song
Di tích đền Cầm Hánh
Ngày xuất bản: 20/11/2015 12:00:00 SA
Lượt đọc: 195465

Sách của người Thái vùng Mường Lò, Nghĩa Lộ vẫn còn ghi, vào khoảng năm 1872 của thế kỷ XIX, khi giặc Cờ vàng chuẩn bị tiến đánh Mường Lò, Văn Chấn, ông Cầm Hánh là người Thái, Mường Lò, Văn Chấn đã cùng các em trai là Cầm Chiêu, Cầm Tám, Cầm Vạng (Cầm Vạn) và Cầm Hiệp đứng lên kêu gọi nhân dân đoàn kết, chuẩn bị lương thực, vũ khí, xây dựng thành lũy để đánh giặc Cờ vàng. Cầm Hánh đã cho xây dựng thành Viềng Công ở xã Hạnh Sơn, tổng Hạnh Sơn (nay thuộc xã Hạnh Sơn, Văn Chấn) và đặt làm đại bản doanh chỉ huy đánh giặc Cờ vàng.

Đền thờ Cầm Hánh gắn liền với những truyền thuyết, lễ hội Xên bản - xên Mường, hội xòe... của người Thái.

Nhân dân các dân tộc ba mường (là Mường Lò Luông, Mường Cha, Mường Da) đồng lòng với nghĩa quân do thủ lĩnh Cầm Hánh chỉ huy cùng nhau “bền lòng vững bụng” đánh giặc. Khi thế giặc đang dâng cao thì Cầm Hánh nhận được tin Cầm Hiệp bị bắt, Cầm Chiêu xin hàng, tướng giặc Diệp Tài kêu gọi Cầm Hánh: “...Cầm Hánh tới xin hàng/ Ta sẽ thả ba anh em chúng nó”. Nhưng Cầm Hánh đã không hề run sợ, thề: “Quyết một trận sống chết với bọn bay”.

Trước sự quyết tâm đó, toàn thể nghĩa quân cùng nhân dân ba mường đồng lòng, vững tin, quyết tâm đánh giặc bảo vệ bản mường. Dưới sự chỉ huy của Cầm Hánh cuộc chiến diễn ra quyết liệt, giặc phải lui quân. Thừa thắng, Cầm Hánh cho nghĩa binh truy đuổi giặc đến tận trại ở phía đông, phía tây buộc quân Cờ vàng phải rút về cố thủ. Cầm Hánh cùng cháu là Cầm Tám trở lại thành Viềng Công cùng với các thủ lĩnh bàn cách đánh giặc.

Thua trận liên tiếp, tướng giặc đã dùng Cầm Chiêu đưa tới cổng thành, do mất cảnh giác đã mở cổng nên bị rơi vào tay giặc. Sau khi chiếm thành Viềng Công, giặc cờ vàng vây quân Cầm Hánh ở Mường Lò Luông suốt ba tháng. Mường Lò thất thủ, để giữ khí tiết, không bị giặc bắt, Cầm Hánh đã tự sát. Trước khi chết ông khuyên bảo quân lính: “Hãy nuôi chí đợi thời cơ”. Cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm không thành nhưng đã khơi dậy ý chí đấu tranh quật cường của người Thái và bà con các dân tộc Mường Lò, góp phần làm nền tảng tinh thần cho nhân dân chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Để thể hiện lòng tri ân, tưởng nhớ đến ông nhân dân đã xây dựng Đền thờ Cầm Hánh và những người con quê hương Mường Lò - Văn Chấn đã anh dũng chiến đấu hy sinh chống giặc Cờ vàng bảo vệ bản mường. Đền thờ được xây dựng cuối thế kỷ XIX khoảng từ năm 1880 - 1885. Đến năm 1944, Đền được tu sửa lại. Đền thờ thủ lĩnh Cầm Hánh, Cầm Vạn, Cầm Tám, Cầm Chiêu, Cầm Tú, Cầm Hiệp cùng nghĩa quân đã chiến đấu hy sinh trong cuộc chiến chống giặc cờ vàng.

Ngoài ra, đền còn thờ “Ông Hổ”. Theo tín ngưỡng của người Thái Mường Lò, ông Hổ giữ linh hồn cho con người, để linh hồn luôn trong sạch, không bị cái xấu, cái ác lôi kéo và giữ cho hồn không lìa khỏi thân thể. Theo các cụ già trong vùng, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “diệt giặc đói, giặc dốt”; Đền là nơi dạy bình dân học vụ, xóa mù chữ cho nhân dân các dân tộc trong vùng. Trong năm, Đền diễn ra nhiều tiết lễ như: tết Thượng Nguyên (rằm tháng Giêng), tết Xíp Xí (rằm tháng Bảy), Lễ giỗ 5 anh em họ Cầm cùng nghĩa quân, Lễ ngày 29 - 30 tết Nguyên đán hàng năm.

Trong đó, Lễ ngày 29 - 30 tết Nguyên đán được xem là quan trọng nhất. Trong ngày này nhân dân trong mường mổ 2 con lợn, 1 con nướng, 1 con để chế biến các món ăn truyền thống của dân tộc Thái... Sau khi chế biến xong, con lợn nướng đặt lên bàn thờ cao (bàn thờ Cầm Hánh). Thầy Mo làm các thủ tục và nghi lễ cúng tế mời các thần linh cùng anh em họ Cầm về ăn tết với dân bản cầu cho dân bản mùa màng tươi tốt, che chở phù hộ dân Mường Lò - Văn Chấn - Nghĩa Lộ bình an không có giặc xâm chiếm, cầu cho sức khỏe và vạn vật sinh sôi. Kết thúc các nghi lễ cúng tế, dân làng tổ chức ăn uống tại sân Đền thể hiện tinh thần đoàn kết, nhắc nhở con cháu nhớ đến công ơn của ông cha, các thế hệ đi trước đã có công đánh giặc bảo vệ đất nước, quê hương.

Cùng với đó là các hoạt động văn hóa dân gian được tổ chức như hát khắp, múa xòe, hạn khuống, đánh tó mắc lẹ, ném còn... Đền thờ Cầm Hánh còn là biểu tượng linh thiêng gắn với những giá trị văn hóa dân tộc như truyền thuyết Tạo Ngần, Tạo Xuông, lễ hội Xên Bản, Xên Mường, hạn khuống, hội xòe... của người Thái.

Đền Cầm Hánh có giá trị lịch sử, văn hóa đối với nhân dân trong vùng. Bởi đây là thiết chế tín ngưỡng đầu tiên trên địa bàn Mường Lò - Văn Chấn - Nghĩa Lộ được xây dựng từ những năm cuối thế kỷ XIX. Thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, cùng lòng tôn vinh, tưởng nhớ, tri ân các vị anh hùng của dân tộc. Sau những nỗ lực sưu tầm nghiên cứu, Đền Cầm Hánh thuộc phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đó là cơ sở để nhân dân và chính quyền địa phương tiếp tục phục dựng và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của đền Cầm Hánh.

Minh Tư

Nguồn: Theo Báo Yên Bái

 

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải