song
Kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023): Sáng mãi ngọn lửa thi đua của người làm báo Việt Nam
Ngày xuất bản: 17/05/2023 12:00:00 SA
Lượt đọc: 4673

 Ngay từ những ngày đầu lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến việc cổ vũ phong trào thi đua yêu nước và tình yêu dân tộc. Người đã luôn chú trọng đến công tác thi đua yêu nước như: nhà nhà thi đua, người người thi đua và ngành, ngành ngành thi đua. Người từng nói thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất.

Từ lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đến Lời kêu gọi thi đua ái quốc

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Trước vận mệnh đất nước đang ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” vì thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt hoành hành khắp nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ việc động viên sức mạnh của toàn thể dân tộc Việt Nam là điều rất cần thiết để thực hiện nhiệm vụ cấp bách của cách mạng. Trong lúc chính quyền cách mạng non trẻ gặp muôn vàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động các phong trào “Tuần lễ vàng”, “Hũ gạo cứu đói”. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân tham gia kháng chiến.

Đúng ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Với ý chí “thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, toàn dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên kháng chiến, chống thực dân Pháp xâm lược. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương ra Chỉ thị, nhân dịp toàn quốc kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến (Ngày Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 23/9/1945), ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”.

 

Các đại biểu tham dự Đại hội lần thứ II Hội Những người viết báo Việt Nam, tháng 4-1959_Ảnh: TL

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tác dụng hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Đặc biệt trong những thời khắc cam go, ác liệt của dân tộc, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, biến thành sức mạnh đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi vẻ vang. Trải qua 75 năm, từ ngày Người viết lời kêu gọi thi đua ái quốc ngày 11/6/1948 cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (9/1962)_Ảnh: TL

Trên cơ sở thấm nhuần sâu sắc quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử và về ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng, chỉ đạo và tổ chức phong trào thi đua yêu nước ở trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước ta với những nội dung, hình thức, biện pháp phong phú, phù hợp và đã đem lại hiệu quả thiết thực. Ngày 27-3-1948, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”.

Lời kêu gọi thi đua của Người không chỉ có ý nghĩa chỉ đạo, động viên, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước trong quá trình đấu tranh cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng mà còn có giá trị chỉ đạo, động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, với cách viết súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và rất sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến một cách toàn diện những vấn đề cần tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện một phong trào thi đua yêu nước từ mục đích, yêu cầu, nội dung, cách làm, lực lượng đến kết quả.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mục đích của thi đua ái quốc là “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Trong bối cảnh tình hình đất nước lúc đó thì cả 3 loại giặc này đều nguy hiểm, phải “diệt” để bảo đảm cho sự giải phóng, tồn tại và phát triển của đất nước, của nhân dân, của chế độ mới. Để thực hiện mục đích đó, Người yêu cầu mọi người dân Việt Nam, cả sĩ, nông, công, thương, binh phải “Làm cho mau. Làm cho tốt. Làm cho nhiều”. Yêu cầu đó không chỉ đặt ra về mặt số lượng, chất lượng mà còn xác định cả yêu cầu về thời gian thực hiện.

 

Các đồng chí lãnh đạo cắt băng khai mạc Hội báo toàn quốc 2023_Ảnh: TL

Phát huy phong trào thi đua ái quốc của người làm báo Việt Nam

Thực hiện lời kêu gọi của Người, đội ngũ những người làm báo Việt Nam đã, đang và sẽ là người tiên phong trong mọi phong trào để hiện thực hóa mục tiêu thi đua ái quốc và quyết tâm giữ mãi ngọn lửa thi đua, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất. Những năm qua, công tác xây dựng và phát động các phong trào thi đua, công tác khen thưởng các cấp Hội Nhà báo Việt Nam có bước chuyển biến tích cực, đưa phong trào thi đua yêu nước của Hội lên tầm cao mới. Đặc biệt, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, nhất là về công tác thi đua, khen thưởng, hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí, công tác quản lý và phát triển hội viên góp phần nâng cao vị thế của Hội.

 

GS,TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam nhận định rằng: “Người làm báo là những người đi đầu trong phong trào thi đua yêu nước, họ là những người có mặt trên tuyến đầu của những phong trào thi đua nước, trong lao động, trong sản xuất, trong chiến đấu, mà thậm chí trong cái cuộc chiến tranh cách mạng trước đây để chống lại kẻ thù xâm lược, thì rất nhiều các nhà báo hy sinh ngay trận tuyến chống lại tuân thủ. Họ là những người có mặt trên những tuyến đầu trong lao động sản xuất và đặc biệt là những người có mặt trên các cái tuyến đầu, mà phản ánh những tấm gương, những mô hình, điển hình trong lao động sản xuất, trong đó có trong thi đua lao động sản xuất vì xây dựng và phát triển đất nước”.

 

Quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 39-CT-TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến trong những năm qua, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam đã sôi nổi, thi đua hoàn thành xuất sắc công tác thông tin, tuyên truyền, xây dựng, tổ chức Hội và đội ngũ nhà báo ngày càng vững mạnh. Hầu hết các cấp Hội trong cả nước đã góp phần động viên hội viên hăng hái tham gia đóng góp và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội của đất nước.

Đồng chí Lê Quốc Minh - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2022 vào tháng 4 năm 2023: “Đội ngũ Người làm báo Việt Nam cần phát huy kết quả đạt được trong năm 2022, tiếp tục động viên cán bộ, hội viên hăng hái thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam, Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Hội đồng Thi đua, khen thưởng Hội Nhà báo Việt Nam phát động phong trào thi đua với phương châm "Đoàn kết – Chuyên nghiệp – Văn hóa – Sáng tạo". Tiếp tục phát động triển khai các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, có sức lan tỏa cả về bề rộng và chiều sâu, thu hút, tập hợp các hội viên, nhà báo trong cả nước nhiệt tình tham gia, hưởng ứng tạo nên sức mạnh tổng hợp của tổ chức chính trị-xã hội – nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ XI đề ra”.

 

Trao đổi nghiệp vụ của các nhà báo.

Nhà báo Hồ Quang Lợi - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ, có thể khẳng định, trong 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước của giới báo chí và của Hội Nhà báo Việt Nam từ Trung ương xuống đến cơ sở đã được triển khai một cách hết sức sâu rộng, hết sức sôi nổi và tạo thành cái không khí thi đua mạnh mẽ trong tất cả các cấp hội, các cơ quan báo chí, đến từng hội viên Hội nhà báo Việt Nam. Thi đua để cho từng nhà báo, từng cấp Hội nhà báo, từng cơ quan báo chí hiểu rõ hơn, nhận thức rõ hơn, nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm, nghĩa vụ của người làm báo cách mạng Việt Nam và từ nhận thức sâu sắc đó thì có một niềm say mê nghề nghiệp, tâm huyết với nghề để chúng ta làm nghề một cách tốt đẹp hơn, đóng góp vào việc xây dựng một nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, giàu tính nhân văn.

Với phương châm thi đua để thúc đẩy việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Hội, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương Hội và các cấp Hội Nhà báo Việt Nam luôn đổi mới sáng tạo trong việc tổ chức các phong trào thi đua, tạo được khí thế thi đua sôi nổi. Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam đã tích cực hướng dẫn các chi hội đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nâng cao chất lượng thông tin của báo chí ở địa phương với khoảng 14.000 hội viên, chiếm hơn 50% số lượng hội viên trong toàn quốc. 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố tham gia tích cực và hiệu quả vào các phong trào thi đua do Trung ương Hội phát động bằng các hình thức, phương pháp, thể loại phong phú, đấu tranh chống luận điệu của các thế lực, cơ hội phản động như đa nguyên, đa Đảng, vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, vấn đề biển đông kịp thời phê phán những thông tin, quan điểm sai trái, âm mưu, diễn biến hòa bình, góp phần quan trọng vào việc củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới.

Nhà báo Kiều Thanh Hùng – Phó Chủ tịch Hội nhà báo TP.Hà Nội khẳng định: Với trên 1000 hội viên là một trong những đơn vị mà có số hội viên đông nhất của cả nước. Có thể nói rằng trong 5 năm qua, Hội Nhà báo TP. Hà Nội đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, đặc biệt là ba nhiệm vụ trọng tâm mà Hội đồng thi đua của Hội Nhà báo TP. Hà Nội đề ra, đó là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng bản lĩnh của người làm báo Thủ đô, thứ hai là tổ chức hoạt động nghiệp vụ và bảo vệ quyền lợi của hội viên, thứ ba là bám sát vào các phong trào thi đua của Hội Nhà báo Việt Nam để chúng ta hoàn thành tốt các chỉ tiêu thi đua trong từng năm.

Từ giai đoạn 2015 2020, các phong trào thi đua yêu nước của các cấp hội luôn tập trung vào việc thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam, cho đến giai đoạn 2020 – 2025 phong trào luôn gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đi cùng với các phong trào thi đua, các cơ quan báo chí trên cả nước cũng đã đổi mới công tác khen thưởng, biểu dương những tác giả, tác phẩm báo chí, từ đó có tác động tốt đối với tác giả, tác phẩm đoạt giải như Giải báo chí quốc gia, giải Búa liềm vàng, giải các Bộ, ngành Trung ương và địa phương. Công tác hội và công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí luôn được chú trọng, nâng cao, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra trong xu hướng báo chí hiện đại. Có thể khẳng định phong trào thi đua yêu nước của toàn Hội Nhà báo Việt Nam trong thời gian qua đã được lan tỏa sâu rộng, xuống đến tất cả các cấp Hội Nhà báo địa phương cũng như là Liên chi hội và các chi hội trực thuộc.

Tính đến này, Hội Nhà báo Việt Nam có trên 26.000 hội viên đang sinh hoạt tại 287 đơn vị cấp hội, gồm 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 19 liên chi hội, 205 chi hội trực thuộc Trung ương. Trong mỗi nhiệm kỳ kết nạp trung bình gần 10.000 hội viên mới, bình quân mỗi năm kết nạp gần 2.000 hội viên. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay. Trong 5 năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã trao tặng gần 3.000 Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam, trong đó Trung ương Hội đã trao tặng Cờ thi đua xuất sắc cho nhiều tập thể Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào của Hội và nghiệp vụ về Liên chi hội Nhà báo các cơ quan báo chí. Tại Hội nghị tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2022 đã hội tụ trên 500 đại biểu với 13 tập thể Hội có thành tích tiêu biểu được tặng Cờ thi đua, 24 tập thể và 28 cá nhân xuất sắc nhất trong hoạt động nghiệp vụ, hoạt động Hội năm 2022 được tặng Bằng khen; 14 đơn vị và 6 hội viên được Chủ tịch Hội khen thưởng đột xuất.

Nhà báo Vũ Việt Trang - Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho biết: Hiện nay TTXVN có khoảng trên 900 hội viên hiện đang sinh hoạt tại 21 chi hội Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam, đã rất là tích cực tham gia vào các phong trào thi đua do Hội Nhà báo Việt Nam phát động, phát huy truyền thống, nỗ lực để không ngừng vươn lên theo kịp những yêu cầu của nhiệm vụ. Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam tiếp tục đồng hành với các hội viên của mình ra sức luyện rèn về chuyên môn, nghiệp vụ và theo đuổi đam mê để tiếp tục có những tác phẩm báo chí cách mạng mang hơi thở của thời đại, góp phần xây dựng một nền báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh.

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng - Trưởng ban Thư ký Biên tập của Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ: “Các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên hay nghệ sĩ, người ta không nói rằng người ta đang thi đua, nhưng thực ra trong cuộc sống thì họ đã và đang thực hiện tốt cái nhiệm vụ của mình. Mỗi người thi đua, mỗi người làm tốt công việc của mình, có nghĩa là họ đã và đang góp phần làm tốt công việc của đơn vị mình và như vậy đơn vị cũng đã và đang góp phần làm tốt công việc của mình với đất nước. Liên chi hội nhà báo và cán bộ, phóng viên, biên tập viên của đài luôn luôn xác định là thi đua và thi đua không ngừng, bởi vì chúng tôi xác định rằng thi đua cũng chính là động lực để chúng ta phát triển”.

Trong những năm qua, có nhiều mô hình hoạt động của các tổ chức hội đi vào chiều sâu, có sự đổi mới sáng tạo trong sinh hoạt nghiệp vụ cũng như công tác Hội, góp phần quan trọng vào thành tích chung của cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Chỉ thị 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư đã tiếp tục khẳng định sự quan tâm, tin tưởng của Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân đối với hoạt động Hội và người làm báo Việt Nam. Tổ chức nhiều hoạt động nghiệp vụ, thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Đề án hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng nghiệp vụ.

Tích cực phối hợp tham gia có hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý báo chí. Gắn việc củng cố tổ chức Hội với công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết bảo vệ các quyền lợi chính đáng của hội viên với việc xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, những kết quả nổi bật trên các lĩnh vực đã tạo sức sống mới trong hoạt động và phong trào thi đua của các cấp Hội được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, tổ chức xã hội và nhân dân cả nước ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như công tác thi đua, khen thưởng của một số cấp Hội triển khai còn chậm, hình thức thi đua chưa thực sự phong phú và đa dạng công tác sơ kết, tổng kết, kiểm tra, giám sát hiệu quả các phong trào chưa thực sự thường xuyên những khó khăn, thách thức từ thực tiễn hoạt động báo chí và hoạt động của Hội hiện nay, nhất là cơ quan báo chí và Hội Nhà báo các cấp trong việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa 12 và bám sát nhiệm vụ chính trị của Hội Nhà báo Việt Nam. Cần đổi mới và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong toàn Hội gắn với hoạt động thi đua của Hội.

Báo cáo tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, đồng chí Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, chủ đề thi đua năm 2022 là “Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam”. Hội đã tổ chức phát động, đẩy mạnh triển khai nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa trong đời sống xã hội. Tuy nhiên phong trào thi đua vẫn chưa thật sự đồng đều ở các cấp Hội. Ở một số đơn vị, công tác khen thưởng, đề nghị khen thưởng cho cá nhân còn tập trung ở cấp lãnh đạo, mà chưa dành sự quan tâm tới hội viên làm việc trực tiếp. Các cấp Hội cơ sở chưa chủ động kịp thời khen thưởng đột xuất các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Hội cũng như đề xuất Hội Nhà báo Việt Nam khen thưởng đột xuất.  Do đó, về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, hoạt động đổi mới nội dung và hình thức, phương thức tổ chức các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc, mô hình hay, cách làm hiệu quả, bài học kinh nghiệm. Kịp thời phát hiện, nhân rộng và tổ chức tôn vinh điển hình tiên tiến, chủ động biểu dương, đề nghị khen thưởng nhân tố điển hình là tập thể các cấp hội, các cán bộ hội, hội viên là phóng viên, biên tập viên, người làm báo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, tạo sự lan tỏa tích cực trong đội ngũ những người làm báo.

Với hoạt động thi đua của cơ quan báo chí. Lấy việc thực hiện nhiệm vụ là mục tiêu thi đua của mỗi tổ chức Hội. Có thể khẳng định việc hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao là thể hiện ý chí, trách nhiệm và cũng chính là thước đo về phẩm chất và năng lực của hội viên công tác tại cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam. Vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam đã thúc đẩy phong trào thi đua của các cấp Hội thật sự trở thành động lực động viên, cổ vũ các tổ chức Hội và hội viên Nhà báo, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội của Hội Nhà báo Việt Nam đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023, đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh: Phong trào thi đua năm 2023 cần tập trung bám sát và phục vụ có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức, phương thức tổ chức các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị cơ quan, đơn vị, nâng cao hơn nữa nhận thức của mỗi cán bộ, hội viên về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng; góp phần quan trọng xây dựng cơ quan, đơn vị, tổ chức Hội vững mạnh; nâng cao chất lượng sinh hoạt Hội, chất lượng tổ chức Hội và hội viên. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc, mô hình hay, cách làm hiệu quả, bài học kinh nghiệm trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện tốt Luật Báo chí và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; Hướng dẫn sinh hoạt hội viên là phóng viên thường trú tại địa phương; Bộ tiêu chí văn hóa của cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo Việt Nam. Báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện phong trào Xây dựng môi trường văn hóa của cơ quan báo chí. Hội Nhà báo Việt Nam, Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương Hội phát động đợt thi đua rộng khắp trong các cấp Hội và kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên sôi nổi hưởng ứng, phấn đấu thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam vào năm 2025. Các cấp Hội cần thi đua lập thành tích thiết thực Kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và các sự kiện lớn của đất nước; thực hiện chương trình toàn khóa Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 2020-2025.

Giai đoạn 2020 - 2025 là giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới với nhiều thuận lợi nhưng cũng đầy thách thức, khó khăn. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ra sức thi đua, lập nhiều thành tích, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, đối với tổ chức Hội và người làm báo trong cả nước cũng phải đối mặt với tác động mạnh mẽ trên nhiều phương diện của cuộc cách mạng công nghệ. 4.0. Các cơ quan báo chí thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Mục tiêu tổng quát của công tác thi đua, khen thưởng Hội Nhà báo Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025 là phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đoàn kết, bản lĩnh, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động thi đua, xây dựng, tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, đội ngũ người làm báo giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, vững vàng về chính trị, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới./.

Theo Tạp chí Người làm báo điện tử

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải