song
Gian truân nghề báo
Ngày xuất bản: 07/09/2015 12:00:00 SA
Lượt đọc: 50650

 Trong tổng số 174 hội viên - nhà báo của Hội Nhà báo Yên Bái, có gần 40% hội viên là những nhà báo nữ. Với bản lĩnh của người làm báo, vượt qua những trở ngại của “phái yếu”, các nữ nhà báo vẫn gắn bó với nghề, vẫn nỗ lực từng ngày để hoàn thành tốt nhiệm vụ, họ đã “xông pha” phản ánh những vấn đề thời sự nóng bỏng nhất của xã hội, những phóng sự có tính khám phá, điều tra, phát hiện... vàtrong các cuộc thi viết, các giải báo chí từ quốc gia đến tỉnh tất cả đều có những “bóng hồng” được vinh danh. Nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam 20 - 10, nhà báo Dương Tình  đã có những chia sẻ rất thú vị về nghề.

* Nghề báo với nam giới đã là khắc nghiệt, với phụ nữ lâu nay vốn được xem là phái yếu thì lại càng thêm phần gian truân hơn bởi với vai trò là người mẹ, người vợ trong gia đình, chị nghĩ thế nào về điều đó?

Mình nghĩ, phụ nữ thời nào và nghề nào cũng vất vả cả thôi. Tuy nhiên, với một nghề đặc thù như nghề báo thì đúng là phụ nữ phải hy sinh nhiều điều, điều đó đúng với hầu hết mọi phụ nữ đến với nghề báo, không riêng ai. Như bạn biết đấy, nghề báo cần sự chuyên sâu, nên khi phụ nữ chọn nghề làm báo là đã gánh lên vai một gánh nặng, cực nhọc tăng gấp đôi: Một bênlà áp lực công việc, là trách nhiệm đối với bạn đọc, với khán, thính giả, với xã hội, một bên là gia đình riêng vàtrách nhiệm nuôi dạy con cái...

Hơn nữa người làm báo luôn luôn di chuyển, trong khi phụ nữ lại cần nhiều thời gian gắn với gia đình. Đối với nữ nhà báo chưa lập gia đình, việc tác nghiệp dễ dàng hơn, nhưng đã có chồng, có con thì khó khăn hơn nhiều, bởi vắng nhà liên tục sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.

Cũng cần phải nói thêm rằng, làm báo rất cần đến sự nhanh nhẹn và sức khoẻ. Mà xưa nay, phụ nữ mình vẫn được ví là “liễu yếu đào tơ”. Những chuyến đi công tác dài ngày, lặn lội với nắng gió, áp lực bài vở, để chịu đựng những khắc nghiệt đó bắt buộc các nữ nhà báo phải cứng cỏi hơn.

Ví dụ dịp Tết Nguyên đán, thông thường thì đây là thời điểm mà chị em phụ nữ được nghỉ và  giành thời gian chăm lo cho gia đình. Tuy nhiên, với nghề báo thì đó lại là thời điểm bận rộn nhất. Gần 10 năm làm biên tập thì cũng bằng ấy năm mình cùng các đồng nghiệp đón giao thừa ở cơ quan và khi hoàn tất công việc về đến nhà đã 2h sáng rôì.

giantruan.jpg

Nhà báo Dương Tình trao đổi với PV Người làm báo Yên Bái

* Vượt qua những khó khăn đó, chị đã có những thành công nhất định trong nghề và mang đến cho khán, thính giả nhiều tác phẩm báo chí hay?

So với nhiều đồng nghiệp thì những đóng góp của mình chẳng đáng kể gì. Mình chỉ cố gắng làm thật tốt công việc được giao thôi. Từ ngày vào Đài Phát thanh và Truyền hình Yên Bái cho đến nay, khoảng thời gian làm phóng viên của mình không dài, chủ yếu là ở vị trí biên tập. Trong quá trình biên tập mình đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ đồng nghiệp, từ đó giúp mình hoàn thành tốt hơn công việc chuyên môn.

* Theo chị, phụ nữ làm báo có lợi thế gì trong công việc?

Làm báo tức là quan hệ, là giao tiếp. Quan hệ tốt, giao tiếp tốt giúp mình thu thập đầy đủ thông tin. Và nữ giới luôn có ưu thế so với nam giới bởi khả năng này. Bên cạnh đó, chị em lại có sự kiên trì, nhạy cảm và khéo léo nên các nữ nhà báo dễ lấy được cảm tình của đối tác, khi đó chuyện người ta “rút gan ruột” với mình không phải là điều quá khó. Đấy là lợi thế của phụ nữ khi làm báo.

* Vậy chị nghĩ  phụ nữ làm báo có thiệt thòi không?

Thật khó để phân định rõ ràng giữa cái được và cái mất. Mình có những người bạn khi trò chuyện thường nói một câu “đúng là nhà báo có khác, rất sắc sảo, nhanh nhạy và năng động”. Có lẽ nghề báo đã tạo nên hình ảnh và vị thế cho người phụ nữ. Tuy nhiên, nghề báo rất gian truân, phụ nữ làm báo phải hy sinh nhiều lắm, ít có thời gian chăm sóc cho gia đình đó cũng là một thiệt thòi. Bạn biết đấy, nhiều phóng viên nữ còn không có thời gian để chăm chút cho bản thân, không thể diện những bộ váy đẹp khi đi cơ sở và nhiều khi không có thời gian để trang điểm, đơn giản đó vì đặc thù của nghề, họ chỉ có thể vận những bộ quần áo thật đơn giản, đó cũng là thiệt thòi của phái đẹp đấy chứ.

* Gia đình, chồng và con chia sẻ công việc với chị như thế nào?

Chồng mình làm việc cùng cơ quan nên hiểu rất rõ đặc thù công việc của vợ, do vậy mà mình đã nhận được sự chia sẻ rất nhiều từ anh ấy. Công việc của chồng cũng bận, nhưng anh luôn tranh thủ thời gian để giúp đỡ mình việc gia đình. Con gái thì dường như quá quen với công việc của mẹ nên cũng biết giúp đỡ mẹ việc nhà. Giờ đây, khi mẹ đi công tác thì cô chị có thể thay mẹ chăm sóc cho cậu em nên mình cũng rất yên tâm.

* Là Trưởng phòng Tiếng Dân tộc, chị có ưu tiên đặc biệt nào cho các nữ phóng viên, biên tập viên của mình không?

Phòng Dân Tộc mới đi vào hoạt động được hơn 1 năm. Công việc của phòng lại có những đặc thù rất riêng, nghe thôi bạn cũng hiểu phần nào. Đó là  luôn phải đi công tác xa và dài ngày, đến những nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì vất vả trăm bề. Phòng có 9 người nhưng chỉ có 3 nam giới, ý thức được những khó khăn riêng có nên các bạn nữ cũng rất cố gắng. Cũng vui vì nam giới trong phòng rất biết chia sẻ công việc với chị em. Ưu tiên đối với phóng viên nữ có lẽ là những lời động viên, chia sẻ thôi, bởi đó là đặc thù riêng của phòng mình mà. Cũng xin chia sẻ thêm là các bạn nữ phòng mình không những luôn hoàn thành tốt công việc cơ quan mà khi ở nhà cũng xứng đáng là những phụ nữ của gia đình, chăm chồng, chăm con rất khéo đấy!

* Xin cảm ơn chị về những chia sẻ rất thú vị về nghề báo! Nhà báo Dương Tình trao đổi với PV Người làm báo Yên Bái                                                                                       

Thuỳ Linh  

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải