song
Lao động của Người làm báo
Ngày xuất bản: 24/03/2016 12:00:00 SA
Lượt đọc: 58368

 Công việc của người làm báo là lao động báo chí, cho dù có làm văn nghệ cũng là văn nghệ của báo, phải bám sát thời sự, trên đài phát thanh không thể vừa đọc câu truyện người tốt việc tốt về chị y tá lại hát liền sau đó bài hát “Em đi trồng cây” được, hoặc trong dịp kỷ niệm ngày lễ lớn, đại hội Đảng lại đăng, phát toàn những bài tiêu cực, tham nhũng là phi chính trị. Làm báo là làm chính trị nên phải đặt lên hàng đầu ý thức chính trị. Dân vùng cao đang đói lại đăng bài giới thiệu nấu thịt bò thế nào cho ngon, đang thiếu tiền, rách áo, trẻ vùng cao còn rét cầm cập trong chiếc áo mỏng với đôi chân trần lại bàn chọn màu áo thế nào cho đẹp là phi đạo lý. Hoặc nửa trên trang báo đăng nghị quyết của Đảng, nửa dưới đặt mục vui cười tếu táo hay chuyện tiêu cực phản ngược lại nghị quyết cũng là vô đạo lý. Đã có lần tôi đến thăm tỉnh T, bạn bè xôn xao vì tờ báo đăng ảnh chị em phụ nữ gặp mặt ngày 20/10 bên trên, dưới lại là ảnh bí thư tỉnh ủy kiểm tra cơ sở, các bạn đồng nghiệp nói vui:

Hỏi tổng biên tập đi đâu

Để cho phụ nữ trùm đầu bí thư ?

Rồi có lần cơ quan N, nhất thiết đòi đăng ảnh vào trang quảng cáo số tết mà họ chọn trong đó có đồng chí lãnh đạo tỉnh làm việc với đơn vị. Tôi phải giải thích: Về nguyên tắc không được dùng ảnh lãnh đạo làm quảng cáo, đơn vị đồng ý thì thay ảnh khác không thì bỏ trang quảng cáo đó, không thể vì họ trả tiền cao mà cứ đăng. Nói như thế để thấy làm báo là làm chính trị, khoa học, nghệ thuật. Chính trị là phản ánh đúng quan điểm đường lối của Đảng, khoa học là không phản ánh những chuyện viển vông phi lý, phi lô-gic, phản khoa học, mọi thông tin phải có căn cứ chứ không được suy đoán, sáng tác bịa đặt hay nhặt nhạnh ở đâu đó trên Facebook…Tính khoa học đòi hỏi sự chính xác, ví dụ trên màn hình chạy chữ thông báo: 20 giờ thời sự….trong khi đồng hồ đã chỉ 20 giờ 05’ mà vẫn quảng cáo là không thể chấp nhận được. Cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã nói: “Không phải tất cả những thứ tuyên truyền đều trở thành nghệ thuật, nhưng mọi tác phẩm nghệ thuật đều có tác dụng tuyên truyền” vì vậy nâng cao tính nghệ thuật của tác phẩm báo chí là để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, mà làm nghệ thuật là lao động khổ công nhất trong các loại lao động. Nâng tác phẩm báo chí  lên tính nghệ thuật mới mong để đọng lại cho người đọc cái gì đó để người ta chiêm nghiệm, tâm đắc, nhớ mãi, đi vào tiềm thức làm chuyển biến tư duy đi tới thay đổi hành vi thì đó chính là hiệu quả của bài báo. Có ai đó đã nói đến văn hóa báo chí, vậy đó là cái gì? Phải chăng đó là tổng hợp cả tính nhân văn và khái niệm về văn hóa, đó là: Sau khi đọc tất cả, xem tất cả, nghe tất cả và….quyên đi tất cả, cái gì không thể quên được thì đó là văn hóa. Để làm báo đạt được trình độ có văn hóa đương nhiên không được phép cẩu thả, tùy tiện, kể cả “lòe” người đọc bằng xảo thuật dùng tiếng dân tộc và dịch nghĩa hết sức tùy tiện. Có bạn viết “Huyền thoại dưới chân Nà Khẩu” rồi qua bài viết lại diễn giải rằng đó là câu chuyện xảy ra ở một bản dưới chân Núi Gạo, tại xã V, huyện Trấn  Yên. Người biết tiếng Tày không khỏi ngạc nhiên vì núi tiếng Tày là , còn ruộng . Sao lại có thể tùy tiện dịch núi thành ruộng để mà viết như thế được ? có thể nói đây là một lao động không nghiêm túc, thiếu tôn trọng bạn đọc.

Truyền hình tác nghiệp (ảnh: VTV)

Lao động báo chí là thông tin phản ánh các sự kiện, hiện tượng,  nhưng không ít nhà báo lại trở  thành “ nhà lãnh đạo” chuyên đi đánh giá thiên hạ: “ tốt, khá, khí thế rất sôi nổi, hào hùng:…rồi còn phán: “nên thế này, nên thế kia…” như thế là chưa làm đúng bổn phận của mình, cái cần là phải viết, nói, đưa hình ảnh làm sao để tự sự kiện nói lên nó như thế nào còn phần đánh giá thuộc về người đọc, người nghe. Đặc điểm lớn nhất của báo chí là tính thời sự, phải bám sát sự kiện, thậm chí đi trước sự kiện, phản ánh cùng lúc với sự kiện đang xảy ra (tường thuật tại chỗ chẳng hạn). Vì thế đã tham gia vào làm báo thì phải là những người nhanh nhẹn, hoạt bát, tháo vát. Những “ông cụ non” lề mề, khệnh khạng…thì nên chọn nghề khác bởi tác phong đó không hợp với lao động báo chí. Làm báo phải luôn tỉnh táo, đừng “say mê”, đã “say”  lại “mê” và  “thật thà như đếm”  nữa thì dễ bị lừa, bị cung cấp thông tin không thật, chép về tung ra lại đi lừa tiếp bao nhiêu người khác. Vì thế khi được cung cấp tài liệu phải luôn tự hỏi: có thật  không ? cái này có lô - gic, hợp lý không ? Rồi phải có dũng khí đấu tranh, dám chịu trách nhiệm, dám bảo vệ chân lý, lẽ phải, nhưng làm được điều đó có dễ không các bạn? Tôi nghĩ là rất khó ! Hạnh phúc của nhà báo là khi một bài báo được nhiều người biết đến, họ hoan nghênh cũng có, họ kiện cũng có nhưng cuối cùng chân lý thuộc về mình. Sự thật đầy rẫy ra đấy nhưng ai dám nói ? chỉ những người có bản lĩnh là những người có dũng khí đấu tranh và nắm thật chắc vấn đề, không để sơ hở để người ta quật lại. Có người bảo: “ viết người chết dễ sống, viết người sống dễ chết”. Sáng tác vở kịch mấy ông quan thời  Lý – Trần tham nhũng thì chả sao cả. Nhưng viết mấy ông giám đốc đang ngồi sờ sờ đó thì phải cẩn thận, đủ cứ liệu, chính xác, chặt chẽ, thật chắc mới viết được.  Mà  muốn  nắm thật chắc thì phải mất công đi điều tra công phu lắm, phải hỏi, xem, đọc, nghiên cứu rất nhiều, nếu lớt phớt không thể có tài liệu nên cũng không thể viết được. Thế mà một bài điều tra chống tiêu cực khó khăn thế với  một bài phản ánh sao chép theo báo cáo cũng đánh giá như nhau, nhuận bút như nhau thì có ai muốn “đâm đầu vào đá” không ? cho nên nói báo chí của ta phản ánh xuôi chiều, một mặt nói lên bản chất xã hội ta mặt tốt là cơ bản nhưng cũng có mặt do cái khó của việc viết chống tiêu cực và chưa có đủ cơ chế khuyến khích thậm chí bảo vệ phóng viên, nên  những bài điều tra chống tiêu cực vẫn thưa thớt “ như lá mùa thu”. Để có nhiều bài điều tra phải đi sâu phát hiện những nơi “có vấn đề”, tức là có mâu thuẫn để phanh phui sự thật góp phần giải quyết mâu thuẫn, thúc đẩy xã hội phát triển. Hãy làm “phóng viên cá mập” xông thẳng vào vấn đề chứ đừng cái gì cũng “xung quanh vấn đề này, xung quanh vấn đề kia” thì chỉ là “phóng viên cá mương”, “đớp” xung quanh làm sao giải quyết được việc gì !

Làm báo là lao động trí tuệ cá nhân của từng con người, lười suy nghĩ, lười đi thu thập tài liệu, thông tin thì không ai làm thay cho mình được. Nghề này tự do nhất nhưng cũng kỷ luật nhất. Người ta chỉ được tự do khi tuân theo kỷ luật và luật lệ xã hội. Ví dụ muốn mở  êcu số 17 thì phải dùng clê cỡ 17 thì tự do mở, muốn thả sức đi phải đi bên phải v.v…Trong báo chí không được nhầm lẫn sai, một ly là đi một dặm khiến người ta kiện hoặc phản tác dụng. Hơn 50 năm qua tôi vẫn nhớ câu chuyện của thầy giáo – nhà báo Hữu Thọ kể rằng: một nhà báo Nga viết về Pô  - lê - Vôi một chiến sỹ  thi đua giỏi,  chủ quan miêu tả: “mỗi sáng dậy, trước khi đến công xưởng bao giờ Pô – lê - Vôi cũng chỉnh trang lại quần áo, chải đầu  cẩn thận mới ra xe”. Không ngờ anh này đầu hói trọc không có sợi tóc nào nên khi bài báo đăng lên anh chiến sỹ thi đua tội nghiệp trở thành đề tài đàm tiếu, diễu cợt của cả xí nghiệp. Như vậy là chỉ một chi tiết sai dẫn đến phản tác  dụng của điển hình.

Điểm cuối muốn nói với các bạn đồng nghiệp là tác phong ăn mặc của phóng viên cũng phải phù hợp  với đối tượng tác nghiệp. Gặp người lao động đừng để cho họ thấy cách bức về hình thức, mình mặc quá sang trọng, họ đơn giản sẽ khó tạo sự gần gũi, cởi mở trong câu chuyện, gặp trí thức đừng để họ thấy mình  thiếu tri thức văn minh, quê mùa. Người xưa nói “ quen nể dạ, lạ nể áo”, bởi thế nên có cả cách ăn mặc, nói năng phù hợp với từng đối tượng mới tạo được sự tin cậy để họ cung cấp cho chúng ta những lời nói, ý nghĩ chân thật, tài liệu thật làm cơ sở cho một bài viết tốt.

Kỷ niệm 90 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, ông Trương Minh Tuấn, thứ trưởng bộ Thông tin – Truyền thông đã chia sẻ: “ Nhân 21/6, tôi mong mỏi báo chí tiếp tục phát huy truyền thống, học tập cha anh đi trước, phải biết học hỏi, lắng nghe và thấu hiểu để có những tác phẩm báo chí tốt hơn, có ích cho đời và cho xã hội”. Có lẽ đó cũng là mong đợi của tất cả bạn đọc và khán thính giả đối với các nhà báo.

Nguyễn Thanh Vân

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải