song
Nhớ về vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam
Ngày xuất bản: 03/09/2023 12:00:00 SA
Lượt đọc: 5327

 NB&CL Những ngày này, chúng tôi lại nhớ về nhà báo Xuân Thủy - vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo (HNB) Việt Nam.

Khởi đầu hoạt động cách mạng bằng nghề báo, báo chí với Xuân Thủy là thanh gươm đuổi giặc, là ngọn đuốc soi đường cách mạng. Sự nghiệp làm báo của ông sáng mãi trong lịch sử báo chí Việt Nam, gắn liền với con đường cách mạng, cống hiến cho dân tộc, cho độc lập thống nhất nước nhà…

Một cán bút làm đòn xoay chế độ

Đồng chí Xuân Thủy, tên khai sinh là Nguyễn Trọng Nhâm, sinh ngày 2/9/1912 tại thôn Hòe Thị, nay là tổ dân phố 4, phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Năm 1935, Xuân Thủy thoát ly quê hương, bước vào con đường hoạt động cách mạng chuyên nghiệp. Đến Phúc Yên, ông làm cộng tác viên cho báo Trung Bắc tân văn, Hà thành ngọ báo và một số tờ báo khác. Để dễ bề hoạt động, Xuân Thủy mở hiệu thuốc bắc ở Khu Đệ Nhất, nay là phố Trưng Trắc, trước nhà có đôi câu đối: “Xuân hồi thảo mộc thiên hoa phát/ Thủy bất ba lan tứ hải bình”, nghĩa là “Xuân về cây cỏ muôn hoa nở/ Nước không sóng dữ biển yên bình”. Bút danh Xuân Thủy chính là hai chữ đầu của hai vế đối này.

Báo chí với Xuân Thủy là thanh gươm đuổi giặc, là ngọn đuốc soi đường cách mạng. Ngày 1/1/1937, Gô-đa dẫn đầu phái đoàn Chính phủ Pháp đến Việt Nam. Cả nước dấy lên phong trào đón Gô-đa, thực chất là biểu tình đòi dân chủ. Xuân Thủy cử các đồng chí của mình đưa một đoàn người Phúc Yên rầm rộ tiến về Hà Nội. Nông dân Lê Văn Thân do tham gia đón Gô-đa, bị Tuần phủ Phúc Yên đe dọa và dùng triện đồng đánh vào tay. Xuân Thủy đã thảo cho Lê Văn Thân một lá đơn kiện, đưa cho vợ và người em họ bí mật gửi đăng báo Le Travail (Lao Động) của Đảng, sau đó nhiều tờ báo khác trong nước và cả ở Pháp đăng lại. Dưới sức ép của báo chí, lần đầu tiên, tòa án thực dân gọi một viên quan đầu tỉnh ra ngồi ghế bị cáo trước nguyên đơn là một nông dân. Đây là sự kiện có một không hai trong lịch sử cách mạng và lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Năm 1941, Xuân Thủy bị giam ở nhà tù Sơn La lần thứ hai. Tại đây, ông và các đồng chí của mình xuất bản Suối reo. Đây là tờ báo trong tù rất nổi tiếng, được truyền bá ra ngoài và cả trong đội ngũ binh lính Pháp; có tiếng vang khi Đảng chưa giành được chính quyền và có vị trí rất vẻ vang trong lịch sử báo chí Việt Nam.

 

Nhà báo Xuân Thủy cùng các đồng nghiệp tại Đại hội lần thứ II Hội những người viết báo Việt Nam, Hà Nội, tháng 4.1959. Nguồn: Hội Nhà báo Việt Nam.

Từ năm 1944, Xuân Thủy làm chủ nhiệm, chủ bút Báo Cứu Quốc; đồng thời là cây bút chính với các bút danh Chu Lang, Tất Thắng, Ngô Tất Thắng v.v… Trong những thời điểm then chốt của cách mạng, tính dự báo chính xác, tính chiến đấu cao của báo Cứu Quốc đã có sức hô gọi, lôi cuốn quần chúng vô cùng mạnh mẽ.

Báo Cứu Quốc ra ngày 21/10/1944, nghĩa là chưa đến ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945; Xuân Thủy có bài “Đông Dương sắp thành bãi chiến trường” dự báo: “Phát xít Đức đang giãy chết ở Châu Âu. Mặt trận Thái Bình Dương bắt đầu kịch liệt... Không những quân Anh - Mỹ - Tàu sẽ giết Nhật - Pháp mà chính Nhật - Pháp cũng tự giết nhau... Quân thù đang yếu. Cơ hội tốt đang đến. Với quyết tâm chiến đấu, thắng lợi nhất định về ta”! Đúng hai tháng sau, ngày 9/5/1945, chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt. Năm tháng sau, ngày 19/8/1945, Cách mạng Tháng Tám ở nước ta giành thắng lợi hoàn toàn!

Đồng chí Trường Chinh đánh giá về Báo Cứu Quốc và chủ bút Xuân Thủy: “Anh Xuân Thủy được Đảng phân công trực tiếp phụ trách báo Cứu Quốc từ thời kỳ hoạt động bí mật và suốt cả thời kỳ kháng chiến chống Pháp...

Đó là tờ báo hàng ngày duy nhất của Đảng và nhân dân ta trong thời kỳ này. Chỉ việc ra báo đều đặn suốt 3.000 ngày trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, gian khổ, thiếu thốn cũng có thể nói, đó là một kỳ tích của nhân dân ta. Báo Cứu Quốc là niềm tự hào của Báo Đại đoàn kết ngày nay và cũng là niềm tự hào chung của báo chí cách mạng nước ta”.

Người tổ chức báo chí cách mạng, Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam

Tối 19/8/1945, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời Bắc Bộ họp, Xuân Thủy đã đề nghị ngay một việc vừa cấp bách, vừa chiến lược cho cuộc kiến tạo tương lai: Thành lập Nha Thông tin Bắc Bộ và Đài Phát thanh Quốc gia. Ngày 22/8/1945, tại số 4 Đinh Lễ, Hà Nội, Xuân Thủy họp một số thanh niên trí thức và giao cho Trần Kim Xuyến phụ trách Việt Nam Thông tấn xã; Trần Lâm phụ trách Đài TNVN. Ngày 23/8/1945, VNTTX phát bản tin đầu tiên bằng bốn thứ tiếng Việt, Hoa, Anh, Pháp. Ngày 7/9/1945, Đài TNVN đã truyền đi khắp thế giới buổi phát thanh tiếng Việt đầu tiên... Kết quả đó thể hiện sự nhanh nhạy, quyết liệt trong tổ chức báo chí tài ba của Xuân Thủy.

Cùng đó, với tư cách là người phụ trách tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh, đồng chí Xuân Thủy đã trực tiếp mời nhà trí thức Nguyễn Tường Phượng - Chủ nhiệm tạp chí Tri Tân đến trụ sở Báo Cứu Quốc, nói: “Nay đã đến lúc các nhà báo chúng ta cần tập hợp lại vào một tổ chức, không phân biệt báo đoàn thể hay báo tư nhân... Tôi đã xin ý kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ rất hoan nghênh và nói: “Người làm báo cũng là chiến sĩ. Người cầm bút, người cầm súng, cầm gươm cùng đoàn kết trong một Mặt trận để cùng toàn dân cứu quốc và kiến quốc” ...”

Ngày 27/12/1945, gần 100 nhà báo ở Hà Nội họp tại trụ sở Hội Văn hoá Cứu Quốc lập ra Đoàn Báo chí Việt Nam. Nhà báo Nguyễn Tường Phượng, Chủ nhiệm Tạp chí Tri Tân được bầu làm Chủ tịch. Đây là tổ chức tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam. Do kháng chiến, Đoàn Báo chí Việt Nam phân tán. Để kịp thời có một tổ chức báo chí phục vụ kháng chiến, Đoàn Báo chí Kháng chiến Lâm thời ra đời do ông Đặng Thai Mai làm Chủ tịch.

Đến 1948, Đoàn Báo chí Kháng chiến được Bộ Nội vụ phê chuẩn Điều lệ và cho phép hoạt động chính thức do Xuân Thủy làm Chủ tịch.

Ngày 21/4/1950, Xuân Thủy đứng ra triệu tập đại diện các cơ quan báo chí Trung ương đóng ở chiến khu Việt Bắc thay mặt báo giới cả nước tổ chức Đại hội thành lập “Hội Những người viết báo Việt Nam” tại Hội trường Báo Cứu Quốc. Đại hội đã bầu nhà báo Xuân Thủy làm Hội trưởng.

Nghị định số 232 ngày 2/6/1950 của Bộ Nội vụ do Bộ trưởng Phan Kế Toại ký ghi rõ: “Chiểu đơn xin thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam của ông Xuân Thủy, Chủ nhiệm Báo Cứu Quốc... Nay cho phép Hội Những người viết báo Việt Nam được thành lập và hoạt động theo Điều lệ định theo Nghị định này”. Đây là căn cứ lịch sử để chứng minh Xuân Thủy chính là người sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam. Nhà báo Xuân Thủy giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trong hai nhiệm kỳ, từ năm 1950-1962.

Khi nước nhà thống nhất, ngày 7/7/1976, với cương vị Bí thư Trung ương Đảng, Xuân Thủy đã chủ trì hợp nhất Hội Nhà báo Việt Nam với Hội Nhà báo Yêu nước và Dân chủ Miền Nam Việt Nam thành Hội Nhà báo Việt Nam như hiện nay. Năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối.

Tháng 3/1977, Xuân Thủy chủ trì hợp nhất Báo Cứu Quốc và Báo Giải Phóng. Ông đã đặt tên báo là “Đại Đoàn Kết” để khắc sâu lời dạy của Bác Hồ “Đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, đại thành công”. Năm 1949, với tư cách là Ủy viên Thường trực Ban Thường vụ Tổng bộ Việt Minh và Chủ tịch Đoàn Báo chí Kháng chiến, Xuân Thủy đã tổ chức thành công Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Tuy chỉ đào tạo được một lớp duy nhất, nhưng Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Xuân Thủy phụ trách và là giảng viên đã đào tạo được nhiều cán bộ làm báo phục vụ kháng chiến và để lại những kinh nghiệm quý báu cho các trường đào tạo báo chí sau này.

Là một nhà báo, Xuân Thủy hiểu rất rõ vai trò của báo chí đối với dư luận, nên khi được cử làm Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ VNDCCH tại Hội nghị Pa-ri, ông đã chọn và mang theo một dàn nhà báo xuất sắc như Nguyễn Minh Vỹ, Nguyễn Thành Lê, Lý Văn Sáu, Hồng Hà, Hà Đăng, Nguyễn Hữu Chỉnh, Hoàng Phong, Lê Bình, Xuân Oanh, và nhiều nhà báo tài năng khác. Những hoạt động báo chí và vận động dư luận này đã góp phần đáng kể tạo ra “mặt trận đoàn kết nhân dân thế giới” rộng lớn chưa từng có, một phong trào phản chiến rầm rộ ngay trong lòng nước Mỹ. Đây cũng chính là nguyên nhân không kém phần quan trọng đưa đến thành công của Hội nghị Pari về Việt Nam - đã “đánh cho Mỹ cút” để đến Mùa xuân năm 1975 “đánh cho ngụy nhào”, thống nhất đất nước.

Tuy hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nhưng có lẽ, báo chí là lĩnh vực ông say mê nhất và gắn bó suốt đời. Ở tuổi thanh xuân, ông khởi đầu hoạt động cách mạng bằng nghề báo. Chiều 18/6/1985, trong cơn mưa tầm tã, trái tim ông đã đột ngột ngừng đập khiến ông gục xuống ngay trên bàn viết, trước bản thảo “Những chặng đường báo Cứu Quốc” đang dở dang. Nhiều dự định cao cả của ông chưa thực hiện được khi cuộc đời ông dừng lại ở tuổi 73, nhưng sự nghiệp làm báo của Xuân Thủy, con đường cách mạng cống hiến cho dân tộc theo Bác Hồ của Xuân Thủy, của lớp lớp cha anh thì còn chảy mãi cùng đất nước, sáng mãi trong lịch sử báo chí Việt Nam.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải