song
Màu xanh - Bài thơ của đối thoại văn hóa!
Ngày xuất bản: 26/07/2021 12:00:00 SA
Lượt đọc: 14391

  - Vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), báo HàNộimới đăng bài thơ Màu xanh của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh thể hiện nỗi nhớ thương, lòng tri ân đối với các liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Trang thơ Người làm báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Màu xanh - Bài thơ của đối thoại văn hóa” của PGS.TS Nguyễn Thanh Tú về chủ đề này:

Đêm hè sáng trăng vằng vặc

Thơ anh sao gọi “trăng xanh”

Có phải chúng mình dạo bước

Dưới điệp trùng tán cây xanh?

 

Màu xanh - ân nhân đời anh

Năm tháng Trường Sơn bom đạn

Căn hầm cạnh cây cổ thụ

Thoát nạn nhờ tán cây xanh!

 

Đồng đội nằm dọc cánh rừng

Bao năm kiếm tìm đằng đẵng

Nghĩa trang xây cạnh rừng xanh

Còn bao liệt sĩ vô danh?

 

Trải qua mưa nắng, bão giông

Xương các anh xanh trong đất

Hoa độc lập, ngát cây xanh

Linh khí sinh sôi trái ngọt!

 

Cây xanh rợp bóng nghĩa trang

Dòng người viếng anh rơi lệ

Vong linh anh thanh thản nhé

Mầu xanh mát đất anh nằm!

Nguyễn Hồng Vinh

Dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ

Tháng 7/2021

Hẳn nhiên, một tác phẩm văn chương là một đối thoại, nhưng để là một đối thoại văn hóa thì không phải nhiều. Phải hay, phải đặc sắc, từ tiếng nói một người, trở thành tiếng nói đồng cảm của nhiều người, nhất là phải vươn lên tầm phổ quát đối thoại với thời đại, với nhân tính nói chung. Bài thơ Màu xanh của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh là một bài thơ như vậy!

Bộ đội nguỵ trang hành quân ở Trường Sơn

 

Bài thơ ngắn 5 khổ, mỗi khổ 4 câu, đi nhịp 6 chữ, nhưng đã làm một cây cầu đối thoại từ hiện tại ngược về quá khứ. Khổ 1 là cái mố cầu hiện tại, có không gian, thời gian, nhân vật, có tác dụng chuẩn bị cho bạn đọc một tư tưởng, một “tinh thần hành trình” để đến với cái đích thẩm mỹ là “màu xanh”. Đó là cái cớ nghệ thuật tạo cho độc giả một tâm thế tiếp nhận. Khổ 2 là “anh” đối thoại với chính mình, đúng hơn là với “ân nhân” thời chiến tranh: “Màu xanh - ân nhân đời anh/ Năm tháng Trường Sơn bom đạn/ Căn hầm cạnh cây cổ thụ/ Thoát nạn nhờ tán cây xanh!”. Ai đã từng làm lính trực tiếp chiến đấu càng thấy đây không chỉ nói cho riêng “anh”, mà cho rất nhiều người, nhất là những đồng đội, những người lính từng xông pha trên chiến trường, đặc biệt lúc tác chiến, gặp được một gốc cây, một hốc đá... thì cảm thấy như được trở về nhà mình vậy! Không chỉ được che chắn an toàn, mà vị trí ấy còn giúp người lính quan sát cụ thể tình hình chiến tuyến để chọn hành vi thích hợp tiếp sau. Lời thơ ở đây thực ra là lời kể, nhưng nhờ tính truyền cảm cao, làm người đọc quên đi cảm giác “kể”, để chỉ còn sự tập trung hướng vào “tán cây xanh” như có phép màu che chắn, đem lại sự an toàn cho người lính trong tình huống bom rơi, đạn nổ.

Máy bay ném bom rải thảm trong chiến tranh Việt Nam

 

Ai cũng rõ, trong chiến tranh, sự mất mát, hy sinh là không thể tránh. Có người về, có người ở lại vĩnh viễn trong lòng đất! Nếu ở khổ thơ trên nói về người còn sống, thì ở khổ 2 này nói về người đã khuất, tứ thơ bật ra một cách tự nhiên: “Đồng đội nằm dọc cánh rừng/ Bao năm kiếm tìm đằng đẵng/ Nghĩa trang xây cạnh rừng xanh/ Còn bao liệt sĩ vô danh?”. Cũng nhờ logic nghệ thuật ấy, mà khổ này là sự đối thoại với nhiều đối tượng: với đồng đội còn sống; với rừng xanh; với “liệt sĩ vô danh”. Tưởng như một vô tình câu chữ, nhưng lắng sâu trong đó là nước mắt, là nỗi đau! Ý thơ nhức nhối bật ra giữa cấu trúc hai câu: “Nghĩa trang xây cạnh rừng xanh/ Còn bao liệt sĩ vô danh?”. Các Liệt sĩ đã hy sinh thân mình vì nước, có người còn được về nằm cạnh đồng đội, được an ủi phần nào. Còn bao Liệt sĩ đâu tìm được hài cốt, trở thành vô danh? Lời thơ hướng về các vong linh vô danh, một sự cảm thông, như một lời ghi nhận, một lời khẳng định: họ có thể mất đi thân xác, nhưng với Tổ quốc, nhân dân, đất đai xứ sở này, họ là những anh hùng xứng đáng được tôn vinh: “Trải qua mưa nắng, bão giông/ Xương các anh xanh trong đất/ Hoa độc lập, ngát cây xanh/ Linh khí sinh sôi trái ngọt!”. Câu cuối ca ngợi hai lần hy sinh của các Liệt sĩ: “Linh khí sinh sôi trái ngọt!”. Khi sống các anh chiến đấu vì độc lập, tự do của đất nước. Mất đi, các anh lấy thân thể mình làm giàu cho đất đai xứ sở. Phải là người có nỗi đau thật sự, đồng cảm, sẻ chia thật sự, xót xa thật sự, mới có cái nhìn mang sự khám phá ở chiều sâu ấy!

Người viếng mộ tại nghĩa trang Trường Sơn

 

Màu xanh là mã văn hóa ngàn đời nay, biểu tượng cho sự yên bình và thanh thản, cho sự sống vĩnh cửu, cho tình yêu và hy vọng. Màu xanh nơi nghĩa trang thể hiện sinh động những ý nghĩa nhân văn ấy: “Cây xanh rợp bóng nghĩa trang/ Dòng người viếng anh rơi lệ/ Vong linh anh thanh thản nhé/ Màu xanh mát đất anh nằm!”. Câu thơ cuối bài chuyển nghĩa thật ấn tượng: “Màu xanh mát đất anh nằm!”. Ở đây, “Màu xanh” được cấp thêm nghĩa mới, là đất đai Tổ quốc, là đất nước, thiên nhiên, là ý nghĩa tái sinh, là sự trường tồn. Một sự an ủi nhói buốt, một thông điệp thẳm sâu: Với đất nước mình, đâu cũng là Màu Xanh; và chính sự hy sinh của các anh, đất nước đang lan rộng màu xanh sự sống hôm nay, từ Trường Sơn đến Trường Sa cuộn sóng. 

Nhà thơ Hồng Vinh cùng gia đình viếng các liệt sĩ ở Nghĩa trang xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, Nam Định (nơi mà anh trai liệt sĩ Nguyễn Duy Lộ vẫn chưa tìm được hài cốt)

Bật ra một đối thoại văn hóa với hôm nay: Uống nước nhớ nguồn là đạo lý của dân tộc ta. Đó là nguồn cội để làm nên trường tồn cuộc sống. Những tác phẩm nói lên nỗi lòng nhiều người sẽ trở thành “mẫu số chung”, sẽ là tài sản tinh thần, là hành trang văn hóa cho mỗi con người vững tin đi tới tương lai! Theo tôi, bài thơ này là một thi phẩm như vậy!

Theo Tạp chí Người làm báo điện tử

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải