song
Một thoáng Khau Phạ
Ngày xuất bản: 20/04/2016 12:00:00 SA
Lượt đọc: 75852

Nơi trập trùng mây núi nên thơ và hùng vĩ phía bắc của Tổ quốc, có có biết bao con đèo gắn với những địa danh đã đi vào lịch sử, những vùng đất văn hóa và những con người đôn hậu thủy chung, nồng nàn tình yêu quê hương xứ sở và giàu khát khao mơ ước. Đèo Ách, Lũng Lô, Đèo Cón, Phiêng Ban, Pha Đin, Ô Quý Hồ… những đỉnh đèo hun hút gió mây - nơi gặp gỡ của đất trời, còn mang trong mình bao kỳ tích và huyền thoại về đất và người Tây Bắc. Nằm ở phía tây của tỉnh Yên Bái, đèo Khau Phạ cũng là một trong những Cổng Trời  trên dải Hoàng Liên cao vút.

Từ thành phố Yên Bái, theo qốc lộ 32 chừng 5 giờ đồng hồ, qua thị tứ Tú Lệ, bắt gặp một trong những cung đường đèo ngoạn mục nhất trên dải Hoàng Liên. Với chiều dài hơn 20 km, đèo Khau Phạ như một dải lụa sẫm màu vắt ngang các sườn núi của một vùng cao nguyên trùng điệp  “ Núi tiếp núi, bồng bềnh mây trắng - Đất và trời hò hẹn ở nơi đây  ”

Đèo Khau Phạ (Ảnh: Sưu tầm)

Khau Phạ là đèo dài và  hiểm trở nhất trên tuyến quốc lộ 32 và cũng là cung đường quanh co, có độ dốc đứng thuộc hàng “Tứ đại danh đèo” ở phía bắc Việt Nam. Đèo Khau Phạ vượt qua đỉnh Khau Phạ, ngọn núi cao nhất ở vùng Mù Cang Chải thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Theo tiếng Thái “ Khau Phạ ” có nghĩa là sừng trời. Người Mông gọi nơi này  là “Đở chua” nghĩa là đỉnh núi có nhiều gió. Đây là nơi giáp ranh giữa huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái.

Đèo Khau Phạ đi qua nhiều địa danh nổi tiếng. Chân đèo phía đông có Xã Cao Phạ - gắn liền với đội du kích Khau Phạ trong kháng chiến chống thực dân Pháp từ 1946 đến 1952, từng được mệnh danh là những chiến binh mây mù “Nương theo mây gió, xuất quỷ nhập thần” dùng súng kíp, liên tục đánh chặn nhiều cuộc hành quân của Pháp từ Nghĩa Lộ lên Lai Châu, Lào Cai…Được thành lập tháng 10 năm 1946, ban đầu đội du kích Khau Phạ chỉ có 7 đội viên đều là người Mông. Sau đó, số lượng đội viên ngày càng phát triển, có lúc lên tới 200 người, hoạt động trên khắp địa bàn phía tây của Yên Bái và các vùng lân cận. Du kích Khau Phạ đã phối hợp với bộ đội chủ lực tổ chức 41 trận  đánh, trong đó có  16 trận tác chiến độc lập, góp phần tiêu diệt 120 tên địch. Tinh thần chiến đấu cùng những chiến công của du kích Khau Phạ thể hiện sinh động chủ nghĩa yêu nước, tấm lòng son sắt với Đảng và quyết tâm chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước của đồng bào người Mông và nhân dân các dân tộc nơi cổng trời Khau Phạ.

Xa hơn một chút là xã Nậm Có - nơi còn giữ được những cánh rừng nguyên sinh, trong đó có những vạt rừng Sơn Tra hàng trăm tuổi. Giữa lưng đèo, phía bên này của hành trình lên Tây Bắc, do có khí hậu ôn đới quanh năm và nguồn nước tự nhiên trong lành như được chắt ra từ lòng núi là điều kiện lý tưởng cho nuôi thủy sản xứ lạnh. Chính vì thế, cá hồi ôn đới đã “Vượt đèo cao” có mặt ở nơi này, góp cho núi rừng Khau Phạ thêm nguồn sản vật quý.

Xuôi xuống phía tây đèo Khau Phạ là gặp La Pán Tẩn - một địa danh  nổi tiếng với kỳ tích ruộng bậc thang, như sóng vàng cứ dâng lên cao mãi và rượu thóc Y Mèo đậm đà hương vị tự nhiên cùng những vườn đào núi, mắc coọc ngọt ngào và thơm dậy mùa trái chín.  Ngã ba Kim - phố núi vùng cao, nơi có lâm trường Púng Luông gắn bó với bao thế hệ những người công nhân trồng rừng cho đất nước, làm nên bạt ngàn thông xanh trên cao nguyên Mù Cang Chải. Xa xa, phía tây nam là xã Nậm Khắt, từng được biết tới với đặc sản mật ong rừng, gắn với nghề nuôi ong lấy mật của đồng bào Mông nơi thung lũng xinh đẹp này. Mật ong Nậm Khắt sánh vàng, chắt chiu từ phấn hoa rừng: Mận tam hoa, sơn tra, đào phai, tớ dảy….chắc hẳn sẽ để lại dư vị ngọt ngào trong nỗi nhớ của những ai từng một lần vượt cổng trời Khau Phạ đến với nơi này. 

Những cung đường quanh co giữa những cánh rừng già còn đậm vẻ hoang sơ, thấp thoáng trong mây, càng khiến cho Khau Phạ thêm phần ngoạn  mục và thơ mộng. Mùa xuân về, Khau Phạ như được trang điểm thêm vẻ rực rở của hoa tớ dảy, hoa đào núi và sắc trắng tinh khiết của những nhành ban Tây bắc, những chùm hoa màng mủ, hoa sơn tra xinh xắn, đua nở bên sườn núi. Âm thanh trong trẻo của suối ngàn, thác nước hòa cùng tiếng khèn, tiếng sáo làm nên một bản giao hưởng nơi gặp gỡ đất trời đầy xốn xang và mời gọi.

Bên sườn núi, dưới chân đèo, những thửa ruộng bậc thang của người Mông cứ như những sóng nhạc, căng tràn khát vọng tình yêu cuộc sống  trên cao nguyên đầy sương gió này.

Khau Phạ đẹp nhất vào mùa lúa chín – độ tháng 9, tháng 10, khi lúa trên những chân ruộng bậc thang óng vàng như mật. Đây cũng là mùa lễ hội, tôn vinh sự độc đáo của văn hóa Mông và vẻ đẹp thắng cảnh ruộng bậc thang trên cao nguyên Mù Cang Chải.

Cùng với bạt ngàn thông xanh, rừng Khau Phạ còn lưu giữ được nhiều loài thực vật quý như: Chò chỉ, pơ mu, lát, sến, táu, dổi, gù hương cùng nhiều loài lan quý thuộc chi họ hoàng thảo, lan đuôi chồn, lan kiều, lan cẩm báo, lan tam bảo sắc, địa lan hoa vàng và một số loài động vật đặc hữu: Vượn đen tuyền, voọc xám cùng các loài chim đẹp có giọng hót hay…

Khau Phạ cảnh đẹp như mơ (Ảnh: Nguồn internet)

Nằm ở độ cao trên 1500 m so với mực nước biển, nên đèo Khau Phạ có thời tiết mát mẻ quanh năm như Đà Lạt với sự xuất hiện của thời tiết bốn mùa trong ngày. Khau Phạ thường thấp thoáng trong sương núi. Có những ngày xuất hiện lũng mây bồng bềnh đẹp tựa biển mây ở Sa Pa. Có năm, mùa đông nhiệt độ xuống tới âm độ, trên đỉnh đèo xuất hiện băng giá.

                                    “ Đường về nơi ấy mờ sương phủ

                                       Ngô bận bồng con trong gió reo

                                       Má ai chín ửng bên vườn mận

                                       Nắng buông nấn ná ở chân đèo …”

                                                    (Thơ - Trần Thị Nương)

Vẻ đẹp của thiên nhiên cuộc sống con người và những huyền thoại nơi cổng trời Khau Phạ đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tác thơ ca, nhạc, họa. Khau Phạ - mùa đông mây phủ, mùa hạ dạt dào thác núi, hay khi xuân sang rực rỡ hoa rừng và mùa thu - những chân ruộng bậc thang óng vàng màu no ấm… đều mang đến sự ngỡ ngàng và rung động trong tâm hồn nghệ sĩ .

                                    “ Đường qua Khau Phạ mù sương phủ

                                       Đèo mây hun hút tận Púng Luông

                                       Chênh vênh sườn dốc cheo leo vực

                                     Vệt nắng ngang trời nhẹ nhàng buông …”

                                                     (Thơ - Ngọc Bái)

Với người Mông, đèo Khau Phạ là nơi linh thiêng. Nên mỗi khi gặp chuyện chẳng lành hoặc mùa màng không bội thu, họ lại vượt lên đỉnh đèo, nơi hội tụ linh khí đất trời, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây lúa tốt tươi, mẩy hạt tràn trề ruộng bậc thang, no cái bụng người Mông từ mùa nay sang mùa khác. Còn với mỗi chúng ta, có dịp vượt đèo Khau Phạ, giữa bồng bềnh mây núi, cùng với cảm giác chinh phục độ cao để được “Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non” lại càng thêm yêu vẻ hùng vĩ của đất trời Tây Bắc - thêm yêu cuộc sống con người trên cao nguyên đầy sương gió này. Bằng khát vọng  và tinh thần lao động cần cù sáng tạo, họ đã làm đẹp thêm cho bức tranh thiên nhiên, cuộc sống nơi cổng trời Khau Phạ. Nhà thơ Lâm Quý một lần qua nơi này đã ví  Khau Phạ như “Sừng đất húc tung trời khắc nghiệt” cho ta thêm nghị lực và khát vọng vươn tới.  Như cây thông vượt lên sương gió, bốn mùa xanh trên đỉnh núi, đã trở thành biểu tượng sức sống và niềm tin của đất và người Khau Phạ./.

                                                                                                   Thanh Tửu

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải