song
Hát Quan làng trong đám cưới người Tày ở Yên Bái
Ngày xuất bản: 17/12/2015 12:00:00 SA
Lượt đọc: 66950

 Cũng như các dân tộc khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, dân tộc Tày ở Yên Bái có một kho tàng văn hóa vô cùng đặc sắc, trong đó Hát quan làng được coi là nét văn hóa độc đáo, thể hiện được sự tinh tế trong dân ca nghi lễ đám cưới truyền thống của dân tộc Tày. Hát quan làng trong đám cưới truyền thống của dân tộc Tày đã góp phần làm cho kho tàng dân ca đám cưới của các dân tộc Việt Nam thêm phong phú và đa sắc màu

Hát quan làng trong đám cưới của người Tày ở Yên Bái hiện nay không còn được tổ chức nhiều như trước một phần do sự phát triển của xã hội, các thủ tục cưới xin đã được giảm bớt, những tục lệ cưới của người dân tộc cũng được khuyến khích tinh giảm và không còn được chú trọng như trước. Tuy nhiên, nét văn hóa đặc sắc này vẫn còn được duy trì ở xã Xuân Lai, huyện Yên Bình và một số xã vùng cao của huyện Văn Yên nơi tập trung nhiều người dân tộc Tày sinh sống.

Hát quan làng hay còn gọi là hát Thơ Lẩu. Là một phong tục đẹp trong đám cưới truyền thống của người Tày, với hệ thống là các bài thơ, bài hát có thể kéo dài tới hàng ngàn câu, hàng trăm bài, chia thành các phần cụ thể. Nội dung của các bài hát là lối dẫn chuyện, mời trầu, xin dâu đến cách chỉ bảo, lối ứng xử tinh tế, tao nhã của con người trong đời sống.

Ngoài ra, trong đám cưới, lời hát thay cho lời chào xã giao lịch sự, thể hiện tình cảm trân trọng nhau. Để tổ chức đám cưới, nhà trai mời một người đàn ông có uy tín, thông minh, nhanh nhẹn trong ứng khẩu, am hiểu phong tục của dân tộc mình nhất để làm quan làng. Khi thực hiện các nghi lễ để đón rước dâu, người quan làng đều phải hát để nhà gái nghe thuận tai và cho công việc được thực hiện đúng trình tự.

Nhà gái cũng sẽ đáp lại để tạo không khí vui vẻ, trầm bổng với những sắc màu, giai điệu mang đậm nét văn hóa vùng miền. Xét về mặt văn hóa, ngôn ngữ và tri thức ứng xử thì quan làng phải là người thông minh, khéo ứng xử, giàu tri thức và am hiểu phong tục tập quán của tộc người. Vì vậy, trước khi thực hiện đám cưới, nhà trai hết sức cẩn trọng trong việc tìm quan làng để đón dâu, nhà gái cũng hết sức cẩn trọng trong việc lựa chọn Pả mẻ (người thay bố mẹ cô dâu thực hiện mọi lễ nghi trong đám cưới của người Tày) để đưa con gái mình về nhà chồng.

Theo những người đi trước kể lại thì: Hát quan làng có tới 360 bài, mỗi bài ít nhất 40 câu. Trước đây, trong đám cưới của người Tày, hát quan làng diễn ra một ngày một đêm với hàng nghìn câu hát đối đáp nhau. Có nhiều đám cưới trở thành đám thi hát. Hát trôi chảy thì được “cắt dây”, “vào cổng”, “lên nhà” có chiếu ngồi. Nếu không hát được thì phải chờ đợi phạt uống rượu thay lời hát. Hai họ vừa là công chúng thưởng thức vừa là người xét thưởng, xét phạt. Có những cuộc thi kéo dài vài ngày, đến khi cả hai nhà đều say trong men nồng, trong tình người và một bên chịu thua mới thôi.

Khi tiếng hát cất lên cũng là lúc mọi thành viên bị cuốn hút vào cuộc, tạo nên không khí vui vẻ, đoàn kết trong cộng đồng làng bản. Ông quan làng phải vượt qua bao cửa ải mới rước được cô dâu về nhà chồng. Từ những lời thách cưới hay những lễ vật yêu cầu của Pả Mẻ đến những thử thách của Pả Mẻ cho quan làng. Do vậy đám cưới người Tày luôn trầm bổng với những sắc màu, giai điệu mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc.

Đám cưới người Tày ngày nay không còn nhiều hủ tục rườm rà như trước nữa mà chỉ giữ lại những tục lệ chính mang đậm nét đẹp văn hoá riêng của dân tộc mình. Hát quan làng trong đám cưới người Tày không chỉ ẩn chứa tính nhân văn, lòng nhân ái và là hình thức để giao lưu, gắn chặt tình đoàn kết cộng đồng và đánh giá khả năng ứng xử khéo léo của con người. Là nét văn hoá độc đáo, đặc sắc làm phong phú thêm vốn dân ca trong đám cưới của dân tộc. Chính vì vậy cần được lưu truyền để các thế hệ con cháu sau này luôn nhớ và gìn giữ.

Đức Nguyễn

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải