song
Học tập phong cách viết báo của Bác Hồ
Ngày xuất bản: 22/06/2018 12:00:00 SA
Lượt đọc: 33566

 Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của Đảng ta và nhân dân ta, Danh nhân Văn hóa thế giới, đồng thời Người còn là một nhà báo vĩ đại. 

http://www.baoyenbai.com.vn/Includes/NewsImg/6_2018/163432_hoc-tap.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo vào năm 1960.

Những lời dạy của Bác về nghề báo mãi mãi là kim chỉ nam cho những người làm báo chúng ta hiện nay. Bài học nhập môn của Người rất giản dị mà sâu sắc, dễ học, dễ thuộc và cũng không quá khó để thực hành. Bác dạy: Người làm báo phải luôn luôn đặt câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Và Người còn dạy phải viết như thế nào?

Nhớ lại thời hoạt động ở Paris, Người đã "học” cách viết báo từ các bạn Pháp, phải tập viết ngắn, rất ngắn rồi mới viết dài hơn và các bài chuyên luận bằng tiếng Pháp chứ không phải tiếng mẹ đẻ. Bác làm đủ việc cho một tờ báo, từ chủ bút đến phóng viên, biên tập, vẽ minh họa, trình bày và lo luôn công tác phát hành…

Xác định rõ đối tượng và mục đích của bài viết, theo Bác là việc đầu tiên và hết sức quan trọng để bài báo có nội dung, tư tưởng đúng đắn, thiết thực và bổ ích đối với người đọc là người lao động, tạo nên giá trị đích thực cho tác phẩm báo chí cách mạng.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ đã viết trên 2.000 bài báo với nhiều thể loại; viết cho hơn 50 tờ báo và tạp chí trong nước và trên thế giới, bằng tiếng Việt, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc, với rất nhiều bút danh (có tài liệu cho biết, Bác sử dụng trên 100 bút danh). Bài báo đầu tiên của Bác là bài "Quyền các dân tộc” (còn gọi là bản "Yêu sách của nhân dân An Nam”), bút danh Nguyễn Ái Quốc, đăng Báo Nhân đạo - cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Pháp, ngày 18-6-1919.

Bài báo quan trọng của Người mang tựa đề "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng”, đăng Báo Nhân Dân, số 5526, ra ngày 1-6-1969, bút danh Việt Hồng. Tuy nhiên, trên Báo Nhân Dân số ra ngày 25-8-1969, tức là đúng 7 ngày trước lúc Bác đi xa, có đăng "Thư trả lời Tổng thống Mỹ”. Đây là bài viết cuối cùng của cây bút báo chí cách mạng Hồ Chí Minh.

Nghiên cứu và học tập các bài báo của Bác, chúng ta đều thấy có nội dung, tư tưởng sâu sắc, tràn đầy tinh thần cách mạng và nhân văn. Đặc biệt, với văn phong mẫu mực, đa dạng, tạo nên một phong cách độc đáo: Phong cách báo chí Hồ Chí Minh.

Kinh nghiệm viết báo của Người thể hiện rất tập trung trong bài "Cách viết”. Đây là bài giảng của Bác với các cán bộ làm công tác tuyên truyền, báo chí và văn nghệ, tại lớp chính Đảng Trung ương, ngày 17-8-1953. Bài giảng nghiệp vụ "Cách viết” của Bác rất phong phú, sâu sắc, thiết thực và hấp dẫn đối với tất cả những người cầm bút, không chỉ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, mà còn rất bổ ích đối với báo chí nước ta trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.

Nghiên cứu "Cách viết” của nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh, chúng ta có thể rút ra những điều hết sức bổ ích trong việc xác định đối tượng phục vụ của báo chí và bảo đảm chính xác, trung thực. Bác yêu cầu: "Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu”. Và Bác căn dặn: Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy.

Bác dạy: Cần phải tránh cái lối viết rau muống. Lối viết "rau muống”, nghĩa là lằng nhằng "trường giang đại hải” làm cho người đọc như là "chắt chắt vào rừng xanh”.

Bác lại căn dặn: Phải viết gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi, mà phải có đầu, có đuôi… Viết chuyện có nhiều ngóc ngách thì phải nắm lấy cái chính, không nên kể con cà con kê.

Từ năm 1947, khi viết tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc”, Bác đã phê phán "thói ba hoa” của những người làm công tác tuyên truyền. Bác viết rất cụ thể: "Nhiều người tưởng: mình viết gì, nói gì người khác cũng đều hiểu được cả. Thật ra, hoàn toàn không như thế. Dùng cả đoạn chữ Hán, dùng từng đống danh từ lạ, nói hoặc viết theo cách Tây, mỗi câu dài dằng dặc, thì quần chúng hiểu sao được? Tục ngữ nói "đàn gảy tai trâu” là có ý chê người nghe không hiểu. Song những người tuyên truyền mà viết và nói khó hiểu thì chính người đó là trâu” (Xem "Sửa đổi lối làm việc”, NXB Chính trị Quốc gia và NXB Trẻ, bản in năm 2005, tr.107).

Trong tác phẩm "Cách viết”, Bác nhấn mạnh: "Chớ ham dùng chữ. Những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng. Những chữ mà ta có thì phải dùng tiếng ta”. Từ đấy, Bác nhắc nhở các nhà báo: "Phải học cách nói, tiếng nói của quần chúng”.

"Cách viết” thực sự là cẩm nang thiết thực cho các nhà báo khi Bác chỉ rõ "viết phải thiết thực”, nghĩa là: "Nói có sách, mách có chứng, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào?”. Bây giờ đọc lại "Cách viết” của Bác, chúng ta thấm thía "viết thiết thực” là phải viết những sự việc, những vấn đề gần gũi, bức thiết của đất nước và đời sống xã hội, nêu lên những việc đã làm được, với những kết quả cụ thể, có ích cho quốc kế dân sinh như thế nào; đồng thời cũng vạch ra những việc chưa làm tốt, nêu nguyên nhân và đưa ra các giải pháp khắc phục.

Có thể khẳng định, "Cách viết” của Bác Hồ rất bổ ích cho các nhà báo - những "chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng và văn hóa” của Đảng.

Ngày nay, việc tiếp tục học tập tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người làm báo chúng ta cần học lại thật kỹ và làm theo "Cách viết” của Người thầy vĩ đại - Nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh.

(Theo Petrotime.vn)

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải