song
Ơi PhanSiPăng!
Ngày xuất bản: 05/07/2016 12:00:00 SA
Lượt đọc: 52165

Trong cuộc đời, ai chẳng có những niềm vui bất ngờ, có thể do ngẫu nhiên và không ngẫu nhiên, niềm vui có thực nhưng lại cảm giác như mơ. Đấy là lần, tôi -  với tư cách một nhà báo Yên Bái, kiêu hãnh và sung sướng đặt chân trên đỉnh đá Huasipan PhanSiPăng“nóc nhà”Đông Dương 3.143 m của dãy Hoàng Liên Sơn thiêng liêng, hùng vĩ.

1. Niềm vui bất ngờ

Lần ấy, còn nhớ vào tháng 7 năm 2004, tôi dẫn đoàn nhà báo Báo Yên Bái xuyên Việt, vừa từ Cà Mau hối hả về đến Yên Bái thì gặp ngay lãnh đạo Báo Thái Nguyên với Báo Bắc Giang, các bạn đang trên đường đi Lào Cai để chuẩn bị cho cuộc “Chinh phục PhansiPăng”. Ô, sao lạ lùng, tôi cũng đang khao khát một lần lên đỉnh PhanSiPăng cho thỏa chí trai nhà báo đây. Cơ may ngẫu nhiên, tôi ngỏ ý và được chấp nhận nhập đoàn nhà báo trẻ Thái Nguyên và Bắc Giang, chuẩn bị lên PhanSiPăng vào đầu tháng 10-2004. May thế! Thật là một niềm vui bất ngờ! Mà còn những ba tháng nữa cơ. Ba tháng chờ đợi, hơi lâu, theo gợi ý của các bạn, tôi phải luyện đi bộ mỗi ngày ít  nhất là 5 km.

Thì đi bộ.

Mong từng ngày qua nhanh.

Nhà báo Hoàng Thế Sinh

2. Lên PhanSiPăng

Ngày 1- 10 - 2004, tôi cùng các nhà báo trẻ của Báo Thái Nguyên và Báo Bắc Giang, có nhà báo Văn Cường của Báo Lào Cai tháp tùng, tất cả nghỉ ngủ tại Khách Sạn Công đoàn Sa Pa. Một đêm nghỉ lấy sức. Tôi dậy từ bốn giờ sáng, ngồi thiền rất lâu. Sớm mai cơm nước xong, tôi sang phòng Vũ Liêu - Phó Tổng biên tập Báo Thái nguyên, Trưởng đoàn “Chinh phục PhanSiPăng”, chuyện gẫu. Gương mặt Vũ Liêu bỗng trầm tư. Vũ Liêu thắt dây giày, thỉnh thoảng ngó sang tôi, hình như muốn nói gì, mà không nói gì, mắt cùm cụp, lại thắt lại dây giày, lại ngó ngơ sang tôi như muốn...? Ơ lạ! Cái tay này có chuyện gì chăng? Mà chuyện gì nhỉ? Mấy hôm cùng nhau ở Báo Lào Cai vui vẻ thế, chuyện gì chứ? Nghĩ mãi?? Thầm nghĩ thôi! Ô, bạn Vũ Liêu ơi! Tôi hiểu ra rồi. Bạn định nói với tôi rằng: “Thế Sinh đừng lên PhanSiPăng, nguy hiểm lắm!”, phải thế không? Là bởi, tôi không trong đội hình “nhà báo trẻ”, rất có thể làm hỏng cuộc chơi, những năm mươi ba tuổi rồi, trong cái số trời “bốn chín chưa qua, năm ba đã tới”, tuổi hạn - nguy hiểm! Nể tôi, bạn ngại nói thẳng, đến nỗi bây giờ, hình như tâm trạng đang bị giày vò, dùng dắng, ái ngại làm sao?! Ừ dưng mà, bạn không nói thì thôi, phải chấp nhận, tôi cũng vờ lờ đi, cho qua vì tôi đang rất quyết tâm lên bằng được PhanSiPăng đây. Mà dù Vũ Liêu có nói với tôi như thế thì tôi cũng quyết không bỏ cuộc đâu. Hình như Vũ Liêu nhìn thấy cái vẻ mặt tươi rói với khát vọng leo núi trong ánh mắt long lanh rực cháy của tôi, nên im, lặng lẽ thít dây giày thật chặt, rồi vươn dậy thúc giục các nhà báo trẻ lên đường. Theo chân các bạn, tôi ngó lên cao, thấy biển mây xám bạc đè trĩu xuống khiến chân núi PhanSiPăng như tòe rộng ra. Mưa ào chút, rồi tạnh. Chiếc Mecsedec Ben của Công ty Đức Minh đón chúng tôi ngược Ô Quy Hồ, đến tận đại bản doanh Vườn quốc gia Hoàng Liên. Gió ào từng cơn. Sương bay mờ mịt. Cuộc chinh phục PhanSiPăng bắt đầu lúc 9h5phút, dưới sự hướng dẫn của hướng dẫn viên du lịch Trần Tiến Sơn cùng các chàng trai Mông làm dịch vụ do Thào A Chừ và Thào A Tếnh phụ trách nhóm. Rảo chân khỏi bản doanh Vườn quốc gia Hoàng Liên là gặp ngay rừng Sặt gai, giống cây Trúc, lạ, Sặt gai thân tím mà quanh đốt mọc gai cong nhọn hoắt như thể muốn thách đấu với kẻ nào dám động vào ta. Mải miết vượt dốc. Vào đến rừng nguyên sinh, chao ôi là cây cổ thụ. Xùm xòa bóng lá. Loằng ngoằng rễ bạnh như đàn trăn rắn khổng lồ cuộn mình bám đất. To đùng cây cành. Mốc meo. Xù xì. Lá lá. Hoa hoa. Lòa xòa phong lan. Mướt rì địa y và rêu. Tôi hỏi anh Sơn tên các loài cây. Anh Sơn chỉ lên tấm biển gắn trên thân cây. Ờ nhỉ. Tôi liền giở sổ tay ghi nhanh: Quế đỏ, Chân vịt, Vối thuốc, Dẻ gai nhím, Kha thu KAWAKAM, Nâu bồ dục, Hồi lá mỏng, Sồi tày, Dạ hợp CAHCART, Chè trám, Bùi lá sẫm, Hồng quang CHAMPION, Đỗ quyên..., rồi nâng máy ảnh chụp lia lịa. Ngoảnh ra, anh Sơn cùng các bạn trẻ đã tít hút đâu rồi. Tôi tháo giày bước chân trần trên lá mục êm mềm như nhung, một lúc, vội xỏ giày, chạy gằn theo dấu chân lấp tấp hoa Chè trám rắc vàng lối nhỏ. Kịp chập với anh em. Xuyên qua mấy vườn Thảo quả của người Mông, khói sấy quả bay lượn lờ, tỏa mùi thơm ngọt nức. Xuyên qua rừng Trúc, cây dựng tắp tắp miên man. Kìa dốc! Dốc nghiêng hun hút sườn núi mới khiếp, cứ dựng ngược đất đá và cây. Ai chà, lại rừng, anh Sơn bảo đây là rừng Cảnh Tiên, cây nhỏ, rắn chắc, đều tắp, vòm lá xanh rịm, tán lá giao khít, rạp thấp như lợp thành mái núi, rất nhiều cây Đỗ quyên với những cây gì nữa, nhiều lắm, mà sau này tôi mới biết là những cây Thiết sam, Ngọc am, Hoàng đàn, Liễu sam, vv. Chuyện lạ. Có lẽ tôi là người đầu tiên phát hiện, rằng thân cây nhỏ chẳng dáng vẻ gì là cổ thụ cả, nhưng cổ thụ rễ. Rễ to đùng. Rễ to hơn cả thân cây. Là bởi, trên cao này, mưa rừng ào ạt, gió bão ầm ầm dữ dội, cây không thể vươn cao, còn rễ thì phải to khỏe mới mong không bật gốc mà tồn tại. Mùa này tôi không được xem hoa Đỗ quyên nở.

Hoàng hôn trên đỉnh PhanXiPang (ảnh: Internet)

Tiếc lắm! Thế nên mùa xuân năm 2008, tôi lại theo đoàn phóng viên Báo Lào Cai lên PhanSiPăng. Ôi giời! Hoa Đỗ quyên như một dải lụa hồng bay bay tít tít sườn núi PhanSiPăng, mà tôi nghĩ hoa Đỗ quyên vừa bay vừa nở, sao mơ màng, yểu điệu, mê hồn quá thể. Theo kỹ sư Tuyến cán bộ Vườn quốc gia Hoàng Liên, tôi được biết rừng Hoàng Liên có tới 30 loài Đỗ quyên, 167 loài Phong lan hoa cực đẹp, mà không chỉ Phong lan với Đỗ quyên, rừng Hoàng Liên khổng lồ còn 2.024 loài thực vật bậc cao có mạch và nhiều loài ra hoa thơm trái ngọt để làm phong phú thêm cho cuộc sống của chừng 500 loài động vật, trong đó có nhiều loài động thực vật quí hiếm trên thế giới. Chúng tôi lên nữa. Chiều tụt xuống một bãi bằng ven suối, hỏi suối gì, anh Sơn lắc đầu. Tôi nhìn những tảng đá lớn đen sẫm đang dầm mình dưới nước mà trên mình đá còn găm bao nhiêu là lấm chấm trắng của vỏ sò, vỏ trai, vỏ ốc, vỏ hến – dấu tích mách bảo một cuộc hỏa sơn khủng khiếp cách nay hàng triệu năm đã đẩy lòng biển khơi dựng lên thành núi Hoàng Liên Sơn - tôi liền bảo đây là suối Hoang Thủy. Anh Sơn cười, ừ Hoang Thủy và  bảo nghỉ đêm tại đây – độ cao Hai ngàn bảy. Rừng chưa tắt nắng. Các chàng trai Mông dưới sự chỉ huy của A Chừ và A Tếnh, lập tức ngả lù cở, dựng lều, rồi đi lấy củi, nhóm lửa, nấu ăn. Ơ, các chàng trai Mông thế mà giỏi. Bếp đá. Lửa cháy rừng rực. Xoong nồi xủng xoảng. Nghi ngút khói cơm thơm. Thịt. Rau. Cá. Nướng. Xào. Rang. Luộc. Nấu. Tưng bừng món món. Các chàng trai trẻ ăn ngon lành bởi đã quá đói rồi. Ăn xong, tất cả vào lều, chui trong túi ngủ. Mệt nên các bạn trẻ ngủ lịm. Tôi nằm trằn trọc mãi. Khuya, sờ tay ra cạnh lều, lạnh buốt. Mịt mùng cao vời này, lạnh buốt, nên không tiếng muông thú kêu, không côn trùng rỉ rả, chỉ có tiếng suối Hoang Thủy chảy róc rách róc rách, cảm giác như chảy từ thời hồng hoang chảy về. Tôi gượng dậy, ngó ra ngoài rừng đêm. Ô lạ, bếp lửa ngún bập bùng. Lửa củi gộc thâu đêm đã đốt các viên đá kê bếp cháy đỏ rực thành những viên Ngọc – Lửa. Các chàng trai Mông nằm ngủ ngon lành ngay cạnh những viên Ngọc – Lửa, như xửa xưa người nguyên thủy từng ngủ thế. Bái phục những người con của núi Hoàng Liên Sơn! Sớm mai tiếp tục ngược dốc. Tới Hai ngàn chín thì hai bàn chân như đeo đá, nặng trĩu, tay bám cây, bám dây, nhấc từng bước tưởng rời khớp gối. Chợt rừng Trúc quân tử cứ tăm tắp, vút lên mơn mởm lá. Chợt cây Tùng sừng sững, xòa bóng xanh giữa trời xanh ngăn ngắt. Tuyệt thế! Cao này, gió còn hơn cả gió, nắng còn hơn cả nắng, mưa còn hơn cả mưa, bão còn hơn cả bão, lạnh tuyết sương còn hơn cả tuyết sương, thế mà Trúc quân tử với Tùng cứ vút lên, xanh tươi lạ lùng. Ờ, phải thế nên người xưa mới ví người quân tử với Tùng và Trúc, xứng đáng lắm. Bồng bềnh lên nữa. Mãi giữa trưa thì chúng tôi đặt chân lên đỉnh 3.143m PhanSiPăng. Ôi giời! Cao! Cao vời vợi! Mênh mông! Núi núi trập trùng - mênh mông. Trời trời vô cùng vô tận - mênh mông. Tất cả trong veo. Thân thể và hồn tôi nhập hút với nguyên thủy đá, nguyên thủy cây, nguyên thủy suối, nguyên thủy nắng, nguyên thủy gió, rồi tôi lịm ngất và hồn như thoát xác, trong veo. Tôi quì trên Huasipan – phiến đá lớn khổng lồ nằm chênh vênh, chắp tay vái lạy bốn phương trời đất. Vươn dậy, giơ tay muốn với lấy mặt trời như trái hồng chín đỏ rịm mùa thu đương treo lơ lửng ngay trước trán. Tôi cùng các nhà báo trẻ giăng cờ Tổ quốc, chụp ảnh.

Chào Phan Si Păng!

Chào Đông Dương!

 Trên đỉnh PhanXiPang (ảnh: internet)

3. Vỹ thanh

Chẳng lạ, bao nhiêu người leo lên đỉnh Evơrét, đỉnh núi cao nhất thế giới, gấp hơn hai lần độ cao PhanSiPăng cơ. Nhưng mà người ta leo núi Evơrét là đi trong mênh mông nắng gió và tuyết trắng miên man. Lạnh khủng khiếp và thô lì cảm giác. Còn tôi lên PhanSiPăng là đi trong bóng rợp cây xanh, đi trong gió mát trong lành, đi trong ngan ngát hương rừng, đi trong xôn xao tiếng lá và tiếng sơn ca hót ríu ran, đi trên thảm lá rụng êm như nhung và đất mềm ướt nước. Tự nhủ, nhà báo ơi, hãy giương hết các ăng-ten linh giác để cảm nhận cho hết sự thiêng liêng và hùng vĩ của PhanSiPăng. Hãy mở to đôi mắt thần diệu mà thu nhận cảnh sắc thiên nhiên muôn màu muôn vẻ của đá trầm mặc rêu phong, của cây xù xì mốc thếch thời gian, của lá xanh lá vàng lá đỏ, của hoa trắng hoa vàng hoa đỏ hoa tím hoa xanh. Hãy mở rộng cánh mũi hết độ để mà thưởng thức hương thơm của hoa, của lá, của quả, của nhựa ứa cây cành. Hãy dỏng cao đôi tai thính nhạy mà hứng lấy âm thanh véo von ngọt ngào của muôn sơn ca ríu ran khắp rừng khắp núi, này nữa là lao xao tiếng lá, này nữa là róc rách suối Vàng, rì rào suối Hoang Thủy, ào ào suối Mường Hoa, ầm vang tiếng nước đổ mờ trắng thác Bạc, Thác Hoa, thác Tình Yêu. Hãy dang rộng vòng tay ôm lấy đỉnh đá Huasipan PhanSiPăng để ấp trái tim mình lên đấy mà hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim núi thiêng đất Việt. Như thế, tôi đã nhập cả thân thể và hồn mình vào với PhanSiPăng. Có phải thế mà rời PhanSiPăng, tôi như người mất hồn mất vía, ngơ ngẩn tối ngày, cứ như là vừa mới trong cõi thần tiên bước ra cõi trần tục hoang hoải và thô thiển. Ngơ ngẩn mãi, rồi chợt tỉnh. Ờ, “lên PhanSiPăng”. Chứ không phải là “chinh phục PhanSiPăng”. Vì người Pháp, người Nga đã từng “chinh phục PhanSiPăng” từ lâu lắm rồi. Bây giờ, tôi “lên PhanSiPăng”, vừa khiêm nhường, vừa cảm nhận cũng là chuyện thường thôi. Thì xửa xưa thời thanh thiếu niên, sống bên dãy núi Con Voi đối diện qua sông Hồng với dãy núi Hoàng Liên Sơn, lại trải năm tháng vượt Trường Sơn đi đánh giặc, nên tôi đã từng chơi với rừng núi, ngủ cùng rừng núi, ăn bao nhiêu thứ ngon ngọt của rừng núi và lấy đi bao nhiêu sản vật của rừng núi, thấy lên PhanSiPăng như một cuộc trở lại xửa xưa ấy mà. Có lẽ thế nên tôi nâng bút viết mải miết Lên PhanSiPăng, như có Thần núi Huasipan PhanSiPăng xui khiến, rồi gửi cho các báo, liền được đăng trang trọng trên Báo Yên Bái, Báo Báo Thái Nguyên, Báo Bắc Giang, Tạp chí Văn Nghệ Lào Cai, tất nhiên, rồi đăng Báo Người Hà Nội, Báo Nhân Dân, Tuần báo Văn Nghệ Hội Nhà Văn Việt Nam.

Ơi PhanSiPăng!

Người đã cho tôi sự kiêu hãnh và niềm vui tuyệt vời!

                                                                                             Hoàng Thế Sinh

 

                                                         

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải