song
Đôi điều suy ngẫm về nghề báo
Ngày xuất bản: 13/07/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 40541

 Ở bất cứ giai đoạn nào của lịch sử xã hội, cuộc sống cộng đồng luôn là “mảnh đất” màu mỡ để các nhà báo “canh tác”, bởi việc đúng - sai, tốt - xấu, phải - trái, thuận lợi - thời cơ, khó khăn - thách thức… luôn đan xen nhau, tác động hữu cơ hoặc phủ định, hoặc bổ trợ lẫn nhau qua từng thời khắc. Hoạt động tác nghiệp của người làm báo (phóng viên, cộng tác viên, thông tin viên, biên tập viên…) bằng sự phân tích sâu sắc, bằng sự mổ xẻ bài bản, bằng sự nhận định có luận cứ cơ sở khoa học thực tiễn, sẽ làm cho các sự kiện xảy ra trong đời sống cộng đồng “hiện” ra rõ nét hơn, đầy đủ hơn, và như thế sẽ giúp cho dư luận và công luận rộng đường phán xét tới bờ tới bến, hạn chế đến mức thấp nhất sự “mập mờ” trong chuyển tải thông tin đến công chúng.

Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái trao giải Nhất Giải Báo chí tỉnh Yên Bái năm 2016

Thực tiễn chứng minh rằng, ở đâu và lúc nào cũng có nhiều việc tốt, người tốt, và cũng ở quanh ta luôn có không ít việc chưa tốt, người chưa tốt, hay nói cách khác là cái mặt tích cực luôn “chấp nhận sống chung” với cái tiêu cực, vậy làm sao để nắm bắt đầy đủ và kịp thời những diễn biến trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ? Câu hỏi này không khó trả lời, bởi 4 loại báo hiện nay (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử) đang có một lực lượng phóng viên, biên tập viên đông đảo và khá lành nghề, bên cạnh họ còn có một đội ngũ cộng tác viên, thông tin viên hùng hậu luôn sát cánh bên các báo, họ chính là những “chiến sỹ trinh sát” dũng cảm trên mặt trận không thiếu phần gay go quyết liệt, và có lúc họ cũng phải chịu tác động bởi những mặt trái của đời sống xã hội, làm cho họ khổ tâm về tinh thần, đôi lúc cũng có cả đổ máu, như nhiều vụ việc tiêu cực đe dọa đến tính mạng người làm báo mà công luận đã phanh phui, lên án, thậm chí còn phải chịu cảnh tù oan và cả không oan (?!). Bên cạnh đó, nghề báo luôn đòi hỏi người trong nghề phải thường xuyên biết “dị ứng” với những gì đã lạc hậu, nếu không sẽ dễ dính vào chuyện “đạo báo” mà nhiều người đã mắc phải.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định rằng: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng” (*)

Rõ ràng nghề báo là một trong những nghề cao quý, bởi họ dám nghĩ, dám nhìn, dám nghe, dám nói và dám chịu trách nhiệm những gì mà mình phản ảnh, đưa tin, họ cũng biết chấp nhận những khó khăn, thử thách, xông vào những nơi nguy hiểm như một người lính thực thụ trên chiến trường; tóm lại họ là những chiến sỹ thật sự dũng cảm trên mặt trận tư tưởng. Tất nhiên, chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” thì ở lĩnh vực nào cũng có, địa phương nào cũng có, tuy mức độ đậm nhạt khác nhau, nặng nhẹ khác nhau, ảnh hưởng khác nhau, trong làng báo cũng không nằm ngoài “quy luật” ấy, điều đó cũng dễ hiểu khi chúng ta đang và sẽ tiếp tục đối đầu với những mặt trái (có lúc khá gay gắt) của cơ chế thị trường, của cuộc chiến thầm lặng trên lĩnh vực văn hoá tư tưởng ở giai đoạn cách mạng hiện nay.

Người làm báo phải biết hoà nhập với cộng đồng, biết lắng nghe và thấu hiểu, biết chia sẻ và động viên, điều chắc chắn khi hoà nhập với cái tốt, cái đẹp để tác nghiệp dễ dàng bao nhiêu, thì tiếp cận với cái xấu, cái tiêu cực để “chiến đấu” thì càng khó bấy nhiêu, nếu không có sự dũng cảm chấp nhận hy sinh thì sớm hay muộn sẽ “chùn bút”, chẳng thể nào đứng vững trước sự tác động quyết liệt của chính cái xấu, cái tiêu cực mà mình muốn tìm hiểu để phanh phui ra ánh sáng công luận.

Ai cũng có thể hiểu rằng, viết về mặt trái của đời sống xã hội, sẽ đụng chạm nhiều vấn đề rất gai góc, hóc búa bởi cách sống theo kiểu “đẹp khoe, xấu che”, tìm mọi cách tung hô ưu điểm, che giấu khuyết điểm vẫn đang là một trong những mặt trái của đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, tư pháp như muốn xí phần các dự án xây dựng tìm cách tạo năng lực “ảo” hoặc giả vờ kêu oan hòng “chạy” tội, “chạy” án…

Làm thế nào để “…Công tác thông tin truyền thông về chính sách, pháp luật, quản lý, điều hành và trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền còn nhiều hạn chế. Ý thức kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu…” sớm được khắc phục, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta. Đó là một nội dung về các hạn chế, yếu kém nêu trong báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội  5 năm 2011 – 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2010 tại Đại hội lần thứ XII của Đảng. Đây là câu hỏi đặt ra từ thực tiễn, mà những người làm báo cũng cần có trách nhiệm trả lời để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng ta.

Trong điều kiện nước ta đang hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, chắc chắn mặt trái của toàn cầu tác động qua “kênh” này sẽ tăng mạnh đối với nước ta, đòi hỏi người viết báo càng phải có cái nhìn thấu đáo hơn, chặt chẽ hơn để góp phần phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực ảnh hưởng xấu đến đời sống văn hoá tinh thần và vật chất của nhân dân. Để làm được điều đó, người làm báo phải tự chỉnh đốn mình, vượt qua những khó khăn thách thức đang cản trở chính mình để vươn lên, nhằm tăng sức đề kháng đối với những diễn biến khó lường của giai đoạn mới, đó chính là đòi hỏi chính đáng của xã hội ta trong tình hình hiện nay, mà người làm báo cách mạng phải tự biết mình phải làm gì để tồn tại một cách xứng đáng trong làng báo nước nhà, trước mắt là những người làm báo Việt Nam phải thực hiện triệt để 10 Điều quy định đạo đức người làm báo Việt Nam do Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2017, xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của độc giả trên khắp mọi miền đất nước.

(*)Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2002, tập 10, trang 616

                                                                      Mai Mộng Tưởng

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải