã làm được điều đó".  

Có thể nói, cùng với hội viên nhà báo các tỉnh thành, ở nhiều cơ quan báo chí khác nhau người làm báo vẫn luôn tận tụy, trách nhiệm với công việc; hành nghề trung thực, công tâm… luôn nêu cao tính nhân văn trong tác phẩm báo chí cũng như trên mạng xã hội, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp; khiêm tốn, văn minh trong quan hệ công tác.

Hòa cùng với phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí ở trung ương, các cơ quan báo chí ở địa phương đã, đang và tiếp tục hướng tới xây dựng hình ảnh tờ báo hiện đại nhân văn, cùng đội ngũ người làm báo có uy tín, đạo đức trong sáng, các cơ quan báo chí địa phương sẽ góp phần xây dựng môi trường văn hóa, môi trường báo chí lành mạnh.

Theo Báo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải