song
Kỷ niệm đồng hành cùng đại biểu nhân dân
Ngày xuất bản: 19/05/2021 12:00:00 SA
Lượt đọc: 9203

 Thực hiện tôn chỉ “Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Yên Bái”, Báo Yên Bái thường xuyên tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt đã mở chuyên trang “Người đại biểu Nhân dân” nhằm tuyên truyền sâu về  hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh. Chính vì phục vụ cho nhiệm vụ này mà tôi có điều kiện thường xuyên đi cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái các khóa XI, XII tiếp xúc cử tri và tham gia các hoạt động giám sát.

Phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện quan trọng của tỉnh

Nhớ lần đến xã Chế Tạo của huyện Mù Cang Chải năm 2008. Hơn hai trăm cây số từ thành phố Yên Bái tới huyện lỵ, rồi gần bốn chục cây số nữa để vào xã Con đường cứ dốc ngược, một bên là vách đá dựng đứng, bên kia là vực sâu thăm thẳm. Ngồi trong xe ô tô, cái cảm giác rợn ngợp khiến tôi cứ nhớ về câu thơ Quang Dũng trong bàiTây Tiến “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm, Heo hút cồn mây súng ngửi trời”. Để mà càng thêm cảm phục quyết tâm và ý chí của Đảng bộ, nhân dân Mù Cang Chải trong việc mở con đường từ huyện đến trung tâm xã vùng ba đặc biệt khó khăn. Vốn là người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, anh Giàng A Chu – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết: “Vất vả lắm, hoàn toàn bằng sức người và hỗ trợ vốn từ Chương trình 135 của Chính phủ cùng ngân sách địa phương. Không chỉ nhân dân Chế Tạo, Lao Chải, Kim Nọi là nơi có con đường chạy qua mà các xã khác trong huyện cũng đóng góp ngày công tham gia mở đường. Bao nhiêu mồ hôi đổ xuống, hàng chục tỷ đồng đầu tư vào, thế mà cũng phải mấy năm mới thông tuyến. Ngày khánh thành thật vui, nhiều người lần đầu tiên trong đời được nhìn thấy cái ô tô. Trẻ con thì reo hò, người già rơi nước mắt vì cảm động”. Con đường mở ra, hàng hoá tiêu dùng, phân bón ruộng, vật liệu xây dựng... được chở đến bằng phương tiện cơ giới. Nhiều gia đình cũng đã mua xe máy để đi lại thay vì cho việc cuốc bộ cắt rừng nửa ngày đường mỗi khi ra huyện như trước kia. Thế nhưng miền núi mưa nhiều, việc bảo dưỡng hằng năm đều gặp khó khăn. Mùa mưa lũ năm ấy đã làm sạt lở hàng vạn mét khối đất đá, mấy đoạn trôi cả cầu cống lẫn mặt đường khiến giao thông bị ách tắc cả tháng trời, huyện  phải chi hơn nửa tỷ đồng để khắc phục. Ngay như việc Đoàn đại biểu Quốc hội về xã tiếp xúc cử tri thì trước đó đã phải huy động lực lượng thanh niên, dân quân sửa sang lại nhưng vẫn gập ghềnh lắm. Mặt đường lổn nhổn đá, chỗ nền đất thì trơn trượt, tay lái thạo từng đi hàng vạn km đường miền núi như anh Cương cũng phải rì rì số một mỗi khi lên xuống dốc hay vào cua tay áo. Cứ đi như thế, xe trước chờ xe sau sẵn sàng cứu hộ khi gặp sự cố, gần ba giờ đồng hồ mới vào đến xã. Khỏi phải nói sự phấn khởi của cán bộ, nhân dân Chế Tạo khi có đoàn công tác cấp trên đến địa phương. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Sùng A Chu bộc bạch “Lần đầu tiên, kể từ khi thành lập nước Việt Nam bây giờ Chế Tạo mới vinh dự được đón Đoàn đại biểu Quốc hội tới tiếp xúc cử tri đấy”. Nghe vậy song biết nói làm sao, vì đây là địa phương hiếm có trong tỉnh Yên Bái và cả nước đã góp cho Quốc hội 3 đại biểu người dân tộc Mông: Giàng A Páo khóa II,III; Giàng A Gia khoá VII và Giàng A Chu khoá XII. Ý nghĩa lắm nên ngay từ đầu khoá đồng chí Hoàng Thương Lượng - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Khoá XII tỉnh Yên Bái đã xây dựng kế hoạch đến đây rồi. Nhưng cứ phải trì hoãn vài lần vì thời tiết xấu và lần này quyết tâm khó mấy cũng đi. Cũng theo anh Giàng A Chu, tổ tiên người Mông đến ở đây đã vài trăm năm, thời điểm bấy giờ cộng đồng dân cư đã lên tới 260 hộ với 1.756 nhân khẩu, sống ở 7 bản. Đất đai rộng, ngót 24.000ha toàn núi với rừng, riêng khu bảo tồn loài – sinh cảnh vì có loài voọc đen quí hiếm ghi trong Sách đỏ Việt Nam đã chiếm tới 20.000ha. Đây cũng là nơi rừng phòng hộ đầu nguồn cho hàng loạt các công trình thuỷ điện: Sông Đà, Sơn La, Mường Kim, Hồ Bốn... Có đi mới biết công lao đồng bào trong việc giữ rừng, từ bản Tà Dông, Chế Tạo, Tà Xung đến Kể Cả, Pú Vá, Háng Tày, Nà Háng đâu cũng thấy màu xanh bát ngát. Cũng đã lâu, rừng Chế Tạo không còn vang tiếng súng của những người đi săn bắt thú, nhiều mùa khô không để xảy ra vụ cháy nào vì bất cẩn. Rừng là vàng đấy mà đời sống của người dân còn gian khó lắm, cho đến năm 2008 số hộ nghèo toàn xã còn chiếm 77%. Một phần do tiền công bảo vệ rừng thấp nên người dân chưa sống được bằng chính nghề rừng. Đồng thời còn do chưa thích ứng với việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào thay đổi phương thức sản xuất lạc hậu. Với 125ha diện tích ruộng bậc thang cấy lúa 1 vụ cùng ngót trăm ha lúa nương, ngô, sắn thì an ninh lương thực đối với xã vùng cao này luôn luôn đặt ra. Hầu như năm nào cũng có gia đình thiếu đói phải cứu trợ. Chăn nuôi đại gia súc thì thiếu đồng cỏ, tổng đàn trâu, bò, ngựa, dê chưa đầy ngàn rưởi con. Thời gian qua, được sự hướng dẫn của cơ quan khuyến nông bước đầu đã biết trồng cỏ để dự trữ thức ăn trong mùa khô hanh song mới có gần 5ha. Ở đây đã xuất hiện gia đình chăn nuôi lên tới vài chục con; hay ông Sùng A Cớ ở bản Tà Dông một vụ thảo quả thu cả trăm triệu đồng, nhưng chưa trở thành mô hình trình diễn để mọi người học tập. Gần đây, thảo quả được coi là loại cây xoá đói giảm nghèo lại bộc lộ mặt trái có thể dẫn đến phá vỡ hệ sinh thái làm rừng nghèo kiệt nên huyện Mù Cang Chải không khuyến khích, thành ra việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng đang trong vòng luẩn quẩn. Và cũng vì đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng cần nguồn vốn lớn hơn nhiều địa phương khác do công cước vận tải cao mà chỉ trường học, trạm xá được xây kiên cố, duy nhất mương thuỷ lợi Háng Đề Dính Máo của bản Chế Tạo được bê tông hoá. Trụ sở làm việc, nhà văn hoá, đường giao thông liên bản, công trình thuỷ lợi, điện lưới quốc gia... đều cần có sự tiếp tục đầu tư  của Nhà nước. Mặt mạnh của Chế Tạo từ nhiều năm nay được coi là sự học. Có ông bố, bà mẹ khuyên con dù vất vả đến mấy hãy đi mà học lấy cái chữ, nó là của cải để góp phần đổi đời người Mông. Đã bao người con của Chế Tạo từng lội bộ mấy chục cây số ra huyện, lên tỉnh và về các trường đại học, cao đẳng ở trung ương học tập để trở thành kỹ sư, thầy thuốc, thầy giáo... Những họ Giàng, họ Sùng, họ Hảng dù đời sống eo hẹp đến đâu vẫn cho con đến trường. Chính quyền địa phương cũng phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, gia đình để huy động tối đa số học sinh trong độ tuổi ra lớp. Trong chuyến công tác lần này, các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội đã lắng nghe nguyện vọng của cử tri đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển giáo dục – đào tạo vùng cao. Và dù địa phương chưa yêu cầu song đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã cấp cho xã mấy chục triệu đồng để trang bị phương tiện làm việc. Đồng chí cũng nhắc nhở địa phương phải tăng cường công tác xoá đói giảm nghèo; vận động nhân dân bảo vệ rừng và tích cực sản xuất, chăn nuôi; nên chú ý đầu tư những công trình thuỷ lợi nhỏ mà hiệu quả; đồng thời cần có quy hoạch đất đai thật tốt để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh. Còn Chính phủ, không chỉ Chương trình 134,135 và các chính sách hỗ trợ khác, Nghị quyết 30a về “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo” đã được ban hành. Tỉnh Yên Bái cũng  có Nghị quyết riêng về phát triển kinh tế – xã hội huyện Mù Cang Chải cùng Chương trình hành động thực hiện Đề án của Chính phủ để địa phương có điều kiện vươn lên.

Ở huyện Trạm Tấu, Đoàn cũng từng đến các xã Túc Đán, Pá Lau, Trạm Tấu, Phình Hồ và Pá Hu. Riêng xã Pá Hu hầu như 100% dân số là người Mông. Diện tích tự nhiên của xã 3.716ha nhưng diện tích lúa nước cấy được trong vụ đông xuân chỉ có 20ha, vụ mùa 30ha. Tổng sản lượng lương thực có hạt bấy giờ  đạt 615 tấn, bình quân lương thực đầu người là 408kg/năm. Có được như vậy là do đẩy mạnh trồng ngô, vụ xuân 75ha và vụ hè thu 40ha, năng suất đều đạt trên 21 tạ/ha. Phấn khởi nhất là lần đầu tiên bắt tay vào trồng ngô hè thu đã đạt kết quả khá tốt, nhân dân vui lắm và mong muốn năm sau sớm được cấp giống để mở rộng diện tích. Tỉnh uỷ và Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái đã có Nghị quyết 03, 06 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội áp dụng đối với hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải giai đoạn 2008 – 2010; Chính phủ lại có Nghị quyết 30a về “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo”, xã Pá Hu cũng là địa phương được thụ hưởng chính sách. Hợp phần phát triển nông lâm nghiệp đã hỗ trợ mấy trăm kg giống lúa, ngô; hàng chục tấn phân bón; 15 con trâu sinh sản cùng mở các lớp tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi. Đường giao thông  mở đến thôn xa nhất là Háng Gàng, xe máy có thể đi lại cả bốn mùa mưa nắng. Các thôn Pá Hu, Tà Tàu còn đang chuẩn bị tốt nền đường để thực hiện cứng hoá trong năm 2010; 1/3 số hộ trong xã đã được dùng điện lưới quốc gia. Ngoài thôn Cang Dông ít nguồn nước còn chỗ nào cũng phát triển thuỷ điện nhỏ cho hộ gia đình. Chia vui cùng Đảng bộ và nhân dân địa phương,  các thành viên trong Đoàn đều vui vì ánh sáng điện, ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng đang chiếu rọi tới mỗi căn nhà người Mông.

Ấn tượng khó quên nữa với tôi là cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tại xã Quang Minh huyện Văn Yên. Được biết năm 2020 xã đã đạt chuẩn Nông thôn mới và vinh dự đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến thăm. Vào năm 2009 – 2010 địa phương này cũng đã có phong trào phát triển kinh tế - xã hội khá tốt, nhất là việc nêu cao vai trò của cán bộ người dân tộc thiểu số. Gặp gỡ cử tri làng Dao Khe Ván, được biết thu nhập từ quế mỗi năm mang lại cho người dân trong thôn vài trăm triệu đồng. Rồi gỗ rừng trồng, sắn cao sản, lúa, chăn nuôi đại gia súc.., những khoản thu thường xuyên đã xoá đi cái đói thường niên và góp phần tăng tỷ lệ hộ khá, giàu trên 70%. Thật khó tưởng tượng một vùng quê xa xôi ai cũng được xem truyền hình, nhà nhà đều có xe máy và thuộc loại đắt tiền, một số nhà đã lắp đặt điện thoại. Vai trò của những đảng viên đi trước để dân làng theo sau được phát huy hiệu quả. Thôn Khe Ván có một chi bộ Đảng với trên 20 đảng viên và chẳng có đảng viên nghèo. Cái lạ nữa là nhiều cán bộ chủ chốt của xã Quang Minh qua các thời kỳ đều là người Dao Khe Ván: Ông Bàn Hữu Phú - Bí thư Đảng uỷ xã thời kỳ 1974 - 1982; ông Triệu Chu Đức - Bí thư các khoá từ 1982 - 1991; khoá gần đây là Đặng Phúc Vạn - Bí thư, Bàn Tiến Thuỷ - Chủ tịch  và Triệu Trung Kim - Phó chủ tịch UBND xã. Hoàn toàn không phải do mạnh cánh đưa nhau lên như ở một số địa phương xảy ra tình trạng mất đoàn kết mà chính yêu cầu công tác cùng năng lực, uy tín của đảng viên đủ tín nhiệm để Đảng bộ và nhân dân lựa chọn. Gặp ông Triệu Chu Đức, dù thôi công tác xã nhiều năm mà không lúc nào xao nhãng nghĩa vụ và trách nhiệm đảng viên. Cơ ngơi gia đình là 2 ngôi nhà, một trong đồi gắn với trang trại và một bên đường để làm dịchvụ. Hồ hởi, chủ nhà khoe: “Nhà mình mỗi năm thu 3 - 4 tấn lúa, chăn nuôi được 2 con trâu và trên chục đầu lợn. Còn rừng có 6 ha keo cùng 3 ha quế trên 10 năm tuổi. Riêng quế bóc tỉa bán được 30 triệu đồng, sắn 20 triệu đồng. Cái quán bán lẻ các thứ hàng thiết yếu phục vụ đời sống của dân trong làng với nguồn thu từ máy xay xát đủ nuôi cả nhà 4 miệng ăn.” Nghe ông kể mà không khỏi giật mình, hoá ra hộ có thu nhập vài chục triệu đồng/ năm ở đây đâu phải là hiếm: Bàn Văn Quý, Bàn Văn Phúc, Triệu Thiều Lâm, Triệu Thiều Thăng, Triệu Quý Lâm, Đặng Phúc Vạn…

Gần chục năm trời đồng hành cùng các đại biểu nhân dân, tôi còn chứng kiến sự sâu sát gần dân của những người có trách nhiệm. Lần đi tiếp xúc cử tri ở Thị trấn Nông trường Trần Phú, đến dốc ba quanh thuộc thôn Ba Khe, xã Cát Thịnh thì gặp trường hợp một cháu bị tai nạn xe máy do đâm vào hộ lan ven đường. Không chần chừ, ông Hà Quyết – Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XI dừng xe đưa cháu đi cấp cứu ở Bệnh xá khu vực dù thời gian khai mạc đã đến gần. Rồi ông Nguyễn Văn Tuyết, Phó trưởng Đoàn đại biểu các khóa XI, XII khi nhận được ý kiến cử tri về việc chậm giải quyết tranh chấp đất đai giữa hộ dân tại Phường Yên Ninh, Thành phố Yên Bái đã không quản ngại đến tận nơi xem xét và có ý kiến với chính quyền địa phương hóa giải kịp thời… Tận tâm đem tiếng nói của người dân đến với Quốc hội và chủ trương, quyết sách của Đảng, Chính phủ và Quốc hội đến với nhân dân, các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đóng góp không nhỏ công sức vào sự phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng – an ninh của tỉnh, xứng đáng với niềm tin yêu và danh hiệu đại biểu nhân dân.

Thế Quynh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải