song
Phóng viên Hoài Văn: Nghề báo cho tôi được đi, được viết, tuyên truyền và chia sẻ
Ngày xuất bản: 22/08/2019 12:00:00 SA
Lượt đọc: 56575

Đến với nghề báo khi chưa có kiến thức căn bản, do vậy những ngày đầu là những ngày đầy thử thách của Hoài Văn, trở thành một phóng viên của Phòng Báo Yên Bái điện tử, Hoài Văn vừa phải học viết, học quay phim, học kỹ thuật dựng vừa phải tiếp cận với quản trị mạng. Nhưng chính từ những áp lực, đòi hỏi của công việc đó đã cho Hoài Văn thêm kinh nghiêm, sự tự tin và những kiến thức tổng hợp phong phú ở nhiều lĩnh vực.

Sinh ra trong gia đình có cả bố và mẹ làm nghề báo nên trong ký ức của Hoài Văn nghề báo là những buổi bố và mẹ phải mang việc về nhà, bên chiếc đài catset bố thì bật ghi âm còn mẹ đọc, là những lần tha thẩn quanh Đài Phát thanh và Truyền hình Yên Bái (nơi bố mẹ làm việc) ngắm nhìn các chú, các bác với những chiếc máy to đùng, có lúc cậu còn được ngồi để theo dõi mẹ trong phòng thu, là những cuộc điện thoại của những khán giả nhà Đài muốn được phản ánh, chia sẻ thông tin và những câu chuyện trong nhà lúc nào cũng quẩn quanh về nghề báo, lúc đó Hoài Văn thấy nghề báo thật lạ.

Phóng viên Hoài Văn

Còn nhớ, ngày mới bước chân vào nghề Hoài Văn phải bắt đầu học viết, học quay phim, học kỹ thuật dựng vừa phải tiếp cận với quản trị mạng, cái gì Hoài Văn cũng thấy khó, nhiều lúc cảm thấy quá sức. Nhưng được các anh, chị trong phòng tiếp sức bằng chính câu chuyện của mọi người, Văn nhận thấy những khó khăn của đồng nghiệp chính là bài học cho mình và cậu tự nhủ “mọi người còn khó khăn, vất vả hơn mà vẫn vượt qua thì mình cũng phải làm được và bớt than vãn đi, phải bền bỉ dần dần”.

Hoài Văn cũng bắt đầu với những chuyến xe máy vượt từng cung đường cua, dốc, thiếu người đi nhưng lại thừa nguy hiểm. Gắn bó với nghề, với công việc là phóng viên, Hoài Văn nhanh chóng nhận ra có muôn vàn bài học về nghề báo mà “trường đời” có thể dạy cho mình. Nghề báo tuy vất vả nhưng luôn mang lại nhiều cảm xúc. Những chuyến đi đến khắp các vùng quê trong tỉnh trở thành những chuyến dã ngoại bổ ích vì được tìm hiểu thêm về phong cảnh, con người.

Chuyến đi để lại ấn tượng với cậu là chuyến chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù thuộc xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu có độ cao 2.979 m. Đây là đỉnh núi cao nhất của huyện Trạm Tấu, cao thứ 6 của Việt Nam, nằm trong khối núi Pú Luông, thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Lần đó Hoài Văn cùng với phóng viên Mạnh Cường theo chân một cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Văn Chấn lên tìm hiểu về mô hình chăn nuôi của anh Thào A Tủa – người đã nghị lực vượt lên khó khăn một mình gắn bó với đỉnh núi này hơn 20 năm để chăn nuôi. Hành trình ngược núi 7 tiếng đồng hồ, có những lúc đôi chân mỏi nhừ không muốn bước tiếp. Hành trình thật thú vị khi được trải qua các luồng khí hậu khác nhau: đầu tiên là trời lạnh, tiếp đến là một lớp sương mù dày đặc thì rét buốt hơn, rồi một khoảng trời nắng, nóng phải bỏ hết những chiếc áo rét vừa mặc vào lúc trước, cuối cùng là gió hun hút, đặt chân đến đỉnh bắt gặp khoảng trời quang đãng, thỏa thích để ngắm cảnh trời mây. Với Hoài văn chuyến đi vừa là chinh phục đỉnh núi, quảng bá về du lịch cũng vừa là thử sức mình.

Trong những câu chuyện về nghề, Hoài Văn luôn nhớ về thời gian được phụ trách mảng Chữ thập đỏ, 5 năm gắn bó Hoài Văn đã đi, chứng kiến không biết bao nhiêu hoàn cảnh, mảnh đời bất hạnh, cậu đã nhớ và kể cho tôi rất nhiều người. Có những hoàn cảnh quá đặc biệt nên Văn cũng dành cho họ một tình cảm đặc biệt, đó là trường hợp người cựu chiến binh Lương Thanh Xuân, thôn 16 xã Động Quan, huyện Lục Yên, 10 năm tham gia chống Mỹ giải phóng đất nước, nhưng khi đất nước hòa bình thì bản thân ông vẫn đang hàng ngày đối diện với “cuộc chiến” khi cả 3 người con của ông đều bị di chứng chất độc da cam, mấy chục năm nay chỉ biết bò lê và la hét, năm nào Văn cũng có bài viết về gia đình ông, chỉ với mong muốn được sẻ chia, tìm sự đồng cảm giúp đỡ từ cộng đồng. Giờ không còn phụ trách mảng Chữ thập đỏ nữa nhưng trong câu chuyện dường như Hoài Văn vẫn luôn theo dõi họ, khi biết 2 trong số 3 người con của ông Lương Thanh Xuân được gửi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, những lúc đến đó Văn cũng không bao giờ quên hỏi thăm về họ.

Hoài Văn chia sẻ “Nghề báo đã cho mình đi để tìm tòi khám phá, để sẻ chia, để tích lũy kiến thức và vốn sống cho mình; để cảm nhận sự sâu lắng tình người, có những chuyến đi, những con người, những hoàn cảnh gây cho mình rất nhiều xúc động, day dứt, tự thấy mình cần phải chia sẻ nhiều hơn”.

Vì vậy mà trong công việc hay các hoạt động xã hội, từ thiện của cơ quan, đồng nghiệp luôn nhìn thấy một Hoài Văn nhiệt tình, trách nhiệm và cố gắng. Bởi Văn muốn đi để biết, để viết, lan truyền và chia sẻ, đó cũng chính là cái được lớn nhất mà nghề báo đã cho cậu.

9 năm theo nghề, đó chưa phải là khoảng thời gian dài đối với người làm báo, nhưng bản thân Hoài Văn cũng đã trải nghiệm nhiều về cuộc sống và con người. Giờ đây Hoài Văn cũng đã học thêm chuyên ngành báo chí, nhìn lại khoảng thời gian những năm đầu làm báo, qua những nỗ lực của bản thân, qua các bài báo được đồng nghiệp và độc giả đánh giá cao, bản thân Hoài Văn luôn tâm niệm: Làm nghề gì cũng cần có sự say mê, tâm huyết.

Thùy Linh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải