song
Nhà báo Thanh Vân: Đời và nghề
Ngày xuất bản: 24/01/2018 12:00:00 SA
Lượt đọc: 35457

 Đến với nghề cũng bởi chữ duyên

Xuân này, nhà báo Thanh Vân vừa tròn 70 tuổi đời và 50 năm tuổi Đảng, qua câu chuyện của ông, kỷ niệm lại lôi cuốn kỷ niệm, tất cả ùa về rõ ràng, chi tiết. Dường như mọi kỷ niệm, dấu mốc đó chưa bao giờ bị quên lãng.

Ông kể ngày còn nhỏ, ông mê nghe đài lắm, cứ thấy ở đâu có tiếng đài ông cũng vào nghe. Nhà nghèo chỉ học được hết cấp II, ông xin làm cán bộ tuyên truyền của Ty Văn hóa Thông tin tỉnh Yên Bái. Yêu nghề viết nên trong những lần về các xã ông tranh thủ nắm thông tin và viết bài cộng tác với Báo Yên Bái, rồi ông trở thành cộng tác viên của Báo.

Lãnh đạo cơ quan nhận thấy ông đam mê nghề viết và cũng có chút năng khiếu nên điều ông về làm ở Phòng Biên tập, sau này sáp nhập bộ phận biên tập Đài Truyền thanh Yên Bái trực thuộc Phòng Biên tập do ông làm Trưởng phòng từ năm 1974. Năm 1976 ông theo cơ quan lên Lào Cai làm Trưởng phòng Biên tập thuộc Ty Thông tin khi tỉnh Hoàng Liên Sơn được thành lập.

Trong những năm ở Ty Thông tin Yên Bái, ông vừa làm vừa học bổ túc hết cấp III. Cuối năm 1977, Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn được thành lập, ông chuyển về làm Trưởng phòng Biên tập của Đài. Nhận thấy trình độ, năng lực khó đáp ứng yêu cầu công việc, năm 1979 ông thi đỗ và xin cơ quan cho đi học ở Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền).

Nhà báo Thanh Vân

Từ một cán bộ tuyên truyền, ông được Đảng, Nhà nước quan tâm đào tạo, với nhiệt huyết của bản thân và tâm huyết với công việc được giao, ông đã trở thành nhà báo được nhiều đồng nghiệp quý mến, được giao đứng đầu hai cơ quan báo chí lớn của tỉnh là Đài PTTH và Báo Yên Bái; Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh; Phó Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Bí thư Huyện ủy Văn Yên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy; Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh. Dù ở nhiều cương vị khác nhau nhưng ông vẫn luôn hiện diện với tư cách một nhà báo, bởi trong công việc ông luôn lấy lòng thành, những lời “gan ruột” của mình để thuyết phục mọi người, chứ không bao giờ cần đến quyền lực mà mọi việc vẫn luôn hoàn thành tốt đẹp.

Làm Tổng biên tập vẫn đi và viết

Việc đứng đầu một cơ quan báo chí bận với rất nhiều việc, nhưng ông luôn giữ tác phong tháng nào cũng đi cơ sở một lần, xuống một xã vùng cao, nông thôn, ngủ nhà dân, tắm mình trong không khí đời thực để nghe những tiếng nói thật của người dân và phản ánh trung thực làm cho bài báo có hồn, như ông thường nói với đồng nghiệp “Chỉ những gì mình thấy rung động trong trái tim khi viết ra mới làm cho người ta cảm động, chạm được vào trái tim bạn đọc và như vậy bài báo mới có hiệu quả”.

Nhưng chuyện ông làm đến Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh mà vẫn đi cơ sở viết bài đến giờ nhiều đồng nghiệp vẫn nhắc như một chuyện lạ. Ông còn lạ ở chỗ chỉ thích đi những nơi xa xôi, khó khăn nhất, nhiều khi chỉ đến được bằng phương tiện duy nhất là đôi chân. Những chuyến xe như thế lúc thì hỏng xe, khi thì lạc đường nên nhỡ bữa, đói cơm, khát nước dường như khó tránh khỏi.

Khi làm Tổng Biên tập Báo Yên Bái có lần ông quyết định lên Tân Phượng, Lục Yên, là xã xa chưa có đường ô tô tới nơi, mọi người phải đi bộ qua xã Việt Tiến (Bảo Yên - Lào Cai), đến tối mới tới xã, bữa cơm “mầm đá” lúc 23 giờ đêm ở nhà Bí thư xã được ông và nhà báo Hữu Tê nhớ mãi như một kỷ niệm với nghề. Vất vả nhưng đổi lại là những bài báo sinh động ra đời như bài ký “Trở lại vùng Đất Ngọc” được đăng ở Báo Yên Bái và Báo Nhân dân được cán bộ và nhân dân Lục Yên trân trọng đón nhận. Rồi chuyến đi Nậm Khắt, Mù Cang Chải do cầu hỏng, phải cuốc bộ, nhờ mấy gói mì tôm mà chị Phượng ở Đài Truyền thanh huyện mang theo đã cứu cánh cho cả đoàn công tác đến được tới xã.

Nhà báo Thanh Vân tâm sự “Văn là người” - các cụ vẫn dạy thế! Ý thức, phẩm chất, tư tưởng, tính cách của người viết thế nào nó thể hiện ra bài viết như thế. Người biên tập đọc qua biết ngay người viết lao động đến mức nào? Nghiêm túc hay hời hợt. Bởi thế người làm báo có trách nhiệm phải luôn tu dưỡng, học hỏi, thận trọng, nghiêm túc với công việc”. Ông luôn nghiêm túc với nghề, khắt khe với mình, chân tình thân ái với đồng nghiệp. Vậy nên nhà báo Hoàng Thế Sinh luôn nói “Nhà báo Thanh Vân vừa là thủ trưởng, vừa là thủ lĩnh nhưng cũng là một người anh”. Còn nhà báo Hữu Tê thì tâm sự “Làm việc với Nhà báo Thanh Vân có ốm cũng không dám ốm nữa bởi anh ấy quá chân tình, lại rất hiểu mọi người và quan tâm đến anh em”.

Nghề báo luôn hiện diện trong mọi công việc

Tư chất nhà báo giúp rất nhiều trong công việc và ông lấy báo làm phương tiện phục vụ trong công tác của mình. Trách nhiệm của người làm báo cũng như một người lãnh đạo là trung thực, chính xác, kịp thời, khát khao xã hội tốt đẹp. Vì thế mà 2 năm làm Bí thư huyện ủy Văn Yên ông đã đi hết 27 xã của huyện, xã ít nhất thì cũng 2 lần để gặp gỡ và nói chuyện với bà con. Ông đi và tìm hiểu từ đó dần gỡ khó cho từng vùng, động viên cán bộ và nhân dân. Nhiều lần ông mời bạn bè đồng nghiệp ở cơ quan báo chí Trung ương và tỉnh cùng đi để phản ánh, động viên kịp thời các cơ sở. Mảnh đất Văn Yên cũng từng ngày phát triển, yên bình, lòng dân luôn đồng thuận. Đến khi ông chuyển về làm Chánh văn phòng Tỉnh ủy Yên Bái nhiều người vẫn gọi “Bác Vân nhà báo” một cách trìu mến. Ông coi đó là kỷ niệm đẹp sinh động giữa đời và nghề trong quá trình công tác của mình.

Là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, ông luôn tham mưu với Thường trực Tỉnh ủy quan tâm đến sự nghiệp báo chí, cung cấp thông tin, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà báo làm việc. Khi làm Phó ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ông đã tham mưu đề xuất và góp nhiều công sức xuất bản cuốn Thông tin nội bộ (nay là Thông báo nội bộ); đề xuất để tỉnh liên kết với với Học viện Báo chí và Tuyên truyền mở lớp đại học tại chức chuyên ngành báo chí ngay tại tỉnh.

Là Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, ông coi trọng và lấy báo chí làm phương tiện tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Trận lũ quét năm 2005 xảy ra ở Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, nhờ làm tốt công tác truyền thông, được cả nước, cả thế giời quan tâm, xúc động nên đã thu hút được sự ủng hộ rất to lớn của các tổ chức, cá nhân, trong đó có cả những người Việt ở nhiều nước trên thế giới.

Một ngày đẹp trời trước thềm Xuân mới Mậu Tuất, trò chuyện với nhà báo Thanh Vân đã nghiệm ra nhiều bài học sâu sắc về nghề nghiệp, một đời cống hiến cho báo chí và đến hôm nay ông vẫn viết, bởi trong ông ngọn lửa yêu nghề vẫn cháy.

Thùy Linh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải