song
Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI: Nêu cao tinh thần đoàn kết, nhất trí, đổi mới hoạt động
Ngày xuất bản: 31/12/2021 12:00:00 SA
Lượt đọc: 10741

 Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025 với phương châm “Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển” được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Phương châm “Đoàn kết – Kỷ cương – Đổi mới – Sáng tạo – Phát triển”

Sáng nay (31/12), tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Đại hội toàn quốc nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đến dự và chỉ đạo Đại hội có đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

 

Đại hội được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tham dự Đại hội có 474 đại biểu đại diện hơn 27.000 hội viên nhà báo thuộc 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên chi hội và hơn 200 Chi hội trực thuộc. Các đồng chí nguyên Lãnh đạo Hội qua các thời kỳ; các đồng chí Trưởng, Phó các ban, đơn vị Cơ quan Trung ương Hội và một số đồng chí nguyên Trưởng ban, đơn vị Cơ quan Trung ương Hội đã nghỉ hưu; đại diện lãnh đạo một số cơ quan báo, đài và các cấp Hội Nhà báo; phóng viên, nhà báo tới dự, đưa tin về Đại hội.

Với phương châm “Đoàn kết – Kỷ cương – Đổi mới – Sáng tạo – Phát triển”, Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, sẽ định hướng cho các cấp Hội Nhà báo Việt Nam và đội ngũ những người làm báo cả nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam, chung sức đồng lòng, ra sức phấn đấu xây dựng nền báo chí Cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì lợi ích của đất nước và nhân dân, vì đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Bầu những nhà báo có phẩm chất, năng lực, uy tín và tâm huyết để lãnh đạo các mặt công tác của Hội

Phát biểu khai mạc Đại hội, Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ: Đại hội được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

 

Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc Đại hội.

Đại hội có nhiệm vụ đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam; kiểm điểm đánh giá việc thực hiện những chủ trương, nhiệm vụ về công tác báo chí nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; 15 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư TƯ Đảng (Khóa IX) về “Nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kì mới”, triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 08/4/2020 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”; thảo luận, hoàn thiện Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành, thảo luận sửa đổi, bổ sung và thông qua Điều lệ Hội và các văn kiện quan trọng khác trình Đại hội.

“Đại hội có nhiệm vụ hết sức quan trọng là bầu Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kì 2020-2025, gồm những nhà báo có phẩm chất và năng lực, có uy tín và điều kiện, cũng như tâm huyết, để lãnh đạo các mặt công tác của Hội trong nhiệm kì tới”, ông Lê Quốc Minh nêu rõ.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng nhấn mạnh: Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra trong bối cảnh báo chí trong nước và thế giới đang có những thay đổi sâu sắc về nhiều mặt. Những nội dung thảo luận tại Đại hội và những nhiệm vụ, giải pháp do Đại hội đề ra sẽ có ý nghĩa thiết thực góp phần xây dựng tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng vững mạnh, thúc đẩy nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn, chủ động hội nhập với báo chí khu vực và thế giới, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới phù hợp với văn hóa dân tộc Việt Nam.

Sau khi nghe các báo cáo: Báo cáo Chính trị trình Đại hội XI của Ban Chấp hành khóa X; Báo cáo kiểm điểm Ban Chấp hành khóa X, nhiệm kỳ 2015 -2020; Tại Đại hội, các đại biểu đã có tham luận với những ý kiến tâm huyết, nêu những giải pháp, cách làm hay cùng phương hướng hoạt động trong thời gian tới để đóng góp cho sự phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam cũng như nền báo chí nước nhà.

 

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.

Tính chất nghề nghiệp của Hội không tách rời tính chất chính trị, xã hội

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu rõ: Đảng, Nhà nước và Nhân dân vui mừng trước sự trưởng thành, vững vàng của đội ngũ báo chí cả nước; báo chí ngày thêm nâng cao về năng lực, phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đã và đang nỗ lực từng bước làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, không ngừng đổi mới, sáng tạo...

Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, báo chí đã chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch; tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo; hăng hái thâm nhập thực tế vùng cao, vùng sâu, vùng xa, kịp thời đưa tin về những sự kiện nóng, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, thiên tại, bão lũ...

"Đặc biệt, hai năm qua, trước những diễn biến phức tạp, thách thức chưa từng có của đại dịch Covid-19, hàng trăm nhà báo không ngại hiểm nguy đã có mặt trên tuyến đầu chống dịch, kịp thời thông tin, cổ vũ những việc làm cao đẹp của lực lượng thầy thuốc, quân đội, công an, cán bộ cơ sở, những cá nhân, cộng đồng tích cực, tình nguyện tham gia phòng, chống đại dịch", Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư đã nêu một số nội dung, gợi mở một số vấn đề: Thứ nhất, Hội Nhà báo cần nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của mình, là tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng và trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước. Tính chất nghề nghiệp của Hội không tách rời tính chất chính trị, xã hội. 

Nhiệm vụ hàng đầu của báo chí, của những người làm báo Việt Nam, của Hội Nhà báo là phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân…

 

Các đại biểu tham dự Đại hội.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nhà báo các cấp bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực trên cơ sở phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương. Đẩy mạnh công tác tập hợp, những người làm báo vào tổ chức hội, phấn đấu để Hội Nhà báo Việt Nam thực sự trở thành tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của người làm báo, là ngôi nhà chung ấm áp của hội viên và giới báo chí.

Chú trọng công tác giáo dục tư tưởng, nhận thức sâu sắc chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mỗi người làm báo phải nhận thức sâu sắc làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng.

Thường trực Ban Bí thư cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác kết nạp hội viên mới, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định. Tăng cường quản lý hội viên, thực hiện đảm bảo quy tắc kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm những người làm báo vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp. Nắm chắc tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của hội viên, kịp thời phản ánh với các cơ quan chức năng để giải quyết phù hợp. Cùng với đó là quan tâm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên, nhất là trong quá trình tác nghiệp báo chí, động viên khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động công tác Hội, nhất là ở những địa bàn có nhiều khó khăn.

Thứ ba, mỗi cấp Hội, cơ quan báo chí, mỗi người làm báo trước hết hãy học tập, noi gương Bác, một nhà báo lớn về phong cách, đạo đức làm báo; phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người: Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ và viết để làm gì? để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình, để phục vụ quần chúng.

Cũng theo Thường trực Ban Bí thư, phải kiên quyết, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng phản ánh thông tin thiếu khách quan, trung thực; sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận người làm báo, cùng những sai sót về tư tưởng chính trị, lịch sử trong ấn phẩm, ảnh hưởng tới niềm tin, gây tâm lý băn khoăn, hoài nghi về đội ngũ người làm báo.

Thứ tư, để đáp ứng yêu cầu hoạt động báo chí trong điều kiện mới, các cấp bộ hội phải chủ động phối hợp với cơ quan liên quan, tập trung triển khai, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho hội viên...

 

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởn yêu cầu tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nhà báo các cấp bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực trên cơ sở phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương.

Thứ năm, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ: Chúng ta đang sống trong một xã hội mở về thông tin, dựa trên nền tảng phát triển của khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin. Đây là môi trường nhiều thách thức, nhưng cũng tạo ra những cơ hội lớn cho báo chí. Chúng ta đã nắm bắt cơ hội tạo nên bước phát triển vượt bậc, toàn diện của báo chí về số lượng, chất lượng, loại hình, nội dung, hình thức.

Tuy nhiên, theo đồng chí Võ Văn Thưởng, vai trò, tổ chức Hội chưa thực sự có vị thế tương xứng với sự phát triển của báo chí. Tình trạng này cần được khắc phục; và không ai khác, chính Hội phải là chủ thể, chủ động cải thiện tình hình thông qua các chương trình hành động, các hoạt động cụ thể và thiết thực, có sức cuốn hút và lan tỏa, tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam.

Thứ sáu, cần đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo theo nội dung Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, bằng những chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, sát hợp với thực tế, tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng và phát triển Hội Nhà báo các cấp...

Đồng chí Võ Văn Thưởng tin tưởng rằng, với truyền thống trung thành với Đảng, gắn bó với dân tộc và nhân dân, đội ngũ những người làm báo Việt Nam hôm nay sẽ ngày càng lớn mạnh, không ngừng nâng cao về phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng.

"Tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng xứng đáng là tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, là “ngôi nhà chung” tập hợp, đoàn kết rộng rãi những người làm báo cả nước", đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

 

Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đồng chí Lê Quốc Minh tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam 

Tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã công bố kết quả bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra và các chức danh Lãnh đạo Hội khóa XI.

Trước đó, vào chiều ngày 30/12, Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 52 đồng chí. Ngay tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (chiều tối cùng ngày), Ban Chấp hành đã bầu 12 nhân sự vào Ban Thường vụ.

Danh sách 12 ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam khoá XI gồm:

1.Ông Đoàn Xuân Bộ - Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân

2.Ông Trương Văn Chuyển - Tổng Biên tập Báo Cần Thơ, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Cần Thơ

3.Ông Trần Trọng Dũng - Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM

4.Ông Phạm Mạnh Hùng - Phó TGĐ Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam

5.Ông Phạm Quang Khải - Tổng Biên tập Báo Công an Nhân dân

6.Ông Nguyễn Đức Lợi - Nguyên TGĐ TTXVN

7.Ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân

8.Ông Nguyễn Đức Nam - Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Đà Nẵng

9.Ông Tô Quang Phán - Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội

10.Ông Nguyễn Tấn Phong - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP.HCM

11.Ông Lê Ngọc Quang - TGĐ Đài Truyền hình Việt Nam

12.Bà Vũ Việt Trang - TGĐ TTXVN, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo TTXVN

Ông Lê Quốc Minh -  Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa X được bầu tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội khóa XI với số phiếu 100%.

Ông Nguyễn Đức Lợi - Nguyên Tổng Giám đốc TTXVN và ông Trần Trọng Dũng - Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI.

Ngay sau đó, với 100% các đại biểu biểu quyết tán thành, Đại hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020 – 2025 khóa XI.

 

Nghị quyết Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020 – 2025 khóa XI được thông qua với 100% các đại biểu nhất trí.

Xây dựng nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, vì Tổ quốc, vì nhân dân

Phát biểu bế mạc Đại hội, Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ: Được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội lần thứ XI có thuận lợi là được Nghị quyết Đại hội của Đảng định hướng, dẫn dắt. Hoạt động báo chí của nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách của đại dịch Covid-19, có thêm kinh nghiệm và bản lĩnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.

Với truyền thống vẻ vang của những người làm báo cách mạng qua gần một thế kỷ, với sứ mệnh cao cả được giao phó, đội ngũ người làm báo cách mạng nước ta, tập hợp dưới mái nhà chung là Hội Nhà báo Việt Nam, sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Ban Chấp hành nhiệm kì mới xin hứa với đội ngũ những người làm báo, hội viên cả nước, sẽ nêu cao tinh thần đoàn kết, nhất trí, đổi mới hoạt động, chung sức, chung lòng, vì một nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Theo Báo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải