song
Mãi đam mê nghiệp viết
Ngày xuất bản: 07/03/2016 12:00:00 SA
Lượt đọc: 68976

Trò chuyện với Nông Quang Khiêm mọi người sẽ nhận thấy Khiêm yêu nghề viết của mình lắm. Cái nghề mà Khiêm đã gắn bó từ những ngày còn là cậu học trò lớp 8. Thời gian 17 năm qua chưa khi nào nhà báo, nhà thơ trẻ ấy ngừng sáng tác, dù làm bất cứ công việc gì thì độc giả vẫn thấy thơ và truyện ngắn của Khiêm xuất hiện đều trên mặt báo.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê giàu bản sắc dân tộc Tày và trong một gia đình có truyền thống yêu văn hoá dân gian, yêu văn học nghệ thuật. Ông ngoại - nhà văn Hoàng Hạc chính là người đầu tiên truyền tình yêu văn học cho Khiêm. Cuốn sách nào ông mang về Khiêm cũng nghiền ngẫm đọc, rồi ông hướng cho viết từ những câu chuyện ông kể, thế nên Khiêm bắt đầu viết từ chính những tâm sự của mình và quyết định gắn bó với nghiệp viết.

Đặc biệt ngay từ nhỏ tâm hồn của Khiêm đã thấm đẫm những lời hát ru ngọt ngào, chất chứa tình yêu của người bà, người mẹ. Năm 13 tuổi, Khiêm đã viết những bài thơ bằng tiếng Tày về người thân nhưng chỉ là viết để vui và có khi là viết để trêu đùa người hàng xóm. Năm lớp 9 Khiêm có thơ và truyện ngắn đăng trên Báo Yên Bái. Từ đó cái tên Nông Quang Khiêm trở lên quen thuộc với độc giả Báo Yên Bái.

Nhà báo Nông Quang Khiêm

Gia đình khó khăn, học hết PTTH Khiêm tạm nghỉ học để dành cơ hội cho 2 em gái được theo học chuyên nghiệp, Khiêm xin đi làm tranh đá quý, nhưng chính khoảng thời gian này Khiêm lại sáng tác nhiều hơn, rất nhiều thơ và truyện ngắn dành cho thiếu nhi đã ra đời. Năm 2006, Khiêm theo học lớp Quản lý Văn hoá của Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, thời gian này may mắn anh được tham dự các trại sáng tác, lớp bồi dưỡng viết văn, được gặp và trò chuyện với nhà văn Tô Hoài nên Khiêm “vỡ” ra rất nhiều và tình yêu với những con chữ cứ lớn dần thêm.

Năm 2012 nhà thơ trẻ đầu quân về Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái và trở thành phóng viên của Tạp chí Văn nghệ Yên Bái. Vẫn là ngòi bút, trang giấy nhưng Khiêm được làm quen với nhiều thể loại mới, đặc biệt là ký báo chí, chàng phóng viên trẻ bắt đầu khám phá, hăng hái đặt chân đến những nơi được gọi là cao và xa nhất của các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, được tìm hiểu cuộc sống và  biết thêm nhiều nền văn hoá của nhiều dân tộc khác.

Khiêm chia sẻ “Mình thật sự yêu thích mảng văn hoá các dân tộc thiểu số, khi có cơ hội đi mình mới thấy cuộc sống còn nhiều điều để viết lắm. Làm báo có quá nhiều điều thú vị, làn ranh giữa báo và văn cũng rất mỏng manh, cũng may trước khi viết báo mình đã viết văn. Chắc chắn một điều là dù có làm nghề gì cũng không bao giờ mình từ bỏ việc viết”.

Sức viết trong anh luôn tràn trề, bút lực trong anh luôn dồi dào, vì thế  Khiêm đã kịp bỏ túi 4 tập sách, mà điều đặc biệt trong số 2 tập truyện và 1 tập thơ dành cho thiếu nhi đa phần là những sáng tác của anh trước khi về Hội Văn học Nghệ thuật. Những tập sách ấy đều nhận được giải thưởng Giải Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái và giải của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Làm báo anh có điều kiện thâm nhập thực tế, được trải nghiệm cuộc sống và đó cũng là cách anh tích luỹ tư liệu để viết truyện, làm thơ. Nhớ lần đi viết bài cho số báo Tết, lên trạm viba 1820 La Pán Tẩn. Trạm đặt trên ngọn núi có độ cao 1820 mét so với mực nước biển, từ chân dốc lên trạm là 5km, con đường quanh co, heo hút giữa rừng thông, không thể đi bằng phương tiện nào khác ngoài đôi chân của chính mình, biết vậy nhưng Khiêm vẫn cố đi xe máy, chỉ được một đoạn đành phải “cất tạm” xe vào bìa rừng rồi tiếp tục đi bộ, hôm sau mới quay lại lấy xe.

Có một kỷ niệm có lẽ Khiêm không bao giờ quên, đó là lần đi viết bài ở thôn Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, là thôn có số người nhiễm HIV rất cao. Tối đó Khiêm được trò chuyện với 15 người nhiễm HIV, lúc đầu mới đến Khiêm cũng sợ, nhưng khi nghe họ chia sẻ lại thấy đồng cảm, hiểu được nỗi cô đơn của họ khi bị tách khỏi cuộc sống, Khiêm lại thấy họ thật đáng thương. Bài viết sau chuyến đi đó cũng tạo được hiệu ứng tích cực, những nhân vật trong bài viết của Khiêm được nhiều tổ chức ủng hộ, giúp đỡ về vật chất như chăn màn, quần áo, ti vi…

Dù giờ đây công việc chính của Khiêm là biên tập viên của Tạp chí Văn nghệ Yên Bái, nhưng không khi nào Khiêm quên sáng tác thơ và viết truyện. Bởi nhiều khi đó là những tâm sự, những hoài niệm về quá khứ tuổi thơ. Quê hương, gia đình chính là nguồn tư liệu dồi dào, nguồn cảm hứng không bao giờ tắt. Với một người say mê văn hoá dân tộc thì khi đi dự một đám cưới có hát quan làng, dự đêm hát khảm hải (gọi vía của người Tày) cũng là những chi tiết thú vị luôn được anh lưu lại.

Khiêm viết say mê, háo hức nhưng rất thầm lặng, anh đã đi sâu khai thác những khía cạnh cuộc sống của con người vùng cao. Với lối viết giản dị, mộc mạc   những bài thơ, truyện ngắn, bút ký của anh là những câu chuyện rất đời thường nhưng lại dạt dào cảm xúc mà anh thủ thỉ kể cho người nghe. Dưới ngòi bút của Khiêm một bức tranh về cuộc sống tươi sáng, tràn đầy hy vọng đã hiện ra, cuộc sống trở nên gần gũi, thân thiện hơn và kéo người đọc trở về với tuổi thơ, yêu thêm những vùng đất và trân trọng hơn người dân lao động.

31 năm tuổi đời nhưng với 17 năm cầm bút, nhà báo - nhà thơ Nông Quang Khiêm đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc và đồng nghiệp Yên Bái. Chúc cho Khiêm sẽ ngày thêm thành công trên con đường sáng tác của mình.

Thùy Linh

 

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải