song
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho hội viên trong giai đoạn mới
Ngày xuất bản: 09/03/2016 12:00:00 SA
Lượt đọc: 47589

 Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Yên Bái có 179 hội viên, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực liên quan đến báo chí của tỉnh. Trong đó Tạp chí Văn nghệ Yên Bái là một tờ báo có thế mạnh phản ánh, chuyển tải chiều sâu của các sự kiện. Trong những năm qua, với thế mạnh riêng có của mình, những tác phẩm báo chí của Tạp chí văn nghệ đã bám sát hơi thở cuộc sống. Khác với các ấn phẩm của Báo Yên Bái và của Đài PT - TH tỉnh. Việc bám sát diễn biến của những sự kiện đang diễn ra trong cuộc sống đảm bảo tính kịp thời là rất khó, nhưng đến với những tác phẩm báo chí văn nghệ người ta thấy được những tầng vỉa sâu hơn của sự kiện, ở đó có trăn trở, có khổ đau, có sự nỗ lực hiếm có của con người làm nên những sự kiện đang được công chúng quan tâm trong xã hội. Ở đó người đọc sẽ thấy tính nhân văn, tính người, cảm xúc, đặc biệt là căn nguyên sâu sa để có được sự kiện đó. Vì thế nó dễ thuyết phục, dễ đi vào lòng người và ở lại lâu trong tâm trí của người thưởng thức. Với đặc trưng riêng có của mình, cùng với các cơ quan báo chí của tỉnh nhà, trong thời gian qua, Báo chí văn nghệ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó.

Để làm được như vậy, những phóng viên báo chí văn nghệ cũng phải không ngừng đổi mới, phát triển, bắt kịp với guồng quay của xã hội. Để có một nhãn quan chính trị đúng đắn, có một góc nhìn hợp ý Đảng lòng dân, để có cái nhìn đa diện trong thu thập, xử lý thông tin cùng với khả năng tác nghiệp hiện đại, làm chủ được mọi tình huống xảy ra bất ngờ trong tác nghiệp đồng thời đủ năng lực để sáng tạo ra tác phẩm báo chí chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Chính vì lẽ đó mà kiến thức học trong các nhà trường chỉ là cái nền, việc tự mình trau dồi kinh nghiệm làm báo, bồi đắp kiến thức, bồi đắt sự hiểu biết xã hội là một việc làm không ngừng nghỉ.

Nắm được vai trò quan trọng của việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo, trong nhiệm kỳ qua, Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái đã cử lượt 11 hội viên về Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ- Hội Nhà báo Việt Nam tập huấn nâng cao trình độ làm báo. Ngoài ra Hội nhà báo Yên Bái còn trực tiếp đăng cai, phối hợp với Trung tâm nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Trung tâm nghiệp vụ Đài truyền hình mở 5 lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho hơn 200 lượt hội viên, phóng viên đang công tác tại các cơ quan báo chí và các đài truyền thanh truyền hình huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, trong đó có phóng viên, biên tập viên của Tạp chí Văn nghệ. Có thể kể đến những chuyên đề bổ ích về kỹ năng làm phóng sự truyền hình, phóng sự điều tra, kỹ năng phỏng vấn và rút tít, nghệ thuật thể hiện một tác phẩm báo chí sao cho hấp dẫn, nghiêm túc, gây hiệu ứng xã hội tốt nhất… Mỗi một chuyên đề đều cung cấp cho học viên những kỹ năng làm báo hiện đại, giúp họ thấy được những điều mình làm được đồng thời cũng nhìn nhận một cách khách quan những điều mình chưa làm được hoặc chưa cập được với báo chí hiện đại, để rồi cùng nhau tìm ra phương cách giải quyết với một tinh thần cầu thị. Những bài tập thầy giao, những buổi đi cơ sở để thực hành kỹ năng sáng tạo từng thể loại báo chí đều là những cơ hội để họ cọ sát, vỡ vạc ra nhiều điều bổ ích. Và một điều này nữa, có lẽ là rất quan trọng đối với học viên tham dự các lớp tập huấn báo chí do hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Yên Bái tổ chức ấy là kinh nghiệm học được từ những nhà báo kỳ cựu đã có thành tựu trong báo chí như nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, Tiến sỹ, nhà báo Trần Bá Dung. Có thể kể đến kinh nghiệm điều tra những vụ việc khuất tất của tổ chức, cá nhân; kỹ năng tác nghiệp khéo léo để vừa thu thập được thông tin vừa tránh được nguy hiểm cho mình. Cũng có thể là những kinh nghiệm của một tư duy nhạy bén trong phát hiện những vấn đề còn tiềm ẩn trong xã hội mà chưa ai có thể nhìn thấy nó. Đặc biệt là kinh nghiệm để chuyển tải những thông tin mình thu thập được lên trang viết, đảm bảo lô rích, lôi cuốn và đặc biết thuyết phục người thưởng thức. Những kinh nghiệm đó không phải tự dưng có được mà phải trải qua bao lần va đập với thực tế, có thể qua cả những thành công và thất bại, có thể qua một khoảng thời gian làm báo khá dài mới đúc kết được. Nói điều này để khẳng định những kinh nghiệm đó là rất quý đối với những người làm báo trẻ tuổi chưa có nhiều thời gian để trải nghiệm. Có thể nói đây là cơ hội để các học viên đi tắt đón đầu. Có lẽ vì thế mà mỗi lớp tập huấn mở ra, lượng học viên tham dự thường nhiều hơn lượng học viên đưa ra trong giấy mời.

Song song với đó, Chi hội Nhà báo Tạp chí Văn nghệ cũng mở nhiều hội thảo nhằm chưng cầu những ý kiến quý báu của những người đã có bề dày kinh nghiệm trong làm báo chí nghệ thuật để nâng cao chất lượng ấn phẩm Văn nghệ Yên Bái vùng cao- 1 ấn phẩm báo chí văn nghệ dành riêng cho đồng bào dân tộc thiếu số sinh sống trên địa tỉnh Yên Bái; nâng cao chất lượng Tạp chí Văn nghệ Yên Bái và Trang Văn học Nghệ thuật Yên Bái điện tử. Trong những năm qua Chi hội nhà báo Tạp chí Văn nghệ Yên Bái nói riêng, Hội Liên hiệp VHNT nói chung đã cùng nhóm Hợp tác phát triển Văn học nghệ thuật VN8+ 2, gồm các tỉnh: Phú Thọ, Sơn La, Hải Dương, Bắc Giang, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Ninh và Bắc Ninh tổ chức mỗi năm 2 kỳ hội thảo để tìm ra các biện pháp nâng cao ấn phẩm Báo chí văn nghệ của Hội. Có thể kể đến Hội thảo; “Báo chí Văn nghệ với đề tài xây dựng nông thôn mới; “Thể loại ký trên báo Văn nghệ địa phương”; “Nâng cao chất lượng tác phẩm viết về Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Tăng tính thuyết phục, hiệu quả của báo, Tạp chí Văn nghệ phục vụ Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng lần thứ XII”; “Nâng cao hiệu quả sáng tác và tuyên truyền về biển đảo trong tình hình mới”… Từ mỗi cuộc hội thảo đó, nhiều kinh nghiệm hay được áp dụng trong việc sáng tạo những ấn phẩm báo chí văn nghệ, để báo chí văn nghệ thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị và đặc biệt là bám sát hơi thở của cuộc sống, đóng góp tiếng nói của đội ngũ văn nghệ sỹ đối với xã hội, góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên thiết nghĩ Hội Nhà báo cần mở thêm những lớp tập huấn về Luật Báo chí và Đạo đức nghề báo, về các văn bản mới liên quan đến báo chí, về tư tưởng chính trị để giúp cho mỗi người làm báo đều có cái tâm, cái nhìn thiện chí, với quan điểm xây dựng, bài trừ cái xấu, nhân rộng cái tốt, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp. Nên chăng cần có thêm những lớp tập huấn các kỹ năng viết báo chí văn nghệ để những hội viên làm báo chí Văn nghệ như chúng tôi có cơ hội để học hỏi, giao lưu, trau dồi những kiến thức bổ ích giúp cho công tác làm báo được ngày càng hoàn thiện hơn nữa.

Hoàng Kim Yến

Chi hội Nhà báo Tạp chí Văn nghệ Yên Bái

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải