song
Một kỷ niệm đáng nhớ về cố Nhà báo Lê Năng
Ngày xuất bản: 05/07/2016 12:00:00 SA
Lượt đọc: 53060

Lần ấy, là những năm 80 của thế kỷ trước, tôi đang là giảng viên của Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, có một khách lạ tới nhà riêng tìm gặp, anh tự giới thiệu là Lê Năng, công tác tại Báo Yên Bái, muốn gặp trò chuyện, tìm hiểu để viết 1 bài  báo về tôi.

Ngày đó gia đình tôi đang sống tại xã Tân Thịnh, thuộc thị xã Yên Bái bấy giờ, bố mẹ tôi đều là nông dân, xã viên Hợp tác xã nên gia đình được khoán sản 7 sào ruộng. Hôm ấy tôi không có giờ dạy nên tranh thủ gánh phân đổ ruộng, anh Lê Năng đã ra tận ngoài ruộng tìm tôi. Thú thực lúc đó đang tranh thủ lao động, chân lấm, tay bùn trông rất nhếch nhác, vả lại mình là giáo viên mới ra trường, chưa có thành tích gì đáng kể để nhà báo viết bài nên tôi cảm ơn anh và khéo léo từ chối:

Ấn phẩm báo Xuân Ất Mùi năm 2015 của Báo Yên Bái (ảnh: nguồn Báo Yên Bái)

 - Anh ạ, em mới ra trường 2 năm, vẫn đang học việc mà, ở Khoa có nhiều thầy cô kì cựu như thầy Bảng, thầy Châu, anh Dũng… đáng viết hơn nhiều, em lên báo ngại lắm.

Anh  Năng vui vẻ nói:

- Mình vào trường rồi, sắp đến ngày thành lập Quân đội nhân dân, mình muốn viết bài về một thầy giáo đã từng tham gia quân đội, nhà trường giới thiệu Lương, đích thân thầy Hiệu trưởng giới thiệu lại còn cho người dẫn đi, nhưng mình thích tự đến như thế tự nhiên, thoải mái hơn, chỉ tội tìm nhà ông khó quá, phải hỏi thăm nhiều.

Đúng vậy, nhà tôi lúc ấy ở Hố Tre, Tân Thịnh, dân cư thưa thớt, mỗi nhà ở 1 quả đồi, rất khó tìm. Nể công anh tìm đến tận nhà, tôi quải nốt gánh phân ra ruộng rồi mời anh về nhà, chỉ rửa qua chân tay, ngồi tiếp chuyện anh. Anh bảo:

- Lương mới ra trường, nhưng cũng đã có những thành tích nhất định trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, điều này nhà trường đã cung cấp cho mình rồi, giờ anh em mình ngồi nói chuyện một lúc, nhanh thôi để ông còn tranh thủ lao động.

Rồi anh hỏi tôi về hoàn cảnh gia đình về những tháng năm trong quân ngũ, tại sao khi ra quân lại chọn nghề sư phạm để học và khi ra trường lại xin về giảng dạy tại Trường Cao đẳng  Sư phạm này. Qua trò chuyện tôi thấy anh nói chuyện rất bình dị, tự nhiên, thoải mái, vui vẻ như những người bạn, không có những biểu hiện, thái độ sắc lạnh hay những câu hỏi hiểm hóc mà một nhà báo đi khai thác tư liệu thường dùng. Anh cũng có một cuốn sổ nhỏ để ghi chép nhưng tôi thấy anh ghi rất ít, chủ yếu là trò chuyện. Làm việc với anh, tôi có cảm giác rất thân mật, gần gũi như cuộc trò chuyện với anh em đồng đội lính hơn là một giáo viên đang làm việc với một nhà báo. Chỉ đến khi anh xin chụp một kiểu ảnh, tôi mới ra bàn làm việc, đặt trước mặt mấy quyển sách, nét mặt có vẻ đang trầm ngâm suy nghĩ. Khoảng nửa tiếng sau, anh  xin phép về để tôi còn tranh thủ tiếp công việc quải phân. Tôi nói vui:

- Anh đừng đưa chi tiết em gánh phân vào nhé.

Anh cười rất tươi bảo tôi:

- Sao không, mình cho rằng đây là một chi tiết đắt đấy. Thời bao cấp, giáo viên phải làm đủ nghề, kiếm sống kể cả bơm xe, bán củi để có cái ăn lên lớp giảng dạy, ông tranh thủ làm ruộng thế này mà không bỏ trường, bỏ lớp, vẫn miệt mài với công việc dạy học thì là quá tốt, qua quý cần phải biểu dương, nhân rộng chứ sao lại phải giấu đi.

Tôi chống chế:

- Nhưng em thấy làm sao ấy, thầy giáo gì mà nhếch nhác hơn cả nông dân…

Anh Năng không cười nữa mà giọng trầm hẳn xuống, bảo tôi như một lời tâm sự, sẻ chia:

- Đúng là vậy, thầy giáo là kĩ sư tâm hồn, thầy giáo mà có điều kiện làm việc tốt sẽ toàn tâm, toàn ý, toàn lực hơn với công việc của mình. Nhưng thầy giáo cũng là một con người, cũng phải “có thực mới vực được đạo”, các cụ cũng đã dạy: Nhất sỹ nhì nông, nhưng khi hết gạo chạy rông thì nhất nông nhì sỹ là gì. Đấy là một hiện thực, báo chí là phải phản ánh chính xác hiện thực cuộc sống, không bôi đen, cũng không tô hồng cuộc sống. Qua việc làm của Lương vừa có cái hiện thực ý chí của người lính trở về đời thường, vừa có cả hiện thực của những khó khăn mà chúng ta đang phải vượt qua.

Sau này tôi được đọc bài anh Lê Năng viết, nhớ lại những gì 2 anh em trò chuyện tôi càng thấy quý anh và vỡ ra nhiều điều về công việc và cách làm việc của một nhà báo chân chính. Quen biết anh, tôi được biết Lê Năng còn là một tác giả văn học, chuyên viết truyện cho thiếu nhi. Truyện thiếu nhi của anh cũng đi vào lòng trẻ bằng những tình tiết sinh động, giản dị nhưng giàu chất thơ và phù hợp với tâm lý tuổi trẻ thơ chứ không là những thuyết lý, răn dạy khô khan, trừu tượng.

Ở nhà báo Lê Năng có lẽ còn nhiều điều đáng nói, đáng viết, đáng nhớ, đáng học tập. Song với riêng tôi, kỷ niệm về cuộc gặp gỡ anh lần đầu tiên ấy, tôi không thể nào quên. Thái độ và cách làm việc của anh, những điều anh tâm sự, sẻ chia hôm ấy đã trở thành những bài học đầu tiên đáng quý, bổ ích  trong nghề làm báo của tôi sau này. Và tôi cũng nghĩ muốn thành nhà báo giỏi, không chỉ học ở tài liệu, giáo trình mà còn cần học ở ngay những đồng nghiệp của mình.

Giờ Lê Năng đã đi xa, nhưng tôi tin là anh vẫn sống trong lòng bè bạn, đồng nghiệp và cả những người anh đến để tìm hiểu viết bài. Sắp đến ngày Nhà báo Việt Nam, tôi lại càng thấy nhớ Lê Năng, và tôi nghĩ làng Báo Yên Bái rất cần những nhà báo như Lê Năng để báo chí luôn là người bạn với độc giả, đồng hành cùng bạn đọc trong công cuộc xây dựng một xã hội không chỉ tiên tiến, hiện đại mà còn phải  giàu chất nhân văn.

Nguyễn Hiền Lương

 

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải