song
Chùa Minh Bảo - Nơi lưu giữ những giá trị lịch sử - văn hóa
Ngày xuất bản: 15/07/2020 12:00:00 SA
Lượt đọc: 15976

Chùa Minh Bảo không chỉ là một ngôi chùa có giá trị lịch sử quan trọng, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Minh Bảo mà còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh của nhân dân và du khách thập phương, cầu cho Quốc thái Dân an, hội họp sinh hoạt làng xã, hun đúc tinh thần đoàn kết và lưu giữ, phát huy những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương nói riêng và của Việt Nam nói chung trong đời sống của cộng đồng. Góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Di tích chùa Minh Bảo tọa lạc trên đồi Dọc thuộc xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Diện tích khoanh vùng bảo vệ là 6.221,33 m2. Di tích chùa Minh Bảo cách Ủy ban nhân dân xã Minh Bảo 300m về hướng Đông Bắc, cách trung tâm thành phố Yên Bái 04 km.

Theo sách Đồng Khánh dư địa chí, tại địa bàn xã Minh Bảo (xưa là xã Thanh Liễn) có núi Cái Đỉnh (núi Chóp Dù), là nơi chấn yểm phía Đông Bắc và là tổ sơn của thành phố Yên Bái. Vào những thập niên 80 của thế kỷ XX các nhà khảo cổ học trung ương và địa phương đã phát hiện tại thôn Đá Bia và Làng Vã nhiều di vật có giá trị lịch sử, khoa học đặc trưng cho văn hóa Sơn Vi. Trải qua quá trình biến thiên của lịch sử, địa danh, địa giới xã Minh Bảo có nhiều thay đổi và luôn gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Chùa Minh Bảo hiện nay đã được tu sửa khang trang

Theo các cụ cao niên trong xã Minh Bảo cho biết: Đầu thế kỷ XIX, do ở quê các thế lực thực dân phong kiến áp bức, bóc lột, dân nghèo không có đất ở, không có ruộng cày, cuộc sống như trâu ngựa, cơm không có ăn, áo không đủ mặc, nên một số gia đình các dòng họ Nguyễn, Lê, Phạm, Trần ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên đã phải bỏ quê hương đưa gia đình, anh em lên sinh sống, khai phá đất, lập làng tại xã Thanh Liễn, tổng Bách Lẫm, huyện Trấn Yên (nay xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái). Những ngày đầu, làng chỉ có vài nóc nhà với vài chục dân, lâu dần dân các nơi về cùng sinh sống đông đúc. Tuy mỗi dòng họ, gia đình thời gian đến sinh sống có khác nhau, nhưng cùng chung hoàn cảnh nên đã gắn bó, đoàn kết chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn xây dựng làng xã ngày càng phát triển.

Vào những năm cuối thế kỷ XIX thực dân Pháp thi hành chính sách "Di dân, giãn điền", di dân từ vùng đồng bằng lên miền núi khai hoang mở mang vùng đất. Ngôi chùa cũng được các phật tử xây dựng tại miền đất mới để tụng kinh, cầu nguyện đức Phật luôn bảo vệ và phù hộ để có sức khỏe và cuộc sống ấm no. Chùa Minh Bảo cũng được xây dựng từ thời kỳ này và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống tâm linh của các phật tử trong vùng.

Năm 1930, chùa được xây dựng trên đồi Khe Trò. Do vị trí không thuận lợi, năm 1943, người dân tổ chức di chuyển chùa đến Gò Dọc, cách vị trí cũ khoảng 300m (nay thuộc thôn Bảo Yên).  Gò Dọc có địa thế cao, thoáng "Tả Thanh long, hữu Bạch hổ, tiền án, hậu chẩm" rất phù hợp với thuật phong thủy khi dựng chùa.

Chùa Minh Bảo có những giá trị lịch sử - văn hóa, khoa học, là thiết chế tôn giáo, nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, tôn giáo của cộng đồng các dân tộc xã Minh Bảo và nhân dân trong vùng. Đồng thời chùa còn có giá trị về kiến trúc độc đáo với những nét trạm trổ tinh xảo, thể hiện nghệ thuật điêu khắc của xã hội thời bấy giờ. Chùa Minh Bảo có kiến trúc hình chữ Đinh (), 3 gian, cột, xà, kèo bằng gỗ mít, lợp cọ, lịa ván xung quanh. Theo các cụ mô tả rất có thể câu đầu, đầu xà, kèo… được các thợ trạm trổ hoa văn tinh xảo mang nghệ thuật Phật giáo thời Nguyễn. Năm 1965 - 1966 máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc, chùa Minh Bảo bị phá hủy, dân đi sơ tán, không có người trông coi, nên các đồ thờ, tượng thờ bị mất, còn lại một số đồ thờ, tượng phật chuyển sang Đình làng. Năm 1970, vì những nguyên nhân khác nhau, Đình làng không được quan tâm, chú trọng nên bị sụp đổ tượng và đồ thờ bị mất. Việc phục dựng lại chùa Minh Bảo là việc làm cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống và nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân. Do đó, năm 2017 chùa Minh Bảo đã được tu bổ và xây dựng lại.

Chùa Minh Bảo cũng như các ngôi chùa làng quê khác ở Việt Nam, hệ thống tượng thờ tương đối hoàn chỉnh.

- Lớp cao nhất: Được gọi là Tam Thế Phật, bao gồm ba pho tượng ngồi ngang nhau ở nơi cao nhất trên bàn thờ, đại diện cho chủ Phật trong ba thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai.

- Lớp thứ hai: Gồm các tượng Đại Thế Chí Bồ Tát, Phật A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát.

- Lớp thứ ba: Gồm các tượng Bồ Tát Phổ Hiền (hoặc tượng Đức A Nan Đà), Phật Thích Ca (cầm Hoa sen hay nhập định), Bồ Tát Văn Thù (hoặc tượng Hoa Diếp Tôn Giả).

- Lớp thứ tư: Tượng Cửu Long (Đức Thích Ca sơ sinh).

Tiếp theo là hương án, tiền đường (Bái đường). Hai bên hương án, giáp tường có hai ban thờ. Bên trái hương án (nhìn từ ngoài vào) là ban thờ Đức Thánh Hiền; bên phải hương án là ban thờ Đức Thánh Ông. Hai bên ở Tiền đường (Bái đường) đặt tượng hai vị Hộ pháp, có ý nghĩa khuyến thiện và trừng ác để hộ trì Phật pháp.

Hàng năm chùa Minh Bảo tổ chức những nghi thức phật giáo, kết hợp với các nghi lễ của dân tộc như: Tết Thượng Nguyên - Rằm tháng giêng; Lễ Phật Đản - Ngày 14/4 âm lịch; Lễ Vu Lan báo hiếu Rằm tháng bảy. Ngày 06/2/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 214/QĐ-UBND công nhận chùa Minh Bảo xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Đức Nguyễn

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải