song
Chuyện nhà báo đi cơ sở
Ngày xuất bản: 19/11/2021 12:00:00 SA
Lượt đọc: 15773

 Tôi luôn nghĩ rằng, nhà báo thường hơn nhau ở vốn sống, sự tích lũy, bản lĩnh, nhiệt huyết và trách nhiệm với nghề. Nhìn bề ngoài nhà báo có vẻ oách, nhàn, sạch sẽ nhưng cũng như các nghề khác, mỗi nghề đều có những đặc thù riêng mà chỉ những người trong nghề mới hiểu. Nghề báo luôn đòi hỏi sự nỗ lực, hy sinh, nhọc nhằn với từng con chữ. Để có bài báo chất lượng, nhà báo phải dấn thân vào những nơi nguy hiểm, phải lặn lội đến những nơi khó khăn, xa xôi nhất. Trong hành trình đi tác nghiệp của mình nhà báo sẽ gặp vô vàn hoàn cảnh, tình huống, câu chuyện nhớ mãi. Tôi xin được kể ra đây ba câu chuyện trong quá trình đi tác nghiệp của mình.

Phóng viên Đài PT - TH Yên Bái quay chương trình văn nghệ

Chuyện thứ nhất: Nhân dịp cơ quan phối hợp với Công an tỉnh mở chuyên mục tuyên truyền chủ đề: “Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống” cách đây đã lâu, tôi được giao viết bài. Tôi chọn luôn đề tài ma túy vì khi ấy trên địa bàn Mù Cang Chải có vài người buôn ma túy vừa bị bắt. Tôi tìm đến một xã tại Mù Cang Chải là điểm nóng về buôn bán, trung chuyển ma túy từ biên giới Lào vào Sơn La đến xã rồi tỏa về Yên Bái, Phú Thọ. Đến xã đó, tôi tìm gặp Trưởng Công an xã. Công an xã khi ấy chưa có biên chế công an chính quy như bây giờ. Trưởng Công an là người dân tộc ở địa phương, nói giọng lơ lớ. Sau vài câu hỏi xã giao tôi vào vấn đề: “Đề nghị anh cho biết tình trạng buôn bán ma túy trên địa bàn xã?”. Anh Trưởng Công an xã đáp: “Xã không có tình trạng buôn ma túy anh ạ”. Tôi ngớ người trước câu trả lời. Trước khi đi tôi đã thu thập thông tin, rõ ràng xã có tình trạng buôn ma túy. Có thể anh Trưởng Công nghĩ tôi là phóng viên của báo nhỏ, hoặc cũng có thể anh không muốn thông tin ra ngoài, sợ ảnh hưởng đến xã, cũng có thể anh ngại những phiền phức khi lên báo chăng? Trưởng Công an xã giấu thông tin thế này thì tôi không thể viết được bài. Tôi hỏi tiếp: “Xã anh có bao nhiêu người nghiện?”. Anh Trưởng Công an xã đáp: “Có hai lăm người nghiện anh ạ”. May quá, tôi thở phào, câu trả lời thật thà này của anh Trưởng Công an xã đã đưa anh vào “tròng” của tôi. Tôi đặt bút, gấp sổ lại và bảo: “Xong rồi, xã không có tình trạng buôn ma túy, nhưng có hai lăm người nghiện. Hai lăm người này họ lấy đâu ra thuốc để hút? Như vậy tôi khẳng định xã có trồng cây thuốc phiện”. Anh Trưởng Công an thần người, đến đây anh biết mình không thể giấu được nữa, anh bảo: “Không ai trồng đâu, buôn đấy!”. Lúc này Trưởng Công an mới cung cấp cho tôi đầy đủ số liệu. Thế mới biết, để có đầy đủ thông tin cho một bài báo không phải dễ dàng. Để có thông tin, nhà báo phải được trang bị đầy đủ kỹ năng, thông minh trong khai thác tùy từng hoàn cảnh.

Chuyện thứ hai: Một lần tôi đi viết bài ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, xuất phát tại thành phố Yên Bái từ sáng sớm bằng xe máy, ăn bánh mì qua loa dọc đường, đến xã thì trời đã ngả chiều. Nhân vật ở trên bản, lại ở tít trên núi cao, xe vòng vèo vượt dốc đi được nửa đường thì không đi được nữa vì đường dốc đứng, chiều sương núi xuống, đường ướt nên trơn trượt. Nhìn xung quanh không có nhà dân nào, không còn cách nào khác, tôi rúc xe máy vào nương ngô cạnh đường rồi đi bộ lên. Đi bộ hơn một tiếng đồng hồ, gặp được nhân vật, lấy xong thông tin thì trời tối mịt. Nhân vật mời tôi ở lại ăn cơm, đành vậy vì lại đi bộ một tiếng trong đêm trên đường dốc trơn thì thật ngại. Tôi đồng ý ở lại ăn cơm. Nhân vật ít có khách xa ghé thăm, giờ lại được đón nhà báo đến viết bài về mình thì vui lắm, nhiệt tình làm cơm, mang rượu ra đãi. Hết một chai lại sang chai nữa, câu chuyện càng ngày càng rôm, cứ thế câu chuyện kéo dài đến khi không biết mình đứng dậy đi ngủ như thế nào nữa. Nhưng chính vì ở lại, vì cuộc nói chuyện thâu đêm ấy đã cho tôi những chi tiết đắt, chi tiết sâu cho bài viết. Nếu không ở lại chắc chắn tôi chỉ có một bài viết hời hợt xuôi xuôi thôi. Tôi càng hiểu hơn để có bài viết sâu, nhà báo phải có sự đồng cảm, thấu hiểu thật kỹ nhân vật của mình. Sau này bài viết đó của tôi đoạt giải B một cuộc thi bút ký trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái. Cũng lần đó, buổi sáng mở cửa dậy, tôi không khỏi ngỡ ngàng, trước mắt tôi là điệp trùng rừng núi, mây cuồn cuộn rồi nằm yên dưới các lòng thung như một biển mây, nắng lên rực rỡ như nổi trên mây, làm mây cũng bừng lên, lúc ùa lên cao, lúc sà xuống thấp. Đẹp quá, cảnh đẹp như trong tranh vậy. Tôi cứ mê mẩn ngắm mây trên đường về, thầm nghĩ thật may mắn khi mình là nhà báo, nếu không làm gì có cơ hội được chiêm ngưỡng những khoảnh khắc kỳ diệu đến thế.

Câu chuyện thứ ba: Một lần tôi đi viết bài về một Câu lạc bộ những người nhiễm HIV tại một xã ở Nghĩa Lộ. Vừa đi viết vừa ái ngại bởi trong đầu vẫn có chút kỳ thị, rằng nhiễm HIV chắc toàn người chơi bời, hư hỏng. Tôi đến hôm Câu lạc bộ những người nhiễm HIV sinh hoạt, may mắn tôi gặp được 12 người. Gặp những con người gầy gò, khắc khổ, quần áo cũ rách tôi mới biết họ không hẳn là dân chơi bời mà hầu hết là nông dân và những người từng đi làm thuê xa quê. Nghe từng người trò chuyện, tâm sự, có người vừa kể vừa khóc tôi hết dần sự kỳ thị. 12 người, mỗi người một hoàn cảnh riêng ít ai hiểu, phải nói rằng họ là những người bất hạnh chứ không phải như tôi từng nghĩ. Tôi đã hoàn thành bài viết đầy cảm xúc. Sau bài viết đó có vài người liên hệ qua tôi gửi quà, chăm, màn, quần, áo, ti vi tặng cho những người nhiễm HIV có hoàn cảnh đặc biệt. Tôi thực sự vui vì với trách nhiệm nhà báo của mình tôi đã làm được một việc làm có ý nghĩa dù nhỏ nhoi. Còn biết bao câu chuyện, kỷ niệm đáng nhớ nữa thời gian tôi làm phóng viên, tất cả giúp tôi chững chạc hơn, trưởng thành hơn và càng thêm yêu nghề báo.

                                                                                                             Quang Văn

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải