song
Hai lời khuyên tâm đắc với nghề
Ngày xuất bản: 07/07/2016 12:00:00 SA
Lượt đọc: 65621

 Có lần vài phóng viên trẻ hỏi tôi: “Mấy chục năm làm nghề viết lách chú có bí quyết gì không?”. Nghe hỏi đột ngột tôi thấy bí, không biết trả lời thế nào. Về nhà bình tĩnh, có thời gian suy nghĩ, tôi thấy rõ một điều, không hẳn là bí quyết. Vì tôi nghĩ: đã là bí quyết thì phải bí mật, kín đáo giữ gìn, ít nói ra chỉ để vận dụng riêng cho mình. Còn điều tôi đã tâm đắc, cũng là kinh nghiệm của lớp người đi trước truyền lại, tôi đã thực hiện và đã truyền lại cho anh chị em khác trong thời gian công tác. Tôi được nghe, tôi truyền đạt lại đều là trong lớp học, trong cuộc họp có đông người nghe, còn gì mà “bí”?

Nhân câu hỏi này của vài bạn phóng viên trẻ, tôi xin viết lại. Tôi nghĩ, muốn có bài viết tốt, bài hay thì phải học hỏi, rèn luyện, khi đi viết phải chọn góc độ, chọn vấn đề mà viết. Không nên thấy cái gì là “bê” cả vào bài viết. Quan trọng nữa là phải hỏi, lấy tài liệu kỹ, tìm những chi tiết hay, có tính quyết định cho bài viết, thì bài viết ra sẽ tốt.

Điều tâm đắc mà tôi muốn đề cập kỹ là kinh nghiệm của lớp đàn anh đi trước đã truyền lại cho. Ngày còn trẻ, cắp sách vào lớp học viết báo ở trường Tuyên huấn Trung ương, tôi có được nghe nhà báo Hữu Thọ giảng một số bài. Tôi nhớ nhất, trong bài “Công tác phóng viên” nhà báo lớn Hữu Thọ đã truyền dạy kinh nghiệm: Khi ngồi vào bàn viết, các từ “hăng hái”, “tích cực”, “quyết tâm”, “làm tốt” … Hãy cất kỹ cả đi đừng dùng. Khi muốn dùng đến từ nào trong các từ ấy, hãy nhớ lại những tư liệu mình khai thác được có sự kiện gì, chi tiết gì, chuyện gì hợp với ý từ ấy thì đưa vào bài viết, người đọc, người nghe người ta hiểu được, hình dung ra được cái ý ấy. Đó mới là cách viết tốt, cách làm hay.

Những năm công tác, khi đi viết tôi đã làm theo lời dạy này và đã đem lại kết quả nhất định. Ngoài viết báo, tôi còn tập viết văn. Cũng thực hiện theo cách này tác phẩm đã được vài báo văn nghệ sử dụng, được kết nạp vào Hội văn học - nghệ thuật Hoàng Liên Sơn. Vì thế sau này tôi có cơ may, được gặp nhà văn nổi tiếng, giàu kinh nghiệm Nguyễn Đình Thi trao đổi kinh nghiệm viết lách. Đó là vào ngày 2 - 5 - 2002, tại Hội trường Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái mà Hội văn học - nghệ thuật tỉnh mượn họp, anh Ngọc Bái làm chủ tịch hội, các hội viên văn nghệ đến dự rất đông. Trong buổi gặp gỡ ấy, nhà văn Nguyễn Đình Thi nói rất hay, truyền lại nhiều kinh nghiệm rất bổ ích. Tôi nhớ nhất, thành điều tâm đắc để viết: “Viết mà phải diễn thuyết là kém. Nên viết cái cụ thể, có ý nghĩa để khi mọi người đọc là hiểu, là phải suy nghĩ…”.

Tôi liên hệ hai câu nói của nhà báo Hữu Thọ đầy kinh nghiệm với nhà văn có tài Nguyễn Đình Thi có một điểm chung: Dù viết báo, viết văn đều phải viết những cái cụ thể, có ý nghĩa, để tự nó nói lên điều mình định nói, định viết, định gửi gắm tới bạn đọc, bạn nghe đài. Tôi hiểu rõ viết không nên hô khẩu hiệu “hăng hái”, “tích cực”… Cũng không nên diễn thuyết, giải thích, lý giải cho người đọc mà phải dùng những chi tiết, sự việc cụ thể, ý nghĩa, tác động tới người đọc.

Tôi xin mạnh bạo viết lại, mong giúp bạn viết trẻ có thêm một cách tham khảo trong nghề nghiệp.

Trần Cao Đàm

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải