song
Đền Đông Cuông: Tự hào Di sản quê hương
Ngày xuất bản: 03/02/2023 12:00:00 SA
Lượt đọc: 9513

 30 năm trước, đền Đông Cuông thật đơn sơ, nằm bình yên và thanh tĩnh bên quãng sông rộng mùa nước cạn. Nay, nếu ai lâu chưa trở lại thì chắc chắn sẽ bất ngờ trước sự thay đổi đẹp đẽ của đền. Nhưng sẽ mãi có một điều không thay đổi ở ngôi đền linh thiêng....

 

Một giá hầu trong “Festival Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn” tại đền Đông Cuông.

Cách đây khoảng 30 năm, lứa bạn bè chúng tôi đang ở lứa tuổi 15, 16. Thời điểm ấy, cuộc sống của mỗi đứa, mỗi nhà cũng rất giản đơn, bình dị và hầu như đều giống nhau. Thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên nhỏ như trong lòng bàn tay với những buổi chiều rong chơi cùng chúng bạn. Nếu có xe đạp thì chở vài ba đứa, không đủ xe thì chở đứa tới trước rồi quay lại đón nhau đến hết, ít xe quá thì cùng đi bộ. 

Ngày tết, cứ hẹn nhau giờ đấy, ngày đấy, gặp nhau ở ngã tư bưu điện, hoặc ở cổng công viên, hoặc hàng ghế đá đặt cạnh hàng cây đấy trong công viên đã ngầm thỏa thuận với nhau trước đó… Rồi chúng tôi rồng rắn theo nhau đi chúc tết khắp lượt, nhà các thầy cô giáo, nhà các bạn. Chả mấy chốc đã hết lượt nên phải tìm chỗ mà đi, mà chơi cho hết những ngày tết, mà đợi đến ngày đi trồng cây đầu xuân, ngày đi học trở lại. 

Thế là chúng tôi lại rủ nhau đi chơi ở thác Ngòi A, thác Quang Minh, đền Đông Cuông… Các địa điểm đó đều cách xa thị trấn nên phải chủ động sắp xếp phương tiện là xe đạp, ai có xe, bao nhiêu xe, ai đèo ai, đi thế nào, ăn uống và nghỉ ngơi ra sao… Thác nước vào mùa đông đang là mùa khô cạn, lại lạnh nữa nên chúng tôi thường chọn đi đền Đông Cuông. 

Đường từ thị trấn Mậu A lên đến đền Đông Cuông ngày ấy còn gập ghềnh khó đi. Có năm thì đi xe đạp, sau này thì đi xe máy khi kinh tế dần khá lên, cuộc sống dần thay đổi. Nhớ lại những ngày tháng đó, thật đúng đi chơi là suốt hành trình chứ không chỉ là điểm đến. 

Niềm vui nối theo nhau, theo những câu chuyện kể, theo những nụ cười không ngớt cho tới điểm dừng chân. Hồn nhiên, vô tư, chúng tôi đi đền Đông Cuông đơn giản chỉ đi chơi là chính, là xem cảnh đền, là ngắm không gian, là đùa nhảy bên sông, là phút giây bên bạn bè… 

Ngôi đền ngày đó trong trí nhớ của chúng tôi cũng thật đơn sơ, nằm bình yên và thanh tĩnh bên quãng sông rộng mùa nước cạn. Chúng tôi cùng nhau hít hà, thở ra luồng hơi bay lên vì giá lạnh, xoa xoa đôi bàn tay tê cóng, thổi bông hoa màu tím sậm cho ấm môi. 

Dạo quanh ngắm cảnh đền, rồi chúng tôi thuê đò ngang sang bên kia sông như mỗi mùa lễ hội tổ chức nghi lễ rước Mẫu qua sông. Tiền thuê đò ngang là tiền mừng tuổi đầu năm mới của mỗi đứa góp chung. Đâu biết rằng, không gian ấy, kỷ niệm ấy khi mùa xuân mới sang lại mang sức sống kỳ lạ, thầm lặng đầy mãnh liệt trong ký ức và nỗi nhớ. Nhớ bạn bè, nhớ quê hương, nhớ kỷ niệm, nhớ cảm xúc, nhớ nỗi nhớ...

Cuộc sống mỗi ngày một khác, bạn bè mỗi đứa một nơi. Mùa xuân vẫn là mùa tụ họp, quê hương vẫn là chốn đi về nhưng thật hiếm khi đông đủ. Mong nhường nào có dịp nào đầy đủ như ngày xưa ấy để cùng nhau đi đền Đông Cuông! Có đôi lần trở lại, đền Đông Cuông thật sự thay đổi rất nhiều qua nhiều năm được giữ gìn, tu bổ, tôn tạo. Nếu ai lâu chưa trở lại thì chắc chắn sẽ bất ngờ trước sự thay đổi đẹp đẽ của đền, sự thuận tiện của giao thông, sự đa dạng của các dịch vụ, sự kết nối của các tuyến du lịch... 

Ngôi đền linh thiêng không chỉ lưu giữ những giá trị lịch sử, giá trị văn hóa và mang ý nghĩa giáo dục truyền thống dân tộc, quê hương, đất nước cho các thế hệ tiếp nối mà còn được phát huy, nâng tầm khi mở rộng nhiều giá trị. 

Năm 2016, UNESCO công nhận "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Năm 2017, đền Đông Cuông tổ chức "Festival Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn”. 

Đền là một trong những điểm du lịch tâm linh của huyện Văn Yên, góp phần thúc đẩy du lịch địa phương phát triển mạnh mẽ. Ngày 16/1/2023, Lễ hội đền Đông Cuông được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Xuân này, nỗi nhớ quê hương của bạn bè chúng tôi chan chứa niềm vui, tự hào khi Lễ hội đền Đông Cuông trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Niềm vui, niềm tự hào bừng tươi như sức sống mùa xuân, như câu chuyện ký ức, hiện tại và tương lai của mỗi người đong đầy tình yêu quê hương, đất nước.

Theo Báo Yên Bái

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải