song
Chuyện về vùng quả ngọt
Ngày xuất bản: 24/03/2016 12:00:00 SA
Lượt đọc: 65849

 Nhớ lại mấy chục xuân trước, còn học lớp Báo A ở trường Tuyên huấn Trung ương, có lần tôi đến nhà bạn chơi. Thân tình anh đưa ra đĩa cam, kèm lời khen:" Mày ăn đi! Cam Vinh đấy, ngon lắm". Vừa rồi anh gọi điện thoại cho tôi, vẫn thân thiết tình cảm bạn bè, cuối câu chuyện anh “đá” khen cam Văn Chấn mới nổi mà đã có tiếng, có thương hiệu. Vốn tính hay liên hệ, anh nói đến mâm ngũ quả ngày tết không thể thiếu quả cam, nhà nào cũng cần. Anh khen ở miền núi mà Yên Bái sớm chọn được hướng đi, có hiệu quả...

Cam Văn Chấn (Ảnh: dulichsuoigiang.com)

Thế là anh bạn chuyên nghề viết lách, giờ đã mê cam Văn Chấn. Nghe chuyện mà tôi mừng, tôi tự hào lây, suy nghĩ miên man về vùng cam quýt Văn Chấn. Một điều tôi biết chắc chắn, ngày anh bạn tôi khen cam Vinh, vùng ngoài Văn Chấn còn rất hiếm, nếu không nói chưa có ai trồng cam. Bằng chứng là những ngày đi học  xa ấy tôi về Nghĩa Lộ ăn tết, còn gặp một số anh chị cán bộ người vùng ngoài ra chợ Mường Lò mua cam đưa về làm quà. Năm tháng qua đi giờ vùng ngoài đã thành vùng cam quýt có tiếng. Thị trấn nông trường Trần Phú, các xã Cát Thịnh, Thượng Bằng La, Nghĩa Tâm, Minh An đã thành vùng cam tập trung với diện tích ngót nghìn ha. Vùng này vốn là vùng chè, với nhà máy chè có công suất 42 tấn/ngày, giờ lại thêm vùng cam quýt có tiếng. Đó là thành tựu do những Đảng ta năm đổi mới đem lại.

Nhớ lại, cuối năm 1996, tôi vào Văn Chấn công tác. Ngày ấy Văn Chấn - Nghĩa Lộ vẫn còn là một huyện, huyện lỵ đóng tại thị trấn Nghĩa Lộ. Biết huyện đang phát triển mạnh cây cam, tôi ngỏ ý muốn đi tìm hiểu để viết bài. Không ngờ điều mong muốn của tôi lại hợp với ý đồng chí Bí thư Huyện ủy Nguyễn Trung Lợi. Anh hăng hái: " Thế sáng mai đi! Tôi trực tiếp đưa phóng viên đi!". Anh còn nói thêm:  mai Huyện cũng có cuộc họp, mình chỉ là " long trọng viên", đến dự nhận vỗ tay, thôi đến với cơ sở, nắm thực tế thiết thực hơn. Qua trò chuyện, anh còn tiết lộ với tôi một chi tiết: Vài khóa trước, vùng ngoài chưa trồng cam, có một anh cán bộ Huyện ủy, người vùng ngoài về nghỉ hưu. Ngày ấy, kinh tế còn eo hẹp, liên hoan chia tay, huyện chỉ có ít quả cam. Đồng chí bí thư khóa ấy cũng đến dự, vẻ băn khoăn, suy nghĩ lắm. Cuối buổi liên hoan, đồng chí gói ít hạt cam, đưa tận tay anh cán bộ có tuổi về nghỉ hưu trân thành: Anh về nghỉ, huyện nhờ anh giúp thí điểm đưa ít hạt cam về trồng...

Mới nghe, tưởng là chuyện vặt, tầm thường mà càng nghĩ tôi càng thêm quý trọng về người cán bộ huyện am hiểu thực tế vùng ngoài, đã nặng lòng nghĩ hướng làm ăn cho dân, và anh cũng rất đồng cảm với người về hưu, có thời gian, chưa quen sống những ngày đầu mới về rỗi rãi, đã nghĩ ra việc trồng cam. Anh cũng rất hiểu, thông cảm với người vùng ngoài lắm núi rừng, ruộng ít ở ven khe núi, năng suất lúa thấp, đời sống còn đang độc canh với cây chè. Nào ngờ điều anh nghĩ, anh thí điểm nay đã thành công.

Cùng anh Nguyễn Trung Lợi đến thị trấn nông trường Trần Phú tôi đã gặp hình ảnh chưa từng thấy bao giờ. Những vườn cam trĩu quả đang chín đẹp như bức tranh, thật thích mắt. Mỗi cây cam tỏa tán rộng, cành nào cũng nặng quả đỏ, phải dùng đến hàng chục cây chống cho khỏi gẫy. Chúng tôi vào nhà ông Trần Doãn Thung. Ông đưa lên gò sau nhà, bạt ngàn cam quýt. Ông bảo tất cả chỉ có 300 gốc cả cam lẫn quýt. Tôi chỉ vào một gốc cam trước mặt, chưa phải cây sai quả nhất. Ông ước đoán: "gốc này cũng phải trên tạ quả chứ không ít hơn". Tôi ước tính cam đắt gấp hai ba lần thóc, đắt hơn búp chè. Như vậy trồng cam đã thêm thu nhập mà còn cao hơn hẳn lúa và chè, chả trách cây cam quýt đang phát triển mạnh.

Chúng tôi vào xã Nghĩa Tâm. Vùng này năm 1962 - 1965 còn là núi non hoang sơ mới được dân các Huyện Hưng Hà, Đông Hưng, Vũ Thư tỉnh Thái Bình lên xây dựng kinh tế mới. Ngày nào, tôi với anh Bội Đông ra đây viết báo tết. Thực tình, đây vẫn còn độc diễn cây chè, bà con cũng xoay xở chọn tìm cây trồng mới nhưng chưa ra. Ngoài trồng chè, bà con đã trồng sắn. Nhưng trồng được sắn giá bán chẳng được mấy, mà khó vận chuyển, không có người mua. Mà trồng sắn vài ba vụ, đất bị bạc màu, biết trồng cây gì .. Lần này, đến Nghĩa Tâm, tôi đã gặp những gương mặt hổ hởi, tươi sáng, nói nhiều về chuyện trồng cam. Hỏi ra tôi mới biết, nhà nhà đang phát triển trồng cam. Anh cán bộ xã báo cáo với Bí thư huyện ủy: xã có 128 ha chè, mới trồng thêm khoảng 70 ha cam. Cam trồng mới được ít, số có quả càng ít ỏi, nhưng  nhờ có quả cam, kinh tế gia đình đã ổn định hẳn...

Năm tháng qua đi, Nghĩa Tâm, cùng các xã Minh An, Thượng Bằng La, thị trấn nông trường Trần Phú, xã Cát Thịnh đã thành vùng cam của Huyện với diện tích rộng gần nghìn ha. Đại hội huyện Đảng bộ Văn Chấn vừa qua, huyện đã xác định phát triển vùng cao với sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đại hội đã có nghị quyết chuyên đề: "phát triển cây cam". Còn vụ cam này, nhiều nhà ở đây đã thu về hàng trăm triệu đồng. Ông Trần Ngọc Bích, ở thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La đã thu 700 triệu đồng. Với thu nhập như vậy, ông đã nâng diện tích cây cam lên trên 10 hecta. Bà con luôn năng động trồng giống cam tốt, chăm sóc, chống cho cây khỏi thoái hóa, chăm bón đúng kỹ thuật. Cần nhiều phân chuồng, một số hộ đã đưa ô tô sang các xã lân cận mua phân trâu, chở về, bón quanh gốc cam. Bằng cách làm ăn này, đất đai sẽ ngày thêm màu mỡ, cây cam xanh tốt, sai quả bền lâu, mà đời sống người dân cũng nâng cao, bền vững cùng những mùa cam.

Nhớ lại chuyện đồng chí Bí thư huyện ủy gói hạt cam đưa cho cán bộ về hưu tôi càng thấy thêm mến phục, tin yêu. Một việc làm tưởng là nhỏ nhen, tầm thường vậy mà thật nặng lòng, nặng tình với dân

Mùa cam này, thấy mừng, thấy tự hào, chợt lại thêm chuyện lạ.

Trần Cao Đàm

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải