song
Linh thiêng Đền, chùa Rối
Ngày xuất bản: 29/08/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 244449

 Tọa lạc dưới chân một quả đồi hình bát úp rợp bóng cổ thụ tại thôn Trấn Ninh II, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái, Di tích lịch sử văn hóa Đền, chùa Rối được biết đến bởi sự linh nghiệm trong việc cầu bình an, cầu mưa, cầu chữa lành bệnh tật từ xưa đến nay. Đặc biệt, khi tuyến đường Âu Cơ được mở ra thông qua địa bàn để ra đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đền, chùa Rối đã được tỉnh tu sửa khang trang và hứa hẹn là một điểm nhấn trong chuỗi du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Khu di tích lịch sử văn hóa Đền, chùa Rối nằm cách Trung tâm thành phố chừng 3km, trên trục đường Âu Cơ ra cao tốc Nội Bài - Lào Cai những năm gần đây được chú ý đến nhiều hơn không chỉ bởi vẻ đẹp bên ngoài mà khu di tích lịch sử văn hóa Đền, chùa Rối còn có một bề dầy lịch sử đáng trân trọng, mang đậm màu sắc tâm linh và rất linh thiêng.

Khu di tích lịch sử văn hóa Đền, chùa rối được trùng tu lại khang trang 

Theo như các cụ cao tuổi trong làng kể lại thì Đền Rối đã có từ rất lâu và gắn liền với nhiều điển tích lịch sử của dân tộc. Theo đó, Vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, ở Hạ Hòa, Phú Thọ ngày nay có một người tên là Phạm Tà Chiêu vì không chịu cảnh đè nén áp bức của quan lại địa phương đã đưa vợ con và người nhà đi thuyền ngược dòng sông Hồng và cuối cùng dừng chân ở đất Tân Thịnh ngày nay, khai phá lập nên xóm làng. Đây là vùng đất màu mỡ, lâm thổ sản phong phú, có địa hình thuận tiện cho việc giao thương buôn bán với nhiều miền. Ông cũng là người đứng ra xây dựng di tích Đền Rối, Chùa Rối và Đình Làng Yên.

Theo ngọc phả của Đền thì ngôi đền thờ 5 vị Thành hoàng có tên là Cao Lễ Đại Vương, Cao Kha Đại Vương, Cao Đạt Đại Vương, Cao Tự Đại Vương, Đỗ Đốc Mãnh Đại Vương. Năm vị này là 5 anh em ruột, con của Cao Nghĩa và Phùng Thị Thầm. Vào đời Hùng Duệ Vương, núi Đông Sơn xuất hiện quái vật hại người, hổ sói làm loạn, sát hại dân chúng. Hùng Duệ Vương ủy thác cho các tướng: Cao Lễ Đại Vương, Cao Kha Đại Vương, Cao Đạt Đại Vương, Cao Tự Đại Vương, Đỗ Đốc Mãnh Đại Vương đánh dẹp quái vật. Để ghi nhớ công ơn của họ, người đời sau đã lập đền thờ. Ngoài ra, Đền Rối còn thờ công chúa Ngọc Dung - con thứ 8 của Hùng Triệu Vương và bà Phạm Nguyên Phi.

Những ngày lễ chính trong năm được tổ chức tại Đền như ngày 6 tháng giêng (âm lịch); ngày 10 tháng 2 (âm lịch); ngày 7 tháng 3 (âm lịch); ngày rằm tháng 7; tết tháng chạp, tháng 12 âm lịch. Tuy nhiên, lễ đền chính được tổ chức hàng năm vào ngày 6 tháng giêng như để ghi nhớ công lao của các vị anh hùng, thành hoàng đã có công xây dựng đền. Cũng là dịp để du khách thập phương đến dâng hương cầu lộc, cầu chữa lành bệnh, cầu bình an….

 

Trải qua thời gian, hiện nay Đền đã được tu sửa, tôn tạo nhiều lần. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đền trở thành nơi ở và nơi làm việc của cán bộ cách mạng. Hiện nay, ở Đền Rối và Chùa Rối còn bảo lưu và gìn giữ được khá nhiều di vật cổ được nhân dân gìn giữ và trông coi như báu vật như bức đại tự, đôi câu đối với những đường nét hoa văn hoạ tiết được thiết kế theo lối kiến trúc cổ… càng tôn thêm vẻ linh thiêng, cổ kính của ngôi đền.

Chùa Rối mang đậm nét văn hóa tâm linh

Ngược lên đỉnh đồi không bao xa là Chùa Rối. Ngôi chùa này cũng nằm trong cụm Di tích lịch sử văn hoá đền, chùa Rối. Theo ngọc phả, chùa được đổi tên là Minh pháp tự. Tọa lạc dưới tán đa cổ thụ bốn mùa tỏa bóng xanh mát, Chùa Rối được dựng lên bởi chính sự linh nghiệm và tín ngưỡng tâm linh của nhân dân trong vùng. Năm 2004, chùa đã có sư cô, pháp danh Thích Đàm Hợi trụ trì. Cũng từ đây, Di tích lịch sử văn hóa đền, chùa Rối thực sự trở thành điểm đến tâm linh hội tụ cả ba yếu tố Thiên - Địa  - Nhân kỳ diệu, thu hút đông đảo tăng ni phật tử và du khách thập phương tham quan, chiêm bái.

 

Trải qua các đời vua, Đền Rối được 2 đạo sắc phong. Đạo thứ nhất được sắc phong vào ngày 8 tháng 6 (nhuận) năm 1911 đời vua Duy Tân năm thứ 5; đạo thứ hai sắc phong vào ngày 25 tháng 7 năm 1924, đời vua Khải Định. Và đến năm 2005, Đền, chùa Rối được công nhận là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật tôn giáo cấp tỉnh theo quyết định số 460/QĐ - UBND ngày 30/11/2005. Theo bà Vũ Thị Vừng - người có nhiều năm trông coi gìn giữ Đền Rối thì trước đây ngôi đền này nguyên bản được thiết kế theo kiến trúc nhà sàn. Hai chiếc thang gỗ nhỏ lên hậu cung hiện vẫn còn được lưu giữ tại đền Nhưng cùng với thời gian, gỗ và phên che đã bị mối mọt; gầm sàn thấp, trũng, thường xuyên bị ngập nước mỗi khi mưa to gió lớn. Tuy vậy, trong vài năm trở lại đây đã được tỉnh chú trọng tu sửa vừa giữ lại những nét văn hóa cổ kính của ngôi đền, vừa xây dựng thêm mới hình thành quần thể khu di tích, hứa hẹn sẽ là một điểm đến tâm linh của du khách thập phương trong thời gian tới.

Đức Nguyễn

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải