song
Đền Rối và chùa Minh Pháp
Ngày xuất bản: 23/01/2018 12:00:00 SA
Lượt đọc: 37309

Trên địa bàn thành phố Yên Bái, hiện còn nhiều ngôi đền và chùa có lịch sử từ xa xưa, với những sắc phong, ngọc phả, văn bia còn lưu giữ được, khẳng định giá trị văn hóa lịch sử và ý nghĩa tâm linh trong tâm thức cộng đồng. Trong đó, có quần thể Đền Rối và Chùa Minh Pháp tọa lạc tại thôn Trấn Ninh II -  xã Tân Thịnh.

Thôn Trấn Ninh II, vốn xưa kia có tên gọi: Thôn Trĩ Rối - thuộc sách Hào Gia - tổng Bách Lẫm - tỉnh Hưng Hóa ở thượng du Bắc bộ, được thành lập từ năm 1833 dưới thời vua Minh Mạng. Đây là vùng  lâm tuyền kỳ thú, núi non quây quần, thung khe trong mát, bốn mùa cây cối tốt tươi. Cư dân nông nghiệp quần tụ ở đất này, hiền hòa đoàn kết, sơn trang yên ấm, mỹ tục thuần hậu.

Theo các bậc cao niên ở Tân Thịnh, thì Đền Rối được khởi dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ 19, do các vị tiền nhân có công khai phá vùng đất này lập nên. Ban đầu đền được làm bằng gỗ, theo kiểu nhà sàn mái lợp lá cọ. Đền Rối có tên mĩ tự là “Vân Phú Từ” hàm ý, đây là nơi có mây lành che chở. Về sau, Vân Phú Từ còn được quen gọi với tên nôm là Đền Rối gắn với địa danh thôn Trĩ Rối xưa.

Quần thể khu di tích Đền Rối

Đền Rối là nơi thờ Ngọc Dung Công Chúa. Theo ngọc phả của Đền do thượng thư quản giám Tri Điệm - Bộ Lễ triều Lê phụng sự chép lại Ngọc phả Hùng Triều, rằng: “Ngọc Dung Công Chúa là con thứ tám của Hùng Nghị Vương, do Nguyên Phi họ Phạm sinh vào giờ Thân, ngày 12 tháng 9. Ngày hôm đó, hương phảng phất, ánh hào quang phản chiếu trướng ngọc, Nguyên Phi sinh ra một em bé gái, ai ai cũng đều vui mừng. Khi lớn lên thông minh tài trí, xinh đẹp, hoa thua sắc, ngọc thua hương, nên húy là Ngọc Dung. Công chúa Ngọc Dung khi chưa xuất giá, thường được cùng vua cha chu du thiên hạ. Vua hứa với con gái yêu rằng: Khi đến đất Hào Gia là vùng đất đẹp, lệnh cho xây cung thất làm nơi nghỉ ngơi, ngao du và sống ở đây, đến năm 82 tuổi và mất vào ngày mùng 3 tháng 9, được 37 đền thờ phụng. Hiển linh ở đất Hào Gia, linh nghiệm trong những việc như cầu bình an, cầu mưa, cầu sức khỏe. Do vậy, Công Chúa được sắc phong là Sơn Thủy Thần Linh”.

Sắc phong Sơn Thuỷ Thần Linh là sự hội tụ hiển linh của lưỡng mẫu: Mẫu Thượng NgànMẫu Thoải (Có nghĩa là mẹ rừng và mẹ nước) theo quan niệm truyền thống thờ Tam phủ Thánh Mẫu của dân tộc. Đây cũng là nét độc đáo trong nghi thức thờ phụng của Vân Phú Từ.

Đền Rối từng được các triều Vua phong kiến nhà Nguyễn ban cho hai đạo sắc phong (Sắc phong năm thứ 5 thời vua Duy Tân và sắc phong thời vua Khải Định năm thứ 9). Đền được tu bổ và sửa sang lần đầu vào năm 1911 do ông Ca Dụng người đứng ra khởi sự việc chỉnh trang nhà đền cùng với công đức của nhân dân trong vùng và du khách thập phương. Đền có kiến trúc theo kiểu chữ nhất với một gian đại bái và một gian hậu cung - được làm theo kiểu nhà sàn. Gian đại bái, còn giữ được nguyên trạng kiến trúc mỹ thuật cổ Triều Nguyễn, với những đường nét trạm trổ tinh xảo trên xà nóc, đầu bẩy và các bộ cửa võng theo đề tài: Lưỡng long chầu nguyệt, long ẩn, hổ phù, đề tài tứ linh, hoa, điểu… Trong đền, hiện còn giữ được khá nhiều hiện vật và đồ thờ cổ như: Ngai thờ, bát nhang, ngựa thờ, hòm sắc… đặc biệt là các bức đại tự và câu đối, với nét chữ tài hoa trên chất liệu gỗ quý. Bức đại tự ở gian đại bái gồm ba chữ: Vân Phú Từ - chính là tên tự của đền. Bức thứ hai gồm năm chữ: Diên Trì Vương Mẫu (Có nghĩa là: Nơi ngao du của Vương Mẫu) được hoàn thành vào năm Mậu Dần - niên hiệu Bảo Đại). Cùng với các bức đại tự, trong đền còn treo hai câu đối :

"Trạc trạc quyết ninh thi tán hoá

Dương dương như tại bảo bình yên"

"Thánh hoá viễn chiêm trưng thọ khải

Mẫu nghi kiều ngưỡng khánh Hào Gia"

Tạm dịch là: (Yên vui thanh bình thực hiện nền giáo hoá - Mênh mang như còn bảo vệ sự bình yên) và (Sâu xa thay, giáo hoá của bậc thánh nhân làm sáng tỏ niềm vui - Ngẩng trông bậc Mẫu nghi thiên hạ, vinh hiển đất Hào Gia).

Chùa Minh Pháp

Lễ hội Đền Rối, xưa kia thường được tổ chức vào ngày mùng 6 và mùng 7 tháng giêng hằng năm. Cùng với nghi thức cúng tế Sơn Thuỷ Thần Linh trong những ngày đầu xuân, tại đền còn tổ chức hội hát Văn và chơi trò gặm cỏ nghé trâu. Ngày nay, cùng với các ngày lễ chính trong năm, Đền Rối thường xuyên mở cửa đón du khách thập phương đến chiêm bái và thăm quan, để hiểu thêm về ý nghĩa văn hoá tâm linh của Vân Phú Từ - một di tích đã được UBND tỉnh Yên Bái xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh - năm 2005.

Năm 2011 được sự nhất trí của cơ quan chức năng và tấm lòng hằng tâm hằng sản của mọi người, một tòa đền mới được khởi dựng khang trang vững chãi liền kề ngôi đền cổ. Cổng tam quan, mái đền lợp ngói mũi hài, đầu đao cong vút cách điệu hình tượng con nghê, tạo nên sắc thái mới mà vẫn giữ được dáng vẻ thâm nghiêm của Vân Phú Từ. Bên trái khu đền, giờ đây còn có hồ thiền quang và tòa Phật đài Bồ Tát tọa lạc giữa mặt gương nước biếc, lung linh tỏa ngát hương sen mùa hạ càng làm cho cảnh quan Đền Rối thêm phần linh thiêng - huyền hoặc.

Rời Đền Rối - thâm nghiêm toạ lạc dưới chân đồi, vượt qua 63 bậc bình bộ thanh vân là lên tới Chùa Rối - nhập vào lẽ vô chấp của đạo pháp để có được phút giây thanh tịnh cảm nhận thêm cái vô lượng, sâu xa, bác ái của đạo pháp thiền tâm.

Theo lược sử đất Hào Gia xưa, Chùa Rối cũng được dựng lên đồng thời với di tích Đền Rối, cách ngày nay gần hai trăm năm. Ban đầu chùa cũng được dựng băng tranh tre, nứa lá, nhỏ hẹp đơn sơ, theo hướng Tây nam và cũng được quen gọi theo địa danh là Chùa Rối. Thời gian phong hoá, mưa nắng, chiến tranh…đã làm cho chùa xưa xuống cấp, sập hỏng, nhiều di vật quý trong chùa bị thất tán. Trên nền đất cũ, người dân nơi đây cùng với phát tâm của khách thập phương đã khởi dựng lại ba gian tiền đường và hậu cung với tường xây, mái ngói dưới gốc đa cổ thụ “Thâm nghiêm rợp bóng Bồ Đề”. Nơi ngôi chùa cổ toạ lạc, xưa kia từng là đồi cây cọ bốn mùa tán lá xòe ô. Trong đó có một cây tự nhiên phát gửi một nhánh đa. Gặp khí lành, đất tốt, nhánh đa phát triển nhanh chóng. Thời gian sau, rễ đa quấn quyện bao quanh thân cọ, làm thành một khối vững chãi nhất cội lưỡng thụ, tươi tốt diệu kỳ. Trải hơn trăm năm, nhánh đa cộng sinh trên thân cọ thuở nào đã trở thành bóng đa cổ thụ, gốc tựa muôn rồng hội tụ, cành như ngàn phượng sum vầy, che chở cho mái chùa sớm chiều êm ả tiếng chuông ngân.

Với tâm nguyện đóng góp của nhân dân địa phương cũng như  phật tử xa gần và sự nhất trí của các cấp chính quyền, đầu năm 2010 Chùa Rối được khởi công xây dựng mới, bề thế khang trang hơn, xứng với ý nghĩa của di tích lịch sử - văn hoá đã được xếp hạng. Ngày 30 tháng 12 năm 2010, Chùa Rối chính thức có tên pháp tự là Chùa Minh Pháp. Sau hai năm thi công, ngày mùng 8 tháng hai năm Tân Mão, ngôi chùa mới mô phỏng kiến trúc cổ - theo lối chữ đinh, gồm tám mái với bảy gian tiền đường và bốn gian hậu cung đã được khánh thành trong niềm hân hoan của lòng người tín mộ Phật pháp đạo tràng  mong cầu cho quốc thái, dân an, người người được may mắn, hạnh phúc.

Lầu Quan Âm

Chùa Minh Pháp toạ lạc trên vị trí cao hơn chùa cũ, với hai phía tả - hữu là chín ngọn đồi đều hướng về nơi linh địa đồi chùa. Trong quá trình san  tạo mặt bằng công trình, đã phát hiện ở nơi này một hũ tiền cổ nặng 2,5 kg, gồm những đồng tiền hình tròn, lỗ vuông có niên đại từ khoảng thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XIII. Đây là những thông điệp rất có giá trị về lịch sử vùng đất Hào Gia xưa.

Minh Pháp Tự thực sự là một công trình tôn nghiêm, mang dấu ấn đôi tay tài hoa của những người thợ giàu kinh nghiệm và luôn tâm huyết trong việc tôn tạo, phục dựng các di tích lịch sử văn hoá theo  kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Hệ thống cột chùa được thiết kế vững chãi, đế hoa sen - thân bút nghiên vút cao siêu thoát. Phần nóc được làm theo kiến trúc trồng cột với những đấu hoa sen, câu đầu, thương lượng, đầu bẩy chắc chắn và sống động thể hiện qua đường nét trạm khắc tạo hình công phu và giàu biểu đạt. Các chi tiết cửa sổ, rèm võng luôn tạo được ấn tượng bởi những nét trạm trổ tinh xảo với đề tài mĩ thuật trang trí thật bay bổng gắn với Phật giáo như: Trúc hoá rồng, sen hoá rồng và cúc hoá rồng… Đặc biệt là  hệ thống cửa trước của ngôi chính điện được làm bằng gỗ tứ thiết, trạm trổ tứ linh, tứ quý -  Tùng, trúc, cúc, mailong, li, quy, phụng. Đây là sự tiếp nối đầy tâm huyết tinh hoa của kiến trúc và nghệ thuật trang trí nội thất chùa truyền thống. Cũng trong chính điện tiền đường - nơi thờ Đức Thánh Hiền, Đức Chúa Ông, Chuẩn Đề Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát và hai Ngài Hộ Pháp - còn có ba bức hoành phi, câu đối Hán nôm với nét thư pháp tài tình, chỉnh thể đăng đối, ý tứ hàm súc và sâu sắc. Bức hoành phi "Đại hùng bảo điện" được treo trang trọng ở chính giữa. Bên tả và bên hữu là hai bức: "Siêu sinh tịnh độ" và "Phổ quang thường chiếu" có nghĩa là: Tu thành chính quả sẽ có năng lực cứu độ chúng sinh và ánh sáng của Phật pháp luôn chiếu rọi khắp chốn nhân gian. Hệ thống câu đối treo ở tiền đường với những từ ngữ chau chuốt, đề cao tinh thần, quảng đại, từ bi, bác ái hướng thiện của Phật giáo Việt Nam - luôn đồng hành cùng dân tộc.

Năm 2017, tòa Nhà thờ Tổ được hoàn thành phía sau hậu cung Tam bảo với kiến trúc truyền thống. Dù đã bước đầu được trùng tu tôn tạo, song không gian phối cảnh tổng thể của di tích còn cần được tiếp tục hoàn thiện như: Tòa Bảo tháp; Tượng phật toạ sơn; Bàn cờ tiên; Cô nhi viện... cùng hệ thống khuôn viên vườn chùa, theo tâm nguyện của sư trụ trì Thích Đàm Hợi cũng như phật tử gần xa, góp phần làm cho cảnh quan quần thể Di tích lịch sử văn hoá Đền Rối và Chùa Minh Pháp thêm sinh động hơn, tạo điểm nhấn quan trọng trong hành trình du lịch văn hoá tâm linh  nơi cửa ngõ phía Nam thành phố Yên Bái.  

Minh Pháp Tự - Vân Phú Từ -  ngôi đền thiêng và chùa linh hiển trên đất Trĩ Rối thuở nào cùng những thông điệp từ quá khứ đã làm nên ý nghĩa của một quần thể di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng. Trùng tu, tôn tạo và phát huy ý nghĩa của di tích, cũng chính là khơi dậy niềm tự hào và phát huy những giá trị truyền thống, sức mạnh nguồn cội trong công  cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước hôm nay. Đền Rối và Chùa Minh Pháp nơi hội tụ của những giá trị lịch sử, văn hoá và địa linh phát tích sẽ là điểm đến vừa mang ý nghĩa tâm linh hướng thiện, vừa hàm chứa ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc. Như tiếng chuông chùa nhẹ nhàng và siêu thoát, hiện thân cho thông điệp của trí tuệ, từ bi bác ái, vốn đã đi vào tiềm thức, làm phong phú thêm tự tình dân tộc, cứ thăm thẳm dội về từ quá khứ và mãi còn vang vọng tới mai sau.

"Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông"

 

Thanh Tửu

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải