song
Đài Hoàng Liên Sơn - Những ngày gian khổ, đáng nhớ
Ngày xuất bản: 31/08/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 220278

 Đài phát thanh Hoàng Liên Sơn ra đời khi được nhận cơ sở kỹ thuật của “vê ba” (V3), bộ phận sơ tán của Đài Tiếng nói Việt Nam. “Vê ba” đặt trong hang đá, xã Cam Đường, huyện Bảo Thắng, cách thị xã Lào Cai 7km. Thời chiến tranh, do bí mật, cơ sở này còn được gọi là “công trường 3”. Trong hang này, ngày đó có đặt 3 máy phát sóng phát thanh công suất 15 kw. Sau khi nước nhà thống nhất, không còn cần đến máy dự phòng, Đài Tiếng nói Việt Nam cho 3 tỉnh. Đài Hoàng Liên Sơn được một máy. 

7 giờ sáng ngày 11 - 4 - 1977, tín hiệu Đài phát sóng Hoàng Liên Sơn bắt đầu tung lên không trung, phát đều đặn. Tháng 8 - 1978, Đài cùng tỉnh chuyển về Yên Bái…

Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái trong một chương trình thu âm (Ảnh: Tư liệu)

Đầu năm 1979, sau khi nổ ra chiến tranh biên giới, tôi học ở trường Tuyên huấn Trung ương, đang đi thực tập chuẩn bị ra trường, giám đốc Hồ Thức cho chuyển vợ tôi từ đài truyền thanh Nghĩa Lộ lên đài tỉnh và ký công văn xin Trường cho tôi về Hoàng Liên Sơn. Tháng tư 1979, học xong tôi về công tác tại Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn. Lúc này, giám đốc đài là ông Hồ Thức, phó giám đốc phụ trách nội dung là ông Chế Huy Đồng, phó giám đốc phụ trách Hành chính - Tổ chức là ông Lục Bỉnh Ngọc. Cơ sở của đài còn tạm bợ, chỉ là mấy nhà lợp lá, vốn là nơi bán hàng và kho chứa phân bón của Công ty Vật tư Nông nghiệp, ở km 7, thị xã Yên Bái. Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn được tỉnh cho xây căn nhà cấp 4 để đặt máy phát sóng, làm kho. Gia đình tôi được xếp ở trong nửa gian nhà lá đối diện với nơi đặt máy phát sóng, ở giữa khu Đài.

Đó là những ngày gian khổ, đầy kỷ niệm, đáng nhớ với tôi. Trong bài này, tôi viết lại một phần.

Phóng viên đi ăn xin

Lần đầu tiên tôi được phân công lên biên giới công tác, anh Xuân Nguyên, trưởng phòng đã gặp tôi, trao đổi: “Bây giờ trên biên giới tan hoang, dân sơ tán, tình hình phức tạp, nguy hiểm. Hằng ngày thám báo, biệt kích vẫn sang. Chú còn trẻ, được học hành, đã qua chiến trường, sẽ theo dõi địa bàn trên ấy. Phòng cử thêm đồng chí Văn Công, Như Phương… cùng đi”.

Ra đi công tác mà tôi thấy vô vàn khó khăn, có lẽ vì thế mà anh trưởng phòng đã chuẩn bị tư tưởng cho tôi. Ngay buổi đầu tiên ra ga đã khó. Từ Đài ra ga, xa hơn 7 km, thường là đi bộ. Tôi may mắn có vợ cùng làm ở Đài, có cái xe đạp Thống nhất nên có người đèo xe, đưa ra ga, dù có hai cháu nhỏ để ở nhà với nhau, trời mới 8 giờ tối. Chúng tôi hẹn nhau, đi chuyến tàu đêm, tất cả gặp nhau ở cửa ga. Được vợ đưa ra đến ga, rồi vội về với con. Mấy anh em gặp nhau, kéo nhau vào mua vé. Nhưng, buồn thay, các cửa bán vé đóng chặt, cạnh đó có bảng thông báo viết bằng phấn trắng: “Chuyến tàu đêm không có, sáng mai mới có tàu ngược”.

Tôi thất vọng, suy nghĩ: Bây giờ đi bộ về nhà thì trời đã khuya, sáng mai lại phải dậy sớm, đi bộ ra, còn lo không kịp, nhỡ tàu? Tốt nhất là chịu mất ngủ một đêm. Ngồi ở ga cũng có thể tựa vào ghế mà ngủ. Biết đây là phương án tốt nhất, chúng tôi cùng nhất trí. Thế là cả đêm, giữa ga ồn ào, nhốn nháo chúng tôi dựa vào nhau, để hành lý vào giữa, cùng trông cho khỏi bị mất cắp. Qua đêm mất ngủ, đói, mệt. Chưa đến 5 giờ sáng, chúng tôi lên tàu, mong gặp người bán sắn luộc, bán khoai, nhưng chỉ thấy người bán nước. Lên đến ga Lâm Giang, mới gặp người bán mía. Mừng quá, chúng tôi mua liền mấy cây.

Lên đến phố Lu thì trời đã tối. Hai bên đường tan hoang, tro than, lác đác có vài cái lán dân mới về làm tạm, chẳng đèn, tối om. Vào đến nhà khách huyện Bảo Thắng, tôi nghĩ đến việc lấy tiền, tem gạo ra nộp để báo cơm, thì anh phụ trách ở đây đã nói khéo:

- Chúng tôi mới sơ tán về, còn khó khăn quá, lại đêm tối thế này, các anh tự túc ăn uống giúp…

Tôi lặng người, nghĩ đến việc nhịn đói ít nhất một đêm nữa. Chợt, anh Như Phương, vốn là “thổ công” ở vùng này lên tiếng:

- Gặp nước này thì muối mặt đi xin ăn vậy.

Rồi Như Phương giải thích: “Tôi có nhà quen, ta kéo vào xin cơm nguội”. Tôi nghĩ, ngoài cách này khó có cách nào hơn. Tôi còn lo: Mọi nhà đều mua gạo theo sổ, tiêu chuẩn mỗi tháng có 12 kg, còn phải mua độn, chắc gì có cơm nguội mà xin? Mà chúng tôi đi nhiều người. Nghĩ vậy, nhưng thấy Như Phương hăng hái, chúng tôi cũng đi theo. Anh đưa vòng vèo, vào ngõ hẻm, đến cái lán vách nứa, còn ánh đèn sáng, còn nghe tiếng người. Như Phương reo khẽ: “May quá, nó ở nhà!”. Anh gọi toáng, rồi đẩy cửa vách. Trong nhà chỉ có người vợ và đứa con, Như Phương đặt vấn đề luôn:

- Anh em vừa lên đến đây, chẳng còn kiếm ăn ở đâu được, nhà có cơm nguội không?

Chị này trả lời ngay, có phần mừng vui:

- Thế thì may rồi! Chiều nay, nhà có khách, em nấu cơm sẵn. Nhưng, nhà em và khách vào làng, giờ vẫn chưa về, chắc đã ăn cơm trong ấy…

Chị bỗng lưỡng lự với một chữ “nhưng”… Sau phút lưỡng lự chị giải thích: “Em dặn nhà em vào làng, nhớ mua lấy quả trứng, bó rau về làm thức ăn, mà giờ vẫn chưa thấy về”.

Hiểu ra, Như Phương vui vẻ:

- Pha bát nước muối cũng được! Chắc nhà có muối chứ hả?

-  Muối thì có…

Tăng gia tự túc

Một lần, đi công tác, về đến cổng cơ quan thì tôi nghe nhiều tiếng anh chị em gọi, vẻ thương hại, thông cảm:

- Về nhanh mà giặt chăn màn.

- Chị ấy đang mong đấy…

Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Yên Bái kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (1/9/1957 - 1/9/2017) (Ảnh: vov.vn)

Hóa ra, Đài mới bị cơn bão qua, làm đổ nhà. Nhà đổ lại đúng vào ngôi nhà lá, có nửa gian gia đình tôi đang ở. Dù đêm hôm, mưa bão, mọi người túm vào cứu giúp. May các hộ tập thể ở đây không ai bị sao, chỉ có chăn màn, áo quần, gạo nước bị ướt. Thế là ngay trong đêm, anh em cơ quan khiêng giúp giường lên kê ở hè nhà đặt máy phát, lấy chỗ ngủ tạm. Tôi về đến nơi chỉ thấy chăn chiếu, màn, quần áo phơi la liệt khắp sân Đài. Lúc này, Đài lại nhận bàn giao thêm căn nhà lá ở phía cổng vào. Gia đình tôi được ưu tiên ở hẳn một gian, lại là gian đầu tiên giáp cổng, còn có bãi đất nhỏ có thể làm vài luống rau.

Ngày ấy, còn chế độ bao cấp, nhà nước cung cấp mọi thứ, nhưng ít và thiếu. Khi Đài mới về Yên Bái, đã vào mãi Hưng Khánh mượn đất tăng gia, vì Đài có anh Phong, là trưởng phòng hành chính, người Hưng Khánh. Lúc này, anh Phong đã nghỉ hưu, Đài vào xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên mượn đất làm trại tăng gia. Đài cử anh Lộc là cán bộ xưởng sửa chữa vào phụ trách công việc của trại, ngoài ra còn có anh Thịnh, chị Lợi trực tiếp ở đây. Các phòng, ngoài đảm bảo công việc chuyên môn, từng đợt cử cán bộ vào trại lao động sản xuất. Đợt phòng Biên tập vào có cả trưởng phòng Xuân Nguyên, tôi… vào làm, anh em ở nhờ nhà ông Diệm gần đó. Hằng ngày, từ sáng sớm, anh em vào bãi trong hủm, cây cỏ, dây leo um tùm được phát quang. Sau một ngày cật lực, chịu nắng, khát, mồ hôi nhễ nhại, tối về chỗ nghỉ, vợ chồng bác Huấn Chuyển, là người gốc Yên Bái vừa vào đến nơi, am hiểu vùng này, lưu ý: “Khu đất này, ngày máy bay Mỹ đánh sân bay Yên Bái đã rắc xuống đây nhiều bom bi, giờ thỉnh thoảng gặp cơn gió thổi, bom bi vướng trên cành vẫn rơi xuống nổ”.

Nghe mà hú hồn, nhưng cũng may đã phát xong, chỉ còn đợi cỏ cây khô để đốt. Còn may, anh em phát là thế mà trời đất còn thương nhà Đài, không bị bom nổ. Làm lụng vất vả, nguy hiểm là vậy, sau vụ thu hoạch, mỗi công được chia năm lạng thóc, cân cả bồm, thóc lép. Nghiêm túc, lãnh đạo Đài lên tỉnh báo cáo kết quả. Nghe báo cáo, có ý kiến chỉ đạo: “Phải báo sang ty lương thực để cắt giảm tiêu chuẩn hằng tháng của anh em”. Sau, tỉnh thương tình, thông cảm anh em vất vả, thôi không cắt để động viên cho công tác tốt hơn.

Hoạt động trong gian khổ, thiếu thốn ấy nhưng anh em Đài làm việc nhiệt tâm, hết năng lực với công việc chung. Chương trình phát hằng ngày được nhân dân các dân tộc đón nhận, một ngày không nghe là cảm thấy nhớ, thấy thiếu. Đó là do nội dung chương trình phát những điều hữu ích, vấn đề đưa nhạy bén với tình hình thời sự… Ngày đó lại có chiến tranh biên giới, kẻ địch lấn sang thế nào, ta đánh giữ đất thế nào… Toàn những vấn đề nhân dân các dân tộc cần biết hằng ngày. Sóng Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn lại phát được xa. Người ở nước ngoài cũng nghe. Cán bộ ngoại giao của ta ở Thái Lan, ở Trung Quốc cũng nghe chương trình Đài Hoàng Liên Sơn, lấy tài liệu đấu tranh. (Qua các thư từ các nước gửi về Đài).

Bây giờ, ngồi viết, nghĩ lại tôi thấy rõ một điều: Ngày ấy, dù khó khăn, vất vả, thiếu thốn, nhưng anh em dù là lãnh đạo hay nhân viên, luôn sống có tình người, luôn thương yêu, quan tâm, đùm bọc nhau. Mấy chục năm đã qua, nhớ lại mà thật tự hào, đáng nhớ.

Trần Cao Đàm

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải