song
Kỷ niệm 42 năm ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất Đất Nước: Mặt trận Xuân Lộc - Cánh cửa thép phía Đông Sài Gòn 1975
Ngày xuất bản: 01/06/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 30473

 Từ tháng 3 năm 1975 - Trước khi bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh giả phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước - Đoàn 26 Miền Đông Nam bộ, đơn vị tôi gắn bó suốt 4 năm ở chiến trường đã có 7 tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp gồm 320 chiến xa. Ngoài ra, còn có 1 tiểu đoàn huấn luyện , một tiểu đoàn công binh, cùng các đại đội vận tải, thông tin, đội phẫu thuật tiền phương. Đầu tháng 4 năm 1975, tiểu đoàn 21 xe tăng nhận lệnh phối hợp với các quân binh chủng hợp thành, hành quân về Túc Trưng chuẩn bị cho trận đánh ác liệt nhất tại phòng tuyến Xuân Lộc.

Thị xã Xuân Lộc, cách Sài Gòn 80 km về phía Đông Bắc, nằm trên trục đường giao thông quan trọng là quốc  lộ 1, đường 20 và đường 15 những tuyến cơ động chủ yếu vào Sài Gòn. Chính diện tuyến phòng ngự Xuân Lộc khoảng 40km kéo dài từ Túc Trưng qua Dầu Giây, thị xã Long Khánh đến ngã 3 Tân Phong. Khu vực này có nhiều núi cao, rừng già che phủ địa thế rất hiểm yếu cho hoạt động quân sự.

Trận chiến ở tuyến phòng thủ Xuân Lộc (Ảnh: Nguồn internet)

Ngày 28 tháng 3 năm 1975 tướng Mỹ Weyand tham mưu trường Lục quân cùng tướng Ngụy Cao Văn Viên tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam Cộng hòa đi thị sát đã chọn Xuân Lộc làm phòng tuyến cố thủ: “Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tập trung toàn bộ binh lực cho Xuân Lộc bao gồm: Sư đoàn bộ binh 18. 100 xe tăng thiết giáp, 42 khẩu pháo, 1 liên đoàn biệt động quân, 9 tiểu đoàn bảo an.

Ngày 02 tháng 4 năm 1975 Bộ tư lệnh Miền quyết định mở chiến dịch tiến công giải phóng thị xã Xuân Lộc, 2 tiểu đoàn xe tăng đoàn M26  của chúng tôi phối hợp với sư đoàn 7, sư đoàn 6, sư đoàn 341, lữ đoàn pháo binh 24, pháo phòng không 71, Lữ công binh 25 và nhiều đơn vị khác tham gia chiến dịch.

5 giờ 40 phút ngày 09 tháng 4 năm 1975, pháo binh của ta đồng loạt pháo kích dữ dội vào các mục tiêu của địch suốt 1 tiếng đồng hồ vào thị xã Xuân Lộc. Lúc này, Đại đội 1, tiểu đoàn tăng 21 gồm 8 xe T54 và T59 chia làm 2 mũi được lệnh xuất kích từ chân núi Chứa Chan xuyên qua rừng chuối, rừng đu đủ hợp đồng tác chiến với E165 sư đoàn 7, theo hướng chính phía đông và phía nam tấn công. Sư đoàn 18 của tướng Lê Minh Đảo. Xe đi đầu do chính trị viên Nguyễn Xuân Liêm chỉ huy, Cao Xuân Hòa lái xe, pháo 1 Nguyễn Quốc Vĩnh, pháo 2 Đặng Quang Lan. Tiếp đó là xe của Trung đội trưởng Đỗ Văn Viên. Trung đội phó Quang Thái. Cách khoảng 300m qua kính TeXa trên xe, chúng tôi phát hiện phía trên bờ ủi bên trong hàng rào dây thép gai xe tăng M113, M41 của địch bò lổm ngổm dẫn đường cho bộ binh phản kích lại lực lượng của ta. Lúc này chính trị viên: Nguyễn Xuân Liêm và Đại đội trưởng Đồng Minh Hòa lệnh cho tất cả các xe sử dụng hết cơ số đạn bắn hủy diệt các mục tiêu. Đạn DKZ Đạn M72 của địch từ thị xã bắn ra tới tấp, xanh lét cả khoảng trống phía trước. Pháo thủ 2 của các xe kịp thời nạp đạn để pháo thủ 1 diệt mục tiêu. 4 xe M113, 2 xe M41 bị bắn cháy lửa bốc lên ngùn ngụt bên bờ tường ủi. Khoảng 12 giờ trưa Sư đoàn 7 bộ binh đã chiếm lĩnh được một số vị trí quan trọng, bao gồm toàn bộ khu hành chính. Quân ta đã làm chủ được 1 nửa thị xã, đưa được 3 tiểu đoàn vào áp sát các mục tiêu. Đúng lúc đó, xe tăng đi đầu bị chết máy, pháo thủ Nguyễn Quốc Vĩnh nhanh chóng nhảy ra ngoài xe, móc cáp cho lái xe Trần Mạnh Hùng kéo ra ngoài để sửa chữa chuẩn bị cho trận đánh tiếp theo.

Chiến thắng Xuân Lộc (Ảnh: Nguồn internet)

Trong trận mở đầu Xuân Lộc Đại Đội tăng 1, Đại Đội tăng 2 của tiểu đoàn 21 tiến công ở 2 mũi Bắc Và Nam đường sắt. Có thể nói trận đánh diễn ra hết sức khó khăn và ác liệt. Địch quyết tử để giữ bằng được “cánh cửa thép phía đông”. Mặt khác, do ta chưa nắm vững địch, nhất là các vị trí ở Xuân Lộc nên xe tăng của ta ở phía Nam bị trúng mìn 3 chiếc, trúng đạn chống tăng 1 chiếc. Còn 4 xe vẫn trụ lại cùng bộ binh chiến đấu.

Sáng ngày 10 tháng 4 năm 1975, xe tăng của 3 đại đội ( 1 - 2 - 3 ) Tiểu đoàn 21 lại cùng bộ binh đánh vào thị xã Xuân Lộc. Lực lượng ta bị hỏa lực phi pháo của địch ngăn chặn, máy bay của địch từ sân bay Biên Hòa - Tân Sơn Nhất tới quần đảo dữ dội, khói bụi, cháy mù mịt. Địch dùng cả bom phát quang để sát thương bộ binh và xe tăng. Ta mấy lần đột phá không thành tổn thất tới 30% số xe tăng tham chiến.

Sau ngày giải phóng, được cử đi các lớp tập huấn về công tác tuyên truyền , trực tiếp nghe bài giảng của các tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp và nghiên cứu tài liệu tôi càng hiểu thêm về ý đồ và sự ngoan cố của địch quyết: “Tự thủ” ở Xuân Lộc. Cụ thể ngày 12/4 bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn quyết định tăng cường lực lượng vũ khí và phương tiện chiến tranh cho Xuân Lộc. Đưa lữ đoàn dù 1 xuống chốt ngã 3 Tân Phong. Bố trí lại thế trận phòng thủ ở thị xã. Đưa lữ đoàn 3 thủy quân lục chiến, Chiến đoàn 318 biệt động quân chốt giữ Trảng Bom, Chiến đoàn 322 chốt giữ Bàu Cá và điểm cao 122. Chúng lệnh cho sân bay Biên Hòa - Tân Sơn Nhất tập trung 80 lần oanh kích mỗi ngày, trực tiếp chi viện cho các mũi phản kích.

Lực lượng địch ở Xuân Lộc chỉ trong mấy ngày đã gia tăng đột biến chiếm 50% bộ binh, 60% pháo binh, hầu hết số lượng tăng thiết giáp của quân đoàn 3 quân khu 3 và lực lượng tổng dự bị chiến lược của quân đội Sài Gòn.

Với tình hình trên, tương quan lực lượng giữa ta và địch ở Xuân Lộc đã thay đổi lớn. Phương án tiến công chính diện đã không mang lại kết quả như mong muốn.

Ngày 13/4 đơn vị xe tăng chúng tôi nhận được lệnh ngừng tiến công. Mỗi đơn vị bộ binh chỉ để lại một lực lượng nhỏ để nghi binh địch giữ chân trong lòng thị xã. Thấy bộ đội ta rút, địch rất hồ hởi ấp ủ hi vọng rằng lực lượng của ta đã suy yếu khó thẳng nổi quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Không ngờ, chỉ 2 ngày sau đó, rạng sáng ngày 15/4 pháo binh ta đã bắn cấp tập dội lửa vào sân bay Biên Hòa. Sư đoàn 6 cùng với đơn vị xe tăng phối hợp với trung đoàn 95B đã tiến công diệt chiến đoàn 52. 1 tiểu đoàn pháo, 1 chi đoàn thiết giáp, chiếm giữ chi khu Gia Kiệm, ngã ba Dầu Giây, cắt đứt quốc lộ 1 từ Xuân Lộc đến Bàu Cá, và đường 20 từ Túc Trưng đến ngã ba Dầu Giây, tạo thế bao vây cô lập hoàn toàn thị xã Long Khánh.

Trước tình hình nguy cấp đó Bộ chỉ huy quân đội Sài Gòn đã đữa lữ đoàn 3 thiết giáp, trung đoàn 8, sư đoàn 5, huy động hơn 100 khẩu pháo cỡ lớn ở Căn Cứ Nước Trong, hốc Bà Thức , Long Bình, Đại An và 125 lượt chiếc máy bay chiến đấu chi viện mỗi ngày. Mở cuộc phản kích quy mô lớn hòng chiếm lại Dầu Giây.

Dầu Giây, bỗng trở thành điểm quyết chiến khốc liệt nhất giữa ta và địch tại Xuân Lộc, tổn thất của cả 2 bên tiếp tục tăng lên. Cùng thời gian này tiểu đoàn 21 xe tăng tiếp tục phối hợp với sư đoàn 7, sư đoàn 341 nã pháo thẳng vào chiến đoàn 43, 48 của Ngụy quân tiêu hao nặng lữ đoàn 1 của địch. Phối hợp với đòn tấn công của quân chủ lực bộ đội địa phương và quân du kích nhanh chóng tiêu diệt bức hàng, bức rút hệ thống đồn bốt địch ở dọc các trục giao thông bao quanh thị xã.

Khi chiến sự ở Xuân Lộc còn đang diễn ra ở thế giằng co, thì cánh quân duyên hải nòng cốt là Binh đoàn Hương Giang sau khi đập tan lá chắn Phan Rang, giải phóng Phan Thiết, Hàm Tân đã tiến vào khu vực Rừng Lá. Sức mạnh của binh đoàn chiến lược thọc sâu cùng với các mũi đột kích dữ dội của xe tăng đoàn 26 đã tạo ra sức ép đối với toàn bộ quân địch trước cửa ngõ Sài Gòn.

Nhận thấy không còn đủ lực để chiếm lại Dầu Giây .Bộ chỉ huy quân đội Sài Gòn xuống lệnh: “rút khỏi Xuân Lộc” .

22 giờ đêm ngày 20/4/1974. Lợi dụng lúc trời mưa to theo tỉnh lộ 2 toàn bộ quân địch ở Xuân Lộc đã tháo chạy về phía Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đêm 21/4/1975 ngồi bên tháp pháo xe tăng T54, mở đài Sài Gòn chúng tôi nghe tổng thống Việt Nam Cộng Hòa: Nguyễn Văn Thiệu đọc lời từ chức. Thiệu rên rỉ trên Đài, than vãn, oán trách người Mỹ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa.

Rút chạy, nhưng chính quyền Sài Gòn không từ một hành động độc ác nào để ngăn chặn bước tiến công của ta. Ngày 21/4/1975, C130 không lực Ngụy đã thả một quả bom nhiệt áp CBU55, loại vũ khí phi hạt nhân tàn bạo nhất xuống khu vực chỉ huy sư đoàn 341 của quân đội giải phóng. Quả bom này đã đốt oxy trong vùng rộng 2 mẫu, gây thương vong khá lớn cho bộ đội ta.

Sau 13 ngày đêm chiến đấu ác liệt, Tiểu đoàn 21, Đoàn 26 tăng thiết giáp Miền Đông Nam bộ đã cùng bộ binh và các bình chủng hợp thành giải phóng hoàn toàn thị xã  Xuân Lộc, bắt sống tỉnh trưởng Long khánh: Phạm Văn phúc, mở đường cho đại quân tiến vào Sài Gòn.

Chiến thắng Xuân Lộc, một thắng lợi lớn có ý nghĩa quyết định mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 30/4/ 1975. Góp phần vào chiến thắng lẫy lừng đó, có tiểu đoàn 21 xe tăng đơn vị được Nhà nước tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang”  sau ngày giải phóng.

Ngọc Chấn

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải