song
Chương trình Phát thanh tiếng dân tộc 38 năm phát triển
Ngày xuất bản: 26/08/2016 12:00:00 SA
Lượt đọc: 38554

 Năm 2016 là năm thứ 38 (1978 - 2016) chương trình phát thanh tiếng dân tộc của Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn nay là Đài Phát thanh Truyền hình Yên Bái vẫn tiếp tục phát triển và trở thành một kênh thông tin gần gũi, gắn bó của đồng bào các dân tộc thiểu số. Qua nội dung chương trình phát thanh tiếng dân tộc, đồng bào học tập được nhiều kinh nghiệm hay trong sản xuất, xây dựng đời sống, bài trừ các tệ nạn xã hội, làm cho quê hương vùng cao ngày một khởi sắc.

Nhìn lại chặng đường 38 năm qua, kể từ mùa Xuân Mậu Ngọ (1978) đó là mùa xuân mở đầu của sự hội tụ những gương mặt trong những ngày đầu chuẩn bị thực hiện kế hoạch của Ban Giám đốc Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn về việc mở rộng chương trình phát thanh ba tiếng dân tộc: Dáy, Thái, Mông và Ban Giám đốc giao cho những người thực hiện nhiệm vụ đó là nhà báo Lê Khiêm, cô giáo mầm non La Thị Nón, Hoàng Thị Tươi dân tộc Dáy công tác ở nhà trẻ của Ty Thông tin Hoàng Liên Sơn (tiền thân của Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn) trực tiếp làm Biên tập viên kiêm phát thanh viên tiếng Dáy; Chị Đinh Thị Vòn dân tộc Thái, diễn viên đoàn ca múa của tỉnh Hoàng Liên Sơn về Đài làm Biên tập viên kiêm Phát thanh viên tiếng Thái; các anh Châu A Chin dân tộc Mông, y sĩ ở phòng y tế Sa Pa và anh Giàng A Cớ dân tộc Mông vừa mới tốt nghiệp Trung học phổ thông về làm Biên tập viên kiêm Phát thanh viên tiếng Mông.

Phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái chuẩn bị tác nghiệp (Ảnh: PV)

Tổ Biên tập tiếng dân tộc là một bộ phận trực thuộc phòng Biên tập Phát thanh gồm 6 anh chị em, trong đó chỉ có một người có trình độ cử nhân Báo chí đó là nhà báo Lê Khiêm, 5 người còn lại đều hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau không liên quan đến báo chí. Họ không có nghề, nhưng lại có cái “tâm” đối với nghề, có sự khát khao được đưa chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ bằng tiếng dân tộc qua sóng Phát thanh về với đồng bào mình. Chính vì cái “tâm” trong sáng ấy ví như một hướng dẫn viên dẫn dắt họ đến với nghề. Bằng chính những việc làm mà họ chưa một lần nghĩ tới. Đó là hàng ngày phải Biên dịch từ 1.500 đến 2.000 từ tiếng Việt chuyển sang tiếng dân tộc và chiều đến lại thu in từng ấy từ vào băng trước khi phát sóng. Hàng ngày anh chị em trong tổ còn thực hiện một chương trình 30 phút phát sóng và mỗi tuần một chương trình 30 phút gồm 15 phút tin tức và 15 phút ca nhạc phát vào chiều và tối thứ 7, đó là thời gian đồng bào các dân tộc thiểu số từ các triền núi xuống chợ và khi chợ tàn đồng bào lại ngược núi về bản. Đặc biệt chương trình đón Xuân Mậu Ngọ, tập thể tổ Biên tập tiếng dân tộc đã để lại dấu ấn không bao giờ quên được trong lòng đồng bào các dân tộc về cái tết không chỉ có vật chất, mà qua chương trình phát thanh tiếng dân tộc của Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn đồng bào còn được nghe phong tục tập quán, vui tết đón xuân của các dân tộc anh em và chính dân tộc mình từ bao đời nay để lại. Được nghe lời chúc tết của Chủ Tịch Nước và lãnh đạo tỉnh đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tháng 4 năm 1979, sau khi được UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn đồng ý về việc thành lập Phòng Biên tập tiếng dân tộc trên cơ sơ của tổ Biên tập thuộc Ban Giám đốc Đài, Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn quyết định nhà báo Nguyễn Thanh Vân - Uỷ viên Ban biên tập làm Trưởng phòng và anh Nguyễn Trọng Tài nguyên Phó Ban định canh định cư huyện Mù Cang Chải về làm Phó Trưởng phòng trực tiếp biên tập, Tôi và anh Nguyễn Văn Công làm phóng viên, chị Nguyễn Thị Chuyền đánh máy cùng với các anh chị phát thanh viên 3 thứ tiếng Dáy, Thái và Mông.

Tháng 9 năm 1979, Ban Giám đốc Đài cho phép phòng mở thêm chương trình tiếng Dao, Phòng đã tuyển dụng 2 học sinh của trường dân tộc nội trú Văn Chấn là Triệu Thị Ngoan và Đặng Thị Tình về làm biên dịch viên kiêm phát thanh viên tiếng Dao. Đầu năm 1980 Phòng được bổ sung thêm anh Hoàng Nguyên dân tộc Dáy, anh Lò Văn Hom dân tộc Thái làm phát thanh viên tiếng Thái, chị Giàng Thị Chẩu làm Phát thanh viên tiếng Mông, Phòng đã cử anh Châu A Chin trực tiếp tổ chức thu chương trình ca nhạc tiếng dân tộc ở cơ sở.

Cùng với việc xây dựng kế hoạch tuyên truyền hàng tháng theo sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Đài, phòng biên tập đã tổ chức mạng lưới cộng tác viên là người dân tộc thiểu số công tác ở các cơ quan, ban ngành trong tỉnh và các huyện, thị. Trong đó có một số cộng tác viên là lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan như: Ông Bàn A Hàn dân tộc Dao là Trưởng Ban định canh định cư của tỉnh về sau ông là Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái, ông Lù Sín Siềng dân tộc Dáy - Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh, ông Giàng A Tăng - Phó Trưởng Ty Lâm nghiệp tỉnh, bà Đinh Thị Hoa dân tộc Thái - Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh và một số ông ở địa phương như: Ông Lò Văn Biến dân tộc Thái ở thị xã Nghĩa Lộ, ông Bùi Huy Mai giáo viên nghỉ hưu ở xã Đồng Khê - Văn Chấn… Lực lượng cộng tác viên đã thường xuyên gửi tin bài cho phòng, do chủ động được tin bài từ hai nguồn: Phóng viên tự khai thác và của cộng tác viên nên phòng đã nâng chương trình thời sự hàng ngày từ một chương trình gốc 15  phút lên hai chương trình gốc 15 phút cho cả 3 thứ tiếng. Nội dung tin bài trong chương trình do Phòng chủ động được từ 80 - 85% và một phần khai thác từ bản tin tiếng Việt. Đặc biệt trong chương trình của mỗi thứ tiếng đều có một bài hoặc một gương người tốt, việc tốt của chính dân tộc đó.

Kể từ năm 1978 cho đến nay chương trình phát thanh tiếng dân tộc đã trải qua 38 năm, trong đó tôi là người được chứng kiến từ khi chương trình này dẫn lên sóng và trực tiếp gắn bó với chương trình tiếng dân tộc từ 1979 - 1984, sau khi sát nhập với phòng Biên tập Đài Phát thanh tôi lại được phòng Biên tập Phát thanh phân công làm biên tập viên tiếng dân tộc, từ năm 1984 - 1987 và 2 năm 1988; 1999 từ Phó phòng phụ trách phóng viên lại được phân công trực tiếp quản lý bộ phận dân tộc.

Nhìn lại chặng đường 38 năm qua, tuy trải qua nhiều gian nan vất vả xong bằng tinh thần trách nhiệm các thế hệ làm chương trình tiếng dân tộc vẫn tiếp tục đồng hành trong cuộc hành trình cùng đồng bào các dân tộc thiểu số góp phần không nhỏ làm cho đời sống của đồng bào các dân tộc thiếu số ở vùng cao trong tỉnh ngày một thay đổi.

                                                                                                Trọng Bài

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải