song
Kiến tạo môi trường văn hóa báo chí - Bài 6: “Khi bản thân có văn hóa sẽ nhìn nhận vấn đề một cách nhân văn”
Ngày xuất bản: 19/08/2022 12:00:00 SA
Lượt đọc: 8644

 Nhà báo Nguyễn Anh Tú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hải Phòng khẳng định như vậy khi chia sẻ xung quanh vấn đề thực hiện xây dựng môi trường sinh hoạt lành mạnh, thân thiện trong các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Tại hội nghị triển khai quán triệt và ký kết giao ước thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” vừa được Hội Nhà báo Hải Phòng tổ chức, đại diện 8 Chi hội, Liên Chi hội đã ký kết giao ước thi đua, phấn đấu thực hiện 12 tiêu chí “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”.

Theo nhà báo Nguyễn Anh Tú, việc triển khai này nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí. 

Đồng thời, việc giao ước sẽ tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa các tổ chức thành viên, giữa hội viên thuộc Hội Nhà báo Hải Phòng trong mọi mặt hoạt động chính trị - xã hội và nghề nghiệp của Hội.

Nêu cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân hội viên trong quá trình rèn luyện, phấn đấu thực hiện Quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của Người làm báo Việt Nam. Xây dựng mối quan hệ đồng thuận, trách nhiệm giữa Ban Thư ký Chi hội, Liên Chi hội với Ban Biên tập (Ban Giám đốc) cơ quan báo chí trong việc giáo dục quản lý đạo đức nhà báo - hội viên và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp người làm báo.

Đồng thời, hằng năm, trên cơ sở chấm điểm thi đua giữa các Chi hội, Liên Chi hội, Hội đồng thi đua khen thưởng của Hội Nhà báo Hải Phòng tổ chức bình xét và đề nghị Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố và cấp trên khen thưởng tập thể có thành tích xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí.

 

Đại diện Liên Chi hội, Chi hội nhà báo trên địa bàn TP. Hải Phòng ký giao ước thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”.

Trên tinh thần  đó, Hội Nhà báo Hải Phòng đã xây dựng kế hoạch rất cụ thể gắn với những hoạt động thiết thực, gần gũi, phù hợp với hoạt động báo chí trên địa bàn. Theo đó, kế hoạch thực hiện được quán triệt, giao nhiệm vụ đến từng đầu mối đơn vị.

Chẳng hạn như với các cơ quan báo chí sẽ phải chịu trách nhiệm phổ biến, quán triệt nội dung, ý nghĩa của phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” và “Tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam” đến người làm báo, người lao động; động viên toàn thể cơ quan báo chí nhiệt tình tham gia hưởng ứng phong trào. Đồng thời, các cơ quan báo chí sau khi ký cam kết giao ước thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” sẽ gửi bản cam kết về Hội Nhà báo thành phố để theo dõi và tổng hợp gửi Hội Nhà báo Việt Nam.

Đặc biệt, việc cam kết này phải được thấm nhuần vào trong các công việc cụ thể để mỗi tòa soạn chú trọng đưa nội dung 12 Tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam vào nội dung hoạt động và quy trình tác nghiệp của cơ quan; đề cao yếu tố văn hóa trong sáng tạo tác phẩm báo chí, gắn với việc đánh giá chất lượng tác phẩm; lồng ghép nội dung của Tiêu chí vào sinh hoạt cơ quan, hội nghị sơ kết, tổng kết; đưa Tiêu chí vào tiêu chuẩn bình xét thi đua khen thưởng. Đồng thời, phải có báo cáo kết quả thực hiện Phong trào về Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Hội Nhà báo thành phố vào dịp tổng kết công tác hằng năm…

Để việc triển khai được hiệu quả, nhà báo Nguyễn Anh Tú cho biết: Phong trào thi đua xây dựng môi trường báo chí văn hóa sẽ trở thành nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch hoạt động của Hội và các cơ quan báo chí trên địa bàn thời gian tới. Quyết định thành công trong nhiệm vụ này, phải là ở mỗi người làm báo chúng ta. Nhà báo cần có quan điểm chính trị vững vàng, xây dựng, rèn luyện mình trở thành nhà báo có văn hóa. Văn hóa bao hàm rất rộng, nhưng nó thể hiện được trong cách tiếp cận với cơ sở, người dân và giữa đồng nghiệp với nhau.

Khi bản thân có văn hóa sẽ nhìn nhận vấn đề một cách nhân văn. Bạn đọc và người dân trông đợi tiếng nói của nhà báo thì chúng ta cũng cần có quan điểm minh bạch, rõ ràng, dân chủ và nhân văn. Người làm báo hội tụ đủ những yếu tố đó thì chắc chắn những tác phẩm đến với bạn đọc cũng mang giá trị phụng sự xã hội, phụng sự Tổ quốc...

Theo Báo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải