song
Đằng sau sự kiện con người là trung tâm trong mỗi tác phẩm báo chí
Ngày xuất bản: 14/10/2015 12:00:00 SA
Lượt đọc: 49075

Trong mỗi tác phẩm báo chí, người viết bao giờ cũng bắt đầu từ sự kiện. Không có sự kiện thì không thể xuất hiện một bài báo. Ví dụ như: Một trận lũ quét vừa mới xảy ra hay một vụ cháy rừng, một đợt dịch cúm gia cầm, việc khai thác vàng trái phép ở nơi nào đó…Đằng sau những sự kiện ấy không thể thiếu con người. Con người phải là trung tâm của sự kiện, xem nhẹ vai trò của con người trong mỗi sự kiện diễn ra trong đời sống hàng ngày bài báo khó có được những thành công trong quá trình sáng tạo.

Trong thực tế, con người luôn luôn được đặt trong hoàn cảnh cụ thể của sự thay đổi thiên nhiên xã hội như biến đổi khí hậu, hay cơ chế chính sách, các quan hệ đều ảnh hưởng đến đời sống con người trong một thế giới đa chiều đan xen phức tạp.

Hầu hết các tác phẩm báo chí thành công, người viết luôn đi sâu phân tích, lý giải tác động của sự kiện ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến con người như thế nào. Đi xa hơn người viết còn đề cập đến phản ứng của con người trước mỗi sự kiện. Sự tác động của con người đến sự kiện, làm thay đổi sự kiện.

Có thể kể ra một số phóng sự mà người viết rất quan tâm đến khai thác đời sống con người trong sự kiện. Loạt bài: “sương nắng vùng chè” của tác giả Văn Chinh đề cập rất sâu đến cuộc sống gian khổ, vất vả, sự hy sinh thầm lặng của người công nhân làm chè ở vùng Trung du miền núi Phú Thọ, Yên Bái. Sự thăng trầm trong cơ chế thị trường khiến không ít các nông trường xí nghiệp chè lao đao vào những năm cuối của thế kỷ trước.

Bài: “Cuộc tìm kiếm 8 thanh niên xung phong bị mất tích trong hang đá ở Quảng Bình” của tác giả Minh Tâm không chỉ dừng lại ở sự kiện 14/11/1972 sau khi san lấp hố bom 8 anh chị em thanh niên xung phong vào tránh bom trong một chiếc hang đá km16, trên đường 20 Quyết Thắng. Đã bị B52 Mỹ rải bom lấp kín cửa hang bởi một khối đá khổng lồ. Họ đã vĩnh viễn nằm lại hy sinh, để rồi sau đó cuộc tìm kiếm gần hai tháng trời vất vả gian nan của những người còn sống đã tìm lại được đồng đội. Bài báo thật xúc động bởi đằng sau sự kiện là tấm lòng cao đẹp của con người.

Bài: “Ngổn ngang cửa Khẩu” của tác giả Nguyễn Tri Thức không chỉ nói thuần túy về tình trạng buôn lậu ở Lạng Sơn mà còn đề cập đến khá nhiều thủ đoạn tinh vi, móc ngoặc trốn lậu thuế hàng ngày, hàng giờ diễn ra ở nơi cửa Khẩu biên giới. Ở đấy, với đủ loại người từ dân cửu vạn, cán bộ hải quan, thuế vụ, đan xen trong các mối quan hệ phức tạp. Bài viết vượt lên sự kiện để lý giải tác nhân con người trong cơ chế thị trường.

Đây chỉ là một vài ví dụ để nói lên mối quan hệ biện chứng giữa sự kiện và con người trong một tác phẩm báo chí. Một bài báo hay bao giờ cũng đặt con người vào trung tâm của các sự kiện với cách nhìn sâu sắc biện chứng, bài báo có sức thuyết phục cao.

Trong thực tế đã có nhiều nhà báo trong quá trình tác nghiệp ít đi sâu khám phá đời sống, ít quan tâm đến yếu tố con người, lệ thuộc quá nhiều vào báo cáo thành tích của một địa phương đơn vị. Vì thế tác phẩm báo chí của họ khi ra đời thường khô cứng, công thức, ít tác động xã hội. Chưa nói đến sự kém hấp dẫn trong bút pháp thể hiện.

Trao đổi điều này để những người cầm bút chúng ta cùng nhau nhận diện cuộc sống không chỉ là phía trước, không chỉ là mảng sáng mà đằng sau những điều to tát là góc khuất, đằng sau sự kiện lớn lao là con người, chủ thể của sáng tạo, biện minh cho bài báo hay mở hướng cho một cách đi mới phù hợp với xu thế vận động và phát triển của tự nhiên va xã hội.

Trần Ngọc

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải