song
Mùa xuân nghĩ về đạo đức báo chí của Bác
Ngày xuất bản: 17/05/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 51973

 Bác Hồ kính yêu của chúng ta ngay từ những ngày còn hoạt động ở nước ngoài, Bác đã viết rất nhiều bài báo với nhiều bút danh khác nhau. Bác viết cho báo ở Pháp, Liên Xô, Trung Quốc và nhiều nước khác. Sau này, khi là Chủ tịch nước, Bác vẫn viết đều đặn cho nhiều báo về nhiều đề tài. Văn phong báo chí của Bác giản dị, ngắn gọn nhưng không nông cạn, thường pha chút hài hước nên rất sinh động.

Đối với Bác, báo chí là công cụ đoàn kết quốc tế, đoàn kết giai cấp công nhân, đoàn kết các dân tộc bị áp bức đấu tranh giải phóng, đoàn kết phong trào cộng sản thế giới. Trong mỗi bài báo của Bác, cách sử dụng ngôn ngữ thể hiện rất rõ nét. Bác đã sử dụng rất khéo về từ ngữ nhằm lột rõ bộ mặt thật của chủ nghĩa đế quốc, qua đó cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đẩy mạnh cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, cổ vũ ý chí giành thắng lợi cuối cùng bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại. Bác viết báo chí không chỉ động viên, mà qua các tác phẩm báo chí với văn phong trong sáng của mình, Bác đã giáo dục và uốn nắn những yếu kém của Đảng ta và các ngành, các địa phương, cũng đều được Bác khen ngợi và phê bình bằng những ngôn ngữ báo chí đầy tính thuyết phục và sắc bén. Điều đặc biệt ở văn phong báo chí của Bác là “tính quần chúng” được thế hiện rất đậm nét khi nói và khi viết. Bác nói: “Kinh nghiệm của tôi thế này. Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì, viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?”. Sinh thời Bác luôn căn dặn các nhà báo, khi nói, khi viết: “Phải học cách nói quần chúng. Chớ nói như giảng sách. Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng...Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng có thể hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình ...’’(HCM toàn tập).

Mùa Xuân nghĩ về đạo đức báo chí của Bác (Ảnh: internet)

Tư tưởng, quan niệm của Bác, về việc sử dụng ngôn ngữ báo chí chủ yếu là tiếng Việt, đó là thể hiện bằng tình cảm, thái độ của Bác đối với dân tộc. Bác nói: ‘‘Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc, do đó trong khi viết, văn phong phải giản dị, ngắn ngọn, rõ ràng, dễ hiểu, không cầu kỳ chữ nghĩa, bố cục chặt chẽ thể hiện ở từng từ, từng câu mà trước hết là sự trình bày các ý trong các bài báo, bài văn để nhằm vào hành động của người nghe, người đọc.”(HCM toàn tập). Tại buổi nói chuyện Đại hội lần thứ hai của Hội nhà báo Việt Nam, ngày 16-4-1959, Bác căn dặn: “…Có hai cái tệ: một là rập khuôn, hai là dùng quá nhiều chữ nước ngoài. Cái bệnh dùng chữ... Đáng lẽ báo chí phải chống lại cái bệnh đó, nhưng trái ngược lại báo chí lại tuyên truyền cho cái tệ đó. Cố nhiên, có những chữ không thể dịch được thì ta phải mượn chữ nước ngoài. Ví dụ: những chữ kinh tế, chính trị... thì ta phải dùng. Hoặc có những chữ nếu dịch ra thì mất cả ý nghĩa, như chữ “độc lập”. Nếu “Việt Nam độc lập” mà nói “Việt Nam đứng một” thì không thể nghe được…Có những chữ mới mà ta chưa có, thì ta phải mượn. Ví dụ: ta phải nói “kilô”, vì nếu nói chữ “cân”, thì không đúng nghĩa là 1.000 gram. Song những chữ dùng tiếng ta cũng đúng nghĩa thì cứ dùng tiếng ta hơn. Có những người hình như sợ nói tiếng ta thì nó xấu hổ thế nào ấy! Họ làm cho các cháu học sinh cũng bị lây bệnh nói chữ, như “phụ đạo”, “giáo cụ trực quan”... Thật là tai hại!”. Bác nhấn mạnh: “Có người chỉ muốn làm cái gì để “lưu danh thiên cổ” cơ. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn. Cái đó cũng không đúng. Những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra. Họ không thấy rằng: làm việc gì có ích cho nhân dân, cho cách mạng đều là vẻ vang. Bất kì việc gì mà mình là tròn nhiệm vụ đều là vẻ vang”(Trích HCM toàn tập).

Một mùa xuân mới lại về, nhưng Bác Hồ kính yêu của chúng ta đi về với “ thế giới người hiền” đã hơn 40 năm. Nhưng Bác để lại cho chúng ta một tài sản văn hóa tinh thần vô cùng quý báu. Đó là thời đại Hồ Chí Minh - thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử vinh quang của dân tộc. Đó là kỷ nguyên độc lập tự do của Tổ quốc, kỷ nguyên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đối với những người viết báo, viết văn hiện nay, được hưởng thụ tài sản vô giá của Bác về phong cách, tư tuởng, quan niệm... làm báo cách mạng. Bác vừa là lãnh tụ tối cao của dân tộc nhưng cũng là người thầy, Người cha, người Bác, nguời bạn đồng nghiệp suốt cả cuộc đời vì sự nghiệp báo chí nước nhà để lãnh đạo cách mạng Việt Nam có được những thành tịu cách mạng như ngày hôm nay.

                                                                                                  Hoàng Bích Hà

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải