song
Còn làm báo là còn trăn trở
Ngày xuất bản: 24/10/2018 12:00:00 SA
Lượt đọc: 30966

 “Nghề báo cho tôi rất nhiều, mỗi chuyến đi là một lần khám phá, một cơ hội cảm nhận, tiếp thu cái mới, cái hay, và cả những điều khiến mình trăn trở”. Đó là những chia sẻ của nhà báo Nguyễn Thị Tâm - Tạp chí Văn nghệ Yên Bái.

Sinh ra và lớn lên ở Tân Thịnh, huyện Văn Chấn - một miền quê nghèo nên trong suy nghĩ của cô bé Tâm ngày ấy chỉ ước ao được làm cô giáo, nhưng rồi khi đứng trước sự lựa chọn một nghề thích hợp với tính cách mạnh mẽ, thích khám phá thì nghề báo lại là lựa chọn duy nhất. Quyết định bỏ qua cơ hội vào Đại học Y Thái Nguyên để theo học trường Trung học Phát thanh Truyền hình Trung ương 1 với suy nghĩ sẽ có cơ hội được đi nhiều, khám phá nhiều vùng đất mới ngoài khoảng trời tuổi thơ nhỏ “mở mắt ra thì thấy núi, nhắm mắt lại cũng thấy núi” của mình.

Được về thực tập tại Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Văn Chấn, được đi cơ sở Tâm mới biết quê mình rộng lớn quá, người dân ở các xã như Sùng Đô, An Lương còn nghèo khổ quá. Nhớ lần theo chân đoàn cán bộ huyện và một số ngành đi An Lương, đường từ trung tâm vào xã hầu hết là đường mòn do đi lâu mà thành. Có những đoạn vách núi cheo leo, đường đá lởm chởm ngựa đi còn bước thấp bước cao, tưởng chừng khó vững. Đoàn đi từ sáng sớm đến nhập nhoạng tối mới tới nơi. Bụi đường lấm lem, mồ hôi nhễ nhại, sự mệt mỏi hiện rõ trên từng gương mặt của mỗi người trong đoàn. Ấy thế mà khi đặt chân tới An Lương, nhìn nét tươi rói rạng ngời, hồ hởi vui mừng chào đón của người dân dường như mọi sự mệt nhọc đều tan biến hết. Hai ngày ở An Lương, đoàn đã đi đến nhiều nơi, khổ nỗi nhiều thôn, nhiều hộ là điển hình mà phải đi bộ nửa ngày mới tới, có thôn còn chưa có điện. Chuyến đi đã cho cô phóng viên thực tập sự háo hức và những trăn trở của nghề. Sau này Tâm vẫn dõi theo An Lương. Mỗi khi nghe An Lương được đầu tư mở đường, người An Lương cuộc sống đã khá hơn… đặc biệt năm 2013, biết tỉnh quyết định đầu tư cho An Lương một cây cầu, thỏa niềm khao khát, ước mơ của người dân nơi đây bao đời nay đã phải nhọc nhằn vượt dòng Thia mỗi mùa lũ về để mưu sinh và để kiếm tìm con chữ mà Tâm mừng quá, mừng như chính mình là người được hưởng.

Nhà báo Nguyễn Thị Tâm (Ảnh: Tuấn Vũ)

Ấn tượng từ những chuyến đi thực tế đã khiến Tâm ngày thêm thích nghề báo và nung nấu nhiều kế hoạch nhưng đều bị bỏ dở vì mơ ước làm phóng viên tại Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Văn Chấn không thành hiện thực. Không bỏ cuộc, sau 5 năm Tâm lại quyết tâm theo học lớp Đại học báo chí hệ vừa học vừa làm do Học viện Báo chí và truyên truyền mở tại Yên Bái. Chính thức bước vào nghề báo khi Tâm được nhận vào Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái. Trở thành một nhà báo văn nghệ, tuy không đúng với chí hướng ban đầu, nhưng dẫu sao vẫn là làm báo, vẫn có cơ hội vận dụng những gì mình đã học, và quan trọng hơn cả là có cơ hội để thể hiện bản lĩnh của chính mình.

Làm báo chí văn nghệ phải đồng thời làm hai nhà, nhà văn và nhà báo, dù là nhà văn hay nhà báo thì cũng đều là những người nông phu cày chữ cả. Có điều một người hoàn toàn xuất thân từ báo chí thời sự, nay lại làm báo chí văn nghệ thì có vẻ áp lực nặng thêm một phần, nhất là càng đọc, càng viết lại càng thấy bản thân mình còn thiếu hụt nhiều. Gắn bó với văn học, nghệ thuật, vừa làm báo vừa tập tành chữ nghĩa văn chương, sự say nghề cứ thấm dần khi nào không biết.

Được giao phụ trách mảng tin tức cho trang web và Tạp chí Văn nghệ của Hội, biên tập viên mục văn hóa dân gian, đồng thời làm công tác ở một cơ quan Hội có tính chất đặc thù, công việc của Tâm không chỉ là công việc của một phóng viên, nhà báo đơn thuần. Ngoài việc viết bài, đưa tin trên các ấn phẩm của Hội, biên tập bài phục vụ công tác xuất bản Tạp chí Văn nghệ hàng tháng thì còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác tại cơ quan thường trực. Thời gian dành cho sáng tác không nhiều, chỉ tranh thủ vào những ngày cuối tuần hoặc về đêm.

Tâm vẫn luôn nghĩ mỗi tác phẩm viết ra dù hay, không hay cũng là đứa con tinh thần của mình. Đã đặt bút là phải chịu trách nhiệm với những gì mình viết, chịu trách nhiệm với nhân vật, với câu chuyện của nhân vật, với độc giả và với chính bản thân mình. Bởi thế, mỗi khi dự định viết bài về một mảng đề tài hay một nhân vật nào đó, cô thường dành thời gian tìm kiếm tư liệu, thông tin về đề tài hoặc nhân vật thông qua nhiều nguồn khác nhau rồi mới đi cơ sở, vừa để khai thác thông tin, vừa để tận mắt thấy người thật, việc thật, thậm chí còn để cảm nhận được tâm tư tình cảm của nhân vật mà mình muốn tìm hiểu, vậy mà nhiều khi để ra một tác phẩm tính từ lúc đặt bút đến lúc điểm dấu chấm hết cũng mất đến 3, 4 đêm thức trắng, nhiều lúc người thân trong gia đình chỉ biết thở dài “Sao phải khổ thể”.

Tâm chia sẻ “Sáng tác văn học, nghệ thuật thường cần có cảm xúc, đôi khi là sự thăng hoa chứ không thuộc về khuôn mẫu, giới hạn nào. Người làm báo chí văn nghệ không thể chỉ viết những bài báo đủ để in trên mặt báo, mà phải viết cho được những bài báo hay, ấn tượng mà độc giả muốn đọc, có sức lay động trái tim bạn đọc và mang lại hiệu ứng xã hội. Làm được điều đó là rất khó và đây cũng là mục tiêu mà tôi luôn đặt ra cho chính mình”.

Làm báo được đi nhiều nơi, tiếp xúc và biết được nhiều điều cũng là cách để Tâm bổ sung cho những thiếu hụt trong hiểu biết của mình. Mỗi hoàn cảnh, mỗi con người và mỗi sự việc tiếp cận còn là những nỗi niềm trăn trở, làm thế nào để bài viết của mình khắc họa chân thực cuộc sống của người dân, của địa phương? Làm thế nào để bài viết là tiếng nói của đồng bào, liệu những mô hình hay ở địa phương này có thể được nhân rộng sang những nơi khác?...  những câu hỏi như vậy thường xuất hiện trong cô sau mỗi lần về với cơ sở.

Hơn 6 năm gắn bó với văn học, nghệ thuật dù đã đạt được những thành tích nhưng Tâm vẫn thấy mình còn phải học hỏi nhiều. Bởi cô luôn nghĩ đã theo con đường làm báo văn nghệ thì không thể chỉ dừng lại ở việc làm báo mà còn phải trau dồi thêm kỹ năng, kiến thức văn học nhất là khi Tâm còn muốn thử sức mình ở nghiệp văn chương.

Thùy Linh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải