song
PV Ngọc Sơn: “Cái đích cuối cùng là một tác phẩm mang lại hiệu ứng tốt đẹp hơn”.
Ngày xuất bản: 10/06/2019 12:00:00 SA
Lượt đọc: 73764

 Từng đối diện với nhiều nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp, bị dụ dỗ mua chuộc, bị nhắn tin đe dọa, thậm chí bị đối tượng côn đồ bố trí để đánh nhưng phóng viên Ngọc Sơn vẫn là một trong số ít phóng viên của Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái thích phản ánh những mặt trái của đời sống xã hội và khi phát hiện vấn đề anh sẽ đi đến cùng để điều tra, phản ánh.

Tôi gặp phóng viên Ngọc Sơn sau khi anh có chuyến công tác một mình từ Mù Cang Chải. Thông thường những chuyến tác nghiệp lên các huyện vùng cao  thường có đồng nghiệp đồng hành, nhất là làm báo hình, vậy nhưng chuyến công tác lần này ngay trước giờ xuất phát, đồng nghiệp có việc đột xuất nhưng anh vẫn một mình xách ba lô, vác máy lên đường, anh đã quá quen với cảnh một mình, một máy giữa nơi núi rừng trùng điệp, trò chuyện cùng người dân quanh năm đầu trần, chân đất. 

Phóng viên Ngọc Sơn tác nghiệp tại Mù Cang Chải

Ngọc Sơn rất thích đến vùng cao, nhất là Mù Cang Chải và Trạm Tấu, đây là mảnh đất có nhiều đề tài và cũng bởi nơi đây anh gặp những con người chất phác, thật thà, giàu tình cảm. Trong mỗi chuyến đi cơ sở anh không cho phép đôi chân mình dừng nghỉ quá nhiều, anh luôn cố gắng góp nhặt từng chi tiết dù nhỏ nhất để có bức tranh đầy đủ, sống động trong từng tác phẩm và cũng là để làm giàu “kho tư liệu” của mình.

Người làm báo phải đi nhiều, tiếp xúc nhiều… thì mới có thể đúc rút cho mình những kinh nghiệm, phương thức ứng xử hay và mới có thể cầm bút viết lên những bài báo mà mình cho là tâm đắc. Ngọc Sơn kể lại chuyến công tác theo chân đồng chí Phùng Quốc Hiển, khi đó đang là Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái năm 2006 vào bản Kể Cả, bản xa xôi nhất của xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, ngày đó muốn đến bản Kể Cả chỉ có con đường mòn trong rừng là duy nhất của dân bản.  Chuyến đi bộ của đoàn kéo dài đến 10 tiếng vượt rừng, leo dốc, nước mang theo đã hết, cả đoàn phải lấy nước khe vào chai để dùng dần, đi từ 11 giờ trưa mà đến 21h tối mới đến bản, chân đau ê ẩm, đói và khát, anh đành phải xin cơm nguội của thầy cô giáo cắm bản để dành cho sáng hôm sau ăn vội cùng ít cá khô. Chuyến đi vất vả nhưng anh đã biết được nơi đây cuộc sống của những người dân còn nhiều khó khăn, những giáo viên cắm bản mới kiên trì như thế nào để mang cái chữ đến cho con em đồng bào dân tộc Mông. 

PV Ngọc Sơn trong chuyến công tác lên vùng cao Trạm Tấu

Ngọc Sơn cũng rất thích mảng phóng sự điều tra, trong rất nhiều câu chuyện  có lẽ chuyến tác nghiệp điều tra về một vụ phá rừng ở Mù Cang Chải là anh nhớ nhất. Phải mất nhiều thời gian tìm hiểu, theo dõi, điều tra rất kỹ, sau đó anh cùng một đồng nghiệp phải thuê một người dân vác máy, dẫn đường đột nhập vào tận địa bàn mà bọn lâm tặc trú giữa rừng sâu, anh và đồng nghiệp tận mắt chứng kiến và quay được cảnh phá rừng tàn khốc, sau đó anh đã phải đối diện với nhiều nguy hiểm, bị nhắn tin đe dọa, bị nhóm côn đồ bố trí đánh ngay tại nơi mà anh nghỉ, nhưng may nhờ nguồn tin báo từ bạn bè mà anh tránh được. Còn có những vụ việc một số đơn vị làm ăn gian dối từng bày tỏ mua chuộc bằng tiền, nhưng không bao giờ anh đồng ý.

Phóng viên Ngọc Sơn chia sẻ “Còn rất nhiều những câu chuyện như vậy, nhưng đã qua rồi mình không muốn nhắc lại. Đã làm về mặt trái thì phải chấp nhận khó khăn, nguy hiểm, ở mỗi vụ việc mình đều tự tìm được cách để tiếp cận và giải quyết khó khăn khác nhau, nhưng cuối cùng là mình vẫn quyết tâm đi đến cùng với đề tài mình đã lựa chọn”.

Có một chuyện mà tôi vô tình biết được trong chuyến cùng Hội Nhà báo Việt Nam lên trao quà cho các em học sinh bị ảnh hưởng do bão lũ vào cuối năm ngoái trong chương trình “Mùa xuân của em” tại trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Tà Ghênh, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải. Khi biết chúng tôi ở Hội Nhà báo Yên Bái có quen phóng viên Ngọc Sơn, Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái, Cô giáo Trương Nữ Thu Hằng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Tà Ghênh đưa chúng tôi đi xem một nhà đa năng, rộng trên 200m vuông là nơi tổ chức các hoạt động ngoài trời của nhà trường, nhà được khánh thành vào tháng 9/2018. Chị nói để có được ngôi nhà đa năng này đó là công sức, tấm lòng của phóng viên Ngọc Sơn. Vào tháng 7/2018 do ảnh hưởng của mưa lũ Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Tà Ghênh bị sạt lở nghiêm trọng, phải chuyển xuống điểm trường lẻ Nậm Pẳng  học tạm, khi Ngọc Sơn đến để phản ánh về những khó khăn của cô và trò trước năm học mới. Trước những khó khăn, thiếu thốn của Trường, anh đã đứng ra kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ sách vở, đồ dùng học tập và tiền mặt 100 triệu đồng, với số tiền đó anh cùng với mấy người bạn ở Phòng Giáo dục huyện Mù Cang Chải đứng ra trực tiếp tổ chức thi công xây dựng nhà đa năng này.

Phóng viên Ngọc Sơn tâm sự rằng, tác nghiệp ở vùng cao, chứng kiến nhiều khó khăn vất vả của bà con dân bản thì cái đích cuối cùng của anh là làm sao những tác phẩm của mình đem lại hiệu ứng tốt đẹp hơn, để cộng đồng biết rằng còn biết bao mảnh đời bất hạnh, khốn khó. Ngần ấy thời gian làm báo anh đã học được rất nhiều, học sự cảm thông, chia sẻ, nên nhiều khi cái sự đi của anh không chỉ dừng ở việc đưa tin, viết bài mà anh còn muốn làm được nhiều hơn thế, muốn sự giúp đỡ của mình thiết thực hơn cho những người dân đang phải chịu quá nhiều thiệt thòi. Và anh luôn tâm niệm một điều “Nếu làm báo một cách hời hợt thì sẽ chẳng bao giờ có được một tác phẩm ý nghĩa”.

Thùy Linh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải